Cận Tết là dịp nhiều buổi liên hoan, tiệc tùng diễn ra, thời điểm này các ca ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, dù đã cảnh báo rất nhiều, song số lượng người bị ngộ độc rượu vẫn có xu hướng gia tăng vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu ăn uống, liên hoan có sử dụng rượu, bia của người dân gia tăng.
Đa số các trường hợp ngộ độc rượu là do uống phải rượu trắng “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần.
Với rượu thông thường (Ethanol) khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa, đào thải nhanh, tuy nhiên, với rượu dỏm pha chế bằng cồn công nghiệp (Methanol) lại có tốc độ chuyển hóa, đào thải rất chậm. Có khi tới 7-8 ngày sau uống, chất này vẫn có thể còn tồn tại trong máu.
Methanol khi vào người được cơ thể chuyển thành Axit Formic, là chất độc hơn Methanol rất nhiều, gây tổn thương mắt, thần kinh. Đặc biệt, trong những dịp lễ Tết, người dân có thể uống nhiều loại rượu khác nhau nên càng làm quá trình chuyển hóa Methanol chậm hơn. Vì vậy, có trường hợp nhiều ngày sau khi uống rượu mới có biểu hiện mắt mờ, ngộ độc.
Khi bị ngộ độc rượu, trong khoảng 12 - 24 giờ sau khi uống, người uống thường cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng. Tình trạng nặng hơn sẽ dẫn đến các triệu chứng kích thích thần kinh, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, thậm chí là hôn mê sâu.
Người uống rượu bị cảm giác no giả, nên trong quá trình uống rượu mà không ăn dẫn đến bị hạ đường huyết. Có trường hợp uống liên tục vài ngày, uống quá nhiều tới khi nguy kịch mới vào viện thì để lại di chứng rất nặng nề, đặc biệt là di chứng não.
Uống quá nhiều rượu còn gây ra các bệnh như viêm tụy cấp, suy gan, cơ tim giãn, teo não, rối loạn tâm thần, thiếu máu, suy tủy. Đặc biệt, người uống phải rượu pha cồn công nghiệp còn có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, cách tốt nhất để tránh nguy cơ ngộ độc rượu là không uống rượu, đặc biệt là các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, trong trường hợp gia đình có người uống rượu cần nhắc họ ăn thêm tinh bột hoặc uống thêm nước trái cây, uống sữa, nước canh, nước cháo loãng... để bù năng lượng cho cơ thể.
Hiện trên thị trường có các loại thuốc giải rượu nhưng đa số không có tác dụng trong việc chống say, giải rượu như quảng cáo. Vì vậy người dân không lạm dụng rượu bia, nhất là trong thời điểm cận Tết.
Chuyên gia lưu ý, những người uống rượu cần được theo dõi để phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc như: Nói khó khăn, không thể tự đi lại, lơ mơ, thở khò khè, chậm chạp, lờ đờ, ngồi một chỗ, co giật, nôn nhiều lần, đau đầu để đưa đến cơ sở y tế cấp cứu, điều trị kịp thời.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo, người dân không nên lạm dụng rượu bia, nếu uống thì cần tránh uống vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Cụ thể, nam giới không uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới không uống quá 2 đơn vị rượu/ngày, nếu uống quá mức này được coi là lạm dụng rượu.
Trong đó, 1 đơn vị rượu tương đương với: 1 lon bia 270 - 330ml nồng độ 2 - 12 độ; 1 chén rượu vang 125ml nồng độ 9 - 18 độ hoặc 1 chén rượu mạnh 40ml nồng độ 40 độ.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
Đặc biệt, người dân không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Nhằm thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và tăng cường các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán, các dịp lễ hội năm 2024, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng.
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị tuyên truyền quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; tác hại của rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; thời gian, địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và thực hiện các quy định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia…
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming