Chân dung 'người săn virus' giúp Hàn Quốc giảm từ 900 ca xuống chưa đầy 100 ca nhiễm mới mỗi ngày

    Thu Hường, Theo Báo dân sinh 

    Người góp công lớn trong chuyện này là Jung Eun-kyeong, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC).

    Chân dung người săn virus giúp Hàn Quốc giảm từ 900 ca xuống chưa đầy 100 ca nhiễm mới mỗi ngày - Ảnh 1.

    Tháng trước, khi dịch Covid-19 đang bùng phát và đứng trước nguy cơ hoàn toàn mất kiểm soát ở Hàn Quốc, với số ca nhiễm tăng gấp 30 lần chỉ trong 10 ngày, cơ quan y tế của nước này đã có được 1 bước đột phá bất ngờ. Giáo phái Tân Thiên Địa - tổ chức có bệnh nhân siêu lây nhiễm số 31 - đã đống ý tiết lộ danh tính của tất cả 212.000 thành viên. Đó là thông tin rất quan trọng để dự báo bệnh nhân tiếp theo có thể sẽ xuất hiện ở đâu.

    Người góp công lớn trong chuyện này là Jung Eun-kyeong, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC). Bước đầu kiểm soát dịch bệnh thành công giúp bà được ca ngợi là 1 "anh hùng dân tộc", và bà cũng trở thành hình mẫu để những người chiến đấu với virus ở các nơi khác có thể học theo.

    Kể từ khi đạt được thỏa thuận với Tân Thiên Địa ngày 25/2, Hàn Quốc đã xét nghiệm được hơn 320.000 người, số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm mạnh từ 900 ở thời điểm 2 tuần trước xuống chỉ còn chưa đến 100.

    Từng là bác sĩ công tác tại 1 thị trấn nhỏ nhưng đã có dạn dày kinh nghiệm ứng phó với dịch MERS ở Hàn Quốc năm 2015, bản tin hàng ngày của bà Jung đã trở thành thứ mà nhiều người dân Hàn Quốc coi là nhất định phải xem. Trên mạng xã hội đầy rẫy những lời khen ngợi về cách tiếp cận rất ngắn gọn của bà khi thông báo về dịch bệnh: nói cho công chúng biết chính xác điều gì đang diễn ra, nhưng không hề hứa hẹn quá nhiều về những điều chính phủ có thể làm được.

    Không phong tỏa

    Mặc dù là một trong những nước đầu tiên bên ngoài Trung Quốc chứng kiến dịch bệnh lây lan, phản ứng của Hàn Quốc khác biệt so với Mỹ và châu Âu. Các thành phố không bị phong tỏa, nhiều công sở vẫn hoạt động như bình thường và các trường học có thể sẽ mở cửa trở lại vào đầu tháng 4. KCDC đã hành động rất quyết liệt ngay từ đầu, tập trung vào việc xét nghiệm trên diện rộng. Phản ứng nhanh nhạy hơn nhiều so với Mỹ và Anh là lý do chính giúp lý giải tại sao Hàn Quốc tránh được các biện pháp hà khắc hơn.

    Bắt đầu với các thành viên của Tân Thiên Địa ở Daegu, thành phố cách Seoul 150 dặm, nỗ lực xét nghiệm càng nhiều người càng tốt liên tiếp được mở rộng ra các địa bàn khác một cách có hệ thống. Cách làm này có thể là bài học cho các nước khác về việc lật ngược tình thế tưởng chừng vượt ngoài tầm kiểm soát ở 1 đất nước vừa không có hệ thống chính trị giống Trung Quốc vừa không phải là 1 thành phố như Singapore.

    Lần gần nhất Jung ở trong 1 nhóm chiến đấu với dịch bệnh, kết quả ít tích cực hơn. Sau khi làm công việc bác sĩ gia đình ở Yangju, thị trấn nằm ở bên rìa Seoul, năm 1995 bà vào làm tại Bộ Y tế Hàn Quốc với tư cách là 1 nhà nghiên cứu, sau đó được bổ nhiệm làm người đứng đầu bộ phận chăm sóc khẩn cấp trong dịch H1N1 năm 2009. Khi đó H1N1 đã khiến 750.000 người Hàn Quốc mắc bệnh. 6 năm sau, bà về làm người đứng đầu KCDC ngay ở thời điểm dịch MERS khiến 38 người Hàn Quốc thiệt mạng.

    Trong vụ này KCDC đã bị công chúng chỉ trích rất nhiều, đặc biệt là việc không cung cấp đủ thông tin cho dân chúng vốn rất lo lắng về dịch bệnh. Ở một vài thành phố, thậm chí đã phát hiện ra rằng các bệnh nhân MERS được chuyển về bệnh viện địa phương mà không hề có thông báo chính thức nào từ KCDC.

    Sau đó KCDC đã bị điều tra và một số nhà làm luật từng kêu gọi sa thải người đứng đầu cơ quan này. Điều đó không xảy ra, nhưng theo 1 bài báo đăng tải thời gian đó, Jung và các quan chức khác bị giảm lương.

    Lần này KCDC đã hành động rất nhanh chóng. Sau dịch MERS, hàn Quốc đã xây dựng được hệ thống giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và đưa vào sử dụng các bộ kit thử, rút ngắn thời gian xuống chỉ còn vài tuần thay vì 1 năm như bình thường. Ngoài ra KCDC thường xuyên cập nhật tin tức về dịch bệnh cho công chúng.

    Từ tháng 1, trước khi virus lây lan mạnh ở Hàn Quốc, Jung đã bắt đầu thực hiện 2 bản tin báo cáo diễn biến dịch bệnh, công bố những địa điểm mà các bệnh nhân đã đến trước khi họ nhập viện. Người dùng smartphone ở những địa điểm này sẽ nhận được thông báo cung cấp thông tin chi tiết hơn.

    Nhưng lợi thế lớn nhất của Hàn Quốc chính là cách xét nghiệm. Ngày 4/2 thông qua bộ kit thử virus corona đầu tiên, chỉ 16 ngày sau khi trường hợp đầu tiên ở nội địa được xác nhận. Đến ngày 27/2, 4 công ty khác đã cùng tham gia sản xuất kit thử, cho phép xét nghiệm tới 20.000 mỗi ngày. Ở Hàn Quốc xuất hiện các trạm xét nghiệm giống như bốt điện thoại ngay bên vệ đường.

    Tất nhiên giống như tất cả các nước khác, Hàn Quốc vẫn chưa thể nói rằng họ đã hoàn toàn chiến thắng trước dịch bệnh. Trong vài ngày qua số ca nhiễm mới ở Singapore và Hồng Kông đã tăng vọt, và bệnh nhân chủ yếu là từ nước ngoài về. Các quan chức y tế cũng cảnh báo virus có thể gây ra nhiều làn sóng lây nhiễm nối tiếp nhau.

    Mặc dù vậy đối với nhiều người Hàn Quốc, chỉ cần nhìn thấy Jung trên tivi cũng đã là điều quan trọng để họ cảm thấy mọi thứ đang được kiểm soát tốt. Nhưng một số người cũng lo lắng liệu bà có nghỉ ngơi đủ hay không. Trong 1 buổi họp báo gần đây, phóng viên hỏi Jung về tin đồn bà chỉ ngủ chưa đầy 1 tiếng mỗi đêm. "Là hơn 1 tiếng", bà nói, trước khi chuyển sang câu hỏi tiếp theo.

    Chân dung người săn virus giúp Hàn Quốc giảm từ 900 ca xuống chưa đầy 100 ca nhiễm mới mỗi ngày - Ảnh 2.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ