Cái chết của Windows Phone đã khiến Windows 10 bỗng chốc trở thành "kép phụ" ngay bên trong Microsoft

    Liam,  

    Không còn khả năng duy trì sự thống trị lên chiến trường hệ điều hành, Microsoft buộc phải tìm đến một "tầng" công nghệ cao hơn để có thể tiếp tục kiểm soát cả thế giới. Sự kiện Build năm nay là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đổi thay này.

    4 năm trước, tân CEO của Microsoft, Satya Nadella, gây sốc ngay bằng sự kiện đầu tiên khi ra mắt. Thay vì chọn bất cứ một sản phẩm "của riêng" nào khác, vị CEO gốc lại lựa chọn Office trên iPad làm sản phẩm mở màn cho nhiệm kỳ của mình.

    Chỉ 1 năm sau, tháng 7/2015, Microsoft xóa sổ hoàn toàn khoản trị giá 7,6 tỷ USD của Nokia. Windows 10 Mobile ra mắt theo kiểu "lấy lệ" và đến tháng 10 năm ngoái thì bị khai tử hoàn toàn. Không một tính năng nào mới được phát triển, không phần cứng mới nào được ra mắt, lịch sử 17 năm của Windows trên di động đã chính thức chấm dứt.

    Windows vs. "trải nghiệm Windows"

    Cái chết của Windows Phone đã khiến Windows 10 bỗng chốc trở thành kép phụ ngay bên trong Microsoft - Ảnh 1.

    Phiên bản Windows 10 mới nhất gần như vắng mặt hoàn toàn tại Build 2018.

    Không khó để nhận ra rằng cái chết của Windows di động gắn liền với Satya Nadella. Nhưng nhà lãnh đạo của Microsoft là một người rất được tôn trọng và đánh giá cao bởi giới công nghệ. Dưới thời Satya Nadella, sự kiện Build (hội nghị các nhà phát triển của Microsoft) hàng năm đã thực sự trở thành một "đại tiệc" của những tầm nhìn công nghệ có thể đổi thay tương lai loài người.

    Điều kỳ lạ là, trong 2 năm gần đây, vai trò của Windows 10 tại Build càng ngày càng trở nên mờ nhạt. Năm nay, trong cả 2 ngày diễn thuyết, Microsoft gần như không hề nói về phiên bản mới ra mắt (April Update). Trong số tất cả các thông báo đáng chú ý của gã khổng lồ phần mềm, có duy nhất Fluent Design là "liên quan" nhất đến Windows 10.

    Nhưng lãnh đạo mảng Windows là Joe Belfiore vẫn xuất hiện dày đặc trên sân khấu Build. Thay vì nói về Windows 10, ông đề cập rất nhiều đến "trải nghiệm Windows". Microsoft muốn mang "trải nghiệm Windows" lên chính các hệ điều hành từng giết chết Windows Phone: iOS và Android. Ví dụ, với Your Phone mới ra mắt, bạn có thể biến kênh truyền thông tin từ smartphone Android/iPhone lên Windows 10 trở nên cực kỳ đơn giản. Với Timeline - cũng vừa mới ra mắt tại Build, công việc của bạn sẽ được đồng nhất từ Windows lên Android/iOS: file đang mở từ Windows sẽ xuất hiện ngay bên trong giao diện Timeline của trình duyệt Edge trên iOS và trong Microsoft Launcher dành cho Android.

    Cái chết của Windows Phone đã khiến Windows 10 bỗng chốc trở thành kép phụ ngay bên trong Microsoft - Ảnh 2.

    Microsoft dành rất nhiều thời gian tại Build để nói về cách đồng nhất Windows và... iPhone/Android.

    Microsoft thậm chí còn cung cấp nhiều tính năng mới cho bộ Microsoft Launcher trên Android, bao gồm cả khả năng tích hợp mạnh mẽ với các ứng dụng nghiệp vụ dành cho giới doanh nghiệp. "Trải nghiệm Windows" giờ hóa ra lại không phải là trải nghiệm trên Windows, mà là trải nghiệm công nghệ của Microsoft trên tất cả các hệ điều hành phổ biến!

    Đồng nhất trên "sân khách"

    Chính người lãnh đạo của bộ phận Windows đã đưa ra tuyên ngôn sau đây tại Build 2018: "Khi bạn xem tài liệu Word, việc bạn đang dùng Android, iOS hay Windows không hề có ý nghĩa gì cả". Tuyên bố này của Belfiore có nghĩa rằng Microsoft không còn muốn sống chết đưa Windows (hay Windows Phone) trở thành hệ điều hành thống trị thế giới nữa. Windows vẫn là hệ điều hành phổ biến nhất trên nền PC, nhưng tầm nhìn của Microsoft giờ đã khác hẳn: mang "trải nghiệm (màu sắc) Windows" lên tất cả các hệ điều hành, bao gồm cả các hệ điều hành không thuộc về Microsoft.

    Cái chết của Windows Phone đã khiến Windows 10 bỗng chốc trở thành kép phụ ngay bên trong Microsoft - Ảnh 3.

    Những lá bài chủ lực của Microsoft đều đang có mặt trên các hệ điều hành của Apple và Google.

    Mọi thứ đã khác hẳn với 3 năm trước, khi khái niệm "đồng nhất" (universal) của Microsoft vẫn chỉ gói gọn trong các phiên bản Windows khác nhau. Hiện tại, các ứng dụng cốt lõi của Microsoft như Word, Excel, PowerPoint và Outlook đang được cung cấp với chất lượng tương đồng trên Windows, Mac, iOS và Android. Sản phẩm được coi là lời đáp trả của Microsoft dành cho đối thủ mới nổi Slack trong lĩnh vực doanh nghiệp là Teams cũng được đưa lên iOS/Android. Và, đáng ngạc nhiên hơn nữa, cả trình duyệt Edge hay trợ lý ảo Cortana cũng có mặt trên iOS và Android.

    Mục tiêu không còn là "dùng Edge để tạo lợi ích riêng cho Windows" mà đã trở thành "đưa Edge phổ cập tất cả các hệ điều hành để tạo lợi ích cho tương lai của Microsoft".

    Tại sao phải làm như vậy? Bởi Windows Phone đã thua cuộc đau đớn. Giữ Edge cho riêng Windows 10 (hay Windows 10 Mobile) sẽ là vô nghĩa, bởi iOS và Android đã trở thành những thế lực lớn trong cuộc chiến hệ điều hành. Muốn tiếp tục kiểm soát thế giới, Microsoft buộc phải tìm cách thống trị "tầng" công nghệ nằm trên cả iOS, Android lẫn Windows: "tầng" ứng dụng. Các ứng dụng của Microsoft và cả các ứng dụng của bên thứ ba phát triển (có sử dụng đến Graph, đám mây Azure hay Xamarin) sẽ thâu tóm hàng tỷ người dùng công nghệ vào "trải nghiệm Windows" xuyên suốt.

    Cái chết của Windows Phone đã khiến Windows 10 bỗng chốc trở thành kép phụ ngay bên trong Microsoft - Ảnh 4.

    Windows sẽ "yêu" các thiết bị khác, bởi có vậy thì Microsoft mới tiếp tục kiểm soát được thế giới công nghệ.

    Thực chất, những gì đang diễn ra ngày hôm nay sẽ không gây bất ngờ với những ai thực sự dõi theo Microsoft một cách cẩn trọng. Nếu Windows không bị "hạ cấp", Windows 10 khi mới ra mắt đâu có được miễn phí rộng rãi đến vậy? Những năm vừa qua, Microsoft được tung hô lên tận mây xanh cũng đâu phải vì Windows khi mảng "điện toán cá nhân" của hãng này vẫn cứ trồi sụt thất thường? Rõ ràng là Windows đã trở thành nhân tố kém quan trọng trong ván bài của Satya Nadella, và bởi thế, hệ điều hành lịch sử này sẽ buộc phải chấp nhận làm bạn với iOS và Android ngay trên sân khấu của Microsoft!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ