Cài App giả mất tiền thật

    Thái Nhung , Đại đoàn kết 

    Gần đây, có người đã mất cả tỷ đồng sau khi cài phần mềm giả mạo. Đáng nói là thủ đoạn của các đối tượng này ngày càng tinh vi và số người sập bẫy lừa đảo vì thế cũng ngày càng tăng.

    Cài App giả mất tiền thật - Ảnh 1.

    Người dân cần cảnh giác với các App giả mạo để tránh mất tiền oan. Ảnh: Hoàng Chiến.

    Mất hàng trăm triệu đồng bởi App giả

    Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trên không gian mạng Việt Nam đang rộ lên chiến dịch lừa người dân cài các ứng dụng giả mạo như App của Chính phủ, Tổng cục Thuế…

    Chị Tạ Hường (trú tại 232 Phạm Văn Đồng, Hà Nội) chia sẻ, tôi làm kinh doanh nên định kỳ đều phải đi làm thủ tục nộp thuế cho nhà nước. Gần đây, rất nhiều lần tôi nhận được cuộc gọi hướng dẫn cài App của cơ quan Thuế để nộp thuế online cho thuận tiện. Vì trước đó đã nhận được nhiều cảnh báo về các thủ đoạn này nên tôi đề nghị các đối tượng đến tận nơi tôi làm việc để cài đặt. Khi thấy tôi trả lời như vậy thì đầu dây bên kia hẹn qua loa rồi cúp máy.

    Không may mắn như chị Hường, ngày 7/8, chị H.O. (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là người làm kinh doanh đã bị 1 đối tượng giả danh là cán bộ chi cục Thuế gọi điện hướng dẫn cài App nộp thuế. Thấy cũng tiện nên chị H.O. đã đồng ý cài đặt. Đối tượng liền gửi cho chị H.O. đường link và hướng dẫn chị cài đặt phần mềm.

    “Sau khi truy cập vào đường link để cài đặt, tôi phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất hơn 10 triệu đồng, lúc này tôi mới biết là mình bị lừa. Vì thấy số tiền không quá lớn nên tôi đã không trình báo cơ quan Công an” - chị H.O. cho biết, đồng thời thông tin thêm, chị chỉ cài 1 App ngân hàng với số tiền trong tài khoản không lớn nên số tiền bị mất không nhiều. Đây cũng là bài học để tôi cũng như nhiều người phải cảnh giác hơn.

    Trước đó, vào ngày 25/7, chị V.H. (Long Biên, Hà Nội) đã trình báo công an về việc chị này có làm theo hướng dẫn cài App phần mềm nộp thuế của 1 người tự xưng là cán bộ chi cục thuế và sau khi truy cập vào đường link chị V.H. đã bị mất 400 triệu đồng.

    Cảnh giác để không mất tiền oan

    Theo ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn giao thông, hiện nay không chỉ xuất hiện một App giả mạo mà các đối tượng lừa đảo đang sử dụng gần 195 hệ thống khác nhau để lừa đảo người dân. Ông Hưng cho biết, tình trạng lừa đảo trực tuyến đang diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, không cả tin, khi tiếp nhận thông tin cần phải bình tĩnh xác minh, không vội vàng, tránh tiền mất tật mang.

    Luật sư Nguyễn Ngọc Phú (Giám đốc Hãng luật NPLaw - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: Hành vi lừa đảo trực tuyến có đầy đủ dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đối với tội phạm này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi mà người phạm tội có thể bị xử phạt ở các mức độ khác nhau.

    Mức nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến mức nặng nhất là phạt tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    “Mặc dù mức phạt cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất nặng, tuy nhiên ngày càng có nhiều đối tượng bất chấp và dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tất cả những thông tin về đối tượng lừa đảo mà nạn nhân có được đều rất ít cũng như các giấy tờ mà các đối tượng này sử dụng để mở tài khoản ngân hàng đều là giấy tờ giả. Nên quá trình xác minh, điều tra, truy vết của cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn” - Luật sư Phú cho biết.

    Bà Đỗ Hải Anh - Phó Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin (Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Phòng, chống lừa đảo trực tuyến là câu chuyện diễn ra lâu dài và trường kỳ, bên cạnh các biện pháp ngăn chặn và xử lý, trong thời gian tới, Cục An toàn thông tin sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền các nội dung mới, phối hợp thực hiện các hoạt động, hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thông tin nói chung và lừa đảo trực tuyến nói riêng.... Bên cạnh đó, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình thực hiện các bản tin, phóng sự nhằm truyển tải mạnh mẽ hơn tới đông đảo nhân dân.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ