Đánh giá tai nghe không dây ASUS ROG STRIX WIRELESS 7.1: Sự trở lại của "bầy cú"

    Dee Tee,  

    Một sản phẩm mang thương hiệu ROG danh tiếng cùng với thiết kế Strix cực ngầu.

    Nếu là một người đam mê các sản phẩm PC và đồ chơi số, chắc chắn những cái tên như Republic of Gamers hay Strix đối với bạn đã không còn xa lạ.

    Strix, là một dòng sản phẩm lấy ý tưởng từ loài cú. Khởi nguồn Strix là tên gọi ám chỉ loài chim sống về đêm trong tiếng Hy Lạp cổ, còn giờ đây nó xuất hiện trên rất nhiều sản phẩm của ASUS từ bàn phím, chuột, tai nghe cho tới card đồ họa. Điểm chung của các sản phẩm này đều có những đường nét thiết kế ẩn hiện 2 con mắt "cú đêm".

    Tai nghe ASUS Strix Pro 7.1 đã được ra mắt từ mùa hè năm 2014, trong khoảng thời gian 2 năm có mặt trên thị trường, sản phẩm này nhận được không ít sự quan tâm của người dùng, cả về chất lượng âm thanh qua bộ hiệu chỉnh đi kèm cũng như thiết kế cực chất của nó.

    Sang tới năm 2016, hãng công nghệ Đài Loan lên kế hoạch làm mới dòng sản phẩm này, khi mới đây đã giới thiệu 2 "con cú" mới, một là Laptop ROG Strix GL502, bên cạnh đó là nhân vật chính trong bài viết này, ASUS ROG Strix Wireless, tai nghe không dây gaming.

    Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ chia sẻ nhanh cảm nhận và giới thiệu về sản phẩm tai nghe gaming mới nhất của ASUS.

    Thiết kế và Hoàn thiện

    Không dễ để nhận ra sự khác biệt về thiết kế trên Strix Wireless so với người tiền nhiệm "có dây" của nó. Kích thước và tổng thể của 2 thế hệ này gần như giống nhau, ngoại trừ họa tiết "mắt cú" ở bên tai nghe.

    Nếu như trên phiên bản cũ, phần mắt này có khá nhiều họa tiết, cùng với một lớp nhựa bóng che lên, cố gắng tạo nên hình tượng như một đôi mắt thực sự, thì Strix Wireless được tối giản nhiều trong chi tiết này, theo phong cách thiết kế mới. Cá nhân tôi thích sự đơn giản trên sản phẩm mới.

    Với một sản phẩm mà bạn sẽ phải đeo nó trên đầu trong thời gian dài khi chơi game, chắc chắn việc hoàn thiện bằng chất liệu kim loại không phải thừ mà người dùng mong muốn. Trọng lượng chỉ 350 gram, hầu hết là từ nhựa, nhưng Strix Wireless không hề làm người ta cảm thấy sự lỏng lẻo khi dùng nó, đồng thời vẫn thoải mái nếu dùng trong thời gian dài.

    Tính năng

    Tính năng nổi bật nhất, vâng chính là khả năng sử dụng mà không cần tới dây nối của nó. So về sự tiện lợi, chắc chắn Strix Wireless là một bản nâng cấp đáng giá.

    Sử dụng Wireless 2,4GHz, tôi gần như không gặp bất cứ hiện tượng trễ hay mất tín hiệu trong quá trình sử dụng. Khoảng cách đón sóng của Strix Wireless lên tới 15m, ở mức khá so với một chiếc tai nghe không dây, đủ để bạn đi quanh 1 căn phòng lớn mà vẫn có thể giao tiếp cùng đồng đội trong game.

    Thời lượng pin cũng là thứ cần phải xét tới. Với một tai nghe không dây, việc chơi game liên tục trong khoảng thời gian dài thách thức dung lượng pin của nó. ASUS cho biết Strix Wireless có thời lượng pin hơn 10 giờ đồng hồ sử dụng liên tục. Cá nhân quá trình sử dụng thực tế cho thấy con số này là tương đối chính xác, với kết quả 9 giờ 40 phút.

    Phụ kiện và tương thích

    Thay vì chỉ có thể hoạt động trên các hệ điều hành máy tính phổ biến, ASUS tự tin về tính tương thích trên tai nghe của họ. Strix Wireless có thể kết nối và sử dụng cùng Windows / Mac OS, các hệ điều hành Smartphone Android / iOS và cả PS4 nữa.

    Để làm được điều này, bạn sẽ cần tới một loạt phụ kiện theo kèm, bao gồm dây sạc, bộ dây nối 3.5 cũng như không thể thiếu được là USB Wireless và micro có khả năng tháo rời.

    Micro này của Strix Wireless có chất lượng âm trong trẻo, khả năng khử tiếng ồn tốt, đồng thời được làm bằng chất liệu nhựa mềm, bạn có thể dễ dàng "cân chỉnh" sao cho vừa với tầm của miệng.

    Phần mềm

    Không thể thiếu được chắc chắn là hệ thống phần mềm điều chỉnh âm thanh và thiết lập cho tai nghe. Có tên là Sonic Studio, phần mềm của ASUS cho phép bạn hiệu chỉnh từ âm lượng cho tới âm trường, hiệu ứng vòm 7.1. Giao diện của phần mềm này khá dễ sử dụng, thiết kế phẳng rất hiện đại.

    Chất lượng âm thanh

    Cuối cùng là điều không thể thiếu khi đánh giá một chiếc tai nghe. Nhưng thay vì là một sản phẩm tập trung cho nghe nhạc, Strix Wireless rõ ràng hướng nhiều hơn tới game thủ. Khả năng tái tạo không gian âm thanh trong game của Strix Wireless là rất tốt, các bề mặt, cho tới một số hiệu ứng nhỏ đều được thể hiện chính xác, hỗ trợ rất nhiều cho người chơi, đặc biệt trong một số tựa game e-sport.

    Nói như vậy không có nghĩa sản phẩm này không thể nghe nhạc. Dù không thực sự gây được ấn tượng, nhưng ở mức trung bình, không phải là người nghe nhạc quá khó tính, tôi cũng sẵn sàng chấm 7/10 về khả năng nghe nhạc cho Strix Wireless.

    Với mức giá khoảng 2,4 triệu đồng, Strix có khá nhiều đối thủ, nhưng với lợi thế về khả năng sử dụng không dây, cũng như thiết kế bắt mắt, chắc chắn đây sẽ nằm trong nhóm những tai nghe chơi game hot nhất trong nửa cuối năm 2016 này.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ