Camera kép – bước tiến lớn của công nghệ chụp ảnh hay lời thổi phồng quá mức từ các nhà sản xuất?
Các nhà sản xuất đang tích cực mang hệ thống máy ảnh kép lên smartphone của mình, nhưng đó có phải là bước tiến mới trong công nghệ chụp ảnh hay chỉ như cuộc chạy đua số "chấm" như trước đây?
Đã qua rồi cuộc chạy đua số chấm, điện thoại cao cấp dần chuyển sang dùng camera kép như vũ khí chiến lược nhằm cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Đặc biệt hơn cả là sự góp mặt của Apple với chiếc iPhone 7 Plus.
Dự kiến 2017 tiếp tục cuộc chạy đua tương tự và mở rộng sang phân khúc smartphone tầm trung. Câu hỏi đặt ra là, liệu xu hướng mới có thay thế hoàn toàn hệ thống cảm biến đơn truyền thống hay không? Và người dùng có thực sự cần nâng cấp điện thoại cho hợp thời?
Huawei P9 Plus được trang bị máy ảnh kép.
Sẽ nhiều người ngạc nhiên nếu biết rằng, chìa khóa thúc đẩy mức độ phổ biến dual camera trên các dòng smartphone giá rẻ chính là vi xử lý. Các thế hệ chipset tầm trung như Kirin 665, dòng Snapdragon 617 trở lên đã hỗ trợ công nghệ dual ISP. Snapdragon còn cho ra mắt loạt vi xử lý giá rẻ như Snapdragon 425, 435 tạo điều kiện thuận lợi cho các OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc). Họ có thể kết nối các cảm biến dễ dàng và cải thiện khả năng xử lý với sự hỗ trợ của SoC thế hệ mới thay vì phải trang bị thêm phần cứng, qua đó giảm đáng kể chi phí.
Tin rò rỉ gần đây cho biết, LG G6 sẽ sở hữu dual camera độ phân giải 13 MP. Đó sẽ là “bom tấn” khơi mào cuộc chạy đua mới trong năm. Thú vị hơn, thế hệ chip Helio P25 giá rẻ mà MediaTek công bố vài tuần trước hứa hẹn sẽ hỗ trợ tốt cảm biến đơn 24 MP hoặc hệ hai máy ảnh 13 MP, mở ra cơ hội sản xuất các mẫu điện thoại trang bị camera kép như G6 với giá chỉ bằng một nửa. Rõ ràng, xu hướng này đang dần được áp dụng rộng rãi trên phân khúc tầm trung.
Các nhà sản xuất vi xử lý đã rất nỗ lực tung ra sản phẩm hỗ trợ công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng bên hưởng lợi hơn cả lại là các công ty sản xuất máy ảnh kép. Ví dụ, LG Innotek đã hào hứng công bố mức lợi nhuận quý IV/2016 lên đến 103 triệu USD nhờ hợp đồng béo bở cung cấp dual camera cho iPhone 7 Plus.
Trong khi đó, Samsung Electro-Mechanics lại trở thành đối tác với các công ty Trung Quốc, bao gồm Xiaomi và LeEco. Đồng thời, hãng được cho là đang đàm phán với Huawei, Oppo và cả Vivo. Doanh số của Samsung Electro-Mechanics tính riêng thị trường đông dân nhất thế giới dự kiến tăng 108%, từ 272 triệu USD năm 2016 lên thành 566 triệu USD trong năm nay.
Hãng nghiên cứu Counterpoint cho rằng, doanh số smartphone trang bị máy ảnh kép sẽ tăng trưởng 400% để đạt 300 triệu máy trong năm 2017, chiếm 19-20% tổng số thiết bị được bán ra. Đó quả là bước nhảy lớn của thị trường trong khoảng thời gian ngắn.
Lời quảng cáo có cánh và sự thật
Cả ngành công nghiệp di động thế giới dường như đang cố thuyết phục mọi người tin công nghệ camera kép là xu hướng tất yếu trên thị trường. Nhưng người tiêu dùng cần tỉnh táo để tránh bị “dắt mũi” giống như trò thổi phồng số megapixel trước đây.
Bộ phận truyền thông của nhiều hãng đang ca ngợi hệ thống máy ảnh kép của họ như bước tiến mới giúp cải thiện đáng kể hình ảnh, sử dụng tính năng vượt trội nhờ ống kính zoom quang học và ống kính góc rộng.
Vậy, liệu camera kép có diệu kỳ như những mỹ từ mà nhà sản xuất đưa ra? Trên thực tế, dù hệ thống này mang lại lợi ích nhất định, chúng chưa cho thấy giải pháp xử lý hình ảnh vượt trội như kỳ vọng.
Điều này được phản ánh rõ nét trong danh sách loạt máy ảnh tốt nhất thế giới của DxOMark khi xuất hiện nhiều điện thoại dùng máy ảnh đơn như: Google Pixel, HTC 10, Galaxy S7 Edge, Xperia X Performance và Moto Z Force Droid. Riêng iPhone 7 và LG G5 chỉ đứng ở vị trí thứ 9 và 10.
Thay vì tập trung cải thiện chất lượng hình ảnh, các thiết bị dùng cụm camera kép lại tập trung cho các tính năng riêng lẻ. Như iPhone 7 Plus và Huawei Mate 9 tự hào về khả năng zoom, LG G5 và V20 lại cho phép chụp ảnh và quay video góc rộng.
Những bổ sung này rõ ràng có những mặt tích cực nhất định, nhưng không phải yếu tố cần thiết cho số đông. Ví dụ cảm biến đơn sắc của Huawei giống như tính năng bổ sung hơn là vũ khí mang tính chất làm thay đổi thị trường.
Huawei, Apple và nhiều cái tên khác thực sự quan tâm tới phần mềm xử lý hình ảnh, kết hợp với công nghệ máy ảnh của họ để tạo hiệu ứng mờ phông nền nhờ khả năng nhận diện độ sâu trường ảnh. Đây là con bài nhằm cạnh tranh với máy ảnh DSLR vốn có thể điều chỉnh khẩu độ, trong khi ống kính điện thoại được cố định nên thiếu linh hoạt.
Camera kép trên iPhone 7 Plus.
Hệ thống 2 cảm biên và phần mềm tiên tiến trở thành chìa khóa rút ngắn khoảng cách đó. Tuy nhiên, phải thật sự đam mê tìm hiểu nhiếp ảnh, người dùng mới khai thác triệt để tính năng như vậy, trong khi phần đông không nhận ra sự khác biệt.
Điều tốt đẹp nhất vẫn đang ở phía trước
Dù chưa thực sự mang tới những thay đổi cốt lõi và hiệu suất vượt trội cho máy ảnh điện thoại thông minh, vẫn có nhiều lý do để các nhà sản xuất theo đuổi công nghệ máy ảnh kép. Hệ thống đang ở giai đoạn “trứng nước” nhưng đã xuất hiện một số tín hiệu khá tích cực. Có thể kể đến nghiên cứu từ startup Corephotonics đầy hứa hẹn, hay thiết kế zoom quang học 3x cùng khả năng chụp ảnh thiếu sáng từ Samsung Electro-Mechanics.
LG G6 với camera kép
Thêm vào đó là tiềm năng về thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường. Dự án Tango mang công nghệ AR lên điện thoại của Google, mà Asus Zenfone AR là tiên phong, sử dụng máy ảnh theo dõi chuyển động và độ sâu để tạo bản đồ 3D. Trong đó, camera kép trở thành lựa chọn tốt hỗ trợ cho quá trình phát triển kính thực tế ảo thời gian tới.
Cần thời gian để các nhà phát triển hoàn thiện hệ thống và có những nghiên cứu đột phá giúp cải thiện chất lượng hình ảnh. Nhưng nhìn chung, camera kép sẽ nắm giữ vai trò quan trọng trên thị trường smartphone. Chúng ta cùng chờ đợi xem những thay đổi nào sẽ diễn ra trong năm 2017, đặc biệt thời điểm LG ra mắt G6 gần đến.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín