Các tài xế xe ôm công nghệ tâm sự về những rủi ro, nguy hiểm của nghề sau vụ nam sinh năm nhất chạy Grab nghi bị sát hại dã man
Sau vụ việc nam sinh năm nhất chạy Grab nghi bị sát hại, nhiều tài xế xe ôm công nghệ không giấu nổi sự thương xót và lo lắng cho chính công việc hàng ngày của mình. Theo mọi người, mỗi lái xe công nghệ cần luôn phải cảnh giác và đặt an toàn của bản thân lên hàng đầu để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Sự việc nam sinh viên năm nhất chạy xe ôm công nghệ nghi bị sát hại và được tìm thấy thi thể tại bãi đất hoang phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và bàng hoàng trong những ngày qua.
Nhiều lái xe công nghệ từng đối mặt với "tử thần" trong những chuyến chở khách.
Chuyện khách hàng quỵt tiền xảy ra như cơm bữa
Biết đến sự việc nam sinh năm nhất chạy Grab bị sát hại mới đây, N.V.Đức (SN 1999, quê Bắc Ninh), sinh viên năm 3 tại 1 trường Đại học ở Hà Nội và cũng làm thêm nghề chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập, cho biết cậu cảm thấy vô cùng bàng hoàng và thương xót cho nạn nhân và gia đình.
"Em cảm thấy thương cho bạn ấy và gia đình bạn ấy. Sau sự việc em cũng cảnh giác hơn, đặt an toàn bản thân lên hàng đầu. Có thể thời gian tới em cũng hạn chế chạy những chuyến vào ban đêm", Đức nói.
Chia sẻ thêm về những rủi ro, nguy hiểm bủa vây khi làm nghề xe ôm, Đức cho biết đã không ít lần cậu bị quỵt tiền và gặp phải những tình huống nguy hiểm.
"Em cũng như những tài xế khác, đã làm nghề này thì ai cũng ít nhất một lần từng bị khách quỵt tiền. Có lần khách đặt xe em chở từ Bến xe khách Mỹ Đình sang đến Cổ Nhuế. Đến nơi thì khách bảo đợi đi lấy tiền, đợi mãi không thấy khách ra gọi điện lại thì thuê bao rồi, đành ngậm ngùi ra về", Đức chia sẻ.
Theo các tài xế chạy xe công nghệ cho biết, đa số cách quỵt tiền của khách là khi đến nơi bảo tài xế đợi để đi lấy tiền rồi "lặn mất tăm". Đối với Đức, chuyện khách quỵt tiền không đáng sợ bằng việc chở các khách hàng có biểu hiện lạ.
Đức kể có lần cậu nhận chở khách yêu cầu đi từ Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) đến khu Thiên Đường Bảo Sơn (Hoài Đức, Hà Nội). Mặc dù nhìn thấy vị khách có nhiều hành vi không minh bạch nhưng vì miếng cơm manh áo nên Đức vẫn nhận đi.
Ngoài việc đi học, Đức vẫn thường chạy thêm xe ôm công nghệ kiếm thêm thu nhập.
"Trên đường đi em thấy họ cứ gọi điện nói chuyện nghe khá đáng sợ, tục tĩu nhưng trót chở rồi nên cứ đi. Khi đến địa điểm là Đại Lộ Thăng Long cạnh Thiên Đường Bảo Sơn rồi, họ lại yêu cầu em chở tiếp vào trong một con hẻm tối.
Lúc đó em sợ thật sự và lấy lý do là nhà có việc nên không chở tiếp vào trong ngõ nữa thì vị khách này liền bảo "chở vào đó lấy tiền, ở đây không có tiền". Thấy khách tỏ vẻ nóng giận khó chịu nên em đành chịu mất tiền và đi về tay trắng", Đức nhớ lại.
Cần nâng cao cảnh giác với những khách hàng có dấu hiệu khả nghi
Là một người đã chạy Grab được 2 năm, anh Tuấn (30 tuổi, quê Sơn La) cho biết, bản thân anh cũng đã từng bị khách quỵt tiền nhiều lần. Chuyện đối mặt với nguy hiểm thì anh luôn cảnh giác, mỗi khi có biểu hiện bất thường là anh sẽ tìm cách để dừng chuyến xe.
Tâm sự với chúng tôi về chuyến xe mà anh nhớ nhất, anh Tuấn chia sẻ: "Hôm đó tôi nhận chở khách từ phố Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) về phố Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trước khi đi thì tôi cũng nghi ngờ rồi. Trên đường đi, người này liên tục gọi điện nói chuyện rất khó nghe và thể hiện là một người không đứng đắn.
Anh Tuấn vẫn thường chạy xe chở khách vào ban đêm nhưng luôn cảnh giác cao độ.
Tôi trót nhận nên cứ chạy nhưng vẫn luôn đề phòng. Khi đến nơi thì người này đặt trên ứng dụng điểm kết thúc ở đầu ngõ nhưng lại bảo mình chở vào sâu trong ngõ tối, biết là có chuyện không lành nhưng vẫn đành chở cho xong chuyến.
Lúc đó tôi chở vào thì chạy xe với tốc độ cao, đến một cái nhà có điện sáng mở cửa thì tôi dừng lại và nhất định không chở vào tiếp. Sau đó, người này lại lấy lý do không có tiền trên người để yêu cầu chở tiếp vào. Tuy nhiên, tôi đã quay xe đi về và chấp nhận mất tiền", anh Tuấn nhớ lại.
Theo anh Tuấn, bản thân anh cũng đã biết đến sự việc nam sinh viên năm nhất chạy xe ôm công nghệ bị sát hại và phát hiện thi thể tại bãi đất hoang vừa xảy ra. Cũng sau sự việc này, anh Tuấn cho biết bản thân càng phải thận trọng hơn khi nhận chở khách.
"Khổ thân cậu ấy nhưng không ai biết trước được điều gì. Sau sự việc này tôi cũng không cảm thấy sợ lắm vì đó là công việc hàng ngày của mình. Tôi chỉ biết cố gắng cảnh giác hơn mỗi khi chở khách để đảm bảo an toàn cho bản thân", anh Tuấn nói.
Anh Tuấn tâm sự, làm nghề lái xe công nghệ nhiều khi phải tỉnh táo. Khi thấy khách có biểu hiện lạ thì nên tìm mọi cách để dừng chuyến đi nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân.
"Mỗi khi khách yêu cầu chở vào đường tối, tài xế nên đi nhanh vì khi đó nếu nhỡ kẻ xấu có làm gì mình thì cũng phải dè chừng vì mình ngã ra thì cả 2 cùng chết. Đi đến khi nào thấy có nhà mở cửa hay bật điện sáng thì dừng lại và tìm mọi cách để dừng chuyến đi nhằm đảm bảo an toàn", anh Tuấn chia sẻ về 1 trong những cách mà anh sử dụng khi gặp phải khách hàng đáng nghi.
Chạy xe ôm đã 20 năm nay, ông Nam thường không chạy xe vào buổi tối đến những khu vực vắng vẻ.
Từng có 20 năm kinh nghiệm chạy xe ôm, ông Nam (42 tuổi, quê Hà Nam) cho biết ông đã nghe đến câu chuyện đau lòng về nam sinh năm nhất bị sát hại. "Tôi cũng có nghe qua câu chuyện đau lòng này, sự việc xảy ra cảm thấy thương cậu ấy. Không ai dám nói trước điều gì, đôi khi chuyện đau lòng đến mà không ai mong muốn. Tôi thì không thấy sợ vì đó là công việc của mình hàng ngày, sau những lần bị quỵt tiền, tôi cũng cảnh giác hơn", ông Nam cho biết.
Chia sẻ thêm, ông Nam nói để tránh bị quỵt tiền, ông thường nhận tiền ngay sau khi kết thúc chuyến đi. Nếu khách không có tiền, tài xế có thể yêu cầu khách hàng gọi người thân mang tiền ra để trả tránh trường hợp khách đi mất.
"Tôi chạy xe luôn cảnh giác, mỗi khi khách có biểu hiện nghi vấn là tôi không chở nữa. Nhiều khi khách yêu cầu chở đi rồi nghe ngóng nói chuyện điện thoại như đi nhận ma túy hay bán hàng cấm… là tôi dừng lại và hạn chế không đi đêm", ông Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Nam, mỗi lái xe công nghệ cần luôn phải cảnh giác và đặt an toàn của bản thân lên hàng đầu để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI