“Cha đẻ” của trí tuệ nhân tạo lo ngại về việc Trung Quốc lạm dụng AI để giám sát người dân
Nếu không có sự giám sát từ nhiều phía, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ trở thành công cụ tiếp tay cho các mục đích xấu, đặc biệt tại Trung Quốc.
Yoshua Bengio, một nhà khoa học máy tính người Canada, đồng thời là một trong những người tiên phong đưa công nghệ AI ra đời đã bày tỏ sự lo lắng về việc Trung Quốc đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát người dân và kiểm soát chính trị.
Bengio đang là đồng sáng lập công ty phần mềm AI có trụ sở tại Montreal, Canada và là người đứng đầu Viện thuật toán Montreal, Canada. Ông rất lo ngại về việc công nghệ AI có thể bị lạm dụng để kiểm soát hành vi của mọi người, thậm chí ảnh hưởng đến tâm trí của họ.
Bengio được mệnh danh là "cha đẻ" của deep learning cùng hai nhà khoa học Yann LeCun và Geoff Hinton. Công nghệ AI của Bengio sử dụng một mạng thần kinh mô phỏng cách hệ thống thần kinh của con người hoạt động để đưa ra các dự đoán dựa trên nguồn dữ liệu có sẵn.
Deep learning đã góp công lớn trong sự phát triển của nhiều công nghệ như nhận dạng khuôn mặt, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, dịch thuật. Deep learning đòi hỏi một lượng lớn dữ liệu để đào tạo AI. Đó có thể là điều khó khăn với nhiều quốc gia nhưng với Trung Quốc thì không. Đó là một nước có số dân đủ lớn và nguồn dữ liệu khổng lồ để thử nghiệm bất cứ thuật toán AI nào.
Mặc dù vậy cách Trung Quốc sử dụng nguồn dữ liệu khổng lồ đó từ người dân mới là điều đáng lo ngại.
Trong một cuộc phỏng vấn, Bengio chia sẻ: "Đây là kịch bản giống tiểu thuyết Big Brother 1984. Tôi nghĩ rằng nó ngày càng trở nên đáng sợ hơn".
Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng các máy quay an ninh trên đường phố hay máy quay giấu kín để nhận dạng khuôn mặt và theo dõi chính người dân ở nơi công cộng. Thông qua nguồn dữ liệu này, các nhà chức trách Trung Quốc có thể tìm kiếm nhanh một người khả nghi trong cả biển người rộng lớn hay truy tìm người gây ra tai nạn,…Nước này cũng lập một nền tảng chia sẻ thông tin để phát hiện những khách hàng vi phạm có trong danh sách đen và bị cấm di chuyển trên các phương tiện giao thông.
Thoạt nghe tất cả những mục đích trên là đúng đắn nhưng khó có thể dám chắc mọi thứ hoạt động dựa trên bộ quy tắc thống nhất và không có sự thao túng.
Bengio khẳng định: "Việc sử dụng khuôn mặt để theo dõi một ai đó cần được kiểm soát chặt chẽ hơn".
Nhà khoa học Yoshua Bengio
Tất nhiên không chỉ Bengio bày tỏ sự lo ngại về cách Trung Quốc sử dụng AI để giám sát người dân. Tỷ phú George Soros mới đây đã có một bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Thế giới vào hôm 24/1 nhấn mạnh những rủi ro khi một quốc gia sử dụng AI để đe dọa quyền tự do dân sự và quyền của người thiểu số.
Không chỉ có mối lo liên quan đến nhà cầm quyền của một quốc gia, dữ liệu người dùng do các công ty công nghệ nắm giữ cũng là một vấn đề đáng lưu tâm khác. Bengio cho rằng, việc phát triển AI một cách có trách nhiệm sẽ buộc các công ty công nghệ lớn phải thay đổi cách vận hành. Bên cạnh đó cần có những khung pháp lý chặt chẽ hơn để hướng các công ty công nghệ tuân thủ luật hơn, không lạm dụng dữ liệu người dùng cho các mục đích khác ngoài việc nâng cao trải nghiệm sản phẩm.
Cha đẻ của AI tin rằng, có nhiều cách khác nhau để phần mềm deep learning ứng dụng cho mục đích tốt. Mới đây, Bengio tiết lộ đang tham gia một dự án sử dụng AI để tạo ra hình ảnh thực tế tăng cường, mô phỏng những điều có thể xảy ra do tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa tự nhiên.
Tuy nhiên Bengio cũng cảnh báo rằng, việc triển khai AI sẽ khiến tình trạng thất nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn trên quy mô toàn cầu. Bù lại thành quả từ hiệu suất công việc, tiết kiệm chi phí nhân lực sẽ rất lớn. Ông nhấn mạnh, chính phủ các nước cần chủ động tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này trước khi tính đến việc triển khai các sáng kiến AI trên quy mô lớn.
"Nếu công nghệ ngày càng hiện đại, ngoài những ảnh hưởng khác, nó có thể sẽ dẫn tới nguy cơ tập trung quyền lực và sự giàu có về một phía. Điều đó là không công bằng cho cả xã hội và mọi người", Bengio nhấn mạnh.
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời