CEO startup Việt phát triển hệ thống hơn 4.000 robot dịch vụ: Chúng tôi muốn đưa Việt Nam thành trung tâm robot hàng đầu

    Minh Anh, Nhịp sống thị trường 

    TS Vũ Duy Thức – CEO startup OhmniLabs mong muốn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất và phát triển robot hàng đầu khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh robot ngày càng hỗ trợ đắc lực trong nhiều lĩnh vực.

    TS Vũ Duy Thức – CEO startup OhmniLabs mong muốn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất và phát triển robot hàng đầu khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh robot ngày càng hỗ trợ đắc lực trong nhiều lĩnh vực.

    CEO startup Việt phát triển hệ thống hơn 4.000 robot dịch vụ: Chúng tôi muốn đưa Việt Nam thành trung tâm robot hàng đầu - Ảnh 1.

    TS Vũ Duy Thức – Co-founder & CEO của OhmniLabs.

    Khởi nghiệp từ Thung lũng Silicon (Mỹ) vào năm 2015 với mục tiêu chế tạo, sản xuất và triển khai các robot dịch vụ, OhmniLabs đã xây dựng trụ sở nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, từ đó làm bàn đạp phát triển công ty. Đây là một trong những startup tiêu biểu được giới thiệu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022).

    "Chúng tôi tin robot sẽ là một phần không thể thiếu hiện nay và trong tương lai. Cuộc cách mạng robot đang diễn ra. Chúng tôi cũng mong muốn và cố gắng hết sức để Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất và phát triển robot hàng đầu khu vực và trên thế giới", TS Vũ Duy Thức – Co-founder & CEO của OhmniLabs bày tỏ.

    Ông Thức cho biết OhmniLabs đã phát triển và triển khai được một trong những hệ thống robot dịch vụ lớn nhất thế giới, với hơn 4.000 robot tại hàng chục quốc gia. Các robot được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chăm sóc sức khỏe đến giáo dục, thương mại.

    "Chúng tôi có hơn 700 khách hàng là những tập đoàn lớn trị giá hơn 1 tỷ USD. Trong đó, 21 tập đoàn thuộc top 100 tập đoàn lớn nhất theo xếp hạng của Fortune", ông Thức chia sẻ.

    Sản phẩm robot khử khuẩn là dẫn chứng cho việc robot có thể giúp hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội. Cả thế giới đang đối mặt với tình trạng nhân viên y tế thiếu hụt, làm việc quá tải, được thể hiện đặc biệt rõ nét trong đại dịch Covid-19. Trong khi đó, nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng tăng.

    Robot khử khuẩn của OhmniLabs sử dụng công nghệ tia cực tím và công nghệ xe tự lái, giúp khử khuẩn các môi trường khác nhau như bệnh viện, phòng mổ.

    "Đây là một trong những khởi đầu. Chúng tôi mong muốn có thể tự động hóa thật nhiều hoạt động trong các bệnh viện, cơ sở y tế, không dừng lại ở khử khuẩn mà còn là mang thuốc, mang đồ ăn đến cho bệnh nhân. An ninh, tiếp tân cũng là những ứng dụng chúng tôi hoàn toàn làm được", ông Thức trình bày.

    Đáng chú ý, OhmniLabs có thể phát triển những ứng dụng này trong vòng 6 tháng với chi phí dưới 1 triệu USD, thay vì mất 2-3 năm và hàng chục triệu như cách tiếp cận thông thường. Một thành tựu khác mà startup này đạt được thời gian qua là xây dựng hệ thống mở về robot, giúp phát triển sản phẩm robot mới vô cùng nhanh chóng.

    "Nền tảng này dựa trên 3 trụ cột chính. Thứ nhất là thư viện gồm hơn 200 module khác nhau. Tiếp đó là cách thức xây dựng robot độc đáo bằng hệ thống máy in 3D. Chúng tôi chế tạo những máy in riêng để sản xuất robot ngay tại thị trường như Việt Nam hay Mỹ, không phụ thuộc vào các đơn vị gia công".

    "Thứ ba là hệ thống điện toán đám mây giúp quản lý hàng trăm nghìn robot một cách dễ dàng, đồng thời thu thập được những dữ liệu giúp các robot có thể máy học, tạo ra những trí tuệ nhân tạo và chia sẻ chúng, từ đó xây dựng các ứng dụng khác nhau", ông Thức cho hay.

    Sự phát triển của OhmniLabs diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia “Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á” cùng với Singapore và Indonesia. Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), các startup Việt đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD vào năm 2021, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD năm 2019. Đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục vào năm 2023.

    Một số yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư bao gồm sự ổn định chính trị, lực lượng lao động trẻ và trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo… Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao.

    Tại Vietnam Venture Summit 2022, 39 quỹ đầu tư đã cam kết rót 1,5 tỷ USD trong 3 năm 2023-2035. Tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn này dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ