"Cha đẻ" bật lửa Zippo: Đứa con bất trị, chán ghét trường học, nảy ra ý tưởng "điên rồ" ngay giữa khủng hoảng kinh tế
Zippo là thương hiệu bật lửa thống trị thế giới, thành lập năm 1932 bởi George G. Blaisdell tại Bradford, Pennsylvania, Mỹ. Đã có hơn 500 triệu chiếc bật lửa Zippo được bán ra từ một ý tưởng điên rồ.
Đứa con bất trị và ý tưởng đến từ sự cà khịa
George G. Blaisdell sinh ngày 5/6/1895, là người rất ghét trường học. Blaisdell bỏ học từ năm lớp 5 và tuyên bố thẳng thừng sẽ không bao giờ đến trường nữa. Sau đó, cha ông phải gửi ông tới một học viện quân sự với hy vọng cậu con trai được giáo dục tốt hơn nhờ kỷ luật quân đội.
Thế nhưng, George G. Blaisdell học hết năm thứ hai và bỏ học ngay trước khi nhà trường ra quyết định buộc thôi học. Thất vọng với việc học hành của thằng con bất trị, cha của George G. Blaisdell đưa ông tới làm việc tại doanh nghiệp của gia đình: Công ty cơ khí Blaisdell.
George G. Blaisdell
Tại đây, George G. Blaisdell học về gia công kim khí. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), George G. Blaisdell bắt đầu quản lý doanh nghiệp của gia đình.
Tuy nhiên, ông đã bán toàn bộ sản nghiệp đầu tư vào ngành dầu mỏ. Xui thay, ngay sau đó, cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 quét sạch tất cả.
Mùa hè năm 1930, George G. Blaisdell tham gia một buổi khiêu vũ tại một club nhỏ ở khu đồi bên ngoài Bradfold, Pennsylvania trong lúc chưa thể tìm được ý tưởng mới nuôi thân.
Khi ra ban công để hít thở không khí, George Blaisdell nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc thật lịch lãm và đang cố gắng châm thuốc bằng một chiếc bật lửa xấu xí. Đó là một chiếc bật lửa khá cồng kềnh, lớp vỏ ngoài quá thô và phải dùng đến hai tay mới có thể bật được
Lập tức, Blaisdell phá lên cười và hỏi rằng: “Phục sức chỉnh tề nhưng sao không sắm cho mình một chiếc bật lửa tươm tất hơn?”. Người đàn ông kia chẳng thèm quan tâm, đáp gọn lỏn: “Nó cháy”.
Nuốt thẹn quay về, George G. Blaisdell đã lên ý tưởng tạo ra một chiếc bật lửa với nguyên lý tương tự nhưng khắc phục được tất cả mặt hạn chế của nó.
Chơi sang chẳng màng khủng hoảng
Thời kỳ kinh tế lao đao, George G. Blaisdell chẳng có nhiều tiền. Ông phải chạy vại mở Công ty sản xuất bật lửa Zippo. Chẳng ai tin vào ý tưởng mất trí của ông cả vì giá tiền bỏ ra mua Zippo nuôi sống được một gia đình qua cơn bĩ cực.
Tuy nhiên, với quyết tâm tạo ra chiếc bật lửa vừa tiện lợi vừa sang trọng, Blaisdell thuê một góc ở tầng hai của công ty Rickerson & Pryde trên đường Boylston và tìm thêm ba người thợ nữa để phát triển loại bật lửa mới.
Ban đầu, nhóm của ông sử dụng một đĩa điện nóng để hàn, mọi dụng cụ đều là đồ cũ dùng lại giúp cho công ty của ông không mất quá nhiều chi phí, chỉ khoảng 260 USD.
Ông tìm cách thiết kế một loại bật lửa nhỏ hơn, vừa lòng bàn tay và có sự liên kết giữa phần nắp với thân. Sự liên kết này giúp cho người sử dụng có thể bật lửa chỉ bằng một tay. Chiếc bật lửa mới nằm gọn trong lớp vỏ hình chữ nhật. Bản lề ngoài gắn với vỏ hình thành nắp chắn gió xung quanh sợi bấc.
Nhưng phải đến năm 1933 thì phiên bản hoàn chỉnh đầu tiên của Zippo mới ra đời. Mức giá công bố tới toàn thể công chúng là 1,95 USD. Chiếc bật lửa này hiện đang trưng bày tại bảo tàng Zippo ở Bradford.
Trên chiếc bật lửa đầu tiên hiện còn khắc dòng chữ do chính Blaisdell thực hiện: “First Zippo lighter. Do not touch” (Tạm dịch: Chiếc bật lửa Zippo đầu tiên. Xin đừng chạm vào).
Hình ảnh chiếc Zippo đầu tiên
Chiến tranh thúc đẩy kinh doanh
Khác với nhiều sản phẩm tiêu dùng đương thời, Zippo tìm được vận hội của mình trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Khi người Mỹ tham chiến sau trận Trân Châu Cảng, Zippo tuyên bố “dừng sản xuất sản phẩm bật lửa cho thị trường dân sự và dành toàn bộ sức sản xuất cho quân đội Mỹ”.
Zippo nguyên bản được làm bằng đồng thau, nhưng vì nguyên liệu này khan hiếm do chiến tranh nên Zippo chuyển sang sử dụng thép. Công ty Zippo chưa bao giờ có một hợp đồng chính thức với quân đội nhưng những binh sĩ và nhân viên quốc phòng thường hay săn lùng nó ở các cửa hàng quân nhu.
Sau chiến tranh, Zippo mới đăng ký bằng sáng chế cho mẫu Zippo cải tiến, mang số hiệu 2517191, vào năm 1950. Đây là mẫu Zippo phổ biến mà chúng ta vẫn thấy đến ngày nay.
Từ giữa năm 1958, Zippo bắt đầu đánh mã năm sản xuất lên chiếc bật lửa của họ nhằm chứng thực bật lửa Zippo chính hãng và cũng là cách gia tăng giá trị cho từng chiếc bật lửa Zippo. Chính sách bảo hành trọn đời của Zippo đi liền với câu slogan nổi tiếng “It’s works or we’ll fix it free” (Ra lửa hoặc bao sửa).
Hình ảnh chiếc bật lửa Zippo bắt đầu xuất hiện trong quảng cáo của nhiều công ty lớn nhỏ kể từ thập niên 1960. Đến năm 2002. Zippo tiến hành mở rộng dòng sản phẩm bằng việc thêm vào một số loại bật lửa tiện ích với tên gọi Zippo MPL. Tháng 8 năm 2007, Zippo lại ra đời dòng bật lửa ga mới Zippo BLU.
Hãng cũng sản xuất thêm các dòng sản phẩm ngoài bật lửa, như móc chìa khóa, dụng cụ đánh gôn, bộ bút chì và đèn pin bỏ túi ZipLight. Cho đến nay, Zippo đang hốt bạc đều đều với 6 dòng sản phẩm chính là bật lửa, thiết bị sưởi ấm cầm tay (hand warmer), thiết bị ngoài trời, phụ kiện bật lửa, thời trang Zippo và đồ chơi cho thú cưng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4