Câu chuyện về vụ phá sản kỳ lạ nhất Nhật Bản: tài sản sau thanh lý nhiều gấp hàng chục lần số nợ

    Kuroe,  

    Sàn giao dịch bitcoin Mt. Gox tuyên bố phá sản vào năm 2014 sau khi để rất nhiều bitcoin tại sàn giao dịch này bị đánh cắp. Thế nhưng, với lượng bitcoin còn lại tại sàn giao dịch này, cùng với cơn sốt tiền mã hóa diễn ra vào năm 2017, số tiền mà Mt. Gox thu được sau khi thanh lý tài sản lại vượt rất nhiều so với những khoản nợ phải trả, biến đây thành vụ phá sản kỳ lạ nhất trong lịch sử luật pháp Nhật Bản.

    Suốt 4 năm qua, cứ 6 tháng một lần, một số khách hàng cũ của sàn giao dịch bitcoin Mt. Gox lại tụ họp trong căn phòng nhỏ tại tòa án ở Tokyo, để nghe những thông tin cập nhật từ Kobayashi Nobuaki - luật sư được chỉ định làm ủy viên của vụ án Mt. Gox.

    Số lượng "chủ nợ" của Mt. Gox tham gia cuộc họp này cứ giảm dần theo năm tháng: cuộc họp đầu tiên có hơn 100 người tham gia, trong khi cuộc họp mới diễn ra gần đây chỉ còn khoảng 30 người mà thôi.

    Cuộc họp các chủ nợ của Mt. Gox thu hút rất nhiều sự chú ý trong thời kỳ đầu
    Cuộc họp các chủ nợ của Mt. Gox thu hút rất nhiều sự chú ý trong thời kỳ đầu

    Vụ việc Mt. Gox phá sản có lẽ là vụ án kinh tế dị thường nhất trong lịch sử tòa án Nhật Bản. Theo như định nghĩa, tình trạng phá sản xảy ra khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, dẫn đến không đảm bảo đủ thanh toán tổng số các khoản nợ đến hạn. Tuy nhiên, ở thời điểm mà bài viết này được thực hiện, Mt. Gox có thừa tài sản để trả hết nợ của mình, thậm chí còn dư một khoản tiền lớn sau khi thanh toán toàn bộ các khoản nợ nần. Lý do dẫn đến việc này là bởi cơn sốt bitcoin nói riêng và tiền mã hóa nói chung diễn ra vào năm 2017, dẫn đến giá trị tài sản của Mt. Gox - vốn là bitcoin - cũng tăng phi mã. Hiện tại, lượng bitcoin của Mt. Gox có giá trị lên tới hơn 1,4 tỉ USD.

    Tuy nhiên, vấn đề khiến cho vụ án Mt. Gox vẫn còn kéo dài đến bây giờ, và sẽ còn tiếp tục diễn ra trong một khoảng thời gian nữa, chính là bởi các quy trình liên quan đến tài sản của sàn giao dịch bitcoin này. Làm gì với lượng tài sản khổng lồ mà Mt. Gox để lại? Giải quyết chúng thế nào cho đúng luật?

    "Trong lịch sử luật pháp Nhật Bản chưa từng có vụ án nào giống như thế này." - Andy Pag, người đã lập ra một nhóm các chủ nợ mang tên Mt. Gox Legal và đứng ra thuê luật sư riêng đại diện cho nhóm trong các vấn đề pháp lý cho biết. "Tôi tin là chưa từng có vụ phá sản nào như thế này từng diễn ra ở Nhật Bản, hay ở bất cứ một quốc gia nào khác."

    Mt. Gox được thành lập vào năm 2010 bở Jed McCaleb, người hiện đang là sáng lập viên của nền tảng giao dịch tiền mã hóa Stellar. Khi ấy, tên miền của sàn Mt. Gox được "kế thừa" từ một dự án trước đó mang tên Magic: The Gathering Online Exchange, cho phép những người chơi Magic: The Gathering có thể trao đổi và mua bán những lá bài của mình. Trên trang chủ của mình, sàn Mt. Gox cho phép người sử dụng có thể rao mua và bán bitcoin, và các giao dịch này nhanh chóng phát triển vượt quá khả năng quản lý của McCaleb. Kết quả là sàn giao dịch Mt. Gox được bán cho Mark Karpelès, một doanh nhân người Pháp đã chuyển qua Nhật Bản sinh sống vào năm 2009.

     Mark Karpelès tại Nhật Bản, năm 2017

    Mark Karpelès tại Nhật Bản, năm 2017

    Đến năm 2014, Mt. Gox đóng vai trò là nơi diễn ra 70% lượng giao dịch Bitcoin trên toàn thế giới, tuy nhiên song hành cùng với sự phát triển của sàn giao dịch này là cả đống vấn đề. Mt. Gox liên tục bị hacker tấn công và đánh cắp bitcoin, thường xuyên "sập sàn" vì mất điện, gặp phải mâu thuẫn với chính phủ Mỹ, và từng dính phải một vụ kiện trị giá 75 triệu USD. Khả năng quản lý yếu kém của Mark Karpelès thậm chí còn trở thành "huyền thoại" trong mắt các nhân viên của gã, khi mà theo lời của một nhân viên tại Mt. Gox thì "Karpelès đã đầu tư một khoản tiền rất lớn để sản xuất một chiếc lò chuyên dụng để làm quiche." (Quiche là tên một loại bánh hết sức phổ biến và nổi tiếng của ẩm thực Pháp).

    Tuy nhiên, đầu năm 2014, các khách hàng của sàn giao dịch này bắt đầu phàn nàn rằng họ đã đặt lệnh rút tiền khỏi Mt. Gox nhưng không thấy tiền đâu cả. Sau đó, sàn giao dịch này đóng luôn chức năng rút tiền. Tài khoản Twitter của Mt. Gox cũng "bay hơi". Theo lời của Karpelès, đã có một tên hacker ngày qua ngày đánh cắp lượng bitcoin của Mt. Gox mà không ai hay biết. Kết quả là tới tháng 2 năm 2014, sàn giao dịch Mt. Gox chính thức phá sản, cùng với khoản nợ 64 triệu USD.

    Tin Mt. Gox sập sàn khiến cho các khách hàng rơi vào tình trạng khủng hoảng. "Khi Mt. Gox còn hoạt động, những trải nghiệm giao dịch của tôi hết sức tuyệt vời. Thậm chí kể cả khi Mt. Gox chuẩn bị sập sàn, đây vẫn là sàn giao dịch Bitcoin hoạt động hiệu quả và đáng tin cậy nhất trên thế giới." - một khách hàng của Mt. Gox tại Minneapolis cho biết.

    Kế hoạch ban đầu của Mt. Gox là tái cấu trúc lại doanh nghiệp của mình thông qua quá trình tái thiết dân sự, tuy nhiên đến tháng 4 năm 2014, lãnh đạo của Mt. Gox quyết định sẽ thay đổi kế hoạch của mình và yêu cầu tòa án cho phép thanh lý toàn bộ tài sản. Đây cũng là thời điểm mà Kobayashi Nobuaki được tòa án chỉ định làm ủy viên của vụ án này, và nhiệm vụ của ông là theo dõi tất cả tài sản của Mt. Gox cũng như tiếp nhận các yêu cầu bồi thường từ khách hàng và chủ nợ của sàn giao dịch này. Từ lúc đó, trang chủ của Mt. Gox được dùng để đăng tải các thông tin liên quan đến diễn biến sau khi Mt. Gox phá sản. Cuộc họp đầu tiên giữa các "chủ nợ" của sàn giao dịch diễn ra vào tháng 7 năm 2014.

    Công việc chính của Kobayashi là đánh giá tính hợp pháp của các yêu cầu bồi thường đến từ các khách hàng của Mt. Gox, và số lượng khách hàng khổng lồ của sàn giao dịch này dẫn đến việc quá trình đánh giá kéo dài đến tận ngày 25 tháng 5 năm 2016 mới xong. Theo đó, có tổng cộng 24.750 yêu cầu bồi thường được chấp nhận, với tổng giá trị là 45 tỉ yên Nhật (tương đương 432 triệu USD ở thời điểm bấy giờ). Ủy viên chốt giá bitcoin mà các khách hàng cũ của Mt. Gox sở hữu là 483 USD/BTC, theo giá trị Bitcoin ở thời điểm sàn giao dịch phá sản. Đương nhiên, nhiều khách hàng không hài lòng với quyết định này, nhất là ở thời điểm Bitcoin lập đỉnh gần 20.000 USD/BTC vào năm 2017. Một số khác thì cho biết, việc chốt giá bitcoin này có thể sẽ có lợi cho những khách hàng cũ nếu như bong bóng bitcoin vỡ tung trước khi quy trình giải quyết vụ án Mt. Gox kết thúc.

     Kolin Burges, một chủ nợ rất tích cực tham gia vào các hoạt động đòi bồi thường của Mt. Gox

    Kolin Burges, một chủ nợ rất tích cực tham gia vào các hoạt động "đòi bồi thường" của Mt. Gox

    Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, đối với các chủ nợ của sàn giao dịch này thì các thủ tục giải quyết nợ nần của tòa án vẫn chậm chạp một cách kinh hoàng. Một số chủ nợ thậm chí còn bán phá giá phần tài sản nợ mà Mt. Gox đang nợ mình để "gỡ gạc" lại chút tiền, thay vì tiếp tục sống trong cảnh chờ đợi các thủ tục được hoàn tất.

    "Vụ án tiến triển quá chậm, cũng như có rất ít thông tin liên quan đến thủ tục phá sản của Mt. Gox, đến mức mà chúng tôi cảm giác như mình cứ mãi giậm chân tại chỗ như vậy mà thôi. Cứ sáu tháng một lần, chúng tôi lại nuôi hy vọng rằng ủy viên Kobayashi sẽ công bố những tin tốt liên quan đến vụ án này, để rồi lại tiếp tục thất vọng khi chẳng biết bao giờ mới có thể nhận được bồi thường." - vị khách hàng đến từ Minneapolis chia sẻ.

    Trên thực tế, đây không phải là lần đầu xảy ra những vụ "phá sản ngược" (khi mà quá trình thanh lý tài sản sau phá sản lại mang lại một lượng tiền khổng lồ đủ để trả hết các khoản nợ) trên thế giới. Theo như Melissa B. Jacoby, giảng viên chuyên về luật phá sản tại trường Đại học North Carolina, đã từng có một số vụ phá sản tương tự Mt. Gox diễn ra trong quá khứ. Chẳng hạn như ở thập niên 90 của thế kỷ trước, tập đoàn New Valley tại New Jersey tuyên bố phá sản và tiến hành bán đấu giá Western Union. Kết quả của cuộc bán đấu giá này là giá trị của Western Union lên tới 1,153 tỉ USD, mang về cho New Valley số tiền đủ lớn để thanh toán sạch mọi khoản nợ nần. Hay như vào năm 2011, tập đoàn Nortel Networks đến từ Canada tuyên bố phá sản và trong số tài sản thanh lý có một bằng sáng chế với giá trị ước tính là 900 triệu USD. Tuy nhiên việc bán đấu giá bằng sáng chế này đã mang về số tiền là 4,5 tỉ USD, gấp 5 lần giá trị ước tính. Số tiền này sẽ được dùng để trả nợ, và tháng 1 vừa qua tòa án đã chấp thuận kế hoạch thanh toán các khoản tiền cho các chủ nợ.

    Quay trở lại với vụ án Mt. Gox, có lẽ sẽ còn rất lâu nữa những chủ nợ nói trên mới có thể nhận lại được tiền, bởi về cơ bản thì quá trình giải quyết các khoản nợ sau phá sản thường rất dài hơi. Trong thời điểm hiện tại, các chủ nợ của Mt. Gox tập trung chủ yếu trên diễn đàn của Mt. Gox Legal, cũng như subreddit r/mtgoxinsolvency. Trong lúc này, có hai vấn đề lớn mà những chủ nợ đang khiếu nại lên tòa án. Thứ nhất là về lượng tài sản còn dư sau khi thanh toán hết nợ của Mt. Gox. Theo luật phá sản của Nhật Bản, thì phần tài sản còn dư sau khi thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp sẽ được phân phối cho các cổ đông của doanh nghiệp này. Như vậy, người được lợi lớn nhất sẽ là Karpelès - kẻ nắm giữ tới 88% cổ phần của Mt. Gox. Vấn đề thứ hai là những người chủ nợ sẽ được thanh toán bằng gì: tiền mặt hay bitcoin. Vấn đề này hiện đang được ủy viên Kobayashi suy tính.

    Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lùm xùm xung quanh vụ án này, khi mà mới đầu tháng các chủ nợ của Mt. Gox đã phẫn nộ khi phát hiện rằng Kobayashi, dưới sự cho phép của tòa án, đã bán 35,841 BTC của Mt. Gox với giá là 38 tỉ Yên (tương đương 360 triệu USD), cáo buộc rằng ủy viên đang tìm cách tiếp tục dìm giá bitcoin xuống nữa. Tuy nhiên, theo lời ông Kobayashi, việc bán số bitcoin trên là để đảm bảo quyền lợi về mặt tài chính cho các chủ nợ, trước khi giá bitcoin tiếp tục lao dốc trong tương lai. Hiện tại chưa rõ số tiền nói trên sẽ được trả ngay cho các chủ nợ, hay giữ lại cho đến khi vụ án này được giải quyết xong.

    Thời điểm mà vụ phá sản của Mt. Gox bất ngờ bị "lật ngược" diễn ra vào năm 2017, khi giá một đồng bitcoin vượt ngưỡng 2000 USD. Tại cuộc họp vào tháng 9 năm 2017, Kobayashi đã giải thích cho các chủ nợ rằng phần tài sản còn dư sau khi thanh toán hết nợ sẽ được chia cho các cổ đông của Mt. Gox, theo đúng như luật pháp của Nhật Bản.

    Chính điều này đã khiến Andy Pag lập ra nhóm Mt. Gox Legal và kêu gọi khoảng 900 chủ nợ góp chung gần 200.000 USD để thuê luật sư riêng của mình. Mục tiêu của nhóm là chuyển tình trạng của Mt. Gox từ phá sản trở lại thành tái thiết dân sự, và khi ấy phần tài sản dư ra sẽ được phân phối cho các chủ nợ thay vì các cổ đông.

    "Chính việc tăng giá chóng mặt của Bitcoin đã thúc đẩy các chủ nợ như chúng tôi hoạt động mạnh mẽ hơn. Nếu tất cả cùng chung tay hành động, chúng ta sẽ tạo ra được một tiếng nói đủ lớn" - Andy Pag chia sẻ.

    Về phía Karpelès, ông đang có ý muốn ủng hộ quá trình phá sản của Mt. Gox theo hướng tái thiết dân sự, dù cho điều này đồng nghĩa rằng Karpelès sẽ không nhận được khoản tiền khổng lồ mà Mt. Gox còn dư sau khi thanh toán hết những khoản nợ phải trả. Tuy nhiên, đây cũng là một quyết định hợp lý, bởi Karpelès sẽ không thể nào yên ổn "nuốt trôi" được số tiền khổng lồ nói trên, mà sẽ phải đối mặt với hàng trăm ngàn đơn kiện khác.

    Theo như những gì Karpelès chia sẻ trong email, thì "vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể đưa Mt. Gox trở về quá trình tái thiết dân sự cũng như có thể hoàn tất quá trình thanh toán các tài sản của mình, và tôi muốn làm tất cả những gì có thể để giúp thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Tôi chỉ muốn các chủ nợ của mình được thanh toán các khoản bồi thường càng sớm càng tốt."

    Khi sàn Mt. Gox sụp đổ, có nhiều mối nghi ngại về những tác động xấu của vụ việc này đến với bitcoin khi ấy. Trong một đoạn trích từ tài liệu "Chiến lược khủng hoảng" của Mt. Gox có ghi: "Sự thật là Mt. Gox có thể rơi vào tình trạng phá sản bất cứ lúc nào, và đây là điều tất yếu mà tập đoàn này sẽ gặp phải. Tuy nhiên, với việc bitcoin nói riêng và tiền mã hóa nói chung mới chỉ bắt đầu được xã hội chấp nhận, thì những khủng hoảng đến từ việc Mt. Gox sập sàn có thể khiến xã hội có một cái nhìn khác về tiền mã hóa, cũng như khiến chính phủ hành động nôn nóng và mạnh tay hơn. Nhìn chung, đây có thể sẽ là cái kết của Bitcoin, ít nhất là đối với đại chúng."

    Thế nhưng, thực tế cho thấy điều này không hề xảy ra. Sự sụp đổ của Mt. Gox thậm chí còn chẳng khiến những nạn nhân của họ chùn bước. Hầu như tất cả những chủ nợ của Mt. Gox vẫn tiếp tục đầu tư vào bitcoin và các loại tiền mã hóa khác kể cả sau khi Mt. Gox sập sàn.

    "Tôi không có gì phải hối hận" - một chủ nợ giấu tên cho biết. "Khi bạn chơi với lửa, chắc chắn sẽ có lúc bạn bị bỏng. Về cơ bản, đầu tư là một cuộc phiêu lưu, và bạn sẽ không thể biết có những biến cố gì có thể xảy ra với mình. Vậy nên, tôi không để cảm xúc của mình lấn át quá nhiều vào những chuyện như vậy."

    Mt. Gox chắc chắn không phải là sàn giao dịch đầu tiên, và cũng sẽ chẳng phải là sàn giao dịch tiền mã hóa cuối cùng gặp phải các vấn đề liên quan đến tin tặc. Năm 2016, 120.000 bitcoin tương đương khoảng 72 triệu USD đã bị đánh cắp khỏi sàn giao dịch Bitfinex tại Hồng Kông. Tháng 1 vừa rồi, 500 triệu token của đồng NEM với giá trị 400 triệu USD đã bị đánh cắp khỏi sàn Coincheck. Mt. Gox cũng chẳng phải là sàn giao dịch duy nhất phải tuyên bố phá sản: tháng 12 năm 2017, sàn giao dịch Youbit của Hàn Quốc cũng đã tuyên bố phá sản sau khi hacker đánh cắp 1/5 lượng tiền mã hóa tại đây.

    "Tôi nghĩ chúng ta vẫn đang ở thời kỳ đầu của Bitcoin và tiền mã hóa, và tôi chắc chắn rằng rồi vẫn sẽ có những người tiếp tục lặp lại những sai lầm trong quá khứ giống như Mt. Gox mà thôi." - chủ nợ giấu tên phía trên cho biết.

    Tham khảo The Verge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ