Card đồ họa R7 260X mới của AMD: Giá bất hợp lý, chưa nên mua

    Nội Tâm,  

    (GenK.vn) - Đây là tình trạng chung của R7 260X hiện nay. Cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới, bất kể hãng nào, giá của R7 260 đều cao hơn HD 7790 đáng kể dù hiệu năng không hơn là mấy.

    Trong số các VGA ra mắt đợt này của AMD, R7 240 – R7 250 – R7 260X là 3 cái tên được người dùng phổ thông và tầm trung quan tâm nhất bởi tầm giá mà chúng đánh vào tập trung rất nhiều người dùng. Trong 3 VGA này mới chỉ có R7 260X có hàng ngoài Hà Nội. Nhằm giúp các bạn dễ dàng lựa chọn card đồ họa cho mùa mua sắm cuối năm, hôm nay GenK xin gửi đến độc giả bài đánh giá chi tiết chiếc MSI R7 260X OC. R7 240 và R7 250 sẽ có bài đánh giá chi tiết ngay khi sản phẩm có hàng tại Hà Nội.

    Giống như R9 270X và R9 280X, R7 260X thực ra là bản rename của thế hệ HD 7000. GPU sử dụng trên R7 260X mang tên Bonaire – chính là HD 7790 trước kia. Cả 2 sản phẩm đều sở hữu 2,080 tỷ transistor, 16 ống dẫn lệnh ROP, 896 Shader Unit và băng thông nhớ 128 bit. Điểm khác biệt chỉ là R7 260X được ép xung sẵn cao hơn và trang bị bộ nhớ 2 GB GDDR5 ngay từ đầu (ban đầu HD 7790 chỉ có bản 1 GB, bản 2 GB được các đối tác của AMD tung ra sau này).

    Theo báo giá của Hanoi Computer, MSI R7 260X hiện đang có giá bán lẻ là 3.980.000 VNĐ – cái giá khá cao so với HD 7790.

    MSI R7 260X OC

    Vỏ hộp là loại thường được sử dụng cho sản phẩm tầm trung của MSI. Tông xanh da trời dịu và đẹp mắt. Phụ kiện đi kèm đầy đủ,  bao gồm: đĩa cài driver, sách hướng dẫn, 1 cổng chuyển DVI-Dsub, 1 cáp chuyển Molex-6pin.

     

    Card được bọc trong lớp mút chống sốc rất dày. Các cổng kết nối và chân cắm đều được bọc nhựa để chống oxi hóa khi chưa sử dụng.

     
     

    Hình thức của MSI R7 260X OC mô phỏng kiểu dáng của xe oto thể thao. Mặt nạ được làm bằng nhựa sơn đen bóng nhìn đẹp và khỏe khoắn.

     
     
     

    Chiếc card được trang bị tản nhiệt 2 heatpipe bằng đồng, hứa hẹn cho hiệu năng tản nhiệt tốt. Card yêu cầu 1 nguồn phụ 6-pin và bộ nguồn công suất thực 450W.

     
     

    Các lá tản nhiệt bằng nhôm được gia công kĩ, thẳng đều tăm tắp.

     

    Quạt 11 cánh độ ồn thấp được sử dụng trên các mẫu VGA cao cấp của MSI.

     

    Board mạch màu nâu có độ dài vừa phải, vừa vặn với các thùng máy bình dân nhưng vẫn đủ dài, mang lại vẻ cứng cáp.

     

    Các cổng kết nối bao gồm: 2 cổng DVI, 1 cổng HDMI và 1 cổng DisplayPort.

     

    VGA của MSI hiện nay đều dán tem bảo hành lên ốc nên tôi không thể tháo tản nhiệt để xem bo mạch, đành săm soi bên ngoài vậy. R7 260X OC được trang bị 5 phase điện cho GPU – nhiều hơn bản chuẩn của AMD 1 phase.

     

    Chiếc card được MSI ép xung sẵn lên 1175/1626 MHz – cao hơn một chút so với bản chuẩn của AMD là 1100/1625 MHz. Với xung sẵn đã cao như thế này, nhiều khả năng tiềm năng ép xung của MSI R7 260X OC không còn nhiều nữa.

     

    Hình ảnh MSI R7 260X OC trên benchtable:

     

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4
    Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz
    Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866
    Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB
    Nguồn: 660W
    Card đồ họa:
    MSI HD 7770 Power Edition – 1100/1125 MHz (xung gốc của AMD 1000/1125 MHz)
    MSI R7 260X OC – 1175/1625 MHz (xung gốc của AMD 1100/1625 MHz)
    Asus HD 7790 OC – 1075/1600 MHz (xung gốc của AMD 1000/1500 MHz)
    Zotac GTX 650 Ti Boost – 993/1502 MHz (xung gốc của Nvidia 980/1502 MHz)

     

    Phần mềm và game thử nghiệm

    - Nvidia Driver 320.49 WHQL
    - AMD Driver Catalyst 13.11 Beta v9.5
    - 3DMark Vantage: Thiết lập Performance Preset (1280 x 1024)
    - 3DMark 11: Thiết lập Performance Preset (1280 x 720)
    - Batman Arkham City (DX 11)
    - BioShock Infinite (DX 11)
    - Crysis 3 (DX 11)
    - Hitman Absolution (DX 11)
    - Metro: Last Light (DX 11)
    - Sleeping Dogs (DX 11)
    - Sniper Elite V2 (DX 11)
    - Tomb Raider (DX 11)

    Trước tiên xin nói qua một chút về driver. Bản driver mới nhất vào thời điểm tôi thực hiện test là Catalyst 13.11 Beta v9.5 vẫn còn mắc khá nhiều lỗi đối với R7 260X. 2 phần mềm 3DMark đều bị dính lỗi đen màn hình giữa chừng, không thể chạy hết cả bài test nên tôi sẽ lấy điểm GPU Score và Graphics trên mạng để tạm tham khảo (tất nhiên sẽ không tính vào tỉ lệ hiệu năng tổng kết cuối bài). Một game quen thuộc khác tôi hay dùng là Dirt 3 cũng bị lỗi không vào được game.

    Kết quả thử nghiệm

    3DMark Vantage

     

    3DMark 11

     

    Batman Arkham City (DX 11)

     

    BioShock Infinite (DX 11)

     

    Crysis 3 (DX 11)

     

    Hitman Absolution (DX 11)

     

    Metro: Last Light (DX 11)

     

    Sleeping Dogs (DX 11)

     

    Sniper Elite V2 (DX 11)

     

    Tomb Raider (DX 11)

    Đây là game duy nhất trong chuỗi phép thử mà MSI R7 260X OC cho FPS vượt lên hẳn so với Asus HD 7790 OC: tăng đến 25%. Các phép thử còn lại chỉ thể hiện R7 260X là một bản ép xung của HD 7790 không hơn không kém.

     

    Ép xung - Nhiệt độ - Độ ồn

    Thời điểm tôi thực hiện bài test này, nhiệt độ phòng đang là 23 độ C.

    Tăng Power Limit lên tối đa 20%, MSI R7 260X OC đạt được xung nhịp cao nhất là 1280/1800 MHz. Tại xung nhịp này, khung hình trung bình trong Tomb Raider tăng từ 32,8 lên 35,7 FPS – khoảng 8,8%. Hiệu năng sau ép xung tăng không nhiều do bản thân GPU đã được ép sẵn ở xung nhịp khá cao rồi.

    Nhiệt độ hoạt động của MSI R7 260X OC (nhiệt độ phòng 23 độ C, benchtable):
    - Idle: 30 độ C.
    - Gaming (Default 1175/1625 MHz): 57 độ C; fan 35% tốc độ khoảng 1530 vòng/phút.
    - Gaming (ép xung 1280/1800 MHz): 58 độ C, fan 37% tốc độ khoảng 1600 vòng/phút.

     

    Tản nhiệt của chiếc card làm việc rất tốt. Không những nhiệt độ ổn mà card còn không hề phát ra tiếng ồn nào, ngay cả trên benchtable.

    Tổng kết

    Biểu đồ tương quan hiệu năng giữa các VGA trong khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng. Tôi đưa vào Zotac GTX 650 Ti và GTX 650 Ti Boost với số liệu lấy từ các bài viết trước.

     

    Như vậy có thể thấy mua R7 260X vào thời điểm này là một quyết định không hợp lý. Hiệu năng chiếc card thể hiện đây chỉ là bản ép xung của HD 7790 không hơn không kém, trong khi đó giá lại cao hơn quá nhiều. Trong khi đó driver cho R7 260X vẫn chưa hoàn chỉnh, mắc lỗi không chạy được một số game, hoặc bị mất tín hiệu lúc đang chơi hoặc khi thoát game.

    Từ giờ cho đến lúc R7 260X điều chỉnh về hợp lý và AMD tung ra bản driver WHQL hoàn thiện dành cho chiếc card, lựa chọn hợp lý cho người dùng là bỏ thêm 300 ngàn đồng lấy chiếc Zotac GTX 660 Synergy, hoặc giảm hẳn xuống HD 7790 hay GTX 650 Ti.

     

    Ưu:
    - Hình thức ổn.
    - Tản nhiệt mát, êm.

    Nhược:
    - Giá cao so với hiệu năng, p/p chưa tốt.
    - Driver chưa ổn định.

    Giá một số sản phẩm trong phân khúc tầm trung từ 3 đến 4 triệu đồng theo báo giá của Hanoi Computer:
    - Zotac GTX 650 Ti: 2.890.000 VNĐ
    - Zotac GTX 650 Ti Boost: 4.050.000 VNĐ
    - MSI HD 7770 (bản thường): 2.950.000 VNĐ
    - MSI HD 7770 PE: 3.150.000 VNĐ
    - MSI HD 7790 1GB OC: 3.290.000 VNĐ
    - MSI HD 7790 2GB OC: 3.350.000 VNĐ
    - MSI R7 260X OC: 3.980.000 VNĐ
    - Asus HD 7790 DC II OC: 3.720.000 VNĐ

    * Xin cám ơn Hanoi Computer đã hỗ trợ sản phẩm cho bài viết.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày