"Game thuần Việt" hoặc "game made in Việt Nam" là hai cụm từ không còn xa lạ gì với tín đồ ảo nước nhà trong 1, 2 năm gần đây, nhất là sau khi VNG cho ra mắt Thuận Thiên Kiếm và vừa qua VTC Studio công bố 3 dự án (trong đó có SQUAD đang thử nghiệm). Tuy 2 cụm từ trên khác nhau nhiều về mặt ngữ nghĩa, nhưng tựu chung lại chúng đều có bàn tay người Việt tham gia.
Lập trình game, nghề không hề trải thảm hồng.
Công việc lập trình, thiết kế game trên thế giới rất được coi trọng vì nó đòi hỏi kỹ năng và trình độ cao, nhưng tại Việt Nam dường như còn quá nhiều khó khăn cản trở các bạn trẻ đến với ngành này. Không ít lớp đàn anh từng tâm huyết phải bỏ cuộc vì mưu sinh, trong khi đó lớp kế cận lại chưa được đào tạo bài bản.
Cay đắng lập trình game?
Đó là tiêu đề bài viết trên blog của một bạn trẻ từng đeo đuổi đam mê lập trình trò chơi, theo anh để có thể sống được bằng nghề làm game thật quá khó khăn và khắc nghiệt, phải chịu sự kỳ thị cũng như con mắt soi mói, chê bai từ phía chính khách hàng. Rốt cuộc chính anh đã quyết địnhtừ bỏ một game đang trong quá trình viết code với khẳng định: "Đây là lần cuối cùng bạn nhìn thấy nó trên cõi đời".
Xin trích dẫn lại một số đoạn trong blog:
"Chưa bao giờ thấy bị đụng chạm tự ái như bây giờ, số là có một người bạn đang sống và làm việc ở nước ngoài (rất giỏi tin học) hỏi tại hạ đang làm gì, tại hạ trả lời đang chơi game online Thục Sơn Kỳ Hiệp, anh ta 'À' lên một tiếng phán luôn 1 câu: 'Rácthải của TQ chứ gì , nghe cái tên là biết, Việt Nam làm gì làm được cái nào ra hồn, không vỏ nội ruột ngoại mới lạ' ..."
Thuận Thiên Kiếm từng chịu nhiều điều tiếng xấu.
"... Tình hình là nó nói đúng, ngay cả Thuận Thiên Kiếm mang danh game Việt nhưng vẫn dùng engine của Trung Quốc , nhưng không vì thế mà đánh giá thiếu khách quan như vậy, dù gì cũng do công sức và trí óc của người Việt, đừng nói đâu xa, ngay cả lập trình đây cũng dùng tool của người nước ngoài chứ Việt Nam có cái tool lập trình nào cho ra ngô ra khoai, vậy hà cớ gì mà bắt bẻ engine này engine nọ, nhìn ra ngoài thế giới mà xem, chẳng phải mấy ông TQ cũng xài engine Unreal và CryEngine đó sao..."
"... ở Việt Nam có một phong trào, phong trào này nghe có vẻ hơi 'đồ đá' chút xíu , nhưng thực tế nó lại đúng, phong trào đóchỉ săn những con mồi nhỏ lẻ, đơn độc, còn những con mồi lớn thì để cho chúng chạy, những sản phẩm lớn, dù tệ thế nào cũng sẵn sàng bao che trong khi những cái nhỏ lẻ, dù tốt mấy họ cũng không để ý tới..."
Đang có phong trào chơi game kiểu "đồ đá" tại VN? "... game thủ Việt Nam cùi tới mức khi Thuận Thiên Kiếm vừa ra đã có người đã chê ỏng chê eo là đồ họa lỗi thời, trong khi mấy con ếch đó chưa bao giờ chơi qua những 'Luxiao Feng' có đồ họa còn tệ hơn gấp mấy lần, phải nói so với những game đầu tiên của Tàu, game đầu tiên của Việt Nam xuất sắc về mọi mặt. Rồi mới đây là game của Emobi, chưa phát hành mà đã bị game thủ chê ỏng chê eo, chắc họ chưa nhìn cái trailer game lần nào, phải nói về cái độ lăn tăn của mặt nước thì ăn đứt khối game TQ rác thải họ đang chơi..."
".. Tóm lại ở Việt Nam, lập trình một game là tự đưa mình vào chỗ khó, doanh nghiệp ngại, người đam mê thì yếu tay nghề, người có tay nghề thì lại không có vốn và số lượng quá ít, nếu là một lập trình viên ở Việt Nam thì đâm đầu vào phát triển game là đang tự sát".
Sự thật như thế nào?
Trước tiên, phải khẳng định một điều rằng chủ nhân bài viết trên là một người thực sự đã trải nghiệm nghiệp lập trình game, vì những gì anh nêu ra là có thật và vẫn gây nên tranh cãi nảy lửa trong giới game thủ Việt vài năm trở lại đây. Thế nhưng, thời thế xoay chuyển khá nhanh và mọi chuyện đã tốt đẹp hơn nhiều trong khoảng 6 tháng qua.
Một webgame do studio tư nhân sản xuất tại Việt Nam.
Thứ nhất, hiện tại số lượng studio phát triển game tại Việt Nam lúc này không hề ít, bên cạnh VTC Studio, VNG North và South Studio (thậm chí cả một nhóm thuộc FPT ít lộ mặt) còn có nhiều NSX nhỏ lẻ mang tính tự túc như Emobi, MusicKing hay FGame. Đó là chưa kể tới một số công ty khác chưa ra mặt.
Trong số các studio kể trên, đa phần chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc đều được chăm bón rất tốt, nếu không muốn nói là tốt hơn hẳn so với nhiều doanh nghiệp khác ngành. Đơn cử như tại VNG hay VTC Studio, lương tháng của lập trình viên dao động từ 7 ~ 15 triệu VNĐ, việc ăn uống tại cơ quan được "bao thầu" hoàn toàn.
Môi trường làm việc dành cho phát triển game trong nước không hề tồi.
Thông thường, các thành viên tại đây đều tương đối trẻ nên phong cách làm việc ít gò bó, tạo cảm hứng cho nhân viên. Hơn nữa họ lại cócùng chung đam mê nên mối quan hệ hết sức tốt đẹp, từ "sếp" đến nhân viên coi nhau như anh em một nhà. Vì thế nếu nói rằng "lập trình viên ở Việt Nam thì đâm đầu vào phát triển game là đang tự sát" thì hết sức phiến diện.
Câu nói trên chỉ "phiến diện" chứ không hoàn toàn sai, vì nó rất đúng với phong trào phát triển game nghiệp dư tại Việt Nam, thứ đang chết dần trong khoảng 2 năm gần đây. Chung quy cũng vì những người đam mê thường tự mình làm game, không được đầu tư nên khó trụ vững, họ gần như không tìm được "đầu ra" cho sản phẩm của mình.
Ngay cả với những doanh nghiệp lớn như VTC, giai đoạn đầu của VTC Studio cũng vô cùng gian nan khó nhọc, đội ngũ ban đầu phải lần mò từng tý một, đúc kết dần dần kinh nghiệm thì mới được như ngày nay. Quan trọng là họ được đầu tư tối đa về cả vật chất lẫn tinh thần để học hỏi, chứ không phải "chạy ăn từng bữa" như phong trào nghiệp dư.
Rồi sẽ đến lúc hàng nội lên ngôi.
Con mắt kỳ thị của xã hội với game đang đóng góp 1 phần vào khó khăn chung của toàn ngành phát triển game, bên cạnh đó, căn bệnh "săn những con mồi nhỏ lẻ, đơn độc, còn những con mồi lớn thì để cho chúng chạy" mà bài viết bên trên nhắc đến cũng khiến bất kỳ NSX nào phải đau đầu, thậm chí mất ăn mất ngủ.
Nhưng điều ấy chắc chắn sẽ không kéo dài lâu, số lượng người ủng hộ game Việt vẫn cao và chẳng có lý do gì mà lực lượng ấy nguội lạnh đi nếu chất lượng hàng nội được kích lên cao. Nói cách khác, nếu làm ra sản phẩm tồi thì đừng mong được ủng hộ, còn nếu tốt thì tự nhiên sẽ có người sử dụng.
Hy vọng các lập trình viên game nước nhà sớm lấy lại được sự tự tin cho chính mình trong giai đoạn bắt đầu khởi sắc của làng game thuần Việt.