Hiện nay, Apple đã trở thành tập đoàn công nghệ số một thế giới với tổng giá trị lên tới hơn 300 tỷ USD. Chỉ riêng quý IV/2010, doanh thu của hãng đã hơn 20 tỷ USD, lợi nhuận ròng 4,3 tỷ USD. Góp một phần không nhỏ trong con số này là dòng máy tính Mac (bao gồm cả PC và Laptop) mà linh hồn là hệ điều hành Mac Os (HĐH) - HĐH duy nhất trên thế giới có khả năng "chiến đấu" với Windows.
Là cha đẻ của Mac Os, Bertrand Serlet được coi như nhân vật quan trọng số 2 của Apple suốt nhiều năm qua. Đóng góp của ông vào sự thành công và tầm ảnh hưởng của Apple là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến cái tên này. Vậy nguyên nhân nào khiến cho ông quyết định dứt áo ra đi sau hơn 20 năm cộng tác với Steve Job? Hiện tại, Craig Federighi sẽ là người thay thế vị trí của ông tại Apple.
Bertrand Serlet Ông là ai?
Bertrand Serlet sinh năm 1961. Trước khi ra đi, ông giữ vị trí phó chủ tịch phụ trách chính mảng Mac Os của Apple. Ông là cộng sự lâu năm của Steve Jobs, từ trước khi Apple ra đời, lúc cả hai cùng làm việc ở NeXT. Gia nhập Apple từ năm 1997 với vị trí phó chủ tịch bộ phận công nghệ của Apple, năm 2003, ông chính thức "nắm" bộ phận này và chịu trách nhiệm chính với Mac OS X Tiger, Leopard and Snow Leopard.
Mối "lương duyên" của ông với Steve Jobs bắt đầu cách đây hơn 20 năm, từ khi cả hai còn làm ở NeXT và là bộ đôi quyền lực hàng đầu của Apple trong "kỷ nguyên mới" của hãng. Cặp bài trùng đã cùng nhau biến một công ty trên bờ vực phá sản vào năm 1997 trở thành công ty công nghệ lớn nhất thế giới với giá trị vốn hóa ít nhất 310 tỷ USD. Cổ phiếu của hãng tăng gần 70 lần từ đó tới nay. Cá tính của Bertrand Serlet được thể hiện rõ ràng qua các phiên bản Mac Os dưới bàn tay ông. Ngoài ra, Bertrand còn nổi tiếng với những tuyên bố "nhắm vào" Microsoft mỗi lần xuất hiện. Có thời gian, ông đã làm việc tại Xerox PARC.
Ngoài công việc chính tại Apple, ông còn là tiến sĩ bộ phận Computer Science (khoa học máy tính) của Đại học Paris - Sud.
Vì đâu dứt áo ra đi?
Quyết định ra đi của Bertrand khá bất ngờ với phần lớn giới công nghệ. Nguyên nhân thật sự của sự ra đi này không được cả Apple lẫn bản thân ông xác nhận. Tuyên bố chính thức về lý do ra đi của mình, Bertrand phát biểu ngắn gọn: "Tôi đã làm việc với Steve 22 năm và có một thời gian "không thể tin được" nhằm phát triển sản phẩm ở cả NeXT và Apple. Tuy nhiên, tôi muốn nghỉ ngơi một chút và tập trung công sức cho khoa học".
Tất nhiên, vẫn có nhiều giả thiết khác hợp lý hơn do cho sự dứt áo ra đi của Bertrand.
Đầu tiên, nguyên nhân có thể do vai trò của Mac Os ngày càng giảm trong cơ cấu phát triển của Apple. Nguyên nhân chính của việc này đến từ sự vươn lên mạnh mẽ của nền tảng iOs (HĐH cho iPhone, iPad và tất cả các thiết bị cầm tay của "Quả táo"). Hiện, iOs đang là động lực phát triển chính của Apple chứ không phải là Mac Os. Trưởng nhóm iOs là Scott Forstall - "nhân vật" cũng đã từng làm việc ở NeXT - đã gia nhập Apple vào năm 1997 cùng Jobs và phần còn lại của đội. Trong thời gian này, vị trí của Forstall không bằng được Avie Tevanian hay Bertrand Serlet.
Nhưng với những thành công mà iOs đã gặt hái (mà iPhone và iPad đang là đại diện tiêu biểu nhất), Forstall đang dần chiếm "nhân vật số 2" của Apple. Việc này có thể là nguyên nhân dẫn tới sự ra đi của Bertrand.
Thứ hai, có vẻ thực tế hơn là do kết quả không mỹ mãn của Mac Os X. Một thực tế cho dù được coi là "đối thủ" của Windows nhưng chưa bao giờ thị phần của Mac Os vượt qua con số 10%. Sức ép đến từ Steve Jobs và hơn cả là thành công của người "anh em" iOs (chiếm gần 30% thị phần smartphone) được coi là áp lực quá lớn khiến ông buộc phải rời khỏi Apple. Lỗi
khó hiểu liên quan đến GPU của Macbook Pro 2011 là biểu hiện nhỏ của vấn đề.
Cuối cùng, nguyên nhân có vẻ như hợp lý nhất là Steve muốn tạo cơ hội cho những người trẻ hơn, có ý tưởng đột phá tiếp tục phát triển. Người thay thế Bertrand, Craig Federighi hiện mới chỉ 41 tuổi.
Phản ứng của thị trường
Sự ra đi của Bertrand Serlet là sự kiện làm nhiều fan của Apple tiếc nuối. Ông được coi là cha đẻ, người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành và phát triển của Mac Os.
Song khá ngạc nhiên là cả giới đầu tư lẫn khách hàng Apple đều coi đây là tín hiệu tốt. Giá cổ phiếu của Apple trên sàn NASDAQ tăng tới hơn 10 USD (tương đương 2% trong 2 ngày gần đây). Trong ngày hôm nay, mỗi cổ phiếu của "Quả táo" tăng 5.78 USD, tương đương 1.70%. Về phía khách hàng và đặc biệt là các fan của Apple, họ hi vọng và sự đổi mới của Mac Os sau khi Bertrand ra đi. Rõ ràng, việc một người (đã khá lớn tuổi) nắm quyền cao nhất tương đối lâu khiến HĐH này không có nhiều đột phá và vẫn là kẻ đi sau trong cuộc chiến với Windows.
Ở chiều ngược lại, điều duy nhất người dùng có vẻ quan tâm là tương lai của bản 10.7 Final dự định được ra mắt trong hè tới.
Cuối bài viết, GenK.vn muốn cảm ơn Bertrand Serlet vì những cống hiến của ông cũng như chúc ông thành công với sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình.