CEO Nguyễn Tử Quảng cho rằng mình đã gợi ý việc làm smartphone cho thương hiệu Việt khác
CEO BKAV cho rằng ý tưởng của mình như một sự gợi ý cho Vingroup khi tham gia thị trường smartphone về sau.
Mới đây, trong một chương trình phỏng vấn dịp đầu xuân do trang CafeBiz thực hiện, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng đã tiết lộ một câu chuyện khá thú vị liên quan đến hai thương hiệu smartphone Việt tiếng tăm, đại diện cho hai tên tuổi lớn tại Việt Nam là BKAV và Vingroup.
Cụ thể, ông Quảng cho biết công ty của mình từng có ý định mời Vingroup đầu tư sản xuất smartphone từ năm 2017. Thời điểm này, Vingroup chưa công bố kế hoạch tham gia vào lĩnh vực công nghệ, vì vậy thương hiệu smartphone Vsmart còn chưa ra đời. Vậy nên, CEO BKAV cho rằng ý tưởng của mình như một sự “gợi ý” cho Vingroup về sau.
"Năm 2017, khi làm Bphone 2017, tôi có viết hồ sơ mời Vingroup tham gia đầu tư cùng. Sau đó thì không thống nhất được, bởi cách làm của Vingroup là khác với tôi nghĩ. Sau đó thì bên Vingroup cũng tự làm smartphone. Tôi nghĩ chắc là do sự gợi ý đấy. Và chúng tôi vẫn làm theo cách của mình”, ông Quảng nói.
Dù ông Quảng không nêu ra cụ thể, tuy nhiên, có thể thấy rằng BKAV và Vingroup từng có sự trái ngược về phương pháp làm smartphone trong thời kỳ sơ khai của mỗi công ty. Về BKAV, công ty này tỏ rõ tham vọng xây dựng nền công nghiệp smartphone tại Việt Nam, do người Việt làm chủ.
Chính vì vậy, tất cả các công đoạn quan trọng trong việc cấu thành nên một chiếc Bphone như thiết kế phần cứng, phát triển phần mềm, kiểm thử, sản xuất… đều được BKAV thực hiện tại Việt Nam. Ông Quảng cho biết BKAV đã mất khoảng thời gian 6 năm kèm theo khoản đầu tư hơn 1000 tỷ đồng để có thể cho ra lò những chiếc Bphone “Made in Vietnam” đầu tiên hồi năm 2015.
Trong khi đó, để sản phẩm có mặt trên thị trường sớm nhất, Vingroup đã thuê một đơn vị khác thiết kế (hay ODM) khi mới dấn thân vào lĩnh vực smartphone. Một trong số những đối tác được Vingroup lựa chọn là hãng smartphone Tây Ban Nha BQ. Thực tế, hai trong số bốn mẫu smartphone đầu tiên mà Vingroup tung ra thị trường là Active 1 và Joy 1 là phiên bản đổi tên của mẫu Aquaris X2 Pro và Aquaris C của BQ. So với phiên bản gốc, smartphone của Vingroup chỉ khác biệt về phần mềm.
Thế nhưng, Vingroup không ỷ lại vào phương thức ODM mà chỉ coi đó là giải pháp tình thế. Qua các dòng máy sau này, Vingroup đã từng bước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm của mình. Và chỉ chưa đầy 2 năm sau, cụ thể trong tháng 8/2020, mẫu Vsmart Live 4 là smartphone đầu tiên được nhà sản xuất Việt tự chủ 100% từ thiết kế phần cứng, hệ điều hành và khâu sản xuất. Một số linh kiện như pin cũng được Vingroup chủ động sản xuất thay vì nhập ngoại.
Dù vậy, tới tháng 5/2021, Vingroup tuyên bố ngừng sản xuất smartphone để tập trung toàn lực cho việc phát triển xe điện. Điều này khiến cho BKAV trở thành thương hiệu smartphone Việt duy nhất còn bám trụ thị trường.
Ở thời điểm đó, ông Nguyễn Tử Quảng đã có bài đăng trên Facebook với nội dung gửi lời cảm ơn Vingroup vì đã giúp chiếm được thị phần smartphone từ các hãng nước ngoài, khẳng định sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước với các sản phẩm công nghệ Việt. Về phía BKAV, ông Quảng cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi giấc mơ xây dựng smartphone "Made in Vietnam", chiếm lĩnh thị trường nội địa. Thậm chí, CEO BKAV còn đặt ra mục tiêu sẽ đứng trong top 2 thị phần vào năm 2023.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời