Cầm Sigma 28 - 105mm f/2.8 mới đi Huế và đây là những gì tôi chụp lại được
Với mức giá chưa đến 40 triệu đồng, có thể coi đây là phiên bản ống kính 28 - 75mm “Pro Max” từ Sigma với chất lượng hoàn toàn xứng đáng kì vọng.
Thay vì Tamron 28 - 75mm f/2.8 như bình thường, tôi có dịp trải nghiệm sớm ống kính Sigma 28 - 105mm f/2.8 DG DN Art trong chuyến đi Huế cuối tháng 8. Mọi người khen Huế mùa này dù đã bắt đầu có mưa nhưng vẫn đẹp, và với tôi thì đúng thế thật, vì nhờ có mưa nên tôi mới ghi lại được những khung cảnh tuyệt vời này:
Để tóm gọn lại cho những ai muốn có cái nhìn nhanh gọn về chiếc lens này, tôi có thể nhận xét là: Chất lượng thấu kính tốt, bắt nét nhanh, chuẩn xác, thiết kế không quá to nặng, chụp RAW bị méo ảnh và có đánh đổi nhỏ ở số lượng lá khẩu.
Thiết kế: Không quá to nặng, bề mặt gia công kiểu mới, đầy đủ nút chức năng
Chiếc lens này dài gần 16cm và đường kính gần 9cm - chắc chắn không phải nhỏ gọn nhất so với các ống kính có dải tiêu cự tương đương. Tuy nhiên, Sigma vẫn có thể giữ trọng lượng cả lens dưới 1kg, cụ thể là 995 gr dù chất liệu vỏ hoàn toàn bằng kim loại. Cảm giác cầm cả ống kính và máy ảnh nặng hơn hẳn các ống kính 24/28 - 70/75mm tiêu chuẩn nhưng thực ra không phải quá nặng. Cá nhân tôi vẫn thấy ổn khi mang theo máy trong chuyến du lịch, dù việc đeo dây lên cổ lâu cũng có gây khó chịu, thường phải dùng tay nâng máy và lens lên.
Chiếc lens có kích thước lớn hơn đáng kể so với các dòng 24/28 - 70/75mm phổ biến.
Thân lens có 2 nút chức năng, cần gạt AF/MF, khóa zoom, khóa khẩu, declick khẩu. Phần ngàm cũng có roong cao su để chống bụi, văng nước. Tôi đã cầm máy và lens chụp dưới trời mưa nhỏ ở Huế trong khoảng gần 1 tiếng mà không có vấn đề gì.
Riêng về cách xử lý lớp vỏ, Sigma làm khác đi so với các dòng lens phổ biến của hãng. Thay vì bề mặt bóng nhẹ thì vỏ 28 -105mm đánh nhám hoàn toàn với các vân nhỏ. Mới nhìn qua, tôi thấy kiểu gia công này làm lens trông hơi “nhựa”, nhưng dùng rồi lại thấy là điểm cộng vì lens ít bám bụi và bị bóng do mồ hôi, dầu và vân tay bám lên. Ngoài ra, các vòng xoay khẩu, zoom và lấy nét đều là kim loại chắc chắn, dùng lâu dài không lo bị bung hay nhão ra như vòng cao su trên các dòng lens giá rẻ.
Ống sẽ dài thêm gần gấp rưỡi khi zoom đến 105mm.
Chất lượng ảnh: Độ nét cao, chỉ 1 khuyết điểm
Về cơ bản, chất lượng ảnh từ ống kính này hoàn toàn xứng đáng với kì vọng về 1 sản phẩm của Sigma. Độ nét ảnh gần như hoàn hảo ở trung tâm, chỉ hơi mờ ở sát rìa khi mở khẩu hết cỡ và xuất hiện 1 chút hiện tượng quang sai viền tím khi chụp ngược sáng. Tình trạng tối góc có xuất hiện ở f/2.8 nhưng rất ít, biến mất dần từ khoảng f/5.6 và gần như không thành vấn đề trong hầu hết trường hợp.
Với ai chỉ chụp ảnh RAW sẽ thấy 1 khuyết điểm khá lớn của lens là bị méo ở toàn dải zoom. Góc 28mm rộng thì méo lồi (barrel), còn zoom dần vào 105mm thì méo lõm (pin cushion). Cách giải quyết thực ra rất đơn giản trong khâu hậu kì, hoặc bật tính năng khử méo trong camera tương thích là sẽ tự động được sửa với ảnh jpeg.
Ảnh trước và sau khi chỉnh méo lõm barrel distortion ở dải tiêu cự tele. Nếu bạn chỉ chụp jpeg, hầu hết các dòng máy có thể tự động sửa lại ngay.
Vì có lớp phủ Nano Porous và Super Multi-Layer nên ống kính này xử lý hiện tượng lóa sáng và bóng mờ rất tốt cả khi mở khẩu tối đa, thấy rõ trong những ảnh ngược sáng và chụp bóng đèn vào ban đêm. Ở 1 số trường hợp có thể xuất hiện nhiễu màu nhưng không phải vấn đề quá lớn vì gần như không ảnh hưởng đến độ tương phản của toàn ảnh.
1 thay đổi nhỏ mà Sigma cũng công khai chia sẻ là việc hãng phải dùng 12 lá khẩu trong ống kính này. Việc dùng số lá khẩu chẵn thay vì lẻ như hầu hết ống kính hiện đại khiến các tia tạo ra từ nguồn sáng trông không đẹp lắm, có thể không phù hợp với những ai thích chụp phong cảnh đô thị mà muốn khép khẩu để phơi sáng. Tuy nhiên, theo hãng thì 12 lá khẩu sẽ giúp tạo bokeh tròn đẹp, phù hợp với ai thích chụp chân dung, cận cảnh…
Thực tế, tôi thấy bokeh của Sigma 28 -105mm f/2.8 cho chất lượng ổn, không đẹp đến hoàn hảo mà cũng không xấu hay gặp lỗi gì đáng chê. Hầu hết trường hợp, ở khẩu f/2.8, bokeh đều mịn mượt, dễ chịu, tròn đẹp ở giữa, hơi mắt mèo ở sát viền và có thể rối mắt 1 chút khi khép khẩu nhỏ. Hiện tượng “củ hành” có thể thấy khi zoom lớn, hoặc thỉnh thoảng tự lộ rõ hơn, ví dụ như ở ảnh dưới đây. Cũng có thể do tôi chụp trong khi trời mưa, hơi ẩm, nước mưa bắn lên kính trước của lens khiến bokeh lộ rõ “củ hành” như vậy. Nếu chụp chân dung thông thường sẽ gần như không để ý.
Chụp chân dung từ góc rộng đến bán thân hay cận mặt, bokeh mà lens tạo ra ở khẩu f/2.8 đẹp mịn, không rối mắt gây xao nhãng khỏi chủ thể.
Lấy nét nhanh, chính xác cả chụp và quay
Cũng như các ống kính Sigma đời mới khác, khả năng lấy nét của 28 -105mm f/2.8 rất tốt. Khả năng bắt nét nhanh ngay cả ở chế độ AF-S trên body A7iii, theo dõi nét với AF-C khi quay video cũng tốt gần tương đương với các ống kính chính chủ của Sony. Nếu kết hợp với các body máy ảnh đời mới hơn chắc chắn còn tốt hơn nữa.
Khả năng lấy nét tự động hay vê nét tay bằng vòng xoay trên lens đều rất phù hợp với những ai có nhu cầu quay video. Ống kính cũng xử lý tốt tình trạng “thở” tốt khi lấy nét xa - gần. Tuy nhiên, với ai cần dùng gimbal thì đây không phải là lựa chọn tối ưu nhất vì thiết kế “thò thụt” khi zoom.
Cuối cùng, ống kính này có khả năng lấy nét cận tốt, khoảng nét gần nhất chỉ khoảng 40cm giúp chụp được gần các vật thể hơn, nhất là khi zoom đến 105mm. Bạn hoàn toàn có thể chụp các bức ảnh cận cảnh hoa lá, cây cỏ, động vật hay côn trùng với độ phóng đại 1:3, chi tiết rất tốt và gần như không gặp tình trạng viền xanh/tím ở các chi tiết ngoài khoảng nét.
Lens có hiệu ứng lấy nét cận tương tự các ống kính zoom khác từ Sigma, đặc biệt ở tiêu cự 105mm có thể cho những bức ảnh close up, macro đẹp ấn tượng với bokeh mịn mượt hơn dù độ phóng đại mới chỉ đạt 1:3. ( Ảnh trái 28mm, ảnh phải 105mm).
Vấn đề lớn nhất mà Sigma gặp phải với ống kính này này là…
… người dùng hiện đã có quá nhiều lựa chọn gần tương tự.
Bản thân chiếc lens thực sự rất tốt, xứng đáng đạt 8.5/10 điểm với mức giá vừa phải, chất lượng quang học tuyệt vời, lấy nét nhanh, chính xác và thiết kế không quá to nặng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của lens lại là dễ “chìm” trong vô vàn lựa chọn khác, đặc biệt với người dùng Sony mà tính đến nay đã có hàng trăm mẫu mã ống kính từ nhiều thương hiệu khác nhau với các khoảng giá khác nhau.
Tôi đã lướt nhiều website, diễn đàn và hội nhóm cả trong và ngoài nước, thấy nhiều người khen ống kính này, và cũng không ít người khác lại coi nó là lựa chọn khó hiểu. Họ cho rằng góc 28mm chưa đủ rộng, cần đến 24mm như Sony hay góc 105mm cũng chưa đủ xa, thua kém so với đối thủ 150mm của Tamron… Có người cũng khẳng định lẽ ra Sigma nên làm lens này dạng zoom bên trong để không bị “thò thụt” hoặc thêm chống rung OSS, và kể cả khi nó to, nặng, đắt tiền hơn nữa cũng là sự đánh đổi xứng đáng để hút khách.
Ảnh chụp thiếu sáng với Sigma 28 - 105mm f/2.8. Dù không có chống rung ống kính nhưng nhờ IBIS tốt nên vẫn có thể chụp đêm với tốc khoảng 1/60s khi zoom lớn, miễn là tay giữ chắc 1 chút.
Tuy nhiên, với tôi thì đây là 1 lựa chọn tốt với ai có nhu cầu không quá thiên về 1 khía cạnh nào đó. Nó là 1 chiếc lens tổng hòa gần hoàn hảo nhất cho nhiều nhu cầu cơ bản đến nâng cao với góc rộng vừa đủ rộng, zoom xa vừa đủ xa. Có thể ví von ống kính này như việc nâng cấp từ iPhone 15 Pro lên 15 Pro Max vậy: Chiếc Pro Max to hơn, nặng hơn, nhưng bù lại zoom xa hơn và vẫn cho chất lượng quang học thuộc top đầu.
Nói chúng, Sigma 28 -105mm f/2.8 có thể là lựa chọn tốt cho các nhiếp ảnh gia du lịch, chụp phong cảnh, chụp sự kiện như đám cưới, hiếu hỉ hay sản phẩm. Khẩu độ f/2.8 giúp xóa phông tốt hơn, quay chụp thiếu sáng yên tâm hơn các lựa chọn f/4. Thị trường hiện cũng không có bất kì lựa chọn nào khác với dải tiêu cự và khẩu độ giống hệt dành cho hệ máy E Mount và L Mount.
Trừ khi bạn làm nghề nhiếp ảnh đặc thù, yêu cầu những ống kính với góc thật rộng hay zoom thật xa thì sẽ cần các lựa chọn khác. Nếu nhu cầu cơ bản hơn hoặc cần chụp phóng sự, đám cưới, sự kiện nhỏ và chụp du lịch, sản phẩm... thì Sigma 28 - 105mm f/2.8 DG DN Art hoàn toàn đáp ứng tốt.
Tham khảo và đặt mua ống kính Sigma 28 - 105mm f/2.8 DG DN Art (39.600.000đ)
Nếu có yêu cầu cao hoặc khác hơn, bạn có thể cân nhắc các dòng ống kính tương tự như Sony FE 24 - 105mm f/4 OSS để có góc rộng hơn, chống rung quang học và nhỏ nhẹ hơn dù hy sinh khẩu độ; Tamron 35 - 150 f/2 - 2.8 nếu cần zoom nhiều hơn, nhưng sẽ thua thiệt về khẩu, trọng lượng và góc chụp rộng đến 28mm.
Hoặc, nếu nhu cầu quay chụp cơ bản hơn, không cần zoom quá nhiều mà vẫn muốn nhận về chất lượng hình ảnh cao, lấy nét nhanh thì lựa chọn tốt nhất chính là Sigma 24 - 70 f/2.8 II mới ra mắt cách đây không lâu, mức giá cũng đang dần rẻ hơn. Ngoài ra, nếu tài chính eo hẹp, mẫu Tamron 28 - 75 f/2.8 II cũng là ống kính đáng chú ý vì vừa nhỏ nhẹ, vừa có chất lượng quang học tốt cùng mức giá cực kì dễ tiếp cận.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming