Các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam đang làm ăn ra sao?

    Việt Linh,  

    Nửa đầu năm nay, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu ghi nhận doanh số gần 144.00 tỷ đồng, tăng trưởng chủ yếu dựa vào TikTok Shop, Shopee. Trong khi đó, Lazada, Tiki, Sendo đi lùi.

    Số liệu được nền tảng Metric thu thập cho thấy, doanh số của 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu gồm Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, và Tiktok Shop tăng gần 55% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hoá tiêu thụ cũng tăng tới 65%, với hơn 1,5 triệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, số lượng nhà bán hàng lại giảm 7,5%, xuống còn 573.000 shop.

    Theo Metric, mức tăng trưởng này phản ánh sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử, đồng thời cho thấy khả năng tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi sự dịch chuyển mua sắm trực tiếp sang trực tuyến vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.

    Mức tăng trưởng đáng kể trong 6 tháng đầu năm có sự đóng góp lớn của 2 sàn Shopee và Tiktok Shop. Nền tảng non trẻ nhất là TikTok Shop ghi nhận tăng trưởng tới 150% về doanh số, và 242% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng của Shopee ở mức 65%. Trong khi đó, Lazada , Tiki, Sendo đi lùi.

    Các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam đang làm ăn ra sao?- Ảnh 1.

    Mức tăng trưởng đáng kể trong 6 tháng đầu năm có sự đóng góp lớn của 2 sàn Shopee và Tiktok Shop.

    Các nhà bán trên Shopee có doanh số cao chủ yếu đặt kho hàng đặt tại Hà Nội và TPHCM - hai trung tâm kinh tế hàng đầu với hệ thống logistics phát triển. Ngoài ra, khu vực Đồng bằng sông Hồng vẫn đang là khu vực đầy tiềm năng với nhiều kho hàng có doanh số cao , nhờ vào mật độ dân cư đông đúc và nhu cầu tiêu dùng lớn.

    Phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng vẫn duy trì sức hấp dẫn mạnh mẽ, với thị phần tăng thêm 3% so với cùng kỳ năm trước. Với nhiều biến động của tình hình kinh tế hiện nay, theo Metric, thắt chặt chi tiêu vẫn là tiêu chí được nhiều gia đình áp dụng.

    Cũng trong 6 tháng đầu năm, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự thống trị của các thương hiệu lớn thuộc ngành hàng điện thoại - máy tính bảng. Top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất có 4 cái tên quen thuộc như Apple, Samsung, Xiaomi. Điều này cho thấy, nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với các sản phẩm công nghệ.

    Livestream (phát trực tiếp) là xu hướng nổi bật thời gian qua, liên tục xuất hiện các phiên livestream thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng với doanh số cao, mắt xem khủng. Mỹ phẩm, thiết bị điện gia dụng, quần áo, giày dép, điện thoại, máy tính bảng, đồ dùng nhà bếp là các mặt hàng chủ yếu được bán trên livestream.

    Các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam đang làm ăn ra sao?- Ảnh 2.

    Phiên livetream 100 tỷ gây chú ý thời gian qua.

    Nông sản cũng xuất hiện nhiều hơn trên các livestream, nhận được sự hỗ trợ của các địa phương. Gần nhất, phiên livestream sản phẩm OCOP An Giang tiếp cận trên 31 triệu lượt người trên nền tảng Tiktok Shop, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang tổ chức.

    Tại Đà Nẵng, địa phương này đẩy mạnh kích cầu mua sắm tại các chợ, hỗ trợ hộ kinh doanh bán hàng qua các trang mạng xã hội và các sàn, qua việc tập huấn kỹ năng bán hàng livestream.

    Các sản phẩm giá trị cao như ô tô, xe máy cũng không nằm ngoài xu hướng. Vinfast đã kết hợp với một số KOL, KOC (người có sức ảnh hưởng) tổ chức livestream, có phiên bán xe điện đạt doanh số 3,3 tỷ đồng.

    Dự báo thời gian tới, Metric cho rằng, tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam sẽ đạt mức hơn 88.000 tỷ đồng trong quý III, tăng trưởng hơn 23% so với quý trước.

    Quý III là giai đoạn trọng điểm tăng trưởng của đa số ngành hàng. Xu hướng mua sắm qua livestream , mua theo combo (nhóm sản phẩm) sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. Chuyên gia nghiên cứu của Metric cho rằng, doanh nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, phân tích sâu dữ liệu để nhận diện các sản phẩm hot-trend trên thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ