Cặp tai nghe đáng mua duy nhất trong tầm giá 500 nghìn Đồng?
Chỉ nửa triệu Đồng cho một cặp tai nghe 'chuẩn Audiophile', cuối cùng thì chất lượng ra gì không?
Từ khi được thành lập từ 2015, Moondrop là một trong những thương hiệu đi tiên phong trong việc thúc đẩy thị trường âm thanh Trung Quốc - hay mọi người còn gọi là Chifi. Các sản phẩm như Moondrop Aria, Kato và dòng sản phẩm cao cấp Dusk nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn cho tai nghe cùng tầm giá, có độ hoàn thiện cao từ cả vỏ ngoài lẫn chất lượng âm thanh.
Nhưng đó là những cặp tai nghe có giá bán từ tầm trung trở lên, vậy một cặp tai nghe có giá bán "gần bét bảng" của Moondrop thì chất lượng đến đâu? Câu trả lời này sẽ được trả lời khi ta đánh giá Moondrop Chu II , một cặp tai nghe tôi mới "sắm" được với giá chỉ dưới 500 nghìn Đồng.
Một trong những điểm đặc trưng của Moondrop họ... rất thích văn hóa Nhật Bản, cụ thể là anime. Những chiếc hộp tai nghe từ thương hiệu này vẫn thường xuyên được trang trí bởi những cô gái bước ra từ truyện tranh Nhật.
Hộp phía trước thì nhìn khá 'vui vẻ', nhưng mặt sau lại thể hiện Moondrop là một hãng rất nghiêm túc về âm thanh: Dải tần đáp ứng của tai nghe được in ngay lên hộp, cùng với đường dải tần tiêu chuẩn (target curve) VDSF gần giống với Harman Target 2019v2.
Dù là tai nghe giá rẻ nhưng Chu II cũng có khá đẩy đủ phu kiện: 3 bộ đệm cao su, một chiếc túi giả da nhỏ để đựng tai nghe và dây cắm.
Tới đây, ta cũng sẽ thấy luôn được sự nâng cấp của Moondrop Chu II so với thế hệ đầu tiên là Chu: Tai nghe đã bổ sung thêm khả năng tháo rời dây cắm với chân 2 chấu, phiên bản đầu tiên chỉ dùng dây gắn liền nên sẽ khó thay thế mỗi khi muốn sửa chữa hoặc nâng cấp.
Cảm nhận đầu tiên khi cầm Chu II lên đó là tai nghe này khá nặng! Có kích thước nhỏ nhắn thôi, nhưng tai nghe cảm giác khá 'đặc', với lý do đó là phần vỏ ngoài (housing) tai nghe được làm bằng hợp kim nhôm.
Với tai nghe tầm giá rẻ, đặc biệt là dưới 500 nghìn Đồng có khá ít tai nghe được làm bằng kim loại, các thương hiệu thường sử dụng nhựa để tiết kiệm chi phí. Với phần vỏ kim loại, Chu II cũng cho cảm giác chắc chắn, cứng cáp trong lần 'sờ' vào đầu tiên, còn độ bền về lâu về dài sẽ còn phải đánh giá thêm.
Trở lại với phần dây của Chu II, ta có một sợi dây cơ bản bọc bằng nhựa mềm màu xám, phiên bản tôi mua sử dụng đầu cắm USB-C với tính năng điều chỉnh DSP khá hay mà ta sẽ tìm hiểu trong phần sau của bài viết.
Trên dây cũng bổ sung luôn hệ thống microphone và 3 nút bấm điều khiển. Nhìn chung sợi dây đi kèm không có chất lượng gì cao vượt trội cả, nhưng vẫn đủ dùng và không có cảm giác quá 'lởm' phải thay thế ngay.
Có cấu hình đơn giản với chi 1 màng loa Dynamic, Chu II có kích thước vỏ nhỏ nhắn nên khi đeo lên tai sẽ gần như lọt thỏm bên trong vành tai luôn, không bị lồi ra ngoài. Cảm giác đeo nhìn chung cũng khá thoải mái, chỉ có 1 điểm cần chú ý duy nhất là ống dẫn âm (nozzle) của tai nghe khá rộng, nên khi sử dụng những loại đệm tai mềm hơn những cặp được tặng trong hộp sẽ tăng độ thoải mái lên nhiều hơn.
Moondrop Chu II có 2 phiên bản, một phiên bản sử dụng dây có chân 3.5mm và phiên bản USB-C hay còn gọi là DSP mà ta có ở đây. Và chắc chắn phiên bản DSP sẽ là phiên bản đáng mua hơn vì hiện nay các thiết bị di động đã đều chuyển qua dùng cổng USB-C, bên cạnh đó cũng đem tới tai nghe 1 tính năng mà cổng 3.5mm không có: chỉnh EQ từ phần cứng.
Ở gần chân cắm USB-C, sợi dây của Chu II đã tích hợp sẵn một bộ DAC/Amp kích thước nhỏ với có thể điều chỉnh âm thanh bằng ứng dụng trên điện thoại. Tại đây, ta có thể điều chỉnh từng dải tần và thấy ngay kết quả thông qua biểu đồ, hoặc thậm chí là tải về EQ của những người dùng khác đã làm cho cặp tai nghe này. Giao diện tải EQ khá buồn cười khi có cả lượt thích và không thích của người dùng đối với mỗi EQ, giống như một mạng xã hội của những người dùng Chu II vậy!
Những điều chỉnh này sẽ được lưu trên dây, trên lớp phần cứng nên dù ta có rút tai nghe và cắm vào các thiết bị không cài đặt phần mềm thì EQ vẫn được áp dụng.
Về chất âm mặc định, Chu II theo hướng âm ấm, hơi tối, dày dặn và thiên về dải trầm. Điều này cũng có thể thấy được rõ ngay từ khi mở hộp, khi dải tần được in trên hộp cũng thể hiện Chu II dư khoảng 5dB ở những dải tần thấp so với tiêu chuẩn. Trên thực tế, ta khó có thể gọi đây là một cặp tai nghe "sôi động" vì dù âm thanh dày dặn nhưng lại khá tự nhiên, với những bạn đã nghe quen với kiểu âm V-shape lại thấy không có điểm nhấn.
Dải tôi đánh giá cao nhất với Chu II là dải trung, là cách tai nghe này thể hiện giọng ca sĩ. Phần trung thấp (low-mid) nhận được năng lượng từ dải trầm, khiến giọng các ca sĩ nam như Leonard Cohen trở nên có lực và rất 'nam tính'. Ngược lại, đoạn trung cao (high-mid) vẫn có đủ độ sáng để thể hiện được tự nhiên giọng ca sĩ nữ.
Với những bạn thích âm thanh V-shape, thì đoạn âm thấy 'lạ' nhất sẽ là dải cao. Dải cao bám gần như sát với dải tần tiêu chuẩn, với sự tự nhiên nên có cảm giác hơi chiếu độ sáng, độ 'leng keng'. Điều này vẫn có thể cải thiện được bằng cách điều chỉnh EQ trong phần mềm, đẩy sáng dải 3000 - 6000Hz để nó có nhiều năng lượng hơn.
Cánh cửa để bước chân vào thị trường Audiophile
Trở lại với câu hỏi đầu bài: Đây có phải là cặp tai nghe đáng mua duy nhất ở tầm giá dưới 500 nghìn hay không? Câu trả lời đáng tiếc là không khi Chu II vẫn không làm chiều lòng thị hiếu của số đông người dùng: không phải tai nghe Bluetooth, không có chống ồn chủ động, thiết kế quá đơn giản và chất âm theo hướng nhẹ, âm và tự nhiên hơn là sôi động, 'xập xình'.
Tuy vậy, tôi đánh giá đây là cặp tai nghe tốt nhất ở tầm giá đối với những bạn muốn tìm hiểu về thị trường tai nghe 'chuyên âm thanh'. Nó đem tới triết lý thiết kế âm thanh truyền thống: chất lượng hoàn thiện tốt bằng kim loại, có dây thay thế được, dáng đeo thoải mái và chất âm dựa trên 1 tiêu chuẩn định sẵn. Việc có thể điều chỉnh âm thanh, tải các loại EQ người khác làm cũng là một 'bonus' mà chỉ những tai nghe có dây DSP như Chu II mới làm được.
Tham khảo thêm về tai nghe Moondrop Chu II:
- Shopee
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?