CEO Ninety Eight Nguyễn Thế Vinh kể chuyện 2 lần ‘phá sản’ và khởi nghiệp lần 3 tạo sản phẩm blockchain Top 5 thế giới
Khởi nghiệp với blockchain của CEO Ninety Eight (trước đây là Coin98) là ngã rẽ bất ngờ bởi Nguyễn Thế Vinh không có tiền, không có người đồng hành. Sau 2 lần “phá sản”, Vinh gia nhập Coin98 và trở thành đồng sáng lập, đồng thời tạo nên ví multi-chain có hơn 10 triệu người dùng và startup blockchain với vốn hoá có lúc vượt 1,1 tỷ USD.
- Đưa Nvidia đạt vốn hóa 4.200 tỷ USD, CEO Jensen Huang đã làm việc căng tới mức nào? Tỷ phú công nghệ thừa nhận chừng nào làm được việc này mới thực sự cân bằng cuộc sống và công việc
- Jensen Huang vượt mặt Elon Musk và Tim Cook, trở thành biểu tượng CEO quyền lực nhất thế giới
- Elon Musk 'thất sủng', CEO công ty 4.000 tỷ USD trở thành cầu nối mới giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới

“Tôi luôn muốn tạo ra một thứ gì đó của riêng mình, thay vì chỉ hiện thực ước mơ của người khác” – Nguyễn Thế Vinh, CEO của hệ sinh thái Ninety Eight chia sẻ về động lực khởi nghiệp làm gia công phần mềm ngay khi mới ra trường dù chưa có kinh nghiệm, không có tiền và cũng nhanh chóng… thất bại.
Năm 2017, Nguyễn Thế Vinh và Lê Thanh cùng bắt đầu tham gia thị trường blockchain và lập nên các startup khác nhau. Vinh cùng nhiều người khác lập nên VIC Community còn Lê Thanh sáng lập Coin98. Năm 2019, sau khi thất bại với VIC, Nguyễn Thế Vinh gia nhập Coin98 và trở đồng sáng lập. “Nếu thiếu 1 trong 2 người thì chắc chắn sẽ không thể có Ninety Eight ngày hôm nay”, Nguyễn Thế Vinh cho biết.


Năm 2014-2015, ngay khi vừa ra trường, anh bắt đầu hành trình khởi nghiệp với công ty gia công phần mềm. Điều gì đã thôi thúc anh startup khi không có tiền, cũng chưa có kinh nghiệm?
Mọi người hay nói kiểu “máu startup” hay “máu kinh doanh”, chắc cái đó nằm sẵn trong tiềm thức và tính cách của tôi. Hồi còn đi học, lúc đó chưa có khái niệm về startup, nhưng tôi đã luôn muốn làm ra cái gì đó của riêng mình, chứ không phải đi làm thuê cho người khác. Thành ra sau khi ra trường, tôi cứ ôm mãi đam mê khởi nghiệp.
Lúc đó tôi học phần mềm, sau khi bảo vệ đồ án tốt nghiệp xong thì tôi với thầy hướng dẫn, cộng thêm hai đứa bạn hợp tính, ngồi lại làm chung. Mọi chuyện đến rất tự nhiên và đơn giản, tôi muốn startup, thấy có cơ hội thì làm.
Nhưng sau một thời gian, tôi thấy không ổn. Công ty vẫn hoạt động bình thường, nhưng tôi có cảm giác không phát triển được như mình mong đợi. Tôi đã quyết định rời đi sau 6 tháng.
Sau lần đầu tiên startup thất bại, tại sao có “máu khởi nghiệp” mà anh quyết định đi làm thuê tại FPT Software?
Tôi rời đi vì thấy năng lực của mình lúc đó chưa đủ. Từ chuyên môn cho tới kinh nghiệm quản lý một công ty, thật sự tôi chưa có gì trong tay. Vậy nên mục tiêu của tôi lúc đó là phải đi học hỏi thêm, và chọn cách vào một tập đoàn lớn để học cho nhanh. Với dân học phần mềm như tôi thì FPT là lựa chọn quá hợp lý, mà tôi lại học từ FU (Đại học FPT) ra nữa nên Fsoft là lựa chọn sáng giá nhất.
Vào một công ty lớn, mình được làm trong môi trường có quy trình bài bản, có tiêu chuẩn rõ ràng, có nguồn lực mạnh, mình sẽ được va chạm với nhiều người, nhiều dự án khác nhau, và học được nhanh hơn nhiều.
Năm 2017, sau một thời gian làm việc tại Fsoft, anh lại khởi nghiệp một lần nữa nhưng với blockchain – một lĩnh vực rất mới. Điều gì đã đưa anh bước vào một lĩnh vực rất mới và đầy rủi ro tại thời điểm đó?

Thực ra, tôi muốn startup làm một nền tảng dịch vụ cưới nhưng không thể dù đã tự thiết kế ấp ủ logo và mua sẵn tên miền. Sau hơn hai năm làm thuê và quay lại với hành trình khởi nghiệp, tôi nhận ra mình đã học hỏi được nhiều hơn, tích lũy thêm kinh nghiệm, nhưng cuối cùng thì sao?
Muốn khởi nghiệp, điều đầu tiên là phải có vốn – mà lúc đó tôi vẫn chưa có. Thứ hai là cần có người đồng hành – và tôi cũng không có ai. Tôi đã thử rủ một vài người bạn thân, đồng nghiệp, nhưng không có ai sẵn sàng rời bỏ công việc ổn định để cùng lăn lộn, chấp nhận mạo hiểm với mình hết.
Đúng lúc ấy, một người bạn rủ tôi thử đầu tư vào coin. Nói thật, mục tiêu ban đầu của tôi khi tham gia vào lĩnh vực blockchain chỉ là xem liệu có cơ hội kiếm tiền để quay lại làm startup kia hay không thôi. Nhưng khi bước chân vào thị trường này, tìm hiểu sâu hơn, tôi lại thấy nó hay quá!
Vừa là công nghệ mới, lại có yếu tố tài chính và kinh doanh nên tôi thấy quá hợp với mình nên quyết định ở lại và xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực này.

Cũng trong năm 2017, tôi cùng 6 người khác thành lập VIC, sau đó có thêm hai bạn nữa tham gia. Giai đoạn 2017–2019, VIC là một trong những cộng đồng đầu tư tiền mã hóa đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 200.000 thành viên, con số mà đến nay nhiều cộng đồng vẫn chưa đạt được. Lúc đó, đây cũng là cộng đồng duy nhất ở Việt Nam có phát triển sản phẩm công nghệ (DeFi Wallet).
Tuy nhiên, khi startup với VIC tôi mắc phải một sai lầm là mình cứ khởi nghiệp nhưng không nghĩ đến việc xây dựng một cái gì đó thật to, mà thực tế nó lại to thật và rất nhanh nữa. Khởi nghiệp làm chung với nhau có tới 9 người trẻ thì với số lượng founder đó, không phải công ty nào cũng may mắn như FPT - 13 người có thể làm với nhau nhiều năm và thành công.
Vì thế, khi thị trường bước vào giai đoạn khó khăn (năm 2018–2019), VIC gặp trở ngại cả về tài chính lẫn tầm nhìn. Việc xây dựng sản phẩm đòi hỏi rất nhiều thời gian và nguồn lực, trong khi chưa thể tạo ra doanh thu ngay lập tức. Tầm nhìn và động lực giữa các thành viên cũng dần có chênh lệch lớn trong quá trình phát triển, và đến một thời điểm, tôi cảm thấy không thể tiếp tục được nữa. Thế là tôi quyết định rút lui và xem như “phá sản” lần hai.

Thời điểm 2017, anh từng chia sẻ rằng 100 startup blockchain thì có đến 99 cái là lừa đảo. Trong bối cảnh như vậy, anh nghĩ gì khi nhiều người cũng sẽ nhìn mình bằng ánh mắt nghi ngờ?
Câu chuyện lúc đó là mình có dám chọn, dám chấp nhận đi tiếp trên con đường đó hay không. Đương nhiên, con đường nào có rủi ro cao thì lợi nhuận cũng cao. Khi mình bước chân vào thị trường còn chưa rõ ràng, đặt những viên gạch nền móng ở đó thì mới có cơ hội lớn.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đúng là hầu hết các dự án đều có yếu tố lừa đảo hoặc đa cấp, nên mọi thứ không hề thuận lợi như bây giờ. Mọi người xung quanh đều nghi ngờ, thậm chí cả gia đình cũng vậy. Với tôi, chỉ cần bố mẹ không ngăn cản đã là một sự ủng hộ rất lớn. Tôi không thể mong họ hiểu mình đang làm gì để mà ủng hộ.
Khi đó, một đứa con trai đang đi làm ở một công ty lớn, lương ổn định, được sếp trọng dụng, đùng một cái nghỉ việc để nhảy sang một thị trường mà ai cũng bảo là lừa đảo, không ai biết đang làm gì, tất nhiên phụ huynh hoang mang là phải. Nếu bản thân mình không đủ cứng về tinh thần, không hiểu rõ về trách nhiệm với lựa chọn mạo hiểm của chính mình, thì rất khó để vượt qua.
Trong quá trình phát triển, tôi cứ làm thôi. Ban đầu phải tự tin, rồi càng làm thì niềm tin càng được củng cố. Và đến bây giờ tôi thấy mình đúng. Thậm chí hiện nay ở Việt Nam, Nhà nước và Chính phủ cũng đã rất hỗ trợ, bắt đầu có quy định, có những động thái cụ thể để công nhận blockchain là một trong những công nghệ chiến lược quốc gia. Tôi thật sự cảm thấy rất tự hào.

Anh chia sẻ rằng, giai đoạn 2017-2018 “ăn may” kiếm được nhiều tiền nhưng sau đó mất gần hết, anh lại rời VIC và làm lại từ đầu. Sau hai lần "phá sản", vì sao anh chọn tham gia vào Coin98?
Thời điểm tôi vào thị trường năm 2017, đó thật sự là một may mắn. Vì lúc đó thị trường đang lên, mua gì cũng có lời, ai mua cũng lời và tôi không phải ngoại lệ.
Đến năm 2018, thị trường đi xuống, và tôi mất gần như toàn bộ những gì mình kiếm được trước đó. Không hẳn là mất sạch, vì có một phần tôi đã rút ra để đầu tư vào vài thứ khác, nhưng phần lớn là bay hết. Dù sao thì so với mặt bằng thời điểm đó, năm 2017 tôi kiếm được rất nhiều tiền, vượt xa ngưỡng mà tôi từng nghĩ tới.
Sau cú sụp đổ, tôi xác định là phải làm lại từ đầu và bắt đầu nhận ra rằng mình chỉ ăn may, chứ không phải do mình giỏi. Thế là tôi tập trung lại vào việc học, một hành trình đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và trải nghiệm. Không hề đơn giản!

Trước khi gia nhập Coin98, tôi đã quen sếp Thanh từ năm 2017 (Lê Thanh – nhà sáng lập Coin98) khi cả 2 mới vào thị trường. Lúc đấy, thị trường nhỏ lắm, quanh đi quẩn lại cũng có mấy anh em nên biết nhau cả và cũng quý nhau. Do đó, năm 2019, sau khi rời VIC, anh em có ngồi lại với nhau và tôi quyết định gia nhập Coin98, trở thành đồng sáng lập.
Chúng tôi chuyển hướng, tái cấu trúc công ty từ Coin98 Cummunity thành Coin98 Finance và trở thành một startup phát triển các sản phẩm blockchain. Tính đến nay, Coin98 đã có tuổi đời 8 năm, trong đó có 6 năm phát triển về công nghệ.

Tại sao anh và cộng sự tại Ninety Eight chọn phát triển ví làm sản phẩm đầu tiên với định hướng “global first” ngay từ đầu?
Trong tầm nhìn của tôi, blockchain được sinh ra để giải quyết các bài toán về phi tập trung. Vì vậy, chiến lược phát triển sản phẩm của chúng tôi ngay từ đầu đã xác định sẽ đi theo hướng phi tập trung. Đó là lý do đầu tiên.
Lý do thứ hai liên quan đến tầm nhìn về multi-chain. Lúc đó, một số ví chỉ hỗ trợ một chuỗi đơn (single chain). Nhưng tôi nghĩ rằng, khi công nghệ đạt đến một ngưỡng phát triển nhất định và thị trường bão hòa, sẽ có hàng nghìn, hàng chục nghìn blockchain xuất hiện. Và người dùng không thể nào dùng 10 ví khác nhau để quản lý tài sản số của mình. Do đó, việc cung cấp một trải nghiệm ví multi-chain là điều tất yếu.
Cùng với đó, chúng tôi quyết định phát triển sản phẩm ví là vì Web3 rất khác với Web2. Nếu như Web2 người dùng đăng nhập bằng tài khoản mạng xã hội, thì với Web3, để tương tác với bất kỳ sản phẩm hay giao thức nào, người dùng bắt buộc phải có ví. Và dựa trên tầm nhìn multi-chain, chúng tôi đã phát triển ví đa chuỗi, hỗ trợ nhiều blockchain trên cùng một giao diện. Ví giống như một "gateway" – một cánh cổng nên chúng tôi phải xây dựng nó trước để đón người dùng vào.
Còn về định hướng “global first”, đó là điều bắt buộc phải làm. Bởi vì chúng tôi đang làm trong một lĩnh vực công nghệ mới: sản phẩm không có rào cản về địa lý, tại sao lại phải giới hạn mình ở một khu vực hay địa phương nào đó? Trong khi thị trường toàn cầu vẫn đang song hành cùng Việt Nam, nhưng cái nôi của Bitcoin hay Ethereum thì lại không nằm ở Việt Nam. Vì vậy, việc đặt tầm nhìn “global first” là điều hiển nhiên.

Sau 6 năm phát triển sản phẩm blockchain và đổi tên thành Ninety Eight, startup mà anh và Lê Thanh đồng sáng lập đã có những cột mốc quan trọng gì?
Coin98 Super Wallet là sản phẩm “Flagship” và là xương sống của Ninety Eight. Hiện tại, trên thế giới, ví multi-chain Ninety Eight có khoảng hơn 10 triệu người dùng, nằm ở khoảng top 4–5 toàn cầu tuỳ thuộc vào các tiêu chí xếp hạng.
Các công nghệ mới nhất mà chúng tôi đang phát triển hiện nay và cả trong tương lai gần sẽ đi theo hai chiến lược. Thứ nhất, phát triển các công nghệ thế hệ mới để tạo ra trải nghiệm giao dịch vượt trội. Thứ hai, phát triển các công nghệ để bảo vệ tài sản cho người dùng, đặc biệt liên quan đến AI. Chúng tôi hiện có riêng một Team AI để nghiên cứu các giải pháp này.
Bên cạnh việc xây dựng các công cụ hỗ trợ người dùng, tương tác, cung cấp thông tin… chúng tôi đã phát triển các mô hình AI "Fraud Detection" và "Proactive Anomaly Detection" và đã tích hợp trong Coin98 Super Wallet V16. Bất cứ khi nào người dùng chuẩn bị tương tác với một địa chỉ ví, smart contract hay token nào đó, hệ thống sẽ tự động quét và cảnh báo nếu có vấn đề tiềm ẩn trong code hoặc giao dịch bất thường.
Ví dụ, nếu một người tạo ra một ví có dấu hiệu lừa đảo, sau đó tạo tiếp một ví mới có hành vi tương tự, hệ thống của chúng tôi hoàn toàn có thể dự đoán trước và cảnh báo. Đây chính là điểm tạo nên sự khác biệt trong việc sử dụng AI vào các sản phẩm ví của Ninety Eight.


Vì sao Coin98 chính thức đổi tên thành Ninety Eight vào năm 2023?
Không ai nói với nhau, nhưng chúng tôi cũng tự cảm thấy hơi có vấn đề một chút về tên gọi. Ngày xưa, mọi người hay thắc mắc: "Tại sao gọi là Coin98?". Vì sếp Thanh thành lập công ty ở một căn chung cư lầu 9, phòng 8; lúc đó lại làm về coin nên đặt luôn là Coin98. 98 cũng được coi là con số đẹp theo văn hóa phương Đông.
Tuy nhiên, sau này chúng tôi nhận ra rằng, tên đó bao gồm cả chữ và số, và bị dính "vibe" châu Á kiểu Bet88 nhiều quá. Với một sản phẩm toàn cầu, khi chúng tôi làm việc với các đối tác ở châu Âu, chúng tôi tự cảm thấy có một khoảng cách nhất định. Đặc biệt là khi bắt đầu tiếp cận với báo chí, tôi cũng cảm thấy có một sự e dè từ phía mọi người.

Mặt khác, năm 2023 là giai đoạn chúng tôi bắt đầu tập trung vào việc phát triển hệ sinh thái. Có nghĩa là định vị của công ty không còn là một ví nữa, mà là một hệ sinh thái hoàn chỉnh về DeFi, về công nghệ trong blockchain, bao gồm cả layer 1 và rất nhiều giao thức (protocol) khác nữa.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn giữ lại bản sắc 98 trong tên nên đặt lại thành Ninety Eight. Tên mới sẽ loại bỏ phần số trong tên và mang lại "vibe" toàn cầu hơn, không còn mang cảm giác châu Á nữa.

Khởi nghiệp lại lần 3 với Ninety Eight nhưng vào đúng lúc thị trường crypto khủng hoảng (2019-2020), anh và cộng sự đã làm thế nào để đưa công ty vượt qua giai đoạn đó?
Thời điểm 2019-2020, thị trường chạm đáy của chu kỳ trước nên cực kỳ khó khăn, nhưng tôi không đơn độc. Lúc đó, chúng tôi vận hành theo kiểu phải tự bỏ tiền túi ra, vì công ty chưa có nhiều doanh thu hay lợi nhuận. Dù nhân sự chỉ mười mấy người, nhưng mỗi tháng cũng mất vài chục ngàn đô để chi trả cho các chi phí.
Chúng tôi thường dự trữ số tiền đủ để đảm bảo hoạt động trong khoảng ba tháng tiếp theo, nhưng có những giai đoạn tháng sau chưa biết lấy đâu ra tiền để hoạt động. May mắn là chúng tôi đã nắm bắt được những xu hướng ngắn hạn của thị trường crypto tại thời điểm đó và lại vượt qua được. Tình trạng "không biết tháng sau lấy tiền đâu ra" cũng diễn ra vài lần.
Đến cuối năm 2020, tôi đánh giá thị trường có khả năng cao sẽ ấm lên. Lúc đó, chúng tôi cũng hoàn thiện sản phẩm mà mình xây dựng gần hai năm, và đã có hình hài rõ ràng. Đầu năm 2021, chúng tôi bắt đầu thiết lập các vòng gọi vốn. Đúng như dự đoán, thị trường bắt đầu đi lên, điều này đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, tạo ra một đòn bẩy rất tốt.
Sau đó, anh còn phải trải qua một giai đoạn khó khăn nào nữa không?

Nếu gọi 2019–2020 là đáy của chu kỳ trước thì 2023–2024 đúng là đáy của chu kỳ lần này. Mỗi chu kỳ thì thị trường lại có kiểu khó riêng. Giờ thì mình không còn ở đáy nữa, nhưng về mặt tâm lý hay vị thế đầu tư của mọi người thì vẫn đang loay hoay ở vùng khó.
Khó ở chỗ là thị trường giờ nở ra nhiều quá. Ngày xưa chỉ có vài ngàn token, giờ là hàng triệu. Trend thì nhảy liên tục, thanh khoản bị phân mảnh. Thành ra nhiều khoản đầu tư dễ bị hụt hơi, dễ bị “lạc trôi” vào dự án được “vẽ” ra.
Ngoài việc phải cạnh tranh với các công ty quốc tế lớn, hiện tại, một số công ty chứng khoán Việt Nam cũng bắt đầu nhảy vào thị trường crypto, blockchain. Anh có lo ngại về cạnh tranh sẽ tăng mạnh hơn từ những thay đổi đó?
Thứ nhất, tôi nghĩ đó là điều tất yếu, mình không thể nào cản trở sự phát triển của công nghệ. Thứ hai, tôi xem đó là một tín hiệu đáng mừng. Bởi khi những công ty tài chính lớn trong lĩnh vực truyền thống bắt đầu nhảy vào, điều đó có nghĩa là thị trường này đã được công nhận, bắt đầu có luật lệ rõ ràng, an toàn hơn, thì họ mới tham gia.
Ngược lại, tôi thấy không có gì đáng lo ngại. Thị trường này rất lớn, vấn đề là sản phẩm mình cung cấp đến đâu, dịch vụ của mình tốt hơn như thế nào. Đó cũng là động lực để tôi và đội ngũ không ngừng phát triển. Dĩ nhiên, càng phát triển thì càng gặp nhiều thách thức.
Thực ra, cạnh tranh không chỉ đến từ thị trường truyền thống trong nước, mà trên thế giới cũng vậy. Kể cả khi không có các đối thủ đến từ thị trường truyền thống, chúng tôi vẫn phải đối đầu với sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các dự án khác ngay trong chính không gian Web3.

Theo tôi, lợi thế lớn nhất của chúng tôi ở thời điểm hiện tại chính là kết quả của quá trình nỗ lực suốt thời gian qua, đó là đã xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, chứ không phải chỉ là một dự án nhỏ lẻ, đơn độc. Tôi tin rằng đây chính là nền móng rất vững chắc để chúng tôi tiếp tục phát triển trong tương lai. Bởi nếu chỉ là một dự án đơn lẻ, rất dễ bị các đối thủ vượt qua.
Anh có đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không?
Có, nhưng chỉ thử cho biết thôi. Giờ tôi chỉ tập trung đầu tư vào crypto và sản phẩm blockchain của Ninety Eight.
Qua trải nghiệm của mình, anh so sánh 2 thị trường này thế nào?
Tôi thấy thị trường chứng khoán có nhiều quy định và giới hạn, nhất là khi đặt cạnh thị trường crypto. Thứ nhất là về mặt thanh khoản. Thứ hai là thời gian giao dịch, rồi các quy định về giá trần – sàn… Trong khi đó, crypto hoàn toàn không có bất kỳ giới hạn nào.

Với một số người trẻ đầu tư crypto, sau khi kiếm được rất nhiều tiền nhờ thị trường tăng mạnh như năm 2017, họ “nghỉ hưu” và đi chơi. Còn anh sau khi kiếm được rất nhiều tiền từ coin thì lại mạo hiểm đầu tư vào dự án blockchain, rồi cũng thăng trầm và gặp không ít vất vả. Vì sao anh không chọn con đường giống họ?
Tôi nghĩ đơn giản thôi. Lúc ấy mình mới ra trường được 2-3 năm, còn rất trẻ nên được phép sai. Cho dù startup thất bại thì vẫn có thời gian để làm lại, mình vẫn học hỏi tích luỹ được rất nhiều kiến thức kinh nghiệm và thêm rất nhiều mối quan hệ chất lượng. Nếu mình không chấp nhận mạo hiểm, không thử thì sau này không có cơ hội để làm nữa. Đó cũng là lý do để mình bắt đầu.
Còn về sau này thì tôi nhận ra rằng, mình là người kiểu “chân làm” chứ không phải “chân đi”. Nếu như bây giờ giả sử không làm Ninety Eight thì mình chắc cũng tìm thứ gì khác để làm chứ không thể nghỉ hưu được, vì cuộc sống đó quá nhàm chán, vô vị. Đi chơi thì cũng chỉ được 1 tuần đến 2 tuần là chán lắm rồi (cười).
Từ kinh nghiệm của mình, anh có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ muốn đầu tư vào tiền mã hoá và khởi nghiệp blockchain?
Tôi nghĩ, thị trường này cực kỳ mạo hiểm, mạo hiểm hơn rất nhiều so với thị trường đầu tư truyền thống. Cho nên, nếu bạn ý thức được điều đó và chấp nhận được rủi ro, thì hãy dấn thân.
Còn nếu cảm thấy quá sức, không thể chấp nhận được những đánh đổi đó thì có thể nên lựa chọn một hướng đi khác nhẹ nhàng hơn. Bạn vẫn có thể kiếm được tiền, nhưng không phải đánh đổi quá nhiều. Còn với thị trường crypto và blockchain, có lẽ bạn phải trải nghiệm thật sự thì mới thấm, vì đôi khi nghe người khác chia sẻ thôi thì chưa đủ để hiểu hết được.

Còn nếu bây giờ các bạn trẻ muốn theo đuổi một con đường tương tự, nhìn vào quá trình thăng trầm như tàu lượn siêu tốc của mình, tôi nghĩ sự đánh đổi có thể cũng sẽ phải như vậy. Và tôi nhấn mạnh là mình cũng gặp may mắn nữa chứ không sẽ rất khó.
Các bạn khó có thể kỳ vọng rằng vừa mới bước vào thị trường là có thể kiếm được nhiều tiền ngay. Dù câu chuyện có thể lặp lại, nhưng nếu lợi nhuận không đến từ nội tại và năng lực thật sự, thì chắc chắn sẽ mất lại mà thôi.
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp với công nghệ blockchain, bài học lớn nhất anh rút ra là gì?
Người ta vẫn hay nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, nhưng trong thị trường này, nếu thật sự muốn đi vừa nhanh vừa xa, chắc chắn mình phải chấp nhận mạo hiểm đi cùng nhau, phải có một đội ngũ, hoặc ít nhất là những người cùng chí hướng. Khi cùng nhau đồng hành, khả năng thành công sẽ cao hơn rất nhiều.

Vì thực tế, thị trường này không chỉ đơn giản là bạn có làm được hay không, mà quan trọng là bạn có làm được thật nhanh hay không, trong một khoảng thời gian rất ngắn để bắt kịp sự thay đổi. Bởi vì thị trường biến động liên tục, nếu chỉ một tháng không cập nhật, bạn có thể trở thành người tối cổ ngay lập tức.
Cho nên, bài học lớn nhất mà tôi nhận được là: nếu cứ ôm khư khư làm một mình, thì sẽ rất khó để xây dựng được những thứ đủ lớn, đủ sức tạo ra ảnh hưởng thật sự đến xã hội.
Cảm ơn chia sẻ của anh!
Bài: Bình Minh
Thiết kế: Hương Xuân
Ảnh: NVCC, AI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Better Choice Awards sắp trở lại, bắt đầu giai đoạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia
Giải thưởng dự kiến sẽ chính thức công bố trong nửa đầu tháng 8 tới đây. Hiện tại, cổng tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia giải thưởng đã chính thức được mở, chào đón các thương hiệu mang giá trị đổi mới sáng tạo cho người tiêu dùng tham gia.
Nói thật là: 2025 rồi, bạn không cần cố "lên đời" smartphone mới nhất nữa đâu