Câu chuyện thành công của Bill Gates ai cũng biết, thế nhưng tại sao trên thế giới chỉ có duy nhất 1 Bill Gates thành công?
Mải miết nghe câu chuyện, bí quyết thành công của những vĩ nhân như Bill Gates, Warren Buffett hay Jack Ma, ai cũng biết về mô-típ thành công này nhưng chẳng có ai thực hiện được.
Có ai trong chúng ta không muốn thành công, hay gặt hái ít nhất là một thành tựu nào đó để đời, hoặc chí ít là trong công việc được thăng chức, tăng lương? Có những lúc chúng ta cũng gặp phải trắc trở trên con đường dẫn đến mục tiêu mà mình khao khát.
Vào những lúc như thế, ta lại nhờ đến sự giúp đỡ từ những người đã đi trước mà đã thành công .
Ta tin rằng ta có thể đi con đường mà họ đã đi, đạt được thành công một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn chỉ bằng việc bắt chước họ từ thói quen, hành vi.
Tuy nhiên, …
Giai thoại về thành công
Những gì mà ta truyền tai nhau, qua các mặt báo đều là giai thoại, có thể đã được tam sao thất bản. Phần lớn lời khuyên như những quyển sách Bill Gates cho là nhất định phải đọc trong đời, chỉ dựa trên ý kiến chủ quan, không có những phân tích khách quan và khoa học.
Rất khó để đánh giá được cơ sở những lời khuyên đó nếu nó không được kiểm chứng bằng phương pháp khoa học.
Thêm nữa, phân tích nửa vời về thói quen hay hành vi của người thành công lại xáo trộn các chiều nguyên nhân và kết quả. Chả lẽ trên đời lại có người thành công vì không đọc sách hay tránh mặt trong các cuộc họp lại có thể thành công?
Rất nhiều thói quen, hành động có thể chỉ là sau khi họ đã thành công thôi, còn trước đó thì thế nào thì không ai rõ và không ai quan tâm.
Thành công là một chủ đề rất phức tạp. Kể cả khi có nhiều những nghiên cứu chuyên sâu về phẩm chất cần thiết để thành công trong cuộc đời hay sự nghiệp, thì cũng chưa chắc hữu hiệu với mọi người sống ở những hoàn cảnh khác nhau.
Thất bại bị giấu kín
Lấy ví dụ câu chuyện về một con tàu ra khơi bắt cá nhưng không may gặp bão lớn, thủy thủ trên tàu khó mà sống sót. Sau nhiều nỗ lực cuối cùng, thủy thủ không thể làm gì hơn ngoài việc cầu nguyện cho chính bản thân họ tai qua nạn khỏi. Những người trở về với đất liền đều cầu nguyện.
Vậy là từ đó người ta tin rằng, cầu nguyện cứu sống con người khỏi biến cố. Nhưng còn những người cũng cầu nguyện mà không sống sót trở về thì sao. Thực sự là, ai cũng cầu nguyện nhưng chỉ có một số thoát chết.
Các nhà khoa học xã hội gọi những thủy thủ không sống sót sau cơn bão là những “bằng chứng câm lặng”. Họ là những người bị quên lãng, là trường hợp thất bại mà không được quan tâm đến khi người ta đưa ra kết luận “cầu nguyện mới sống sót.” Về điều này, nhiều nhà khoa học hành vi cũng khẳng định con người trong khi thành thạo trong việc trải nghiệm và đúc rút bài học, thì cũng rất dễ rơi vào những cái bẫy kết luận. Đặc biệt, khi chúng ta quên mất có những thứ vẫn tồn tại dù chúng ta không hề nhìn thấy.
Thực tế là, khi chúng ta đặt niềm tin quá lớn những lời khuyên cụ thể về thói quen, cách sống của người thành công, cũng là lúc chúng ta cho rằng người không thành công là người không thông minh, không có kỷ luật hay ngờ nghệch.
Những phân tích về người thành công đã quên mất rằng có rất nhiều người cũng luyện tập những thói quen như vậy nhưng thất bại. Những phân tích đó lại bỏ qua hay đánh giá quá thấp vai trò sự của sự may rủi và xác suất ngẫu nhiên.
Người thường như chúng ta còn quên mất tỷ lệ số người thành công trên những người thất bại. Tỷ lệ càng lớn thì càng thấy những lời khuyên thành công, sáng tạo càng hão huyền.
Thành công chỉ mang tính cá nhân
Ấy vậy, mà nhiều lời khuyên hay lời khái quát hóa thành đặc điểm chung, xuất hiện liên tục ở những người thành công, bất kể hoàn cảnh.
Ít nhất là trước khi lắng tai nghe lời khuyên của những người thành công thì cũng nên xem xét hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp, cuộc sống, quan điểm, tầm nhìn của họ. Và kể cả những thứ họ phải làm, phải hy sinh cũng đáng phải suy nghĩ. Trong khi lắng nghe cũng cần phải đặt câu hỏi: Lời khuyên đó liệu có phù hợp cho mình?
Những lời khuyên tưởng vô hại nhưng cũng có cái giá của nó. Nghĩa là, ta buộc phải đánh đổi những gì mình đang có để được một chút gì đó giống với người thành công. Nếu bạn bắt chước họ thức dậy lúc 5 giờ sáng, dù bạn phải cày cật lực suốt đêm, thì bạn đang tự hại chính bản thân mình.
Vấn đề trong lời khuyên thành công của các cá nhân không dừng lại ở đó, mà còn xuất hiện ở cả những hướng dẫn thành công cho các doanh nghiệp. Họ đáng lẽ nên sớm nhận ra sự thật thời gian luôn trôi, thế giới luôn biến đổi, và công nghệ thì, không nghi ngờ gì nữa, ngày một phát triển. Những lời khuyên thành công cho ngày hôm nay, sẽ nhanh chóng lỗi thời trước khi có một doanh nghiệp nào kịp bắt chước.
Chính vì trái đất không ngừng quay. Nên bí mật cho thành công cũng không thoát khỏi quy luật đó.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"
Không chỉ là một mô hình AI mới, sự ra đời của Gemini 2.0 còn được Google xem như là cột mốc chuyển giao sang thời đại của các "tác nhân AI".
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI