Cái chết nghiệt ngã của "thợ săn cá sấu" Steve Irwin: Nhà động vật học hàng đầu thế giới và câu chuyện "sinh nghề tử nghiệp"

    J.D, PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC 

    Steve Irwin đã từng vật nhau tay đôi với cá sấu, từng đối diện với hàng trăm loài vật hoang dã. Nhưng cuối cùng, cuộc đời anh chấm dứt vì một loài vật bất ngờ.

    Năm 6 tuổi, Steve Irwin bắt được một con rắn độc màu nâu. Lẽ thường, bất kỳ đứa trẻ (thậm chí cả người lớn) nào cũng hoảng sợ mà chạy cho thật nhanh. Nhưng Irwin thì không. Trái lại, con rắn tạo ra một tia sáng lóe lên trong tâm hồn của cậu bé người Úc, đốt cháy niềm đam mê đối với động vật tự nhiên. Chỉ 3 năm sau, Irwin khởi động hành trình chinh phục đam mê của mình, bắt đầu bằng... vụ vật nhau với một con cá sấu.

    Irwin say mê chúng, tất cả mọi loài vật, và anh biến những phương pháp xử lý chúng một cách thuần thục trở thành sự nghiệp của mình. Năm 1991, Irwin bắt đầu quản lý Công viên Bò sát và động thực vật Beerwah - vốn được cha mẹ anh mở ra từ năm 1970, rồi sau này đổi tên thành Sở thú Australia. Anh trở thành một tên tuổi lớn, nổi tiếng với series phim tài liệu Thợ Săn Cá Sấu (The Crocodile Hunter) giai đoạn 1997 - 2004.

     Cái chết nghiệt ngã của thợ săn cá sấu Steve Irwin: Nhà động vật học hàng đầu thế giới và câu chuyện sinh nghề tử nghiệp - Ảnh 1.

    Steve Irwin - nhà động vật học nổi tiếng thế giới một thời

    Năm 2006, Irwin trở thành nhà động vật học nổi tiếng nhất thế giới. Anh có một cuộc đời viên mãn, kết hôn cùng Terri Raines, có 2 con một trai một gái là Robert và Bindi. Rồi anh quyết định làm một bộ phim tài liệu tại rạn san hô Batt Reef ở Queensland - một nơi chính anh cũng xem nhẹ nếu xét đến độ nguy hiểm của những dự án bản thân đã làm trước kia.

     Cái chết nghiệt ngã của thợ săn cá sấu Steve Irwin: Nhà động vật học hàng đầu thế giới và câu chuyện sinh nghề tử nghiệp - Ảnh 2.

    Nhưng Irwin đã không thể ngờ rằng chỉ 1 loài vật biển - thậm chí còn chẳng được xem là nguy hiểm - đã khiến anh phải ra đi mãi mãi, vào ngày 4/9/2006.

    Ngày định mệnh

    "Steve Irwin đã chết" - đây gần như là thông điệp mà cả thế giới khi đó chẳng ai tin nổi, kéo theo vô số những lời đồn đoán. Nhưng chỉ một người chứng kiến tất cả những điều đó từ đầu đến cuối - Justin Lyons, cameraman (người quay phim) của Irwin. 8 năm sau ngày Irwin qua đời, Lyons đã có những lời chia sẻ về cái chết của anh.

    Justin Lyons là một trong những người thân thiết nhất với Irwin. Họ làm việc với nhau suốt 15 năm, ăn ý đến mức Irwin xem Lyons là "bạn thân nhất" và là "cánh tay phải" của mình.

     Cái chết nghiệt ngã của thợ săn cá sấu Steve Irwin: Nhà động vật học hàng đầu thế giới và câu chuyện sinh nghề tử nghiệp - Ảnh 3.

    "Thợ săn cá sấu" là biệt danh của Irwin, dựa trên bộ phim tài liệu nổi tiếng cùng tên

    Lyons nhớ lại, Irwin đã rất háo hức về dự án lần đó, trước viễn cảnh sẽ được đối mặt với những sinh vật tàn khốc nhất của đại dương - như cá mập và rắn biển. "Đó là những thứ có thể khiến người bình thường run sợ, nhưng Steve thích chúng. Anh ấy phấn khích về chúng," - Lyons nhớ lại.

    Còn 8 ngày trước lúc ghi hình và họ cần đi tìm cá mập hổ, nhưng lại gặp phải thời tiết xấu. "Steve sẽ như một con thú bị nhốt trong lồng nếu chẳng được làm gì. Vậy nên cậu ta bảo 'Đi nào, thử tìm xem có gì không.' Nói dứt câu, chúng tôi nhảy khỏi chiếc xuồng phao, lặn xuống biển để giết thời gian."

    Chẳng mất quá nhiều thời gian trước khi cả hai bắt gặp một con cá đuối ó (stingray) dài gần 2,5m. Đó sẽ là một cảnh rất ổn cho bộ phim tài liệu. Và với kinh nghiệm lâu năm của mình, cả hai lên kế hoạch, chụp và quay rất nhiều cảnh về con cá.

    "Cá đuối ó thường rất hiền hòa. Nếu chúng không muốn bạn lại gần, chúng sẽ bơi ra xa - bơi nhanh là đằng khác," - Lyons giải thích.

    Mọi chuyện cứ yên ổn diễn ra, cho đến cảnh quay cuối cùng. Lúc này, con cá đuối đang bơi giữa cả 2, và Irwin dự tính sẽ bơi về hướng camera, trong khi Lyons ghi hình con cá bơi ra xa.

    Và thảm họa đã xảy ra.

    Lồng ngực bị xé thủng như một con dao nóng cắt bơ

    "Đột nhiên, con cá nghiêng mình rồi dùng đuôi đâm điên cuồng, như thể hàng trăm nhát trong vài giây," - Lyons nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng, đồng thời nhấn mạnh rằng cá đuối ó là một loài vật rất quyền lực, đã yên vị trong tự nhiên suốt 60 triệu năm qua.

    "Có lẽ nó đã nghĩ cái bóng của Steve là một con cá mập hổ - vốn là loài chuyên săn đuổi chúng - và đã tấn công cậu ta."

    Trong hoàn cảnh ấy, Lyons vẫn kiên trì quay chụp. "Chúng tôi đặt ra quy tắc rồi. Kể cả khi Steve có bị thương, tôi vẫn phải bình tĩnh ghi hình," - Lyons chia sẻ.

     Cái chết nghiệt ngã của thợ săn cá sấu Steve Irwin: Nhà động vật học hàng đầu thế giới và câu chuyện sinh nghề tử nghiệp - Ảnh 4.

    Sau khi con cá bỏ đi, Lyons nhìn lại và giật mình nhận ra chiếc đuôi của con cá đã xuyên thẳng qua ngực Irwin. "Steve trôi nổi trong một bể máu, và tôi nhận ra có gì đó không ổn."

    Điều ưu tiên nhất khi đó là phải rời khỏi mặt nước, vì máu sẽ thu hút cá mập. Một số nguồn tin nói rằng Irwin đã tự tay rút chiếc đuôi ra khỏi người dẫn đến việc mất máu quá nhiều, nhưng Lyons khẳng định không có chuyện đó.

    "Chiếc đuôi xuyên vào ngực cậu ấy như con dao nóng cắt bơ vậy."

    Lúc đầu, Irwin nghĩ rằng phổi của Irwin đã thủng. Bởi lẽ, vết thương ấy chỉ nằm cách quả tim khoảng 5cm, và máu thì trào ra như suối.

     Cái chết nghiệt ngã của thợ săn cá sấu Steve Irwin: Nhà động vật học hàng đầu thế giới và câu chuyện sinh nghề tử nghiệp - Ảnh 5.

    "Steve chịu đau cực giỏi, vậy nên khi thấy cậu ta đau đớn như vậy, tôi hiểu rằng cơn đau ấy là cực kỳ khủng khiếp," - Lyons nói thêm. "Ngay cả khi chúng tôi có thể đưa được cậu ta đi cấp cứu lúc đó, tôi nghĩ cũng khó mà cứu được khi tổn thương là rất lớn."

    "Tôi sắp chết rồi"

    Sau khi đưa được Irwin lên thuyền, một thành viên trong đoàn bịt chặt tay vào miệng vết thương, trong khi Lyons chỉ biết động viên Irwin hãy nhớ về gia đình mà cố gắng.

    "Cậu ta chỉ bình tĩnh nhìn vào tôi rồi bảo 'Tôi sắp chết rồi' - đó là những lời cuối cùng Steve có thể nói."

     Cái chết nghiệt ngã của thợ săn cá sấu Steve Irwin: Nhà động vật học hàng đầu thế giới và câu chuyện sinh nghề tử nghiệp - Ảnh 6.

    Steve Irwin đã từng làm vô số những hành động mạo hiểm với động vật hoang dã

    Cả đoàn vội vã trở về tàu chính, và bắt đầu thực hiện hồi sức cấp cứu (CPR) cho Irwin. "Vẫn luôn có hy vọng. Chúng tôi mong chờ một điều kỳ diệu, và thực sự đã làm CPR cho cậu ấy suốt 1h sau đó."

    Nhưng rồi mọi thứ cũng chấm dứt. Khi đưa được Irwin đến bác sĩ, thông điệp nhận lại rất rõ ràng. "Họ bảo cậu ấy đã chết chỉ sau 10s quan sát thôi."

    Sau khi bi kịch xảy ra, đã có những lời chỉ trích xuất hiện ám chỉ rằng Irwin đã hành động quá thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên theo chuyên gia độc chất sinh học Jamie Seymour - người cũng ở trên tàu với Irwin ngày hôm ấy, thì mọi chuyện không phải như vậy.

     Cái chết nghiệt ngã của thợ săn cá sấu Steve Irwin: Nhà động vật học hàng đầu thế giới và câu chuyện sinh nghề tử nghiệp - Ảnh 7.

    "Họ không ở đó, nên làm sao họ biết chuyện gì đã xảy ra?" - Jamie Seymour quả quyết.

    Trên thực tế dù chủ yếu muốn tìm cá mập hổ, Seymour và Irwin đã thảo luận rất kỹ về những mối nguy hiểm mà cá đuối ó có thể mang lại. "Đó thực sự là một tai nạn quá tệ. Chỉ cần anh ấy ở xa hơn vị trí đó khoảng vài mét, hoặc xuất hiện từ một hướng khác, hoặc Mặt trời không chiếu theo hướng đó, chuyện đã không xảy ra. Xét cho cùng, cá đuối ó là loài cá rất nhát gan của đại dương. Chúng không phải vấn đề với con người, trừ một vài tình huống hiếm hoi."


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ