Các lực lượng an ninh trên toàn châu Âu đang huy động hàng loạt công cụ công nghệ cao để truy lùng một kẻ tình nghi trong vụ đánh bom Brussels, Bỉ hôm 22/3 vừa qua.
3 vụ nổ đã "xé toạc" sân bay và nhà ga điện gầm Brussels, khiến 31 người thiệt mạng và làm bị thương 330 người khác. Các nhà chức trách Bỉ nhanh chóng nhận dạng được 4 kẻ có liên quan đến vụ đánh bom. Một kẻ còn sống và đã bỏ trốn, hiện đang bị cảnh sát toàn châu Âu truy tìm trong một chiến dịch quy mô rộng chưa từng có. Cảnh sát tin rằng, đi cùng với hắn có thể còn có một tòng phạm nữa. Mọi công cụ "săn mồi" công nghệ cao đều đã được huy động để truy tìm dấu vết trên mạng của 2 kẻ này.
Cảnh sát toàn châu Âu đang truy lùng dấu vết "số" của những kẻ tình nghi trong vụ đánh bom Brussels, Bỉ.
Khoa học truy vết tội phạm đã thay đổi rất nhiều trong vòng 2 thập niên qua. Giờ đây, công nghệ có thể ghi lại các manh mối và thông tin dấu vết nhanh hơn nhiều so với một nhân viên cảnh sát mẫn cán nhất.
Song dù các bằng chứng số có thể đẩy nhanh quá trình tìm kiếm, truy nã tội phạm thì các cơ quan công an vẫn phải trông cậy vào những manh mối do con người cung cấp. Để hỗ trợ việc này, một số công nghệ tinh vi đã được phát triển, với khả năng rà quét các mạng xã hội để tìm kiếm manh mối; phân tích, kiểm tra các hình ảnh khả nghi gần nơi ở của kẻ tình nghi, cũng như kết hợp thông tin trao đổi từ nhiều cơ quan an ninh với nhau để tạo thành một kênh duy nhất.
Vài ngày qua, cảnh sát đã cày nát những hình ảnh video được các camera an ninh bên trong sân bay và nhà ga điện ngầm Brussels, cũng như trên các con phố ghi lại. Những hình ảnh này đã giúp họ tìm thấy một quả bom chưa phát nổ. Một tài xế taxi cũng đã chỉ cho nhà chức trách một ngôi nhà mà những kẻ khủng bố từng sử dụng để chế tạo bom, dựa trên một bức ảnh giám sát được công bố trên báo.
Tối 23/3 vừa qua, Cảnh sát Anh đã khai trương một website nơi người dân ở hiện trường có thể tải lên các đoạn video clip mà họ quay được về vụ việc (nếu có). Đến cuối ngày, cảnh sát Bỉ cho biết họ tìm thấy một địa chỉ email khả nghi, có thể là của những kẻ đánh bom.
Cảnh sát không tiết lộ cụ thể phần mềm hay phương pháp mà họ đã sử dụng để "săn mồi". Bộ Tư pháp Bỉ cũng từ chối bình luận về cuộc điều tra đang được tiến hành. Tuy vậy, giới truyền thông vẫn đưa ra những suy đoán của mình.
Nhận dạng khuôn mặt
Nhận dạng khuôn mặt là một trong những công cụ hành pháp hiện đại nhất hiện nay. Công nghệ hiện hành đã đủ mạnh để có thể tháo mũ và kính của kẻ tình nghi mà cảnh sát nhìn thấy trong đoạn băng giám sát, ông Todd Butler, Phó Chủ tịch Chenega International Consulting, một nhà thầu phần mềm cho chính phủ cho biết.
Bức ảnh số sau đó sẽ được mang đi đối chiếu với mọi cơ sở dữ liệu hình ảnh hiện có. Phần mềm có khả năng tìm kiếm chính xác hơn nhiều so với mắt thường và mất chỉ khoảng một nửa thời gian đòi hỏi mà thôi. "Khả năng tìm thấy 2 khuôn mặt tương ứng, giống nhau lên tới 80-90%", ông Butler nói thêm.
Huy động nguồn lực số đông
Các lực lượng hành pháp cũng theo dõi chặt các kênh truyền thông xã hội, mạng xã hội khi đối phó với khủng bố, người phát ngôn của FBI cho biết. Tuy vậy, người này chỉ đồng ý chia sẻ về các công cụ công nghệ cao đang được an ninh sử dụng nói chung chứ không đề cập riêng đến chiến lịch truy lùng đang tiến hành ở châu Âu.
"Chúng tôi nhận được rất nhiều tweet cung cấp thông tin từ các tài khoản Twitter, Facebook chính thức của FBI. Một số rất đáng giá, nhưng cũng có thông tin ảo. Sử dụng công nghệ để đào xới, rà quét qua những thông tin này rất hữu ích".
Để tìm kiếm bằng chứng, hãy nhớ lại những gì đã xảy ra trên Reddit năm 2013 để thận trọng hơn, khi các thành viên của mạng này nhầm 3 người vô tội là thủ phạm đánh bom tại giải chạy Boston Marathon. "Nó có thể dẫn bạn đi sai đường và tạo ra hậu quả tai hại", một học giả hình sự phân tích về mạng xã hội. "Đó là nơi vàng thau lẫn lộn, thông tin lúc thật lúc giả. Dù vậy, những manh mối từ mạng Internet vẫn rất quý giá, chẳng qua bạn cần phải trả một cái giá nhất định cho chúng mà thôi".
Quá nhiều thông tin
Một mặt trái của công nghệ khi truy vết tội phạm, theo ông Butler, là khối lượng dữ liệu phải phân tích quá nhiều.
Đó là lý do vì sao mà các lực lượng an ninh cần một kênh thông tin đơn nhất, tập hợp mọi thông tin, dữ liệu đã có về một mối, từ các manh mối nhận dạng khuôn mặt cho đến nguồn tin từ mạng xã hội, các báo động khu vực. FBI sử dụng dạng phần mềm này để đảm bảo an ninh cho giải Super Bowl hồi đầu năm nay.
"Và công nghệ cũng có những hạn chế của riêng nó. Ta có thể theo dõi chuyển động của một người. Ta có thể nghe thấy điều họ nói, nhưng không thâm nhập được vào trí óc của họ", đại diện FBI thừa nhận, dù là bây giờ, mức độ thâm nhập suy nghĩ của tội phạm đã tốt hơn nhiều so với trong quá khứ.
Về phương diện này, không một công nghệ nào có thể thay thế thứ công cụ quan trọng nhất mà cảnh sát đang có: Bộ não sắc sảo của một cảnh sát điều tra lành nghề, ít nhất là trong tương lai gần.
Theo Vietnamnet
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4