Cảm nhận nhanh Jolla: “Linh hồn” bị lãng quên của Nokia
(GenK.vn) - Vừa qua, smartphone Jolla chạy hệ điều hành Sailfish OS đã chính thức được bán ra tại Phần Lan.
Jolla, sản phẩm thai nghén dưới bàn tay những cựu binh một thời từ Nokia vừa chính thức lên kệ tại Phần Lan với giá bán khoảng 540 USD. Sản phẩm này đặc biệt ở chỗ nó là chiếc điện thoại đầu tiên chạy hệ điều hành Sailfish OS dựa trên nền tảng MeeGo cũ của Nokia. Về mặt cấu hình phần cứng, smartphone Jolla sẽ được trang bị vi xử lý hai nhân Snapdragon 400 tốc độ 1,4 GHz cùng 1GB RAM và màn hình cảm ứng 4,5 inch cho độ phân giải qHD. Camera của chiếc điện thoại này sẽ có độ phân giải 8 megapixel được hỗ trợ bởi đèn flash, camera trước 2 megapixel và bộ nhớ trong 16 GB (có thể mở rộng được thông qua khe cắm thẻ nhớ microSD).
Thiết kế
Nhìn chung, thiết kế sản phẩm thương mại của Jolla không thay đổi nhiều so với giai đoạn nguyên mẫu. Máy có kiểu dáng vuông vắn, góc cạnh, gia công chắc chắn và có trọng lượng hợp lý 141g. Tuy nhiên, các cạnh máy khá sắc, đặc biệt là 4 góc không được bo tròn nên cầm khá cấn tay và không thực sự thoải mái. Bù lại triết lý thiết kế của Jolla giúp máy có điểm nhấn ít “đụng hàng” so với các dòng điện thoại trên thị trường. Thiết bị được cải biến lại một chút từ kiểu dáng của Nokia N9 trước đây với khung máy được chia làm "hai mảnh" riêng biệt: Phần mặt trước là tông màu đen trong khi phần vỏ sau máy được tùy biến với nhiều màu rực rõ như xanh dương, đỏ, trắng, vàng chanh. Tổng cộng, có tới 9 màu sắc của Jolla mà người dùng có thể tùy ý lựa chọn.
Song khi chuyển qua phần mặt lưng máy, phải nói là hơi thất vọng một chút. Phần nắp lưng bằng nhựa mờ của Jolla thực sự khá đơn điệu, hầu như không có một điểm nhấn nào đáng chú ý ngoại trừ chiếc camera sau và đèn flash LED. Còn bên dưới nắp lưng là viên pin 2.100 mAh có thể tháo rời cùng khe cắm microSD và micro-SIM.
Có thể nói, trên thực tế về mặt thẩm mỹ, cách mà đội ngũ phát triển Jolla xây dựng nên smartphone này chỉ lạ chứ chưa thể coi là ấn tượng. Điển hình như phần mặt sau máy rất đơn điệu trong khi mặt trước lại có viền bezel quá dày, cứ như chúng ta đang nhìn vào một mẫu điện thoại của năm 2011 vậy.
Màn hình
Jolla được trang bị màn hình LCD 4,5 inch độ phân giải 540x960 pixel cho mật độ điểm ảnh 245 ppi và được bảo vệ bởi kính Gorilla Glass 2. Đây là những thông số trung bình và sự thật là màn hình máy cũng không quá xuất sắc. Jolla có khả năng hiển thị chấp nhận được, màu sắc tự nhiên và độ sáng tương đối. Tuy nhiên, khi lướt web, bạn có thể nhận ra những nét chữ thiếu mịn màng và có phần rỗ hạt.
Camera
Giờ đây, những chiếc camera độ phân giải 8 megapixel ngày càng xuất hiện thưa thớt trên các dòng smartphone cao cấp nhưng biết đâu liệu camera 8 chấm của Jolla có thể làm nên chuyện. Tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn tiến theo chiều hướng có lợi, chất lượng ảnh ở điều kiện ánh sáng tốt của Jolla nhìn chung không thực sự sắc nét, ảnh hơi mờ và màu sắc khá nhạt nhòa. Đặc biệt ảnh chụp thiếu sáng của máy khá tệ, kể cả khi kích hoạt đèn flash Led thì chất lượng cũng không được cải thiện nhiều.
Sở dĩ chúng tôi có những nhận xét khắt khe như vậy bởi sự kỳ vọng về chất lượng camera của Jolla là khá lớn bởi máy có giá bán không rẻ. Bên cạnh đó, là một thiết bị non trẻ, ít ra để tạo được lợi thế cạnh tranh và thu hút người dùng mới, Jolla cũng nên được đầu tư một chiếc camera chất lượng cao hơn.
Hệ điều hành Sailfish OS
Bộ khung phần mềm của Jolla gần như vẫn giữ nguyên các tính năng cơ bản mà chúng ta đã từng có cơ hội trải nghiệm cách đây gần một năm. Những ấn tượng ban đầu với Sailfish được cho là "MeeGo tái sinh" của Jolla thực sự mang lại cho tôi nhiều điều thú vị. Vì không hỗ trợ bộ phím cơ bản Back, Home, Menu như Android nên mọi thao tác trên Jolla đều chỉ thực hiện thông qua cử chỉ tay. Trước tiên, để mở màn hình, bạn có thể dùng nút nguồn hoặc đơn giản hơn là gõ 2 lần. Khi màn hình bật sáng, giao diện đầu tiên bạn bắt gặp là màn hình khóa của Jolla. Trên màn hình khóa, bạn sẽ thấy tất cả các thông tin cơ bản ngoài ngày giờ như có bao nhiêu tin nhắn đến, mail, cuộc gọi nhỡ… Trượt lên một chút, màn hình tiếp tục hiển thị thời lượng pin và tình trạng sóng. Kết thúc một hành trình trượt, bạn đã mở khóa màn hình và truy cập được vào màn hình Home của Jolla.
Ở màn hình Home, phía dưới cùng có một thanh tab sẽ chứa các ứng dụng cơ bản như trình gọi điện, tin nhắn, camera và trình duyệt web. Tiếp tục trượt từ dưới lên trên bạn sẽ truy cập được vào menu chứa các ứng dụng của máy. Menu này được thiết kế 4 cột và nhiều hàng, người dùng sẽ trượt cho tới khi hết ứng dụng. Nếu muốn quay về màn hình Home bạn cũng chỉ cần trượt nhẹ từ dưới lên.
Vậy màn hình Home sẽ chỉ chứa mỗi thanh tab thôi sao? Câu trả lời là màn hình chủ của hệ điều hành Sailfish được thiết kế như một trình quản lý task hay nói nôm na là nơi quản lý ứng dụng đa nhiệm như Android. Các ứng dụng được thu nhỏ sẽ xuất hiện dưới dạng các card trên màn hình home và vẫn tiếp tục chạy ngầm cho thấy Sailfish hỗ trợ đa nhiệm đúng nghĩa. Bạn truy cập bất cứ ứng dụng nào thì một cửa sổ nhỏ đại diện của ứng dụng đấy sẽ hiện lên màn hình Home. Lúc nào muốn truy cập lại bạn chỉ việc nhấn chọn và sẽ được đưa thẳng tới vị trí đã vào liền trước đó của ứng dụng. Nếu muốn thoát hẳn ứng dụng bạn có thể nhấn giữ và chọn dấu “X” để xóa. Lập trình viên có thể tùy biến các card này để hiển thị 1 giao diện người dùng với thông tin và các điều khiển theo thời gian thực. Ví dụ như card dành cho ứng dụng danh bạ sẽ chứa các thông tin như ảnh đại diện của bạn bè, card cho ứng dụng nhạc sẽ hiển thị thông tin về bài hát cũng như các nút điều khiển chạy nhạc, pause, next bài... Nói chính xác hơn có thể thấy các card nhỏ này đóng vai trò là cửa sổ đa nhiệm nhưng cũng giống như các widget của Android vậy. Bạn vẫn có thể chuyển bài hát, bật/tắt kết nối mạng, xem ảnh hay xem thông báo mới từ mạng xã hội.
Bên trong 1 ứng dụng, bạn kéo từ bên mép phải màn hình sang trái sẽ giúp xem qua được các thông báo vốn hiển thị ở màn hình khóa máy. Quét tiếp sang trái giúp bạn quay lại màn hình home. Trong khi đó, nếu trượt ngược lại từ trái sang phải sẽ có chức năng giống nút Back cho phép bạn quay lại mục vừa truy cập ngay trước đó của ứng dụng.
Hiệu năng
Có một vấn đề về mặt hiệu năng của Jolla, đó là nó không thực sự trơn tru như các nền tảng khác. Trải nghiệm với màn hình Home hay các menu là khá nhanh, tuy nhiên, việc mở ứng dụng rất chậm. Hầu hết các app đều cần tới 1 đến 2 giây để khởi chạy. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm thấy các ứng dụng Android được cài đặt trên Jolla nhưng chúng vận hành rất lag, có vẻ như khả năng tối ưu ứng dụng Android trên Sailfish OS chưa tốt.
Về phần kho ứng dụng Yandex của Sailfish, số lượng ứng dụng cực kỳ thưa thớt ở thời điểm này. Nếu đã quen với những store đầy ắp ứng dụng của iOS hay Android, bạn sẽ không khỏi thất vọng khi nhìn thấy sự thiếu vắng của các app phổ biến trên Sailfish. Dù vậy, đội ngũ phát triển Jolla vẫn hứa hẹn họ sẽ nhanh chóng tăng cường số lượng ứng dụng cho nền tảng của mình.
Kết luận
Còn quá sớm để kết luận sự thành bại của hệ điều hành Sailfish bởi smartphone Jolla mới chỉ là sản phẩm đầu tiên sử dụng nền tảng này. Tuy nhiên, những trải nghiệm ban đầu đang cho thấy để trở nên phổ biến và chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, đội ngũ Jolla sẽ còn phải cố gắng rất nhiều. Xét cho cùng ở thời điểm này, có lẽ không nhiều người dùng chấp nhận mạo hiểm để bỏ ra một số tiền lên tới 540 USD để dùng thử Jolla.
Tham khảo: Engadget, The Verge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"