Tuyến cáp quang biển AAG đang gặp sự cố trên nhánh S1H, với vị trí cáp lỗi cách trạm cập bờ Vũng Tàu của tuyến cáp khoảng 163 km. Hiện các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam chưa nhận được lịch sửa chữa, khắc phục sự cố lần này.
Thông tin nêu trên vừa được đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam chia sẻ với ICTnews.
Từ khi được đưa vào khai thác vào tháng 11/2009 cho đến nay, cáp quang biển AAG đã nhiều lần gặp sự cố hoặc được bảo trì gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến. (Ảnh minh họa: Internet)
Vị đại diện ISP này cho hay, vào 17h15 ngày 14/11/2019, cáp nhánh S1H của tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG) gặp sự cố tại vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu của tuyến cáp khoảng 163 km.
Dù thời gian cáp AAG gặp sự cố đã gần nửa tháng, tuy nhiên các ISP tại Việt Nam hiện vẫn chưa được thông báo về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra trên cáp nhánh S1H của tuyến cáp biển này.
Trên thực tế, mặc dù tuyến cáp biển AAG lại gặp sự cố, song mức độ ảnh hưởng của lần cáp biển AAG gặp sự cố ngày 14/11 vừa qua với các nhà cung cấp và đại đa số người dùng dịch vụ Internet Việt Nam là không lớn.
Nguyên nhân, theo nhận định của chuyên gia, là bởi trong khoảng 3 năm gần đây, vì tuyến cáp quang biển AAG thường xuyên gặp sự cố nên các nhà mạng như Viettel, CMC Telecom, NetNam… đã có kế hoạch để giảm tỷ trọng dung lượng kết nối quốc tế qua tuyến cáp. Dung lượng Internet Việt Nam đã được bổ sung thêm qua các tuyến cáp mới là APG (đầu năm 2017) và AAE-1 (đầu năm ngoái) nên về lý thuyết tỷ trọng dung lượng qua TGN-IA và AAG giảm đi, và Internet Việt Nam sẽ ảnh hưởng ít hơn trước khi có một trong những tuyến cáp quốc tế bị sự cố.
Mặt khác, mỗi khi các tuyến cáp biển gặp sự cố, các ISP tại Việt Nam đều có phương án dự phòng, điều hướng, tăng cường ứng cứu và đưa chất lượng dịch vụ về mức thường lệ.
Asia America Gateway - AAG là tuyến cáp quang biển quốc tế có tổng chiều dài 20.191 km, với lưu lượng thiết kế ban đầu là 2 Tb/giây và liên tục được nâng cấp theo thời gian, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á (ASEAN) với Mỹ. Tuyến cáp quang biển quốc tế này được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009, đi qua Malaysia (Mersing), Singapore (Changi), Thái Lan (Sri Racha), Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei (Tungku), Hong Kong (South Lantau), Philippines (Currimao) và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California). Từ khi được đưa vào khai thác đến nay, AAG đã nhiều lần gặp sự cố hoặc được bảo trì gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến.
Được biết, ngay trước lần gặp sự cố này, nhánh S1H của tuyến cáp quang biển AAG cũng đã bị “lỗi dò nguồn” (shunt fault) tại vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu 124,5 km vào khoảng 6 - 7h sáng ngày 16/8/2019, gây ảnh hưởng kết nối hướng TP.HCM đi HongKong trên tuyến. Việc sửa chữa, khắc phục sự cố ngày 16/8 trên cáp nhánh S1H của tuyến AAG đã được hoàn thành vào ngày 7/9/2019, sau 3 tuần bị gián đoạn.
Trong các tháng đầu năm 2019, ngoài sự cố xảy ra trên tuyến cáp biển AAG, các ISP tại Việt Nam đã phải ứng phó với việc liên tiếp các tuyến cáp biển khác như IA, AAE-1, APG gặp sự cố hoặc được bảo trì. Cụ thể, ngày 10/1, tuyến cáp IA bị lỗi nguồn ở Singapore và được khắc phục xong vào ngày 27/1. Tiếp đó, tuyến cáp AAE-1 bị đứt ngày 13/2 ở vị trí cách trạm cập bờ HongKong 198km và tới chiều ngày 6/3 được sửa xong. Vào cuối tháng 2, liên tiếp trong các ngày 26, 27 và 29, tuyến cáp APG gặp sự cố trên các nhánh S1.9, S1.8 và S3, sau đó đã được khôi phục lần lượt vào các ngày 7/3, 11/3 và 17/4. Cáp APG tiếp tục bị lỗi vào cuối tháng 5/2019 và đến đầu tháng 6 mới được khắc phục xong.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Hai nhà khoa học giành giải Nobel Y học 2024 vì khám phá ra microRNA
Nghiên cứu của Ambros và Ruvkun có ý nghĩa rất lớn với việc tìm ra phương pháp điều trị nhiều căn bệnh, bao gồm cả ung thư.
Bị Mỹ cấm vận, người Nga bất ngờ có trên tay sản phẩm chưa ra mắt của Apple