'Cha đẻ' cuốn Quốc gia khởi nghiệp thừa nhận điểm khác biệt giữa tư duy người Trung Quốc và người Do Thái
Saul Singer, cha đẻ của cuốn sách nổi tiếng Quốc gia khởi nghiệp cho rằng người Israel không giỏi về tư duy lớn cho lắm, song họ biết cách tư duy quốc tế. Chẳng hạn, ở Mỹ và Trung Quốc, họ giỏi việc tư duy lớn hơn Israel (trong việc xây dựng quy mô doanh nghiệp).
Trong lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, Saul Singer, tác giả cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp trả lời phỏng vấn tạp chí Forbes từng thừa nhận rằng: "Ở Israel, chúng tôi không giỏi về tư duy lớn (thinking big) cho lắm, song chúng tôi biết cách tư duy quốc tế. Chẳng hạn, ở Mỹ và Trung Quốc, họ giỏi việc tư duy lớn hơn Israel (trong việc xây dựng quy mô doanh nghiệp)."
Nói về Dân tộc Do Thái là nói đến những người lạ kỳ, còn đất nước Israel thì ẩn chứa nhiều điều thú vị mà nhiều nền kinh tế phải thán phục.
Dù chỉ có diện tích hơn 22.000 km2 với dân số hơn 8,6 triệu người nhưng thu nhập bình quân đầu người của nước này lên tới hơn 36.000 USD.
Đặc biệt, từ một nơi cằn cỗi không có nhiều tài nguyên, Israel đã phát triển thành một quốc gia khởi nghiệp với hàng loạt công nghệ tiên tiến cũng như bằng sáng chế xuất phát từ đất nước này. Ngay từ đầu những năm 1974, hãng Intel đã nhận ra tiềm năng sáng tạo của người dân Israel và đặt trung tâm nghiên cứu (R&D) đầu tiên của mình tại nước ngoài ở đây.
Trong vòng 40 năm sau đó, hơn 250 tập đoàn đa quốc gia đã thiết lập trung tâm nghiên cứu tại Israel và có đến 80 công ty trong số đó thuộc top 500 doanh nghiệp lớn theo xếp hạng của Fortunes.
Không chỉ những doanh nghiệp lớn từ Mỹ như Facebook hay Apple đổ xô tới Israel, nhiều hãng khác như Huawei hay Samsung của Trung Quốc và Hàn Quốc cũng muốn đặt chân đến đất nước Do Thái này.
Trong khoảng 1999-2014, Israel đã có khoảng 10.185 công ty khởi nghiệp và khoảng 50% trong số đó còn tồn tại đến ngày nay và khoảng 2,6% số startup khi đó hiện có doanh thu hàng năm hiện nay lên đến trên 100 triệu USD.
Tuy nhiên, đó không phải là những điều thú vị nhất ở Israel. Có một thực tế mà không nhiều người nhận thấy là thị trường của Israel rất nhỏ với dân số thấp, trong khi những thị trường láng giềng lại không khả quan do khác biệt về tín ngưỡng cũng như xung đột chính trị.
Trước tình hình đó, người dân Do Thái tại đây đứng trước 2 sự lựa chọn: Để những tập đoàn đa quốc gia thôn tính công ty trong nước hoặc thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ xâm chiếm các thị trường nước ngoài.
Lẽ tất nhiên, Israel với truyền thống kiên cường bất khuất của người Do Thái đã lựa chọn con đường thứ 2. Họ rất khôn ngoan khi không cố gắng làm lớn các công ty của mình lên để cạnh tranh với nước ngoài như nhiều nền kinh tế, đặc biệt là Trung Quốc đã làm.
Thay vì tái cấu trúc để cắt giảm chi phí hay vay thêm vốn để đối chọi với các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài, những công ty vừa và nhỏ của Israel đẩy mạnh thị trường ra nước ngoài để tìm kiếm thêm nguồn thu nhập.
Hầu như mọi người đều không biết Avgol Nonwoven là nhà cung cấp tã giấy lớn cho Procter & Gamble, trong khi Delta Galil là hãng may đối tác chủ chốt của thương hiệu Victoria’s Secret.
Ngày nay, rất nhiều doanh nghiệp nội địa của Israel hướng đến thị trường nước ngoài dù họ khá nhỏ bé so với các ông lớn trên thế giới. Từ các chuỗi khách sạn, quần áo, cà phê cho đến kim cương hay chocolate, hầu như bất kỳ ngành nào cũng có sự tham chiến của các công ty vừa và nhỏ của Israel.
Bạn đã nghe đến cái tên Sabon bao giờ chưa? Nó là doanh nghiệp xà bông nhỏ ở Israel với hơn 20 chi nhánh trong nước và 30 cửa hàng trên toàn thế giới. Thế còn Fox, một chuỗi cửa hàng kinh doanh thời trang với hơn 100 đại lý trên toàn cầu?
Thống kê của HBR cho thấy hiện có khoảng hơn 75 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Israel đã chuyển mình thành công từ những công ty có doanh thu dưới 100 triệu USD lên thành những tay chơi toàn cầu có doanh thu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD.
Vậy làm thế nào để những doanh nghiệp vừa và nhỏ này có thể xâm chiếm thị trường nước ngoài khi họ phải cạnh tranh không chỉ những tập đoàn lớn mà còn cả với các công ty địa phương?
Không cần thiết phải to, biết cách toàn cầu hóa là đủ
Câu trả lời là hãy bắt đầu với những thị trường không thu hút các tập đoàn lớn cũng như không có quá nhiều doanh nghiệp nội địa lớn. Sau đó, hãy từ từ xâm lấn các thị trường này rồi đến những thị trường lớn hơn mà không gây các phản ứng gay gắt.
Hãy bắt đầu với Netafim, một công ty chuyên kinh doanh kỹ thuật nhỏ giọt và những giải pháp cho ngành nông nghiệp, vốn bắt đầu kinh doanh ở Israel vào thập niên 70. Nhận thấy thị trường nội địa không đủ lớn, hãng này đã xuất khẩu dịch vụ của mình sang Hawaii hay Australia, những nơi không có nhiều đối thủ.
Đến đầu thập niên 80, hãng nhận thấy các tập đoàn lớn chỉ chú trọng đến hệ thống tưới nhỏ giọt cỡ lớn cho các trang trại lớn ở Mỹ mà bỏ qua phân khúc trang trại cỡ vừa và nhỏ. Khi đó CEO Oded Winkler của hãng nhận định rằng việc chỉ tập trung vào các trang trại vừa và nhỏ sẽ giúp công ty tránh được sự chú ý từ các tập đoàn lớn trong khi vẫn cạnh tranh được với các đối thủ vừa tầm.
Rất nhanh sau khi tiếp cận thị trường Mỹ, Netafim mở rộng sang hàng loạt các nước như Italy, Pháp, Nam Phi... và thu được những thành công lớn.
Chiến lược của Netafim đã đem lại hiệu quả khi những tập đoàn lớn như Toro hay Jain Irrigation không lưu ý đến phân khúc này mãi cho đến 10 năm sau khi Netafim đã hoạt động tại Mỹ.
Hiện nay, Netafim là công ty hàng đầu thế giới trong mảng dịch vụ tưới nhỏ giọt với thị phần toàn cầu hơn 30%, thị trường tại hơn 100 nước và doanh thu năm 2013 đạt 750 triệu USD.
Một ví dụ khác là hãng dược Teva Pharmaceutical của Israel khi đã không còn thỏa mãn với thị trường trong nước và muốn nhắm đến các nước khác. Không giống như Netafim, Teva lo ngại các hãng dược nhỏ khi tiếp cận thị trường Mỹ hơn là các công ty lớn. Hãng nhắm đến phân khúc thuốc gốc (Generic Drug) vốn là các sản phẩm đã hết hạn bản quyền tại Mỹ và được bán với giá rẻ hơn thuốc mới.
Theo Teva, những hãng dược lớn như Pfizer và Merck luôn nhắm đến những dược phẩm mới và họ không thể quan tâm đến mảng thuốc gốc mà không tái cơ cấu lại công ty. Bởi vậy, đối thủ của Teva là những hãng dược nhỏ và vừa. Do đó, Teva áp dụng chiến lược cộng tác để dần mua lại và sáp nhập những công ty này.
Israel là một đất nước đáng ngưỡng mộ
Năm 1985, Teva hợp tác với hãng W.R. Grace để tạo nên TAG Pharmaceuticals để rồi bị Teva mua lại hoàn toàn vào năm 1991. Sau đó hãng mua lại Lemmon, một chuỗi phân phối dược phẩm nổi tiếng tại Mỹ. Đến giữa thập niên 90, doanh thu của hãng đã đạt 40 triệu USD.
Thừa thế xông lên, hãng bắt đầu áp dụng chiến lược tương tự để xâm chiếm thị trường dược phẩm Châu Âu. Đến năm 2012, Teva đã hoạt động trên 60 quốc gia với doanh thu hơn 20 tỷ USD.
Trung Quốc và câu chuyện “nghĩ lớn”
Hãy tạm dừng câu chuyện toàn cầu hóa của người Do Thái để chuyển sang một mô hình kinh doanh khác tại Châu Á là Trung Quốc.
Kể từ khi cải cách nền kinh tế, mở cửa thị trường, Trung Quốc đã phát triển thần tốc. Hàng loạt những công ty quốc doanh của họ trở thành những ông lớn thống trị tại thị trường nội địa.
Đây là chuyện khá bình thường khi người Trung Quốc thích “nghĩ lớn”, thích xây dựng những tập đoàn đồ sộ đối chọi lại các công ty đa quốc gia nước ngoài. Việc chính phủ ban hành những quy định bảo hộ cho công ty trong nước, nhất là doanh nghiệp quốc doanh không có gì lạ với hàng loạt tập đoàn như Apple, Facebook hay Google.
Với thị trường hơn 1 tỷ dân và diện tích đất liền hơn 9,5 triệu km2, bản thân Trung Quốc đã đủ rộng lớn cho các xí nghiệp cạnh tranh trong nước. Hệ quả là hàng loạt tập đoàn lớn với mức vốn hóa khủng trong top thế giới lại chỉ quanh quẩn ở sân nhà mà hiếm khi tham chiến tại thị trường nước ngoài.
Năm 2016, hãng chuyển phát nhanh ZTO Express của Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ với tổng mức vốn IPO là 1,4 tỷ USD và trở thành doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ấn tượng nhất trong năm.
Trớ trêu thay, công ty nổi tiếng này tại Trung Quốc lại không được biết đến mấy trên thế giới, hay nói chính xác hơn là không làm ăn nhiều với nước ngoài.
Hiện 3/4 số thương vụ làm ăn của ZTO đến từ Alibaba với khoảng 26.000 nhân viên thuê trực tiếp tại Trung Quốc. Nếu so sánh, hãng chuyển phát nhanh UPS có đến 444.000 nhân viên trên toàn cầu trong khi FedEx có 400.000 lao động trên khắp thế giới.
Trung Quốc đang nhọc nhằn cải cách các tập đoàn quốc doanh lớn.
Nếu ZTO là một ví dụ chưa quá rõ ràng thì hãy nhìn vào top những công ty nằm trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn của Fortune. Tất cả 20 công ty Trung Quốc đứng đầu trong bảng xếp hạng này đều có sự góp mặt của nhà nước hoặc chính phủ. Trong số đó, phần lớn là những tập đoàn quốc doanh chỉ phục vụ chủ yếu thị trường nội địa và mới đây mới dần mở rộng, mua lại các thương hiệu nước ngoài.
Số doanh nghiệp Trung Quốc được đưa vào Fortunes 500 tăng đều trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, số liệu của CEC cho thấy tổng doanh thu của tất các doanh nghiệp Trung Quốc góp mặt trong bảng xếp hạng Fortunes vào năm 2016 đã suy giảm lần đầu tiên trong vòng 15 năm.
Các doanh nghiệp Trung Quốc có mặt trong danh sách Fortune 500
Đây không phải hiện tượng bất ngờ khi tốc độ tăng trưởng của các tập đoàn lớn tại Trung Quốc đã giảm dần từ năm 2011. Tổng doanh thu và tài sản của những công ty góp mặt trong Fortunes 500 năm 2011 chỉ tăng tương ứng 1,7 và 2,7 lần so với năm 2008.
Tồi tệ hơn, khoảng 72 doanh nghiệp lớn trong bảng xếp hạng Fortunes báo lỗ năm 2015. Kể cả những công ty lớn như JD.com của Trung Quốc cũng báo khoản lỗ khủng tới 1,49 tỷ USD.
Tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp Trung Quốc trong bảng xếp hạng tương đương 78,9% so với các đồng nghiệp từ Mỹ nhưng tăng trưởng lợi nhuận lại chỉ bằng 52,63%.
Theo CEC, rõ ràng các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc có nhiều tiền, cơ cấu khổng lồ nhưng hoạt động không hiệu quả, chưa biết hướng ra các thị trường tiềm năng của nước ngoài.
Hầu hết những doanh nghiệp Trung Quốc trong bảng xếp hạng đều kinh doanh tại những ngành truyền thống và được nhà nước bảo hộ, tiết kiệm được nhiều chi phí nhưng lại thiếu cạnh tranh và không thể, hoặc không muốn tham chiến ở thị trường nước ngoài dù thừa tiền.
Hệ quả là hàng loạt những khoản nợ đọng, nợ xấu đến từ các tập đoàn quốc doanh hoạt động kém hiệu quả, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc.
Hệ quả là hàng loạt những khoản nợ đọng, nợ xấu đến từ các tập đoàn quốc doanh hoạt động kém hiệu quả, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc.
Hội đồng thương mại Châu Âu (ECFR) cũng đồng ý với quan điểm trên khi cho rằng việc duy trì những doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn của Trung Quốc đang làm chậm khả năng cạnh tranh cũng như hạn chế việc thúc đẩy vươn mình ra thị trường quốc tế của quốc gia này.
Rõ ràng, thị trường nội địa đầy tiềm năng cùng với cách “nghĩ lớn” của người Trung Quốc khiến các doanh nghiệp nội địa tại đây phát triển lớn mạnh được hưởng những đặc quyền mà nhiều tập đoàn nước ngoài thèm khát, nhưng chúng cũng hạn chế tư duy vươn ra ngoài của các công ty.
Đối với Israel, không quan trọng công ty lớn ra sao, nhiều tiền như thế nào, miễn là chúng biết cách thu thêm lợi nhuận, biết vươn ra ngoài thị trường quốc tế để kiếm tiền về cho đất nước.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?