Cảnh giác trước những trò lừa đảo trên internet Việt

    PV, Minh Dũng 

    Những trò lừa đảo trên internet ngày càng "quái" với đủ các thể loại biến tướng khác nhau.

    Internet là một thế giới ẩn chứa vô vàn những thông tin sai lệch với những lời lẽ, chi tiết rất khó xác định được thật giả. Và cho dù một số trò lừa đã được cảnh tỉnh trên báo chí, các forum…nhưng vẫn nhiều người do không chú ý nên vẫn “dính bẫy” như thường. Cùng điểm qua những chiêu lừa đã khuấy đảo cộng đồng mạng Việt trong thời gian gần đây:
     
    Tấm ảnh về những em bé suy dinh dưỡng tại Châu Phi
     
     
    Những người dùng Facebook trong 1, 2 tuần trở lại đây chắc không lạ gì những tấm ảnh về các em bé suy dinh dưỡng tại Châu Phi đang được chia sẻ rất nhiều trên trang chủ của mình. Các bức hình đó là thật, và việc ấn nút share để cho bạn bè cùng xem và cảm thông là không có gì sai cả, tuy nhiên điều đáng lên án là những dòng chú thích của những tấm ảnh này:
     
    "Bạn share thông điệp này đi, bạn không mất phí dịch vụ nào cả, nhưng UNICEF được 5 euros. Trước khi vứt bỏ các thức ăn còn sót lại trong chén của bạn, xin bạn hãy nghĩ tới những người đang chết đói. Ở Châu Phi và nhiều nơi khác trên thế giới, có những trẻ em đang chết đói, sau hiệp định được ký kết giữa UNICEF và MSN, cho trẻ em đã mất và các trẻ em khác, một chương trình cứu giúp mới bắt đầu. Bao nhiêu lần bạn share hình này đi cho bạn bè thì bấy nhiêu lần quỹ của UNICEF nhận được 5 euro. Chúng ta hãy làm cho những trẻ em đang chết này được sống. Chúng ta đừng quên là cứ mỗi giây, thì có một trẻ đang chết vì đói. Việc này chỉ đáng giá gần 2 phút trong cuộc sống của bạn, nhưng đối với trẻ em Châu Phi, thì điều này chiếm cả đời chúng.”
     
     
    Trên thực tế, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) không hề có chiến dịch nào được quảng bá trên Facebook như thế này, lại càng không có tổ chức nào đi thống kê số lượt share để “cộng 5 EUROS” cho mỗi tấm ảnh. Đó chỉ là một chiêu lừa đảo lợi dụng lòng người để quảng bá tên tuổi, câu like cho fanpage của một số cá nhân mà thôi.
     
    Trò lừa tặng áo trên Facebook và những sự kiện ăn theo
     
    Khoảng hai tháng trước, cư dân mạng Việt được một phen xôn xao với sự kiện “500.000 người tham dự đầu tiên được nhận áo T-shirt của Facebook”. Nội dung của chương trình chỉ đơn giản là ấn “Tôi sẽ tham dự”, và bạn sẽ nhận được áo phông của Facebook nếu vẫn nằm trong danh sách 500.000 thành viên. Điều đáng buồn cười là mặc dù có vô vàn người dùng, fanpage tạo sự kiện này nhưng tại đâu cũng có tới hàng trăm ngàn người click “Tôi sẽ tham dự” với mong muốn nhận được một chiếc áo in chữ Facebook.
     
     
    Thực chất, đây là một trò lừa được đem từ cộng đồng Facebook nước ngoài về và được dịch sang tiếng Việt. Ông chủ Mark Zugkerberg chắc chắn chưa bao giờ nghĩ ra những sự kiện kiểu như thế này để quảng bá cho mạng xã hội của mình. Điểm thú vị ở chỗ, về tới Việt Nam, trò lừa tặng áo này đã tạo ra một “làn sóng” những sự kiện ăn theo như “50.000 chiếc áo có logo tôi yêu Việt Nam”, “500 người tham dự đầu tiên nhận túi xách Facebook”…kéo dài một thời gian sau đó.
     
     
    Lừa đảo qua Yahoo – chiêu bài cũ nhưng ngày càng nguy hiểm
     
    Cư dân mạng đã quá quen với những tin nhắn có dạng “Nếu bạn không gửi tin này đi trong vòng 24 giờ, người thân của bạn sẽ gặp bất trắc”…được gửi cho cả danh sách chat. Đó là một trò lừa quái ác của một số cá nhân trên Yahoo!Messenger, tuy nhiên chúng không gây hại gì ngoài việc khiến người khác phải bực mình.
     
     
    Tuy nhiên trong thời gian vài tháng trở lại đây, người dùng liên tục mất tiền oan bởi trò lừa tiền điện thoại qua hệ thống Yahoo!Messenger Việt. Cách phổ biến nhất mà các hacker hay dùng là hack tài khoản yahoo rồi đăng nhập và chat với bạn bè trong danh sách, rồi sau đó nhờ đi mua thẻ nạp điện thoại. Bùng phát mạnh vào khoảng cuối tháng 5/2011, nhưng cho đến nay sau gần nửa năm chiêu lừa này vẫn tiếp diễn và “xoáy” được của người dùng Yahoo khá nhiều tiền.
     
    Trước những chiêu lừa đảo đang tràn lan trên internet như bây giờ, người dùng nên cẩn trọng trước khi hưởng ứng theo đám đông trước một sự kiện nào đó. Hãy bỏ chút thời gian suy nghĩ về tính xác thực của những điều mình đang đọc hay đang chuẩn bị chia sẻ.
     
    (Tổng hợp)
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ