Cao tốc Bắc Nam Gyeongbu: Biểu tượng cho tinh thần dám nghĩ dám làm của người Hàn Quốc
Cố tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo có tầm nhìn khi xây dựng thành công đường cao tốc Gyeongbu. Đây là một công trình thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm khi thiếu thốn cả về vốn, kỹ thuật lẫn kinh nghiệm làm đường cao tốc.
Đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển, việc xây dựng cơ sở hạ tầng là điều tất yếu để có thể thúc đẩy kinh tế. Một ví dụ điển hình là Hàn Quốc với dự án đường cao tốc Gyeongbu.
Muốn phát triển kinh tế cần cơ sở hạ tầng
Vào giữa những năm 1960, hệ thống cơ sở hạ tầng Hàn Quốc khá lạc hậu do ảnh hưởng của chiến tranh Triều Tiên. Báo cáo năm 1966 của Bộ xây dựng Hàn Quốc cho thấy bình quân đầu người độ dài đường bộ chỉ vào khoảng 1,1 m, thấp hơn rất nhiều mức 31,5 m tại Mỹ và 10,2 m tại Nhật Bản cùng kỳ.
Tệ hơn, chỉ có khoảng 5,1% đường tại đây được lát xi măng, gây khó khăn cho việc giao thương cũng như phát triển kinh tế.
Từ khi kế hoạch phát triển kinh tế lần thứ nhất được tiến hành từ năm 1962, tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc đã đạt 8%/năm. Hàng hóa chở bằng tàu từ thủ đô Seoul xuống Busan tăng gần 40% trong khi số chuyến tàu tăng 80%. Bởi vậy, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là điểm mấu chốt cho bước nhảy vọt về kinh tế của Hàn Quốc thời kỳ đó. Đây cũng là tiền đề để các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đi thăm học hỏi các nước Phương Tây như Đức.
Hàn Quốc thập niên 1960-1970 còn khá thưa thớt phương tiện giao thông
Ban đầu, Cố tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee bị gây ấn tượng mạnh với hệ thống đường cao tốc Autobahn khi có chuyến thăm Tây Đức vào năm 1964. Trở về Hàn Quốc, ngài Park thường xuyên phác thảo kế hoạch xây dựng một hệ thống đường cao tốc lên giấy bất cứ khi nào có thời gian rảnh. Đến năm 1967, ngài Park đã đưa kế hoạch xây dựng đường cao tốc nối thủ đô Seoul với thành phố Busan vào chương trình tranh cử của mình.
Tất nhiên, quyết định này của Cố tổng thống Park khiến nhiều người nghi ngờ. Phía đảng đối lập cho rằng dự án này chỉ phục vụ cho người giàu hơn là cho đất nước. Một số người đặt nghi vấn tại sao quốc gia có Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) bình quân đầu người chỉ vào khoảng 142 USD lại cần đường cao tốc làm gì.
Dẫu vậy, Cố tổng thống Park không lùi bước. Dù không có vốn nhưng nhà lãnh đạo này vẫn dẫn đầu các kỹ sư quân đội và bắt đầu khởi công dự án đường cao tốc nối Seoul với Osan 3 tháng trước lễ động thổ công trình Gyeongbu.
Chính bản thân ngài Park đã tham gia đến từng chi tiết của dự án này, từ xây dựng như thế nào cho đến ở đâu. Đầu năm 1967, chính quyền Seoul quyết định thực hiện dự án Gyeongbu thì tháng 12 họ đã thành lập đoàn khảo sát và văn phòng công trình xây dựng dự án để đốc thúc công việc.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Ngay từ khi bắt đầu dự án, Cố tổng thống Park đã vấp phải khá nhiều khó khăn. Nhiều chính trị gia đặt nghi vấn về nguồn vốn khởi công dự án. Thế rồi tại sao phải xây cao tốc khi người dân còn nghèo, việc xây dự án Gyeongbu có thể làm mất cân bằng khu vực…
Ngoài sự phản đối của các phe đối lập, ngay cả tổ chức quốc tế cũng không đồng tình về tuyến cao tốc Gyeongbu.
Tiền thân của ngân hàng thế giới (World Bank) ngày nay là Ngân hàng quốc tế tái thiết và phát triển (IBRD) cho rằng dự án Gyeongbu không có tính khả thi. Tuyến đường từ Seoul tới Busan được xây dựng từ thời đế quốc Nhật chiếm đóng nên đã xuống cấp quá nhiều. Thay vào đó, IBRD đề nghị xây tuyến cao tốc từ Đông sang Tây, tức từ Seoul đến Gwangju hay Pohang.
Bất chấp điều đó, dự án Gyeongbu vẫn được khởi công vào ngày 1/2/1968. Toàn bộ công trình được chia làm 7 đoạn đường với sự tham gia của 16 công ty hàng đầu trong nước. Từ lúc thi công đến khánh thành, có khoảng 8,93 triệu lao động đã tham gia, từ bình dân cho đến binh lính.
Tuyến cao tốc Gyeongbu nối liền thủ đô Seoul với Busan
Trên thực tế, Hàn Quốc khi đó gặp rất nhiều khó khăn để xây dựng đường cao tốc do thiếu thốn kinh nghiệm, kỹ thuật và vốn. Tại các khu vực như giữa vùng Daejeon và Deagu hay các nơi có địa hình khó khăn khác, các nhà thi công đã phải vật lộn với nhiều khó khăn để hoàn thành dự án.
Trong suốt quãng thời gian 2 năm rưỡi thi công, 77 công nhân đã nằm xuống mãi mãi để dự án có thể hoàn thành.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là phần lớn công trình này được thực hiện bằng tay và có rất ít máy móc hiện đại tham gia. Ngay cả đến việc trộn xi măng cũng được làm thủ công 100%. Đoạn đường hầm Dangjae ở Okcheon được cấu tạo từ đá phiến ma và đá trầm tích thông ra thung lũng dễ gây sập hầm cũng được các nhân công đào thủ công. Họ phải luân phiên làm việc 3 ca và yêu cầu nhà máy chế tạo loại xi măng đặc biệt nhanh khô để có thể đuổi kịp tiến độ.
Cựu bộ trưởng công thương Hàn Quốc Kim Chung Yum nhớ lại Cố tổng thống Park dẫn đầu đoàn kỹ sư làm việc cứ như đang trên chiến trường vậy. Bất cứ khi nào có thời gian rảnh là Ngài Park lại lái xe đến khu công trình để khảo sát.
Niềm tự hào dân tộc
Vào ngày 7/7/1970, dự án đường cao tốc Gyeongbu chính thức được khai trương sớm trước kế hoạch 1 năm. Công trình này dài 428 km, bao gồm 305 chiếc cầu và 12 đường hầm. Đây được coi là công trình lớn nhất được nhà nước xây dựng trong lịch sử hình thành bán đảo Triều Tiên từ cách đây 5.000 năm.
Trong ngày khánh thành, Cố tổng thống Park đã xúc động gọi đây là công trình mang đầy tính nghệ thuật được làm trong thời gian ngắn nhất với chi phí nhỏ nhất. Tính bình quân, cao tốc Gyeongbu có chi phí xây dựng 100 triệu Won (tính theo tỷ giá 1 USD đổi 1,008 Won) trên mỗi km.
Nhờ ý chí kiên cường, dám nghĩ, dám làm, nói thì phải làm, người Hàn Quốc đã tạo nên một kỳ tích. Bình quân mỗi ngày, các công nhân tuyến cao tốc Gyeongbu trải được 1 km đường dù kỹ thuật lạc hậu, một tốc độ đáng kinh ngạc vào cuối thập niên 1960.
Cao tốc Gyeongbu tháng 7/1970
Đáng ngạc nhiên hơn, trong khi Nhật Bản làm cao tốc Tomei nối thủ đô Tokyo với Nakoya vào năm 1968 với chi phí 800 triệu Won/km thì dự án Gyeongbu chỉ rẻ bằng 1/8. Có thể nói, cao tốc Gyeongbu là một trong những dự án thi công có chi phí thấp nhất trong lịch sử.
Việc hoàn thành cao tốc Gyeongbu đã mở ra thời kỳ mới cho Hàn Quốc khi người dân có thể đi từ đầu này sang đầu kia đất nước trong vòng 1 ngày, đồng thời kích thích nhu cầu sử dụng xe hơi cũng như các phương tiện cá nhân. Tuyến đường này cũng nối thông Bắc Nam, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước.
Trước đây, người Hàn đi từ Seoul đến cảng Busan bằng ô tô mất 15 tiếng và tàu hỏa mất 9 tiếng thì nay họ chỉ cần đi 4 tiếng xe hơi, tạo tiền đề phát triển giao thương hàng hóa, du lịch, kinh tế.
Nhờ có tuyến cao tốc Gyeongbu, những mặt hàng hải sản tươi sống từ Busan có thể vận chuyển lên Seoul trong nửa ngày rồi lan đi khắp các tỉnh thành cả nước, tạo công ăn việc làm cho người dân cũng như kích thích tiêu dùng. Thế rồi dịch vụ xe khách, du lịch, bán xe hơi… cũng theo đó phát triển.
Thống kê năm 1973 cho thấy chỉ có khoảng 5.263 chiếc ô tô lưu thông hàng này trên cao tốc Gyeongbu thì con số này đã lên đến 88.000 chiếc vào năm 2014. Theo Korea Expressway Corporation, cao tốc Gyeongbu hàng năm tạo ra 13,55 nghìn tỷ Won lợi nhuận cho nền kinh tế.
Đặc biệt hơn, việc xây dựng thành công cao tốc Gyeongbu đã đem lại sự tự tin cho người Hàn Quốc sau sự tàn phá của chiến tranh. Công trình này trở thành động lực khích lệ tinh thần nhân dân, gián tiếp làm nên kỳ tích sông Hàn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời