Cấu trúc gia đình Nhật đang thay đổi mạnh mẽ chưa từng có: Đàn ông ở nhà nội trợ, chăm con

    PV,  

    Đêm đêm, những câu lạc bộ độc thân ở các khu phố đèn đỏ tại Tokyo, Osaka, nơi người phụ nữ xài tiền bạt mạng để mua những người đàn ông cho các thú tiêu khiển của mình.

    Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai và đặc biệt là từ thập niên 1990, kinh tế Nhật phát triển theo hướng hội nhập với thế giới ngày một nhiều, tư tưởng độc lập của phương Tây tràn vào khiến nhiều người phụ nữ ngày càng muốn sống độc thân.

    Đêm đêm, những câu lạc bộ độc thân ở các khu phố đèn đỏ tại Tokyo, Osaka, nơi người phụ nữ xài tiền bạt mạng để mua những người đàn ông cho các thú tiêu khiển của mình. Đã qua rồi cái thời phụ nữ Nhật chỉ biết nép sau khe cửa chờ chồng về rồi cung cúc ra chào, lấy nước lau tay rửa mặt chồng rồi hỏi: “Dạ anh đi làm cả ngày có mệt không ạ?”

    Thế kỷ 21: Khi đàn ông chấp nhận đứng sau lưng phụ nữ

    Nước Nhật của thể kỷ 21, thống kê mới đây cho thấy hơn nửa trong số thanh niên độ tuổi từ 20 đến 35 vẫn đang sống độc thân .

    Nhưng ở đâu đó, vẫn còn rất nhiều người phụ nữ muốn tìm đến một mái ấm gia đình, sinh con và cùng lúc đó vẫn đảm bảo được sự nghiệp.

    Những ngày cuối thu mưa rơi rả rích tiết trời se se lạnh không ngăn được hàng chục người phụ nữ và nam giới đến một buổi mai mối ở gần Shibuya với hy vọng sẽ tìm kiếm được người vợ/người chồng tương lai của mình.

    Thế nhưng lần này có một điểm rất khác biệt so với nhiều buổi mai mối khác, có nhiều người đàn ông sẵn sàng chỉ ở nhà làm nội trợ và có nhiều người phụ nữ đến tìm đối tác sẵn sàng chấp nhận vị trí đó trong cuộc đời.

    Buổi mai mối bắt đầu. Những người đàn ông sẽ lên giới thiệu về bản thân người đó trước. Và nội dung mà họ nói đến không phải là các bài thi tiếng Anh TOEFL, IELTS, các học bổng đi học nước ngoài hay sự thăng tiến trong công việc mà họ thể hiện sự yêu thích và quan tâm của mình tới việc nấu ăn, tầm quan trọng của người đàn ông trong dạy dỗ và giáo dục con cái cũng như cách quản lý công việc gia đình sao cho hiệu quả nhất.

    Ai đó sẽ nghĩ rằng sao lại có những người đàn ông mang nhiều đặc tính của phái nữ đến như vậy, thế nhưng lời lý giải của một thành viên buổi mai mối hẳn sẽ khiến người ta nghĩ khác.

    Anh Ichiro Yagasa, một người đàn ông 35 tuổi, nói: “Tôi không hề có ý định sẽ chỉ ở nhà nuôi con cho vợ, tôi cũng sẽ làm việc bán thời gian để có thu nhập và có thêm quan hệ. Thế nhưng sau này khi tôi có con, tôi muốn sẽ là người giáo dục cháu nhiều hơn.”

    Một người đàn ông 47 tuổi khác thì cho biết ông sẵn sàng ở nhà chăm con đưa con đi chơi để vợ yên tâm theo đuổi sự nghiệp. Từng trải qua thời gian dài làm công ty, ông cho biết ông không quan niệm ai mới phải là trụ cột gia đình, quan trọng rằng hai người sống hạnh phúc với nhau.

    Tất cả những hoạt động trên được tổ chức bởi một tổ chức NGO có tên Himitsu Kessha Shufu no Tomo. Tần suất của hoạt động kiểu như thế này ngày một dầy hơn bởi theo khảo sát của công ty, nhu cầu kết hôn của những phụ nữ thành đạt là có thật, chỉ là trong nhiều trường hợp họ khó tìm được đối tác sẵn sàng chấp nhận cho họ theo đuổi sự nghiệp. Cho đến nay, tổ chức đã mai mối được thành công hàng chục cuộc hôn nhân.

    Những thay đổi chóng mặt trong xã hội

    Trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cam kết nâng tỷ lệ phụ nữ trong các vị trí quản lý lên 30% vào năm 2020. Thế nhưng mục tiêu này không phải dễ dàng mà thực hiện được khi mà hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ cho việc hỗ trợ phụ nữ sinh con và nuôi con nhỏ còn quá yếu so với các nước phát triển khác.

    Ngoài ra, quan niệm của người Nhật rằng đàn ông phải là trụ cột gia đình sẽ phải mất khá nhiều năm mới có thể thay đổi được.

    Các số liệu thống kê từ Nội các Nhật đã chứng minh cho điều này. Ở thời điểm cuối năm 2014, 44,6% người được hỏi vẫn cho rằng đàn ông phải đi làm còn phụ nữ chỉ nên ở nhà nội trợ. Dù tỷ lệ đã giảm sâu so với mức 60,1% vào năm 1992, thế nhưng nó vẫn cho thấy quan niệm về vai trò trụ cột của nam giới vẫn hết sức nặng nề.

    Anh Norita Horikomi, một giáo viên trung học đồng thời là thành viên của một tổ chức NGO khác cũng chuyên hỗ trợ việc mai mối các cặp đôi cho biết: “Từ kinh nghiệm làm việc của tôi, tôi nhận thấy còn rất nhiều người có quan niệm lạc hậu. Chúng ta cần phải thay đổi nó.”

    Anh cho biết thêm khi tiếp xúc với nhiều người đàn ông, họ cảm thấy rất không hài lòng và thậm chí bất bình khi Norita cho biết anh là người sáng sáng dậy nấu cơm cho hai con và vợ ăn. Rồi sau đó hai cháu đến trường rồi anh mới đi làm vì vợ anh thường ngủ dậy muộn do công việc quá bận rộn khiến cô hay về muộn.

    Khi hai cháu ốm, anh cũng thường xuyên là người đưa hai cháu đi viện. Anh đồng thời cũng tham gia trong hội phụ huynh ở trường cho hai con.

    Thậm chí các bác sỹ của hai con trai anh cũng từng rất ngạc nhiên khi anh đưa hai cháu đến viện. Anh Norita nói: “Khi con trai được 4 tuổi, tôi đưa cháu đi khám sức khỏe, bác sỹ liên tục hỏi mẹ đâu, ai chăm sóc cháu hàng ngày. Ông ấy đã vô cùng ngạc nhiên khi tôi khẳng định tôi thường xuyên chăm cháu vì mẹ cháu rất bận.”

    Trong các bài luận của con ở trường, cháu luôn kể về một người bố chăm lo từng miếng cơm ăn, giấc ngủ cho các cháu. Cùng lúc đó, gần như tất cả các bạn bè của cháu viết về sự chăm sóc của người mẹ.

    Anh Norita cũng không phải một người đàn ông kém cỏi gì. Anh từng tốt nghiệp đại học Waseda danh tiếng, có nhiều năm công tác ở một công ty ô tô lớn. Sau đó anh xin nghỉ việc không lương 2 năm cho vợ đi học thạc sỹ ở đại học Hawaii Mỹ. Cuối cùng anh nghỉ hẳn việc khi vợ tiếp tục học lên tiến sỹ và rồi trở thành giáo sư trường đại học ở Nhật.

    Sẽ khó để có thể thống kê được hiện có bao nhiêu người đàn ông đang làm nội trợ ở Nhật thế nhưng nếu quan sát kỹ các số liệu thống kê từ chính phủ Nhật, người ta có thể nhận thấy một thay đổi cực kỳ lớn đang diễn ra. Số lượng người đàn ông phụ thuộc tài chính vào vợ đang tăng nhanh chóng.

    Năm tài khóa 2013, chính phủ Nhật công bố số người phụ nữ đăng ký miễn giảm thuế cho chồng là 110 nghìn, tăng 40 nghìn so với năm 1997. Trong khi đó, số người đàn ông đăng ký miễn giảm thuế cho vợ giảm xuống mức 9,3 triệu trong năm tài khóa 2013 trong khi con số này vào năm 1997 là 11,9 triệu.

    Theo CafeBiz/Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ