Chậm chân hơn ZTE nhưng Vsmart mới là người hoàn thiện tốt hơn công nghệ camera ẩn dưới màn hình
Ra mắt một công nghệ mới mẻ vẫn sẽ là vô nghĩa cho đến khi bạn sử dụng công nghệ đó để tạo ra một trải nghiệm có nghĩa cho người dùng.
Đích đến "toàn màn hình"
Tháng 9/2017, Apple theo chân Samsung cùng các nhà sản xuất Android khác, từ bỏ màn hình 16:9 truyền thống và chuyển sang tỷ lệ 2:1. Bắt đầu từ năm này, hình dáng chữ nhật truyền thống của màn hình smartphone bắt đầu bị phá vỡ: Apple trung thành với "tai thỏ", các nhà sản xuất Trung Quốc học theo một thời gian rồi chuyển sang dùng "giọt nước", Samsung dùng "nốt ruồi duyên" khi "khoét" một phần nhỏ của màn hình…
Để tạo ra màn hình "vô khuyết", các nhà sản xuất đã từng tạo ra những giải pháp không hoàn hảo.
Một cái đích mới đã được vạch ra trước mắt toàn bộ thế giới smartphone: bằng cách nào đó, điện thoại phải chạm tay đến trải nghiệm "toàn màn hình" thực thụ. Nói cách khác, các nhà sản xuất phải tạo ra được những cỗ máy có mặt trước toàn bộ là màn hình, không có "tai thỏ", "giọt nước" hay "nốt ruồi". Trong một thời gian, OPPO và Vivo tạo ra giải pháp camera "thò thụt", giấu cơ chế camera trong thân máy và chỉ mở ra khi người dùng mở ứng dụng chụp ảnh selfie.
Sau 2 năm, những chiếc điện thoại dùng camera thò thụt chìm dần vào dĩ vãng, OPPO và Vivo coi như phải thừa nhận những khiếm khuyết của công nghệ này khi chuyển về sử dụng "giọt nước" và "nốt ruồi": cơ chế đóng/mở camera vừa bất tiện cho người dùng, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng.
Một hướng đi mới
Nhiều công ty sớm khoe bản mẫu của công nghệ camera dưới màn, nhưng đến nay vẫn chưa có thành phẩm.
Tháng 9 và tháng 12 năm 2019, Xiaomi và OPPO lần lượt công bố các thiết bị mẫu sử dụng một giải pháp hoàn toàn khác biệt: đem camera ẩn giấu dưới màn hình. Một cuộc đua mới lại bắt đầu, và các nhà sản xuất đều hiểu rằng camera dưới màn là cách duy nhất để chạm tay tới trải nghiệm vô khuyết mà người dùng hằng mong đợi.
Thế nhưng, bản mẫu xuất hiện đã lâu mà cả OPPO lẫn Xiaomi đến giờ đều chưa dám công bố sản phẩm thương mại. Cùng lúc, mùa hè 2020, những tin đồn liên tiếp xuất hiện đã hé lộ về một tay chơi mới: Vsmart, thương hiệu điện thoại của Việt Nam. Tháng 8/2020, Vsmart úp mở trên mạng xã hội "Bạn đã sẵn sàng cho kỷ nguyên camera ẩn dưới màn hình cùng Vsmart?".
Những tưởng đã đi trước nhưng cuối cùng, Vsmart lại để mất danh hiệu "đầu tiên" vào tay một công ty Trung Quốc có tên ZTE. Đầu tháng 9/2020, thương hiệu từng có thời lọt top 5 này tuyên bố ra mắt Axon 20 5G, chiếc smartphone đầu tiên có camera dưới màn hình.
ZTE Axon là chiếc smartphone đầu tiên có camera dưới màn được công bố chính thức.
Lo ngại về chất lượng ảnh
Nhưng cũng thật đáng tiếc cho công nghệ mới mẻ này, khi cầm Axon 20 lên tay người dùng sẽ nhanh chóng hiểu vì sao Xiaomi và OPPO đến giờ vẫn chưa tạo ra thành phẩm, vì sao phần lớn các nhà sản xuất vẫn nói không với công nghệ "giấu" camera. Cho dù là một công nghệ có phần viễn tưởng, camera dưới màn thực chất vẫn là camera… thường, vẫn phải thu sáng để tạo ra bức ảnh. Ánh sáng phải xuyên qua tấm màn của smartphone trước khi đến được với cảm biến.
Kết quả tạo ra là những bức ảnh có độ chi tiết rất kém dù có độ phân giải 32MP. Bức ảnh nào cũng giống như có một lớp sương mù bao phủ khiến toàn bộ ảnh bị "soft" rất mạnh. Ở các vùng có độ sáng chênh lệch cao, hiện tượng quang sai xuất hiện rất nhiều.
Những bức ảnh "phủ sương mù", kém chi tiết từ camera dưới màn của ZTE.
Trước khi Aris Pro ra mắt, đã không ít người bày tỏ lo ngại về công nghệ camera dưới màn của chiếc smartphone Việt này. Xét cho cùng, công nghệ dù có tân tiến đến mấy nhưng không đáp ứng được nhu cầu của người dùng vẫn sẽ không thể thành công. Camera của Aris Pro cũng sẽ phải chịu những thử thách giống như Axon 20, cũng có nguy cơ tạo ra những bức ảnh chi tiết kém, bị sương mù bao phủ vì thu sáng kém.
Giải pháp của Vsmart (và VinAI)
Nhưng Vsmart - hay nói đúng hơn là VinGroup - không chỉ có sức mạnh phần cứng mà còn có cả sức mạnh phần mềm. Ngay trong ngày ra mắt Aris Pro đã được công bố cùng Vcam Kristal, một sản phẩm Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI. Kết hợp giữa nhiều công nghệ tân tiến như thị giác máy tính, nhiếp ảnh điện toán và mạng neuron học sâu, mục đích của Vcam Kristal là khắc phục những giới hạn của phần cứng, tạo ra những bức ảnh "gần như tương đồng" so với camera truyền thống.
Khi ra mắt Aris Pro 5G, Vsmart không chỉ giới thiệu phần cứng mà còn nói đến giải pháp phần mềm từ AI.
Theo phỏng đoán của chúng tôi, "nhiếp ảnh điện toán" mà Vsmart/VinAI nhắc đến có cùng một bản chất với công nghệ đã được Apple/Google sử dụng trên iPhone và Pixel suốt nhiều năm. Bằng cách thu nhiều khung hình liên tiếp trong thời gian ngắn, thuật toán tân tiến của các hãng này có thể khâu nối và xử lý thành một bức ảnh cuối hoàn chỉnh. Bằng cách này, giới hạn vật lý có thể bị phá bỏ - về mặt lý thuyết, 4, 6 hay 8 khung hình chi tiết kém khi lồng ghép vẫn có thể tạo ra một bức ảnh chi tiết tốt.
Cuối tháng 10/2020, những bức ảnh chụp thực tế từ Aris Pro chính thức được công bố. Không nằm ngoài dự đoán, camera trước của máy cho ra chất lượng rất tệ khi chưa qua xử lý AI. Nhưng với Vcam Kristal, bức ảnh cuối cùng có độ chi tiết khá tốt và cũng không hề có hiện tượng sương mù. Tuy rằng vẫn chưa thể sánh được với camera truyền thống, Aris Pro có thể coi là đã thành công khi tạo ra những bức ảnh có chất lượng "đủ dùng".
*Xem bài đánh giá camera selfie của Aris Pro tại đây
Một công nghệ tân tiến sẽ chỉ thực sự có nghĩa khi tạo ra trải nghiệm đủ tốt cho người dùng - như cách mà Vsmart/VinAI đã làm.
Đây mới xứng đáng là cách để mở đầu cho một kỷ nguyên công nghệ mới. ZTE có thể là kẻ đi trước, nhưng đến cuối cùng một chiếc camera phone chỉ có thể tạo ra những bức ảnh mờ, bệt và đầy lỗi quang sai vẫn sẽ là một chiếc camera phone… vô dụng. Công nghệ mới, dù có tân tiến đến đâu, cũng không thể là lựa chọn của người dùng khi mục đích cuối cùng của họ không được đáp ứng.
Giải pháp của người Việt
Vsmart thì khác. Dù ra mắt muộn hơn 2 tuần, Vsmart vẫn là kẻ đầu tiên hiện thực hóa được công nghệ camera dưới màn theo cách có nghĩa với người dùng. Thay vì chạy đua chỉ để được gắn cái mác truyền thông, Vsmart đã tạo ra một sản phẩm đủ chất lượng để đưa người dùng vào kỷ nguyên camera dưới màn.
Càng đáng tự hào hơn nữa, giải pháp của Vsmart (và VinAI) là giải pháp của người Việt. Nhiếp ảnh điện toán, AI hay bất kỳ một công nghệ phần mềm nào khác đều có tính chất khác biệt hoàn toàn so với các linh kiện phần cứng như màn hình hay cảm biến: nếu như bất kỳ một nhà sản xuất nào cũng đều có thể mua linh kiện từ Samsung, Sony hay LG, thuật toán sẽ không được chia sẻ cho bất kỳ ai cả. Hiện tại, Vsmart đang là kẻ duy nhất nắm giữ thuật toán đủ để khắc phục các điểm yếu của camera dưới màn - ngay cả khi các thương hiệu lớn, đứng top thế giới như Xiaomi và OPPO vẫn đang chịu thua.
Vsmart đã vượt mặt tất cả các thương hiệu khác, tạo ra giải pháp PHẦN MỀM đầu tiên cho camera dưới màn.
Một tương lai tươi sáng đang mở ra trước mắt Vsmart. Các thuật toán AI chắc chắn sẽ không chỉ dành riêng cho camera dưới màn mà còn có thể áp dụng vào camera truyền thống. Trong bao năm, nhiếp ảnh điện toán đã là mũi nhọn cạnh tranh của Apple và Google trước sự công phá mạnh mẽ của các thương hiệu khác. Nếu Vsmart/VinAI vững bước trên con đường đã chọn, chúng ta có quyền tin rằng chất lượng camera của smartphone Việt sẽ có ngày sánh bước cùng các ông lớn làm chủ nền tảng hiện nay.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"