Căn bệnh kinh khủng trên xác ướp Ai Cập cổ đại

    phantoms9, phantoms9 

    Một căn bệnh về xương.

    Khoảng 2.900 năm trước, một người đàn ông Ai Cập đã qua đời ở độ tuổi 20 sau khi mắc phải căn bệnh khá hiếm gặp gần giống như ung thư và cũng chính là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường.

    Người ta đã tìm thấy xác ướp người đàn ông này trong chiếc quan tài 2.300 năm tuổi của một phụ nữ tên là Kareset hiện đang được đặt tại Bảo tàng Khảo cổ học ở Zagreb, Croatia.
     
    Ban đầu, nhóm chuyên gia nghĩ rằng xác ướp đó thuộc về Kareset nhưng kết quả kiểm tra lại không phải như vậy. Rất có thể các thương gia thế kỷ 19 vì muốn tăng giá trị chiếc quan tài nên đã “lấy bừa” xác ướp nào đó đặt vào bên trong.
     
    Tiến hành phân tích, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chụp X-quang, quét CT và kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI). Họ nhận thấy những dấu hiệu của bệnh Hand-Schuller-Christian (còn gọi là u vàng xương toàn thân hay bệnh tổ chức bào) – căn bệnh bí ẩn liên quan đến tế bào Langerhans (một loại tế bào miễn dịch có trong da), gây nhiều đau đớn đặc biệt là vào giai đoạn cuối.
     
    Căn bệnh kinh khủng trên xác ướp Ai Cập cổ đại 1
    Hình ảnh quét cho thấy một lỗ thủng lớn trong xương đỉnh trán của xác ướp
     
    “Chúng có xu hướng thay thế cấu trúc bình thường của xương và tất cả các mô mềm khác”, Tiến sĩ y khoa Mislav Cavka đến từ Đại học Zagreb cho biết. “Chúng tôi tin rằng nó là một loại ung thư”.
     
    Căn bệnh đã phá hủy nhiều phần xương trong cơ thể anh ta, để lại tổn thương nghiêm trọng làm thủng màng tế bào ở khu vực xương sống và hộp sọ. Những hình ảnh quét còn cho thấy cái gì trông giống như lỗ thủng lớn trong xương đỉnh trán, khiến một phần hốc mắt bị hủy hoại. Ngoài ra, đây nhiều khả năng cũng là lý do tại sao lại có cả dấu hiệu của bệnh tiểu đường trên xác ướp đó.
     
    Tuy vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, nhưng các nhà khoa học chắc chắn rằng nó rất hiếm gặp với tỷ lệ mắc là 1/560.000 người trưởng thành, dễ xảy ra hơn ở nam giới trẻ tuổi. “Vào thời cổ đại, đó luôn là căn bệnh chết người nhưng ngày nay, việc điều trị không có gì khó khăn”, Cavka nói thêm. Phát hiện mới được công bố chi tiết trong số ra gần đây nhất của tạp chí Antropologicum Collegium, góp phần giải quyết những tranh luận từ lâu của giới khoa học về việc có hay không mức độ phổ biến của ung thư vào thời kỳ cổ đại.
     
    Một số học giả tin rằng, tuổi thọ trung bình khá thấp cộng với việc môi trường ít ô nhiễm khiến tỷ lệ ung thư giai đoạn này là không đáng kể. Tuy nhiên, nhiều người khác lại không nghĩ như vậy, chỉ là vì thời ấy nó rất khó phát hiện mà thôi.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày