Canon liệu có nên từ bỏ dòng máy ảnh EOS M và hệ len EF-M?

    Thiên Long,  

    Câu chuyện có lẽ là sớm muộn mà thôi khi mà Canon đã không còn ra mắt mẫu máy ảnh EOS M và ống kính ngàm EF-M nào trong thời gian qua.

    Canon gần đây đã ra mắt mẫu máy ảnh dùng cảm biến APS-C EOS R7 và R10. Cùng với đó là hệ len RF-S mới dành cho máy ảnh dùng cho ngàm RF và cảm biến crop. Điều này có vẻ lạ vì Sony và Nikon đã có các mẫu APS-C từ lâu nhưng đây là một vấn đề lớn vì Canon đã có ngàm EF-M và dòng máy ảnh không gương lật EOS M dùng cảm biến crop APS-C.

    Canon liệu có nên từ bỏ dòng máy ảnh EOS M và hệ len EF-M? - Ảnh 1.

    Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng Canon sắp loại bỏ dòng EOS M?

    Panasonic và Olympus đã mở ra kỷ nguyên mới của máy ảnh không gương lật (mirrorless) với việc hình thành liên minh Micro Four Thirds và sự ra đời của Panasonic G1.

    Đó là một bước đi táo bạo bắt nguồn từ việc Olympus đã thất bại trong việc chuyển từ máy ảnh film sang máy ảnh kỹ thuật số. Sự thất bại này khiến hãng phải suy nghĩ lại về một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiện đại và sau đó hãng đã ra mắt máy ảnh dùng cảm biến M43 Olympus E-1 vào năm 2003.

    Chiếc máy ảnh này là một trong những mẫu máy ảnh chuyên nghiệp nhắm mục tiêu vào các nhà báo và các tay săn ảnh thể thao nhưng nó đã thất bại vì không hút khách hàng.

    Dòng máy ảnh Canon EOS M và ngàm EF-M

    Thời điểm Sony, Fujifilm hay Olympus đã sớm bước chân vào thị trường máy ảnh không gương lật (mirrorless), Canon khi đó không mấy mặn mà với dòng máy ảnh này và chỉ quan tâm đến các dòng máy ảnh DSLR kích thước lớn. Sony (2010), Nikon (2011) đều đã đi trước Canon. Mãi tới năm 2012, Canon mới lần đầu ra mắt EOS M.

    Giống như Sony và Fuji, hãng trang bị cho dòng M-series cảm biến APS- C (hệ số cắt 1,5) để có được sự kết hợp hài lòng giữa chất lượng hình ảnh và kích thước máy ảnh. Điều này trái ngược với Nikon sử dụng cảm biến CX (hệ số crop 2,7) có vẻ là một ý tưởng hay vào thời điểm đó nhưng lại đặt ra những hạn chế về chất lượng hình ảnh và độ sâu trường ảnh.

    Điểm chung của cả Nikon và Canon là cách tiếp cận của họ đối với máy ảnh không gương lật. Đó là những sản phẩm tiêu dùng và không nhắm đến các chuyên gia.

    Thứ nhất, nền tảng công nghệ của máy ảnh không gương lật là việc loại bỏ được âm thanh của gương lật nhưng việc triển khai chúng còn thiếu sót. Hệ thống lấy nét tự động dựa trên độ tương phản khi đó còn tương đối kém và thời lượng pin hạn chế khiến chúng chưa thể trở thành các dòng sản phẩm chủ lực.

    Canon liệu có nên từ bỏ dòng máy ảnh EOS M và hệ len EF-M? - Ảnh 2.

    Thứ hai, máy ảnh DSLR thời điểm cách đây chục năm vẫn đang rất hút khách. Doanh số bán DSLR đạt đỉnh vào năm 2012 và trở thành phân khúc máy ảnh lớn nhất vào năm 2013. Vậy nên các hãng như Canon khi đó chẳng có lý do gì lại tập trung quá nhiều vào máy ảnh mirrorless mà lãng quên dòng máy ảnh DSLR vẫn đang có doanh số khá ấn tượng.

    Nhưng tất cả đã thay đổi sau khi Sony giới thiệu chiếc máy ảnh mirrorless fullframe A7 vào năm 2013. Từ những chiếc máy ảnh DSLR cồng kềnh, giờ đây nó đã được thu gọn trở thành một chiếc máy ảnh nhỏ gọn hơn đáng kể.

    Quay trở lại dòng EOS M, chúng ta có hai vấn đề chính khi chuyển đổi sang hệ thống không gương lật. Thứ nhất, ngàm có thông số kỹ thuật tương tự như ngàm E của Sony và được thiết kế cho cảm biến APS-C. mặc dù bạn có thể ép cảm biến full-frame vào bên trong và Sony đã làm được điều đó nhưng có những hạn chế về mặt kỹ thuật so với các loại ngàm được thiết kế đặc biệt cho full-frame, cả ngàm RF của Canon và Z-mount của Nikon.

    Nếu Canon định sản xuất một hệ thống máy ảnh không gương lật full-frame nhằm thay thế máy ảnh DSLR thì hãng sẽ không đi theo con đường mà Sony đã đi mà bắt đầu từ đầu để sản xuất một thứ gì đó tốt nhất và được thiết kế để tồn tại lâu dài.  Thứ hai, dòng ống kính hiện có cho EF-M rất ít và vẫn chỉ ở mức tám ống kính. Vì vậy việc bắt đầu lại từ đầu nghe chừng có vẻ khả thi hơn.

    Mở ra "triều đại" mới cho hệ ngàm RF

    Có thể nói đến thời điểm Canon quyết định phát triển ngàm RF vào khoảng năm 2015 sau khi chứng kiến sự thành công của dòng máy ảnh mirrorless full-frame A7.

    Nikon và Canon khi đó phải đối mặt với một tình huống khó xử. Cả hai đều có dòng máy ảnh DSLR dùng cảm biến APS-C và full-frame, bên cạnh các hệ thống mirrorless riêng biệt. Do đó hai hãng rất khó phân định hệ thống máy ảnh mirrorless nên ở định dạng cảm biến nào.

    Sony với lợi thế đi trước nên sở các dòng máy ảnh mirrorless APS-C và full-frame chất lượng. Hãng cũng có cho mình một hệ thống ống kính đồ sộ, được thiết kế dành riêng cho từng kích thước cảm biến. Sony đã tạo ra được một hệ sinh thái ống kính mà người dùng cần tới.

    Nikon đang làm theo. Nikon đã loại bỏ và không còn sản xuất máy ảnh DSLR nữa. Giờ đây, Nikon sẽ tập trung chủ yếu cho dòng máy ảnh không gương lật Z-series với cả cảm biến APS-C và full-frame. Trên thực tế, Nikon đã thể hiện rõ ý định của mình từ sớm khi ra mắt dòng máy Z6 và Z7 vào năm 2018 và sau đó là dòng máy APS-C Z50 vào năm 2019.

    Trong khi đó, Canon kiên định với dòng máy ảnh mirrorless full-frame và phải đến năm 2021, tin đồn về APS-C mới xuất hiện và chiếc máy mirrorless dùng cảm biến APS-C đầu tiên đã ra mắt vào năm 2022. Canon R7 là một chiếc máy ảnh APS-C cao cấp trong khi R10 là phiên bản rẻ hơn nhưng cũng sở hữu nhiều tính năng ấn tượng.

    Canon liệu có nên từ bỏ dòng máy ảnh EOS M và hệ len EF-M? - Ảnh 3.

    Cả hai đều có thể sử dụng ống kính full-frame nên phạm vi sử dụng khá đa dạng. Nhưng người dùng cũng không cần quá lo khi Canon đã và đang phát triển thêm các mẫu ống kính dùng cho mirrorless trang bị cảm biến APS-C. Dù Canon đã bổ sung đáng kể ống kính RF nhưng chúng không nhất thiết phải dùng chung cho APS-C mới vì giá bán, kích thước, trọng lượng hoặc độ dài tiêu cự đều khá chênh lệch.

    Tương lai nào cho dòng máy ảnh mirrorless trang bị cảm biến APS-C?

    Xét về lịch sử tham gia của Canon vào thị trường máy ảnh không gương lật, hãng chắc chắn đang có những kế hoạch dài hạn cho các dòng máy ảnh EOS, EOS M và RF APS-C. Hiện tại dòng máy ảnh DSLR và ống kính APS-C của Canon vẫn đang bán khá chạy. Còn dòng máy ảnh EOS M có vẻ như không còn được Canon quan tâm.

    Đặc biệt, dòng máy ảnh DSLR EOS cũng đang ở giai đoạn cuối, mặc dù Canon vẫn đang tiếp tục sản xuất cho những người mua có thiện chí nhưng có lẽ DSLR cũng sẽ sớm không còn được sản xuất trong tương lai. Việc Nikon rút lui khỏi thị trường DSLR có thể tạo ra một cú hích cho phân khúc này vì doanh số bán hàng của Canon sẽ tăng đáng kể. Tuy nhiên đó không phải là cơ hội để Canon tung ra các mẫu máy ảnh DSLR mới.

    Canon liệu có nên từ bỏ dòng máy ảnh EOS M và hệ len EF-M? - Ảnh 4.

    Không ngạc nhiên khi Canon vẫn còn duy trì EOS M dù rằng chiếc máy ảnh cuối cùng ra mắt của dòng EOS-M là M50 Mark II đã ra mắt vào năm 2020. Một lý do chính khiến Canon hiện còn đang giữ dòng M-series có lẽ vì chúng bán khá chạy tại thị trường Nhật Bản và thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng doanh số.

    Thế nhưng chỉ vì nó đang bán chạy tại thị trường Nhật Bản không có nghĩa là Canon sẽ tiếp tục duy trì dòng EOS-M. Việc hãng cho ra mắt dòng máy ảnh và ống kính R7 và R10 cùng hệ ống kính RF-S đã cho thấy mục tiêu sắp tới của Canon.

    Canon dù không xác nhận dòng EOS hoặc EOS M sẽ bị ngừng sản xuất nhưng câu chuyện có lẽ chỉ là vấn đề thời gian. Đặc biệt nếu Canon tiếp tục đầu tư mạnh cho hệ ngàm và ống kính RF-S thì việc Canon EOS M bị khai tử sẽ không còn xa. Bởi bài toàn kinh tế không cho phép Canon ôm đồm quá nhiều dòng sản phẩm có cùng chung các đặc điểm.

    Tham khảo Petapixel

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ