Câu chuyện về một khách hàng đứng lên khởi kiện thành công Microsoft vì cố tình cập nhật Windows 10

    NPQM,  

    Vụ việc tưởng chừng như nhỏ bé mà lại có ảnh hưởng không ngờ tới suy nghĩ và quyền lợi của người dùng dịch vụ.

    Microsoft đã bị Jesse Worley đe dọa khởi kiện. Anh không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất dám đứng lên đòi lại công bằng từ vụ việc liên quan đến công ty công nghệ xứ Redmond, đồng thời động thái này của anh cũng đi kèm với lý do chính đáng. Cụ thể, anh muốn Microsoft phải tự nhận thức đúng đắn những ảnh hưởng tiêu cực của việc thúc ép người dùng một cách quá đáng để cập nhật lên phiên bản Windows 10. Trong đó, nhiều người vốn đã không mặn mà gì với những cải tiến kể từ Windows 8, nay bỗng bất ngờ nhận ra máy tính của mình đã tự động update lên một phiên bản tiếp theo không theo chủ đích thì chắc chắn sẽ không cảm thấy hài lòng một chút nào, nhất là khi Microsoft cố tình lờ đi thực trạng đó.

    Được biết, Worley vào năm 2013 đã tự thiết kế một bộ máy tính chạy Windows 7 cho ông của mình đang mắc chứng Alzheimer. Giao diện hệ điều hành đã được anh tự điều chỉnh và can thiệp để trông giống Windows XP, phiên bản mà những người già như ông của anh còn đủ trình độ để thao tác ổn định. Vì Windows 7 vẫn còn được nhận những bản vá lỗi đến năm 2020 theo như kế hoạch, nên anh vẫn không lo lắng nhiều lắm và dự định trong thời gian đó sẽ tiếp tục làm điều tương tự, tạo ra một chiếc máy tính chạy Windows 10 với lớp vỏ WinXP cho ông.

    Nhưng thật "may mắn" vì nhờ có chương trình thúc đẩy và khuyến khích nâng cấp lên Windows 10 của Microsoft, ông của Worley dù đã ấn vào biểu tượng dấu "X" ở góc cửa sổ thông báo, nhưng điều đó không có nghĩa hủy bỏ tiến trình cập nhật - điều mà muốn thực hiện thì phải chính thức click vào lựa chọn nằm ở dưới dòng trạng thái. Microsoft đã quyết định thay đổi chức năng của dấu "X" truyền thống đó, thứ mà từ xưa đến nay, trong suốt 21 năm qua, đều mang ý nghĩa hủy tiến trình hiện tại.

    Và mọi chuyện đã không diễn ra theo ý muốn ban đầu...


    Bản nâng cấp bất ngờ

    "Chắc chắn tôi không phải là người duy nhất rơi vào trường hợp này," Worley chia sẻ trong một email trao đổi với Digital Trends. "Microsoft đã không tính toán đến những trường hợp như của ông tôi, từ đó gây ra nhiều phiền toái. Tôi không phải là người nhỏ nhặt và thích bắt lỗi, nhưng quả thực nếu đặt lợi ích và doanh số lên trên những khó khăn và khúc mắc của người khác, dù chỉ là một số ít thôi, cũng khó mà chấp nhận được."

    Ở phiên bản Windows 10, Microsoft đã cải tiến những thiếu sót còn tồn tại ở Windows 8 bằng cách sửa lại giao diện desktop hoàn chỉnh, trong khi vẫn giữ cơ cấu tổ chức và xử lý ứng dụng. Kết quả như chúng ta thấy là một sự kết hợp và giao thoa khá mượt mà giữa trải nghiệm như thể trên một thiết bị tablet lai desktop.

    Không phủ nhận đó là một hệ điều hành tuyệt vời, nhưng bất kỳ thứ gì cũng có những điểm yếu của nó. Dễ thấy nhất là những vấn đề về đảm bảo tính riêng tư từng bị lên án khi Microsoft tự động thu thập dữ liệu điều tra về lựa chọn và thói quen của người dùng. Tất nhiên vẫn có lựa chọn vô hiệu hóa tác vụ đó, nhưng không phải ai sử dụng máy tính đều biết. Vụ việc này thực sự đã khiến nhiều chuyên gia và tổ chức lớn phải vào cuộc và lên tiếng kêu gọi thay đổi.

    "Chiến thuật mà Microsoft dùng để khiến người dùng chuyển sang sử dụng Windows 10 thực sự tinh vi đến mức quá đà, tiêu cực," tổ chức EFF phát biểu vào tháng 8 vừa qua. "Những thông báo ở thanh công cụ liên tục hiển thị dòng quảng cáo Windows 10. Nếu cố tình tắt nó đi, Microsoft sẽ thay đổi thao tác đó và tiếp tục tích hợp vào một hình thức hiển thị khác thông qua những bản cập nhật vá lỗi theo sau."


    Thay đổi nhiều khi không phải là lựa chọn tốt nhất

    Bên cạnh những vấn đề về quyền riêng tư, nhiều người đơn giản chỉ không muốn theo đuổi phong trào cập nhật theo số đông đó. Họ cảm thấy Windows 7 là đã đủ cho nhu cầu hiện tại, và thực chất đó vẫn là hệ điều hành chiếm thị phần nhiều nhất trên thị trường theo thống kê hiện nay. Windows Store, Cortana và giao diện Start Menu độc đáo không hẳn hấp dẫn toàn bộ tất cả người dùng máy tính, mà họ chỉ cần nó vẫn hoạt động ổn định như cũ là đủ.

    Trong trường hợp của Jesse Worley và người ông của mình, quen thuộc và ổn định là những khía cạnh đầu tiên anh tìm đến, chứ không phải độ tân tiến và hiện đại nhất. Việc bất ngờ bị thay đổi từ một phiên bản Win7 tùy chỉnh thành XP lên Windows 10 chắc chắn sẽ gây nhiều nỗi khó chịu và bực tức, nhất là khi chuyển đổi lại giao diện cũ là không hề dễ dàng. Worley cũng khẳng định rằng còn rất nhiều người khác không muốn nâng cấp lên Windows 10 giống như vậy.

    "Tôi chỉ đơn giản là đang đòi lại quyền lợi cho chính mình một cách chính đáng, công bằng nhất, vì tôi hiểu được sự khó khăn khi ông tôi đối đầu với bệnh Alzheimer, và còn nhiều người khác nữa cũng đang khó hiểu vì những thông báo cập nhật Windows 10 hiện lên liên tục."

    Khi anh có ý định kiện công ty về vụ việc này, Worley đã viết một lá thư gửi đến tổ chức phụ trách quản lý quyền lợi và điều khoản người dùng của Microsoft, nhấn mạnh một lần nữa về quan điểm của mình. Và cũng khá ngạc nhiên khi Microsoft hoàn toàn thừa nhận đó là một sơ suất không đáng có của công ty, và không có ý kiến phản đối ban đầu nào tới những người dùng có ý định kiến nghị. Worley muốn công ty đền bù cho thời gian, công sức và cả một khoản từ thiện cho quỹ cộng đồng bệnh nhân Alzheimer. Sau đó, anh đã nhận được 650 USD, và theo lời Microsoft, đó là số tiền cho nỗ lực đã mất của anh, còn về phần quỹ từ thiện, họ nói rằng công ty đã có nhiều động thái nhân đạo tương tự trên toàn thế giới tính đến thời điểm hiện tại, nên không được bao gồm trong đó.

    Sau này, Worley cũng đã cống hiến toàn bộ phần đền bù đó cho alz.org.


    Người dùng thông thái cần biết kết hợp sức mạnh tập thể

    Cuối cùng, Worley hy vọng những người bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quảng bá và nâng cấp Windows 10 đều có đủ can đảm để khiếu nại lên Microsoft đòi lại quyền lợi cho bản thân. Anh cũng muốn công ty cam kết sẽ không bao giờ để sự việc và hậu quả tương tự xảy ra.

    "Tôi muốn mọi người đều biết sử dụng tiếng nói của chính mình để đứng lên vì bản thân. Đó là cuộc chiến công bằng, và xứng đáng bỏ công sức để giành thắng lợi."

    Như đã đề cập, Worley cũng không phải cá nhân duy nhất đứng lên bảo vệ chính kiến và quyền lợi bị thiệt hại của bản thân sau những vấn đề liên quan đến Windows 10. Trước đó, vào tháng 6, Teri Goldstein tại California đã kiện Microsoft và thắng 10.000 USD. Vụ việc cụ thể khi ấy đã khiến chiếc máy tính của cô không thể sử dụng được vì quá trình cài đặt Windows 10 bị lỗi, mặc dù trước đó cô không hề chính thức cho phép cài đặt, cũng là vì chức năng khó hiểu của nút "X". Tất nhiên, toàn bộ dữ liệu và thông tin quan trọng trong máy tính đều bị mất, và Microsoft không thể làm gì khác ngoài đền bù cho mất mát đó.

    Microsoft cũng đã kháng cáo quyết định của tòa, với đề nghị thay thế miễn phí máy tính và số tiền tương ứng tuần lương hiện tại khi sự việc diễn ra. Tuy nhiên sau đó chính họ đã chủ động hủy đơn kháng cáo vì không muốn tốn thêm phí duy trì kiện tụng. Toàn bộ câu chuyện có thể được tìm thấy và đọc tại ebook của Teri Goldstein: “Winning Against Windows 10: How I Fought Microsoft and Won.”

    "Cả Teri và tôi đều mong muốn những đạo luật liên quan đến động thái vô tâm của các công ty công nghệ được thực thi một cách nghiêm túc hơn nữa. Dù quá trình đấu tranh khác nhau, nhưng ít ra cùng một mục đích, và điều đó sẽ khiến Microsoft phải thực sự thận trọng hơn nữa trong những quyết định quảng bá sản phẩm tiếp theo của mình," Worley nhận định.

    Update phần mềm là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển công nghệ, vì nó đem lại hiệu suất hoạt động ổn định và hiệu quả hơn. Tuy vậy, các công ty cần có thêm nhiều động thái trách nhiệm và chú ý hơn khi ra mắt chúng. Microsoft dường như đã trở thành ví dụ tiêu biểu nhất được nếm đủ trái đắng hi hữu khi đẩy vụ việc đi khá xa ngoài tầm kiểm soát ban đầu.

    Tham khảo: Digital Trends

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ