Cách ly xã hội thời dịch 102 năm trước, vì sao các công ty ‘cầu xin’ khách hàng hạn chế sử dụng điện thoại hết mức có thể?

    Mai Lâm, Theo Nhịp sống kinh tế 

    Phát minh của Alexander Graham Bell được cho là sẽ có ích đối với những người đang cách ly. Nhưng AT&T cuối cùng lại cầu xin mọi người đừng sử dụng nó.

    Bị nhốt ở nhà vì dịch bệnh không phải là chuyện vui. Nhưng vào năm 2020, người ta không cần phải ngắt kết nối với thế giới bên ngoài, nhờ vào internet, rủi ro lớn hơn bạn có thể gặp phải trong trận đại dịch là quá nhiều thông tin khiến bạn bị choáng ngợp.

    Nhìn lại 102 năm về trước, dưới sự bùng phát của cúm Tây Ban Nha năm 1918, một cách nào đó, hoàn cảnh mà con người phải sống trong 2 thời điểm này khá giống nhau. Chính quyền địa phương thông báo đóng cửa các trường học kể cả mẫu giáo, cách ly khiến mọi người bị mất việc và phải sống xa gia đình và bạn bè. Không ai đề cập đến cách ly xã hội, nhưng tại thời điểm đó, người ta vẫn thực hiện biện pháp trên.

    Cách ly xã hội thời dịch 102 năm trước, vì sao các công ty ‘cầu xin’ khách hàng hạn chế sử dụng điện thoại hết mức có thể? - Ảnh 1.

    Trong trận dịch cúm năm 1918, một nhân viên trực điện thoại đang thực hiện các biện pháp bảo vệ.

    Và một phần của công nghệ hứa hẹn sẽ giúp mọi người tiếp tục cuộc sống của mình là: điện thoại.

    Mặc dù đã 42 năm kể từ khi Alexander Graham Bell thực hiện cuộc gọi điện thoại đầu tiên tại phòng thí nghiệm ở Boston, nhưng đứa con tinh thần của ông vẫn đang trong quá trình phổ cập đến người dân. Theo Statista, ngay cả năm 1920, chỉ có 35% gia đình ở Hoa Kỳ có điện thoại. Nhưng tại thời điểm cách ly - hay còn gọi là tự cách ly - người ta đòi hỏi quyền được tiếp xúc với bên ngoài xã hội.

    Đáng buồn thay, hệ thống điện thoại của năm 1918 đã trở thành nạn nhân của thảm họa cúm thay vì trở thành cứu cánh. Hãy nhìn lại những lý do vì sao mọi chuyện đã xảy ra như vậy:

    VUI LÊN, NHỮNG NGƯỜI BỆNH

    Vào thời điểm cúm Tây Ban Nha xảy ra, dịch vụ điện thoại đã được bán trên thị trường như một thứ có ích cho những người buộc phải ở yên 1 chỗ. Một quảng cáo trên báo AT&T quảng bá: "Những người bị cách ly sẽ không bị cô độc vì đã có Bell Telephone. Dịch vụ Bell mang đến sự cổ vũ và khích lệ cho người bệnh theo vô số cách khác nhau." Và trên bài quảng cáo là một bức ảnh minh họa: Một người phụ nữ theo phong cách Gibson Girl đang vui vẻ cầm cái điện thoại hình nến trên tay.

    Quảng cáo đó gần đây đã được chia sẻ trên Twitter dưới dạng đồ hiếm trong dịch cúm Tây Ban Nha. Trên thực tế, nó có từ năm 1910 và không liên quan đến bất cứ đợt cách ly nào đặc biệt. Chỉ cần xem qua các tờ báo đầu thế kỷ 20 là người ta có thể nhận ra rằng: mọi người có ý thức rất cao trong việc phòng chống bệnh bạch hầu, bệnh đậu mùa, viêm màng não cột sống và các bệnh dễ lây lan khác. Các địa phương thường thi hành chính sách cách ly; AT&T (và các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn) đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh.

    Cách ly xã hội thời dịch 102 năm trước, vì sao các công ty ‘cầu xin’ khách hàng hạn chế sử dụng điện thoại hết mức có thể? - Ảnh 2.

    Mọi người đã tận dụng điện thoại theo cách mà ngay cả các công ty điện thoại cũng không thể dự đoán được. Vào tháng 1 năm 1918, tiền thân của Zoom weddings (đám cưới qua Zoom) thời nay, một người lính bị cách ly tại Camp Beauregard của Louisiana , John B. Caldwell, kết hôn với người yêu của mình, Lorene Smith, qua điện thoại. Tổng chưởng lý bang miễn cưỡng tranh luận rằng ngay cả khi có thể hợp pháp, thì cũng không nên đám cưới qua điện thoại. Sự dè dặt của ông cũng không can ngăn được vị thẩm phán chứng hôn cho cặp đôi hạnh phúc.

    Private Caldwell bị cách ly do viêm màng não cột sống. Theo truyền thuyết, một thành viên khác của Quân đội Hoa Kỳ, đầu bếp Albert Gitchell, đã trở thành bệnh nhân F0 của cúm Tây Ban Nha không dưới hai tháng sau khi ông ta bị đau họng khó chịu tại Fort Riley ở Kansas. (Đừng hiểu lầm cụm "cúm Tây Ban Nha", Tây Ban Nha chỉ là quốc gia đầu tiên trong khu vực bùng phát mạnh mẽ dịch cúm này, không phải là nguồn gốc dịch bệnh.) Đến tháng 8, cúm này đã lây nhiễm hàng triệu người trên toàn cầu, một phần do quân đội chiến đấu trong Thế chiến thứ I. Ước tính rằng một phần ba số người trên toàn thế giới đã mắc phải cúm Tây Ban Nha và 50 triệu người đã chết.

    Các thành phố và toàn bộ các bang đều áp đặt các biện pháp khẩn cấp tương tự với những biện pháp "ở yên tại chỗ" như thời nay, nhằm mục đích làm phẳng đường cong cúm bằng việc mọi người cách xa nhau. Các địa điểm kinh doanh, giáo dục và thờ cúng tạm thời bị đóng cửa, và một số nơi yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang.

    Trong một thời gian, có vẻ như điện thoại giúp mọi người tiếp tục cuộc sống đang bị gián đoạn ở mức tối thiểu. Ở Holton, Kansas, Hội Chữ thập đỏ địa phương đã phát những tấm bảng cho các thương nhân địa phương đặt tại cửa sổ của mình, khuyến khích khách hàng, đặc biệt là những người có thể bị bệnh gọi điện thoại thay vì bước vào cửa hàng. (Ngay cả trước khi có dịch, đặt hàng qua điện thoại đã trở thành một hình thức thương mại phổ biến, ví dụ, các cửa hàng tạp hóa cũng cung cấp dịch vụ giao hàng giống như Instacart.)

    Cách ly xã hội thời dịch 102 năm trước, vì sao các công ty ‘cầu xin’ khách hàng hạn chế sử dụng điện thoại hết mức có thể? - Ảnh 3.

    Quảng cáo ngày 28/7/1916 từ chương trình "Buổi tối của Los Angeles", điện thoại đã giúp mọi người giữ liên lạc khi ở nhà, trước khi dịch cúm Tây Ban Nha tấn công.

    Ở Long Beach, California, những đứa trẻ bị cách ly tại nhà là những con chuột bạch để người ta thử nghiệm hình thức giáo dục từ xa. Oakland Tribune nói: "Những học sinh cấp 3 ở đây sẽ học tại nhà và nói chuyện điện thoại thường xuyên với giáo viên hướng dẫn."

    Điện thoại cũng nổi lên như một phương tiện truyền tin trong thời đại mà ngay cả đài phát thanh vẫn chưa phải là một phương tiện đại chúng. Vào thời điểm đó, cách tốt nhất để chia sẻ tin tức nóng hổi là bản tin stereopticon (tin tức cảnh báo, hình ảnh, clip phim và phim hoạt hình trên màn hình khổng lồ tại một trụ sở hoặc địa điểm khác).

    Các bản tin Stereopticon có xu hướng thu hút đám đông, và đây chính là hiểm họa khiến cúm lan rộng và trở thành mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ đến gần vào ngày 5/11/1918, một tờ báo đã hủy dịch vụ báo cáo mà họ dự định cung cấp vào đêm bầu cử. Thay vào đó, họ bảo độc giả gọi điện thoại đến để biết kết quả. (Ngay cả khi không có dịch bệnh, mọi người thường làm phiền các tờ báo để lấy được những tin tức nóng hổi: Sacramento Bee nói đã nhận được tới 1.000 cuộc gọi/ phút trong các đêm bầu cử trước đó.)

    Lúc này vẫn chưa có chức năng ghi âm tin nhắn nên người ta gọi trực tiếp phóng viên. The Wichita [Kansas] Beacon viết: "The Beacon có 6 trụ điện thoại và sẽ có các nhân viên trực mỗi điện thoại để cung cấp những tin tức quan trọng nhất. Đừng tụ tập trên đường phố mà hãy gọi điện thoại."

    TỔNG ĐÀI VIÊN KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT

    Thực tế lý thuyết về điện thoại cho thấy, trong thời gian dịch bệnh chắc chắn sẽ xảy ra sự quá tải - không phải ở tất cả các quốc gia mà hầu hết nhiều quốc gia. Cơ sở hạ tầng của công ty điện thoại phụ thuộc vào các tổng đài viên (chủ yếu là phụ nữ trẻ), những người thực hiện thủ công từng kết nối một của người gọi và người nhận. Quay số tự động, không cần tổng đài viên, đã được phát minh vào thế kỷ 19 nhưng vẫn chưa phổ biến lắm.

    Các tổng đài viên cũng dễ bị cúm Tây Ban Nha như bất kỳ ai khác; thậm chí có thể có nguy cơ cao hơn, vì họ ngồi ở mép của các tổng đài trong một khu vực chật hẹp, khuỷu tay dễ chạm khuỷu tay của bất kỳ đồng nghiệp bị nhiễm bệnh nào. Và đội ngũ của họ cũng bị kiệt sức khi số lượng cuộc gọi là quá nhiều.

    Vào ngày 22/10, báo New York Times đã báo cáo rằng 2.000 tổng đài viên của Công ty Điện thoại New York, chiếm gần một phần ba lực lượng lao động, đã nhiễm bệnh. Không thể theo kịp nhu cầu dịch vụ, công ty đã áp dụng các biện pháp cắt giảm (bao gồm giảm 50% khả năng gọi điện từ điện thoại trả phí) và gửi đến khách hàng các thẻ yêu cầu hạn chế sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

    The Times dẫn lời một CEO của Công ty Điện thoại New York: "Mặc dù công ty có một số trường đào tạo nhưng vẫn không dễ để tìm người lấp đầy vị trí trống của tổng đài viên. Mọi người phải nên biết rằng tổng đài viên là một công việc đòi hỏi đào tạo chuyên sâu và không dễ tìm người thay thế."

    Thay vì chạy quảng cáo chào mời tính hữu dụng của điện thoại trong thời gian cách ly, các công ty của AT&T, Bell System và các đối thủ của họ đã phải cầu xin khách hàng hạn chế sử dụng điện thoại hết mức có thể. Michigan State Telephone trong một bài quảng cáo trên báo đã giải thích: "Tất nhiên, nhân viên của công ty điện thoại cũng bị ảnh hưởng giống như những nhân viên khác, và ngày càng khó xử lý các cuộc gọi theo cách thỏa đáng."

    Chỉ cần nhấn mạnh sự cấp bách của vấn đề, North Carolina’s Piedmont Telephone & Telegraph đã nhắc nhở các thuê bao rằng "Cuộc gọi quan trọng nhất phải để dành gọi các bác sĩ, cửa hàng thuốc. Tất cả các cuộc gọi khẩn cấp phát sinh từ dịch bệnh đều được xử lý hiệu quả và đó là mong muốn thiết tha nhất của công ty."

    Cách ly xã hội thời dịch 102 năm trước, vì sao các công ty ‘cầu xin’ khách hàng hạn chế sử dụng điện thoại hết mức có thể? - Ảnh 4.

    Quảng cáo ngày 30/10/1918, thông báo từ Enquirer and Evening News in Battle Creek, Michigan, các công ty điện thoại đã giải thích sự cần thiết phải hạn chế các cuộc gọi đến các trường hợp khẩn cấp, một cách lịch sự nhưng chắc chắn.

    Ở Florida, một quảng cáo Peninsular Telephone đã đề cập đến các tổng đài viên bị bệnh và yêu cầu khách hàng không gọi vào những khung giờ nhất định (do tổng đài viên là con người chứ không phải máy móc) cho đến khi điều kiện trở lại bình thường.

    Một quảng cáo của New York Telephone thậm chí còn cảnh báo rằng các tổng đài viên có thể hỏi về bản chất của một cuộc gọi để đảm bảo nó thực sự cần thiết.

    Cách ly xã hội thời dịch 102 năm trước, vì sao các công ty ‘cầu xin’ khách hàng hạn chế sử dụng điện thoại hết mức có thể? - Ảnh 5.

    Ở bên trái, một quảng cáo từ Passoms, New Jersey’s Evening News cho ngày 25/10/1918, cảnh báo khách hàng của New York Telephone rằng các tổng đài viên có thể sẽ thấy khó chịu về các cuộc gọi. Ở bên phải, từ Gastonia, North Carolina’s Gastonia Gazette ngày 18/10/1918, một quảng cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý các cuộc gọi đến bác sĩ và cửa hàng thuốc.

    Các thị trấn nhỏ cũng đối mặt với thách thức tương tự như các đô thị nhộn nhịp, chỉ là ở quy mô nhỏ hơn. Người quản lý của công ty điện thoại địa phương ở Donaldson, Louisiana - địa phương có dân số khoảng 4.000 người - đã viết: "Hãy nhớ rằng các tổng đài viên là con người. 6 trong số các tổng đài viên của chúng tôi đã bị cúm và dịch vụ này được thực hiện với số nhân viên ít ỏi, trong khi số lượng cuộc gọi tăng lên, do số lượng lớn các cuộc gọi là từ người bệnh."

    Vì các hệ thống điện thoại không thể theo kịp mức sử dụng thông thường ít nhất là áp dụng với một số địa phương. 3 ngày trước cuộc bầu cử năm 1918, The Sacramento Bee tuyên bố với dòng chữ in hoa: "THE BEE SẼ KHÔNG TRẢ LỜI ĐIỆN THOẠI." Họ khuyên độc giả tận dụng dịch vụ bản tin stereopticon của mình. Nhưng vẫn nhắc nhở người dân phải đề phòng: " Ban Y tế Thành phố nói rằng sẽ không có nguy hiểm nếu những người tụ tập ngoài đường đều đeo khẩu trang."

    Theo một cách nào đó, sự bất cập của điện thoại trong suốt đại dịch năm 1918 chỉ nhấn mạnh rằng đó là 1 điều kỳ diệu. The New York Times, trong một bài xã luận kêu gọi độc giả chỉ thực hiện cuộc gọi khi thực sự cần thiết, đã viết: "Chưa đầy 40 năm trước, điện thoại là một món đồ chơi thú vị, và chưa đầy 20 năm sau, nó đã không còn là thứ xa xỉ của người giàu. Bây giờ nó đã trở thành một thứ đồ bình thường trong giao tiếp hàng ngày đối với mọi người, trực tiếp hoặc gián tiếp, ngoại trừ một phần nhỏ dân số. Bây giờ, không ai có thể hiểu làm thế nào có thể sống mà không dùng điện thoại và giá trị của nó là [chắc chắn] không thể đo đếm được."

    Ngày nay, khi internet có thể đáp ứng kịp các yêu cầu làm việc tại nhà đột ngột thì chúng ta cũng nên tạm dừng để tưởng tượng cuộc sống không có điện thoại. Hoặc thậm chí có thể tự hỏi vì sao ông bà cố của mình vẫn sống sót qua mùa dịch cúm Tây Ban Nha mà không có điện thoại - thứ mà ngày nay con người cho là hiển nhiên phải tồn tại.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ