Cậu bé 14 tuổi này vừa từ chối lời đề nghị trị giá 30 triệu USD mua lại startup của mình
Với những gì đã làm được khi còn đang học lớp 8, có lẽ ngay cả những người vĩ đại như tỷ phú Bill Gates cũng phải nể phục cậu bé này.
Khi còn 14 tuổi, tôi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường và chỉ mong được tan học sớm để chạy đến hàng điện tử. Lúc đó tôi cũng chỉ mong được bố mẹ cho vài nghìn lẻ để tiêu vặt mỗi ngày. Thế nhưng cậu bé Taylor Rosenthal vừa mới từ chối một khoản tiền trị giá 30 triệu USD, hơn 660 tỷ đồng.
Nhà sáng lập và giám đốc điều hành của startup RecMed chính là cậu bé 14 tuổi Taylor Rosenthal. Ý tưởng của Taylor rất đơn giản, đó là một chiếc máy bán hàng tự động, tuy nhiên thay vì bán bánh kẹo hay nước ngọt thì chiếc máy này sẽ bán dụng cụ y tế dùng để sơ cứu.
Taylor và chiếc máy bàn hàng tự động đặc biệt của mình.
Taylor đã nảy ra ý tưởng này từ năm 2015, sau khi cậu chơi bóng chày cùng với một vài người bạn của mình. Lúc đó, bạn của cậu đã bị vấp ngã và chảy máu. Tuy nhiên trong khu vui chơi này không thể tìm thấy nơi nào có dụng cụ sơ cứu.
Startup RecMed đã ra đời từ đó, với một chiếc máy bán dụng cụ sơ cứu y tế tự động. Chiếc máy này có thể được đặt ở những nơi công cộng, giúp những trường hợp tai nạn như bạn của Taylor có thể được sơ cứu kịp thời.
Taylor vẫn còn đang học lớp 8.
Sau khi được thành lập, RecMed nhanh chóng nhận được hơn 100.000 USD tiền đầu tư từ các nhà đầu tư tư nhân. Công ty sở hữu nhiều khu vui chơi và công viên lớn Six Flags cũng đã đặt hàng hơn 100 chiếc máy bán hàng tự động của RecMed.
Mới đây, cậu bé Taylor đã nhận được lời đề nghị trị giá 30 triệu USD của một công ty chăm sóc sức khỏe có tầm cỡ lớn trên thế giới, để mua lại startup RecMed. Thế nhưng Taylor đã từ chối lời đề nghị này và không tiết lộ chi tiết, do một số thỏa thuận giữa hai bên.
Cha của Taylor cho biết: “Công ty đó đã liên lạc với chúng tôi, họ nói rằng ý tưởng của RecMed rất có giá trị và muốn thương lượng với chúng tôi. Taylor đã từ chối lời đề nghị vì nó muốn phát triển RecMed hơn nữa và muốn xem rằng sự nghiệp này có thể phát triển đến như thế nào”.
Bộ sơ cứu y tế được bán bên trong chiếc máy RecMed, với đầy đủ các dụng cụ sơ cứu cơ bản.
Chiếc máy bán hàng RecMed của Taylor cũng đã được cấp bằng sáng chế. Nó có thể bán các bộ dụng cụ sơ cứu đầy đủ từ bông băng, gạc, thuốc sát trùng với giá từ 5,99 đến 15,9 USD. Trước đây, ý tưởng chiếc máy bán hàng tự động này đã từng giúp Taylor giành được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi ý tưởng kinh doanh tại trường.
Cậu bé 14 tuổi này cũng là doanh nhân trẻ tuổi nhất được tham gia triển lãm sáng tạo TechCrunch Disrupt tại Brooklyn. Những gì mà Taylor làm được khi mới 14 tuổi cũng khiến cả những người vĩ đại như tỷ phú Bill Gates phải nể phục.
Nếu nhận được lời đề nghị trị giá 30 triệu USD, có lẽ tôi sẽ không phải ngần ngại mà chấp nhận ngay lập tức. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà giờ này tôi vẫn đang ngồi đây và viết bài viết này, chứ không giống như cậu bé Taylor.
Tham khảo: Dailymail
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"
Không chỉ là một mô hình AI mới, sự ra đời của Gemini 2.0 còn được Google xem như là cột mốc chuyển giao sang thời đại của các "tác nhân AI".
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI