Cao thủ StarCraft sẵn sàng nghênh chiến AI, cuộc so tài lịch sử đáng chờ đợi nhất giữa trí thông minh nhân tạo và con người
Những cao thủ hàng đầu tựa game StarCraft cho biết đã sẵn sàng đánh bại bất kỳ đối thủ AI nào dù đó là từ DeepMind hay Facebook.
Làng game đang rất chờ đợi một cuộc so tài lịch sử giữa con người với máy móc trong trò chơi StarCraft. Thông điệp đã được gửi đi chỉ chờ bên kia đáp lời: “Hãy mang chúng tới đây”.
Trò chơi điện tử thời gian thực thể loại khoa học quân sự viễn tưởng StarCraft trở thành thử thách cuối cùng cho các chương trình AI để khẳng định khả năng vượt trội bởi mức độ phức tạp và đòi hỏi tốc độ tư duy cực nhanh của game. Mọi người đang mong chờ một trận đấu giữa “cao thủ” StarCraft với AI sau khi cỗ máy AlphaGo đánh bại nhà vô địch cờ vây Lee Sedol vào năm ngoái.
Thời điểm đó, các chuyên gia đã đưa ra mục tiêu tiếp theo là đánh bại những game thủ chuyên nghiệp của StarCraft. Người lên tiếng mạnh mẽ nhất là Demis Hassabis, nhà sáng lập và CEO của DeepMind, bộ phận AI của Alphabet tạo ra AlphaGo.
MIT Technology Review đã trao đổi với hai game thủ hàng đầu, Byun Hyun Woo, nhà vô địch StarCraft II năm 2016 và Lee Jaedong, cao thủ vừa “quy ẩn giang hồ” trong vai trò bình luận viên game, để hỏi ý kiến về một trận đấu với chương trình trí thông minh nhân tạo như AlphaGo.
Cả hai game thủ đều đến từ Hàn Quốc, đất nước thống trị StarCraft nhiều năm qua. Họ không ngại một cuộc so tài với trí thông minh nhân tạo được trực tiếp trên sóng truyền hình, nếu ai đó đứng ra tổ chức. Nhưng mỗi người lại đánh giá khác nhau về “đối thủ”. Byun tỏ ra tự tin về khả năng chiến thắng của mình. “Tôi không nghĩ AI có thể đánh bại một game thủ chuyên nghiệp, ít nhất là khi tôi còn sống”, chàng trai 24 tuổi chia sẻ.
Tuyên bố của Byun hoàn toàn có cơ sở, bởi StarCraft khác xa so với cờ vây. Trên bàn cờ, cả hai người chơi đều thấy hết toàn bộ quân cờ, từ đó dễ dàng phân tích để lên kế hoạch cho các nước đi tiếp theo. Thế nhưng, StarCraft lại là trò chơi chiến lược theo thời gian thực, đòi hỏi người chơi phải quản lý tài nguyên, tìm kiếm và tuần tra vùng lãnh thổ, cũng như lên kế hoạch chiến đấu. Người dành chiến thắng phải phá hủy hết công trình của đối thủ hoặc tạo thế áp đảo buộc họ phải đầu hàng.
“Khi chơi StarCraft, bạn phải phản ứng thật nhanh trong khi chẳng có gì chắc chắn và mọi thứ luôn thay đổi. Nhưng tôi nhận thấy loại AI giống như AlphaGo không giỏi để phản ứng trước những tình huống bất ngờ”, Byun nói.
Một lý do nữa Byun nghi ngờ vào khả năng chiến thắng của trí thông minh nhân tạo là vì người chơi phải lập ra và thực hiện chiến lược dài hạn để mong vượt lên đối thủ. “Rất khó để thiết kế AI hoàn thiện cả khả năng đưa ra quyết định ngắn hạn lẫn dài hạn”.
StarCraft là trò chơi chiến thuật đòi hỏi nhiều kỹ năng mà AI rất khó để hoàn thiện
Trong khi đó, Lee lại không chắc chắn về cơ hội của mình. Game thủ này cho rằng, chương trình AI có thể đánh bại các “cao thủ” bởi chúng không biết mệt mỏi và khả năng di chuyển cực nhanh. Kỹ thuật mang tính cốt lõi của StarCraft nằm ở tốc độ điều quân, bằng cả chuột và bàn phím được thể hiện ở chỉ số APM (action per minute – số hành động mỗi phút). Những game thủ hàng đầu có thể thực hiện vài trăm lệnh mỗi phút, nhưng cũng chẳng là gì nếu so với hàng chục nghìn lệnh mà AI thực hiện. “Máy móc sẽ chế ngự con người nếu AI luôn cải thiện công nghệ đến giới hạn mà con người không thể vươn tới”, Lee chia sẻ.
Một số chuyên gia StarCraft cho rằng, để đảm bảo công bằng thì cần giới hạn chỉ số APM của AI ở mức như của con người. Lee đồng tình với ý kiến này, nhưng Byun lại nghĩ, việc đặt bất kỳ quy tắc nào như vậy sẽ chẳng còn là cuộc so tài giữa AI tốt nhất thế giới và game thủ hàng đầu nữa. Thay vào đó, game thủ 24 tuổi bật mí sẽ “sử dụng chiến thuật khác lạ và không theo bất kỳ quy tắc nào” để đánh bại chương trình máy tính. Đặc biệt, Byun gợi ý sẽ tập trung chặn đứng mọi hoạt động thăm dò của đối thủ, thậm chí nếu cơ sở bị phát hiện cậu sẵn sàng bỏ kế hoạch xây nhà và đưa ra quyết định bất ngờ.
Các mẫu AI StarCraft đơn giản đã được “thực chiến” trong sân chơi trường Đại học, như giải AIIDE do Đại học California tổ chức. Tuy nhiên, chương trình vẫn ở mức độ “nghiệp dư” và chưa bao giờ thắng được game thủ thực sự.
Tháng 11 năm ngoái, DeepMind đã thông báo sẽ hợp tác với nhà sản xuất Starcraft Blizzard để tạo ra công cụ API mã nguồn mở cho phép nghiên cứu thuật toán AI trong StarCraft II. Cũng thời gian đó, nhóm phát triển AI của Facebook đã mô tả một thuật toán áp dụng vào trò chơi này. Vào tháng 3, Alibaba tiết lộ đã viết bộ khung cho AI chơi StarCraft. Hơn bao giờ hết, game thủ đang rất chờ đợi cuộc so tài giữa AI và con người ở cấp độ cao nhất.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà toán học Việt Nam có khám phá kép, giúp trường đại học Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu thế giới về đại số
Giáo sư Phạm Hữu Tiệp cho biết các khám phá của ông thường sẽ nảy sinh tại thời điểm mà ông ít mong đợi nhất. "Đó có thể là lúc mà tôi đi dạo với các con, hoặc làm vườn với vợ, hoặc hí hoáy gì đó trong bếp", ông nói.
Vừa đoạt giải Nobel, “Cha đỡ đầu của AI” đã thẳng thừng chỉ trích Sam Altman, tuyên dương một học trò cũ vì từng sa thải CEO OpenAI