Cận cảnh EOS-M: Máy ảnh không gương lật đầu tiên của Canon

    Tuấn Anh, Tuấn Anh 

    Những hình ảnh về chiếc máy ảnh không gương lật đầu tiên của Canon.

    Sau nhiều lần trì hoãn cùng vô số các tin đồn, cuối cùng Canon cũng đã chính thức ra mắt chiếc máy ảnh không gương lật đầu tiên của mình – EOS-M vào ngày hôm qua 23 tháng 7. EOS-M có ngoại hình tương đối giống với chiếc compact high-end của Canon là PowerShot S100. Dĩ nhiên là Canon có thêm thắt vào một số nút bấm mới cho phù hợp hơn với một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đây không phải là điểm mà các nhiếp ảnh gia quan tâm, điều mà họ tò mò với sản phẩm mới này là chất lượng của nó ra sao. Chiếc mirroless này là con át chủ bài của Canon nhằm vào thị trường máy ảnh số không gương lật, một mảnh đất béo bở còn đang bỏ ngỏ. Với sự tham gia của Canon, chắc chắn phân khúc này sẽ rất sôi động trong thời gian tới, nhiều sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng sẽ ra đời, và được hưởng lợi nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng chúng ta.
     
     
    Ngoại trừ bề ngoài nhỏ bé do loại bỏ hệ thống gương lật và nhiều nút bấm, phần cứng bên trong của EOS-M gần như là một bản sao của EOS 650D (Rebel T4i tại thị trường Mỹ). Máy được trang bị cảm biến CMOS cỡ APS-C độ phân giải 18 Megapixel, chip xử lý Digic 5, và màn hình cảm ứng rộng 3 inch. Thậm chí, một công nghệ tiên tiến bậc nhất là hệ thống lấy nét hai tầng (two – stage focusing) cũng xuất hiện trên EOS-M. Máy sẽ tối ưu hóa cả lấy nét theo pha, và lấy nét theo tương phản, điều này sẽ nâng cao hiệu suất đáng kể khi cần lấy nét nhanh và liên tục như khi quay video chẳng hạn. Cũng giống như nhiều máy mirroless khác, hệ thống nút điều khiển trên thân máy đã được Canon tối giản lại, hầu hết các tác vụ điều chỉnh thông số đều thực hiện qua màn hình cảm ứng LCD. Với giá tiền 800USD (khoảng 16 triệu VNĐ) cho riêng body, EOS-M được xếp vào dòng máy tầm cao. Chúng ta hãy cùng xem, liệu máy có xứng đáng “đồng tiền bát gạo” không.
     
     
    Trước tiên là về thiết kế của máy. EOS-M rất nhỏ gọn, nhỏ hơn rất nhiều so với các máy mirroless và m4/3 khác. Thậm chí, nó còn thấp bé hơn cả mẫu compact PowerShot G1 X, và chỉ tương đương với máy ảnh bỏ túi S100. Khi đi cùng với lens pancake 22mm, bộ đôi này nhỏ đến nỗi bạn sẽ không tin là mình đang cầm một camera loại thay được ống kính và có cảm biến APS-C. Còn nếu gắn lên EOS-M các lens cỡ khủng của dòng EF như lens “L” 70-200mm chẳng hạn, thì độ tương phản về kiểu dáng càng nổi rõ. Nếu đã từng xem phim “Anh em sinh đôi” (Twins), bạn có thể hình dung EOS-M bé nhỏ như ông em Danny Devito, còn lens EF thì khổng lồ như ông anh cơ bắp Arnold Schwarzenegger vậy. Dĩ nhiên, để gắn được các ống kính ngàm EF, bạn cần mua thêm một ngàm chuyển (adapter) giá 200USD (khoảng 4 triệu VNĐ).
     
    EOS-M so dáng cùng G1 X(ngoài cùng bên trái) và S100 (ngoài cùng bên phải).
     
    Tuy bé nhỏ là vậy nhưng khi trên tay, EOS-M cho cảm giác rất đầm tay, và mát lạnh bởi lớp vỏ kim loại sáng bóng. Body của máy tỏ ra rất chắc chắn và cứng cáp, chưa hết Canon còn phủ thêm một lớp sơn từ tính lên vỏ ngoài nhằm bảo vệ máy. Có thể nói, hãng điện tử Nhật Bản đã làm rất tốt trong khâu chế tạo máy. Về khả năng hiển thị, màn hình LCD 3 inch cho độ sắc nét và tương phản cao, hình ảnh không bị rạn vỡ hay mờ. Độ nhạy khi thực hiện các thao tác bấm, chạm cũng rất tốt, máy cho độ phản hồi nhanh và chính xác. Bạn sẽ sử dụng màn hình cảm ứng của EOS-M nhiều hơn bất cứ mẫu máy ảnh nào của Canon trước đó, kể cả các mẫu PnS. Canon đã kích hoạt rất nhiều thao tác cho bạn tha hồ nghịch ngợm với màn hình này như chạm để lấy nét, giữ và thả để chọn tốc độ màn trập, hay tùy chỉnh độ mở khẩu…
     




















    Một hình ảnh quá tương phản về kích cỡ.
     
    Về khả năng lấy nét, theo như thử nghiệm, EOS-M hoạt động khá chậm, ngay cả với hai lens kit theo máy là pancake 22mm và zoomlens 18-55mm. Còn khi gắn những lens dùng ngàm EF vào (ví dụ như 400mm f/2.8 L) thì quả thật là thảm họa, máy phải “vật lộn” mới bắt nét được. Vì mới chỉ có máy trưng bày, nên chưa thể biết được chất lượng ảnh của máy ra sao. Người dùng mới chỉ nhìn được ảnh chụp qua màn hình LCD 3 inch, không phải là màn hình của máy vi tính, nên chưa thể nhận định chính xác về khả năng của EOS-M. Dù sao, đây vẫn chỉ là mẫu máy trưng bày, phiên bản chính thức phải đến tháng 10 mới đến tay người dùng. Từ giờ tới đó, Canon còn rất nhiều việc phải làm với chiếc mirroless đầu tay của mình.
     

    Giao diện người dùng trên EOS-M.







     
    Tóm lại, nếu hệ thống lấy nét được cải thiện, đây thực sự sẽ là một mẫu máy rất đáng chờ đợi. Nếu bạn yêu thích ảnh chất lượng cao của DSLR nhưng lại không muốn phải mang vác nặng nề, hoặc đơn giản là một sự nâng cấp từ PnS lên tầm cao hơn, EOS-M là một lựa chọn rất đáng giá.
     
    Xem video cận cảnh chiếc EOS-M:
     
     
    Tham khảoengadget.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ