CEO Mobiistar khẳng định: "Những tay chơi như BKAV vừa là áp lực, nhưng cũng vừa là năng lượng tích cực, để chúng tôi cùng tiến, cùng vươn lên ở một thị trường di động vốn khó tính như Việt Nam".
"Mong thị trường sẽ có thêm nhiều tay chơi như BKAV"
Trong chương trình Cafe8 số #12 vừa qua, ông Ngô Nguyên Kha - CEO & Nhà đồng sáng lập Mobiistar đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về con đường kinh doanh đầy gian nan của thương hiệu điện thoại Việt này trên thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Nhân nói về điện thoại thương hiệu Việt, CEO Ngô Nguyên Kha cho rằng, thị trường smartphone Việt Nam rất cần có thêm nhiều tay chơi như BKAV:
"Nhìn vào chiếc điện thoại Bphone, tôi thấy rất khâm phục đội ngũ BKAV. Cá nhân tôi đánh giá cao nỗ lực quay lại sân chơi di động của BKAV trong tháng 8 tới. Tôi nhìn thấy ở họ sự nỗ lực đưa sản phẩm Việt tới tay người tiêu dùng, đó mới ra là điều đáng trân trọng".
Nhìn nhận về mối quan hệ Mobiistar - Bphone, ông Kha khẳng định: "Những tay chơi như BKAV vừa là áp lực, nhưng cũng vừa là năng lượng tích cực, để chúng tôi cùng tiến, cùng vươn lên ở một thị trường di động vốn khó tính như Việt Nam".
Dù chưa biết BKAV sẽ đưa Bphone 2 vào phân khúc nào của thị trường, nhưng CEO Mobiistar vẫn khẳng định, nên xem Bphone là một người chơi tiềm năng, có thể có cạnh tranh hoặc không, nhưng là đối thủ cần thiết, có lợi chung cho sự phát triển của thị trường di động tại Việt Nam.
"Chúng tôi muốn được gọi là điện thoại thương hiệu Việt"
Ông Kha nhấn mạnh, dù mỗi người có một cách hiểu khác nhau, nhưng bản thân ông luôn muốn Mobiistar được gọi là điện thoại thương hiệu Việt.
Bởi theo ông Kha, về bản chất, thương hiệu cũng như các dòng sản phẩm Mobiistar hiện có trên thị trường đều do người Việt Nam tự tay quản lí và phát triển.
Trong đó, hàm lượng "Việt" của Mobiistar không nằm ở khâu sản xuất điện thoại như các tay chơi lớn trên thị trường, vì đơn vị này vốn dĩ không sản xuất điện thoại ở Việt Nam. Mà đó là đội ngũ các kĩ sư Việt ngày đêm nghiên cứu, phát triển và lên ý tưởng về sản phẩm.
Ông giải thích: "Làm điện thoại cũng giống như việc bạn vận hành một chuỗi các giá trị. Mà ở đó, công đoạn quan trọng nhất là nghiên cứu, tìm hiểu về khách hàng. Cá nhân anh có thể làm được rất nhiều thứ, nhưng chỉ thứ nào người dùng cần mới đưa vào được. Cố nhồi nhét nhiều tính năng vào sản phẩm, nhưng số bán kém, không hiểu khách thì cũng coi như thua".
Còn hoạt động sản xuất - vốn được nhiều người suy nghĩ là công đoạn quan trọng, thì theo CEO Mobiistar lại không phải quan trọng nhất. Ông lấy ví dụ, sản xuất điện thoại cũng giống như làm bánh, đổ nguyên liệu vào, chờ bao nhiêu phút thì lấy bánh ra.
CEO này cho rằng, xu hướng công nghệ hiện nay đang hướng tới một "thế giới phẳng". Chủ yếu là chuyển giao công nghệ, phối hợp với các nhà cung ứng để đi tới sản phẩm cuối cùng. Rất ít nhà sản xuất hiện tại chọn con đường tự mình làm sản phẩm, hay hướng tới các công nghệ độc quyền.
"Do đó, tài sản lớn nhất mà Mobiistar có được tính cho tới ngày hôm nay là một thương hiệu điện thoại được nhiều người biết tới, cũng như đội ngũ quản lí thương hiệu tốt, có sự hiểu biết sâu sắc về người tiêu dùng", CEO Mobiistar chia sẻ.
Nhìn về những mục tiêu xa hơn, ông kì vọng, nếu có được cơ hội bước ra sân chơi quốc tế, sau này ông vẫn muốn được nhìn nhận là thương hiệu điện thoại Việt Nam.
Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương