Cạnh tranh với Uber và Grab, ứng dụng của 7 hãng taxi Việt Nam không nâng giá vào giờ cao điểm

    Vương Diệu Quân, Theo Trí Thức Trẻ 

    Điểm phân biệt giữa ứng dụng của 7 hãng taxi truyền thống với Uber, Grab là không tăng giá theo thời gian thực, đặc biệt là lúc cao điểm.

    Không như cách gọi của nhiều người, giờ đây taxi truyền thống đã hiện đại hơn với những thiết bị di động thông minh được gắn trên táp lô. Điện thoại hoặc máy tính bảng, máy POS được đặt bên chiếc đồng hồ tính cước có kẹp chì.

    Khách hàng có thể đặt xe taxi trên thiết bị cầm tay theo cách tương tự Uber, Grab. Xét về giao diện, những ứng dụng của các hãng taxi truyền thống không có điểm quá khác biệt với ứng dụng của đối thủ tới từ nước ngoài. Chúng đều có bản đồ, dùng GPS để tìm vị trí khách hàng, cập nhật tình trạng xe theo thời gian thực. Điểm phân biệt giữa ứng dụng của 7 hãng taxi truyền thống với Uber, Grab là chúng không biết điều chỉnh giá theo thời gian thực.

    Thực tế, Uber và Grab đã nhanh chóng thu hút được lượng lớn người dùng ngay khi mới ra mắt khi đặt ra được mức cước thấp hơn hẳn taxi truyền thống. Nhưng sau gần 2 năm hoạt động tình hình đã thay đổi. Trong khi taxi truyền thống có bảng giá cố định, thì mức cước Uber, Grab liên tục thay đổi vào giờ cao điểm và lúc thời tiết chuyển xấu.

    Lần cập nhật ứng dụng mới đây, Vinasun đã đưa thêm tính năng thông báo số tiền cước. Điều này giúp tránh được tình trạng lái xe “mua đường” để hành khách phải trả thêm tiền. Không những thế, hãng còn sử dụng công nghệ chatbot tích hợp sẵn trên ứng dụng nhắn tin của Facebook nhằm hỗ trợ khách hàng đặt xe. Theo Vinasun, những tính năng mới sẽ giúp hãng rất nhiều trong cuộc đua thị phần với Uber và Grab.

    Bên cạnh taxi, Vinasun cũng đầu tư những mẫu xe đời mới của Toyota và Lexus để phục vụ những khách hàng có yêu cầu cao. Thành Công và Long Biên cũng đã có những xe “không mào”. Thời điểm hiện tại, ứng dụng đặt xe của hãng Mai Linh còn xuất hiện thêm M.Bike và M.Bike Premium với biểu tượng xe máy.

    Trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận thấy thay đổi tích cực của các đơn vị trong nước trước sự tham gia thị trường của Uber và Grab. Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp vận tải và công nghệ Việt Nam đã không ngừng đổi mới, chủ động nghiên cứu tiếp nhận và làm chủ các ứng dụng, cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài.

    Có tới 7 đơn vị của Việt Nam được chấp thuận tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng cùng với Uber và Grab. Vinasun Taxi, Mai Linh Taxi, Thành Công, Vic Taxi,... là những ứng dụng dễ đàng được tìm thấy trên AppStore (Apple) và Play Store (Google).

    Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Vận tải Ô tô cho rằng Uber và Grab đã trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của tất cả các hãng taxi truyền thống. Sự tham gia của Uber và Grab đã làm thay đổi thị trường từ chỗ cạnh tranh giữa các hãng taxi với nhau, chuyển sang cạnh tranh giữa hãng taxi với công ty công nghệ. Dù vậy, theo ông Thanh, nhà nước cần có các giải pháp để giữ thế cạnh tranh này và “không để bên nào chết”. Bởi lẽ, khi chỉ còn một bên, vị thế thống lĩnh thị trường sẽ khiến người tiêu chịu thiệt khi giá cước có thể bị đẩy lên cao.

    Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ riêng số xe tham gia dịch vụ Grab đã chiếm tới 1/3 lượng xe hợp đồng trên địa bàn. Tại Hà Nội, có tới 7.310 xe dưới 9 chỗ ngồi tham gia hoạt động thí điểm hợp đồng điện tử. Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Uber hiện có quan hệ đối tác với các nhà cung cấp vận tải, trong đó bao gồm 380 công ty vận tải, 30 hợp tác xã vận tải và các hộ kinh doanh cá thể với khoảng 1.900 chiếc hoạt động.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ