Cận cảnh ASUS ExpertBook B5 (B5404CMA): Laptop doanh nghiệp được tích hợp chip AI thì có gì nổi bật?
Việc trang bị vi xử lý Intel Core Ultra không chỉ giúp ExpertBook B5 “bắt trend" AI PC mà còn biến đây trở thành mẫu máy chuẩn doanh nghiệp khi đề cao tính cân bằng giữa hiệu năng, vẻ ngoài gọn gàng nhưng vẫn đảm bảo kết nối đa dạng cùng khả năng làm việc bền bỉ.
- Trải nghiệm chuột chơi game Rapoo VT9 Air: Thiết kế siêu nhẹ, 2 chế độ kết nối, pin 160 giờ, dùng cảm biến PAW3398 xịn, giá chỉ 990.000 đồng
- NZXT mở dịch vụ cho thuê PC gaming theo tháng: Thừa thãi hay tiện lợi?
- Xiaomi ra mắt vòi sen thông minh: Không sợ bỏng vì duy trì ổn định độ nóng, có màn hình LED hiển thị nhiệt độ của nước, giá gần 5 triệu đồng
- Game thủ chú ý: Đây là những con chuột siêu nhẹ đáng mua nhất 2024
- Google ra mắt tai nghe siêu chống ồn AI, giá ngang AirPods Pro 2
Với việc đang là một trong những nhà sản xuất đi đầu trong xu hướng tích hợp vi xử lý AI vào hầu hết các sản phẩm từ ZenBook, VivoBook…v…v…, sẽ chẳng có lý do gì để ASUS không tiếp tục "bắt trend" đối với các dòng laptop dành cho doanh nghiệp mà điển hình nhất chính là mẫu ASUS ExpertBook B5 2024 (B5404CMA) vừa mới ra mắt. Đây được xem là hướng đi khá tích cực khi mà xu hướng AI hứa hẹn sẽ còn phát triển và thay đổi mạnh mẽ cách thức làm việc, học tập cũng như giải trí của người dùng.
Xét một cách tổng thể thì ngoại hình của ExpertBook B5 năm nay không có quá nhiều thay đổi so với những phiên bản tiền nhiệm. Ấn tượng đầu tiên mà người dùng có thể dễ dàng nhận thấy chính là lối thiết kế vẫn mang phong cách tối giản đặc trưng cùng cá tính thực dụng đậm đặc trong từng đường nét.
Mặt A của máy vẫn có biểu tượng ASUS ở trung tâm cùng một logo ExpertBook được đặt tại góc trên bên phải tạo điểm nhấn nổi bật. Tuy nhiên, phần logo này giờ đây đã không còn được trang bị đèn báo trạng thái giống như trên thế hệ trước, làm giảm bớt đi tính độc đáo cũng như công năng thông báo cho người đối diện vốn có của dòng sản phẩm này. Bên cạnh đó, có một dải kim loại đồng màu được chạy dọc ở phía trên logo mà theo ASUS cho biết là sẽ giúp tăng cường khả năng bắt sóng (vì máy được trang bị kết nối Nano Sim).
Toàn bộ phần khung thân máy đều được hoàn thiện theo dạng nhám với chất liệu hợp kim Nhôm Ma-giê, trong khi mặt A và D được làm bằng hợp kim Nhôm mang đến cảm giác cao cấp, chắc chắn. Tuy nhiên phần mặt A vẫn có hiện tượng bám dấu vân tay nên nếu là người dùng kỹ tính thì cần chú ý để đảm bảo chiếc máy luôn được sạch đẹp. Một điểm trừ nho nhỏ khác là phần mép tiếp xúc giữa mặt C và D còn hơi gợn nhẹ, tuy đã được xử lý một cách tỉ mỉ nhưng chưa thể cho ra cảm giác mượt mà liền mạch tuyệt đối.
Các cạnh của ExpertBook B5 được thiết kế theo dạng phẳng với những đường vát mỏng bao quanh giúp cho cảm giác cầm nắm máy trở nên chắc chắn và không bị cấn tay dù cầm trong thời gian dài. Máy có độ dày 190mm và khối lượng khoảng 1.4kg, tuy không phải là dạng mỏng nhẹ nhưng cũng khá thoải mái để người dùng có thể bỏ vào balo và túi xách đem theo bên mình. Và như một đặc trưng của ASUS, ExpertBook B5 vẫn đạt được độ bền ấn tượng khi vượt qua các bài kiểm tra theo tiêu chuẩn quân đội MIL-STD 810H.
Mở ra bên trong, ExpertBook B5 được trang bị màn hình với kích thước 14 inch cùng độ phân giải WUXGA (1920 x 1200) với tỷ lệ 16:10, khá thích hợp để người dùng văn phòng có thể mở rộng không gian làm việc theo chiều ngang. Màn hình này sử dụng tấm nền IPS cho khả năng hiển thị 100% sRGB và có tốc độ quét 60Hz với độ sáng tối đa đạt 400 nit và được trang bị một lớp phủ chống chói giúp tăng cường khả năng hiển thị trong điều kiện ánh sáng mạnh.
Qua trải nghiệm thực tế cho thấy về độ nét chi tiết cũng như màu sắc trên màn hình này đều được thể hiện khá tốt, giữ sắc độ chân thực và hài hoà, sẵn sàng đáp ứng cho hầu hết các tác vụ liên quan đến công việc cũng như giải trí cơ bản.
Tuy nhiên phần viền bao quanh màn hình vẫn còn thiết kế khá dày, cho tỷ lệ so với thân máy đạt 84%, nên chưa thể cho được trải nghiệm hình ảnh thực sự bắt mắt nhất là khi xem các nội dung có hình ảnh rộng. Tuy nhiên điểm cộng ở đây là phần cạnh dưới màn hình đã được làm mỏng lại, đồng thời logo ASUS ExpertBook được dời sang mặt C nên cũng cải thiện phần nào trải nghiệm nhìn so với thiết kế "cằm dày" của thế hệ cũ.
Thiết kế của bàn phím trên ExpertBook B5 (B5404CMA) thì vẫn giữ nguyên kiểu thiết kế cổ điển với các phím bấm vuông có khoảng cách vừa phải đều đặn. Người viết đánh giá cao phong cách thiết kế này vì nó tạo được sự thân thiện, giúp cho bất cứ ai cũng sẽ dễ dàng làm quen khi sử dụng máy. Đồng thời, các phím bấm có độ nẩy khá tốt cộng với hành trình phím dài nên cho cảm giác gõ rất chân thực, thích tay.
Tuy nhiên điểm trừ đáng tiếc là phiên bản đang được sử dụng lại không hỗ trợ đèn nền, nên sẽ khá khó khăn với những ai phải chạy deadline vào ban đêm. Một chiếc đèn bàn để chiếu sáng bàn phím sẽ là cần thiết trong trường hợp này.
Khác với thế hệ trước, phím nguồn tích hợp cảm biến vân tay đã được đưa lại vị trí cũ chứ không nằm bên trên cạnh máy. ASUS cho biết bàn phím này còn có khả năng chống tràn nước, tăng tính an toàn khi sử dụng trong nhiều điều kiện khác nhau.
ĐIểm sáng ở phần mặt C là khu vực Touchpad lớn hơn hẳn so với thế hệ trước, giúp tăng cường khả năng điều khiển. Bên cạnh đó, bề mặt của Touchpad được phủ một lớp kính nhám mịn, cho cảm giác lướt chạm vừa nhẹ nhàng lại chuẩn xác. Thêm vào đó, bàn phím NumPad vốn là món "đặc sản" trên những mẫu máy doanh nghiệp của ASUS giờ đây cũng bị loại bỏ. Đây là điều khá đáng tiếc cho những ai yêu thích trải nghiệm nhập liệu bằng số với tính năng này.
Phiên bản ExpertBook B5 (B5404CMA) sử dụng trong bài viết được trang bị vi xử lý Intel Core Ultra 7 155H đi cùng với 16GB RAM DDR5 (2 khe SO-DIMM cho phép nâng cấp RAM đến 64GB) và 512GB bộ nhớ trong M.2 2280 NVMe PCIe 4.0 SSD. Với Core Ultra 7 155H, cũng là nâng cấp đáng kể nhất thì đây là mẫu chip sở hữu 16 nhân với 22 luồng, trong đó có 6 nhân P-Core, 8 nhân E-Core và 2 nhân tiết kiệm điện cấp thấp (Low-power Efficient-cores, LPE). Kết hợp cùng công nghệ Intel Thread Director cho phép phân bổ tiến trình một cách thông minh giữa các nhân tiết kiệm điện hay hiệu năng cao, qua đó giúp nâng cao hiệu suất xử lý đồng thời tối ưu hóa khả năng sử dụng năng lượng.
Điều này được thể hiện trong bài đánh giá Geekbench khi vi xử lý này đạt 2328 điểm đơn nhân và 12590 điểm đa nhân, có thể xem là khá tương đồng với mẫu Core i7 13700H. Đáng chú ý là con chip Core i7 13700H chạy với mức TDP lên đến 45W trong khi mẫu Core Ultra 7 155H lại chỉ có mức TDP 28W, cho thấy thế hệ chip mới sản sinh hiệu năng tương đương nhưng tiết kiệm năng lượng hơn.
Với CineBench R23, con chip này cũng đạt 10315 điểm đa nhân và 1703 điểm đơn nhân, một điểm số khá ấn tượng so với một mẫu máy hướng đến đối tượng văn phòng, đủ sức đáp ứng hầu hết các tác vụ công việc hàng ngày. Máy cũng đạt 6997 điểm với bài thử PCMark 10 cho thấy đây là một cấu hình đủ cho hầu hết các nhu cầu đa dạng.
Về đồ hoạ, số điểm 35448 cho bài thử OpenGL và 37242 với Vulcan là quá đủ để cho thấy hiệu năng vượt trội của GPU Intel Arc Graphics tích hợp bên trong. Với số điểm này, người dùng có thể sử dụng các ứng dụng đồ hoạ, chỉnh ảnh một cách dễ dàng hơn, hoặc thoải mái hơn khi chơi các tựa game online giải trí.
Vẫn như nhiều mẫu máy đã từng trên tay thì tuy được trang bị nhân NPU hỗ trợ xử lý các tác vụ AI, nhưng ở thời điểm hiện tại thì việc tương tích giữa phần mềm để có thể chạy các tác vụ AI trên NPU vẫn còn hạn chế. Nhưng không thể phủ nhận rằng đây cũng là một nâng cấp đáng chú ý, giúp người dùng bắt kịp xu hướng AI đang rất phổ biến hiện nay nhất là sử dụng trong công việc. Nhất là khi các AI như Copilot đã được tích hợp trực tiếp vào ứng dụng của Microsoft hay nhiều tính năng AI trên các sản phẩm chuyên sâu dành cho chỉnh sửa ảnh như Lightroom, Photoshop.
Như đã nói ở trên, ExpertBook B5 (B5404CMA) được trang bị phím truy cập Copilot nhanh ngay trên bàn phím, cho phép người dùng có thể gọi truy vấn từ AI Copilot của Window. Khi được kích hoạt cửa sổ Copilot hiện ra gần như ngay lập tức, giúp người dùng có thể sử dụng toàn bộ các tính năng hiện có của AI này.
Bên cạnh đó, các ứng dụng như trình duyệt Edge hay bộ công cụ Office cũng được tích hợp sẵn Copilot, đem đến nền tảng AI hỗ trợ tốt hơn cho người dùng văn phòng, thúc đẩy hiệu suất tăng lên. Bạn có thể nhấn nút tuỳ chọn để gọi Copilot hỗ trợ cho việc tìm kiếm, viết email hay đơn giản hơn là tổng hợp số liệu, tóm tắt nội dung được nhanh chóng thuận lợi.
Là một thiết bị dành cho công việc, ExpertBook B5 (B5404CMA) được trang bị Intel vPro giúp tăng cường khả năng đáp ứng cho các nền tảng hướng đến doanh nghiệp. Ngoài ra máy sở hữu rất nhiều tính năng bảo mật như chip TPM 2.0, khóa Kensington, đầu đọc thẻ thông minh cùng các ứng dụng bảo vệ dữ liệu mạnh mẽ.
Máy có đầy đủ các cổng kết nối như: 2 cổng USB 3.2, 2 cổng Thunderbolt 4 hỗ trợ display port và power delivery. Bên cạnh đó còn 1 cổng HDMI, cổng LAN RJ45, jack 3.5mm. Tuy nhiên đầu đọc thẻ nhớ SD đã không còn hiện diện.
ExpertBook B5 (B5404CMA) sở hữu viên pin 63WHrs theo đánh giá của người viết là chưa thực sự ấn tượng. Tuy nhiên, vì sử dụng thế hệ Intel Core Ultra nên khả năng tối ưu hoá, điều tiết năng lượng khi sử dụng cũng giúp ích phần nào cho việc tăng thời lượng sử dụng lên đến khoảng 8 tiếng liên tục. Máy được đi kèm với sạc nhanh 65W cùng với đó là chuột không dây, tạo thành một combo hoàn hảo cho bất cứ người dùng văn phòng nào.
ExpertBook B5 (B5404CMA) sẽ có hai phiên bản sử dụng vi xử lý Intel Core Ultra 5 125H và Core Ultra 7 155H. Mức giá lần lượt cho hai phiên bản sẽ là 27.990.000 đồng và 31.990.000 đồng cho 16GB RAM và 512GB bộ nhớ trong. Đây được xem là một lựa chọn khá hợp lý cho người dùng văn phòng cao cấp, hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đến một mẫu máy mang yếu tố bền bỉ, đa dụng đồng thời hỗ trợ, đón đầu các ứng dụng AI trong thời gian tới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín