Chàng trai Việt viết báo cáo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế từ khu cách ly: "Nếu mỗi người là 1 cánh bướm, sẽ có cơn bão lớn nhất hành tinh thổi bay Covid-19"
Sau khi có bản báo cáo về Covid-19 được đăng trên tạp chí Econimics Bulletin, Huỳnh Lưu Đức Toàn chia sẻ: "Chỉ mong các bạn hy sinh chút thoải mái cafe, chút thời gian xem phim, hy sinh chút thuận tiện thường nhật ở nhà để cùng cả nước chống dịch".
Những ngày chống dịch Corona đã trải qua thật vất vả, nhưng không vì thế mà chúng ta thiếu đi những tin vui và niềm tự hào.
Mới đây, một chàng trai người Việt bỗng đã thu hút không ít sự quan tâm khi bản báo cáo khoa học của anh đã được đăng tải trên tạp chí quốc tế Economics Bulletin (một tạp chí khoa học uy tín, thành lập năm 2001). Chàng trai đó là Huỳnh Lưu Đức Toàn, hiện là nghiên cứu sinh tại Trường Quản lý Otto Beisheim (Đức). Và bản báo cáo của anh có nội dung "Nhận thức rủi ro về Covid-19, khảo sát kinh tế xã hội và truyền thông", được thực hiện trong thời gian Toàn cách ly tại Khánh Hoà.
Nghiên cứu của Huỳnh Lưu Đức Toàn, đăng trên tạp chí Econimics Bulletin ngày 25/3/2020 - đánh giá ảnh hưởng từ yếu tố kinh tế xã hội và việc sử dụng mạng xã hội đối với nhận thức rủi ro của người Việt Nam về dịch bệnh Covid-19 - đất nước đầu tiên từng kiểm soát thành công dịch viêm đường hô hấp cấp SARS vào năm 2003. Kết luận sơ bộ của nghiên cứu cho thấy, vị trí địa lý và các hành vi khi sử dụng mạng xã hội sẽ làm tăng nhận thức về rủi ro nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Nghiên cứu cũng bổ sung tầm quan trọng của nhận thức rủi ro trong cộng đồng, nhằm giúp các ban ngành truyền đạt và phản ứng tốt hơn để hạn chế sự lây lan của virus corona chủng mới.
Trong nghiên cứu, tác giả đã thực hiện khảo sát trên 391 người, phạm vi độ tuổi từ 15 - 47, với những yếu tố về kinh tế, chính trị và địa lý gần gũi với nơi bùng phát dịch bệnh. Các ứng viên phải trả lời một số câu hỏi liên quan đến "nhận thức rủi ro", "đánh giá tin giả liên quan đến Covid-19" và "các thông tin chính thức được công bố".
Đọc thêm tại đây.
Khi dịch Covid-19 bùng nổ ở Đức, Huỳnh Lưu Đức Toàn đã quyết định về nước và được cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Diên Khánh (Khánh Hòa) ngày 15/3. Sau khi xét nghiệm ban đầu có kết quả âm tính, chàng nghiên cứu sinh được chuyển sang cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, lần đầu tiên, Đức Toàn được trải nghiệm một "môi trường" nghiên cứu đặc biệt đến vậy!
Cùng trò chuyện với chàng nghiên cứu sinh này:
Huỳnh Lưu Đức Toàn
Giảng viên Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP.HCM
Nghiên cứu sinh, trợ lý nghiên cứu khoa Tài chính hành vi, trường kinh doanh WHU - Otto Beisheim (CHLB Đức)
Hoàn thành 2 chương trình thạc sỹ của Đại học Nantes và đại học Toulouse 1 Capitol (Pháp) ngành tài chính thương mại và kinh tế học
Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương
Phụ trách tài chính và đồng điều phối dự án “Thông hiểu thông tin” được tài trợ bởi Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM
Tham dự Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 8
Đã có 17 bài công bố trên các tạp chí phản biện khoa học quốc tế về lĩnh vực tài chính, kinh tế năng lượng và kinh tế hành vi
Huỳnh Lưu Đức Toàn
Mong các bạn hy sinh chút thuận tiện thường nhật ở nhà để cùng chống dịch
Cách ly với anh là 1 trải nghiệm như thế nào?
Thật sự mà nói, lúc đầu nghe bảo cách ly thì “hơi sợ” vì mình cứ cảm giác như mình sẽ tách biệt và làm gì sai sai đó. Nhưng sau khi đến nơi rồi mình mới biết, đó là cách DUY NHẤT và là cách TỐT NHẤT để bảo vệ mình (đầu tiên), gia đình (thứ hai) và xã hội. Mình nghĩ ở đây, mình được cẩn trọng theo dõi sức khỏe, được chăm sóc từ ăn uống cho đến cách suy nghĩ.
Những ngày trong khu vực cách ly, mình cảm thấy mình học được hai thứ: hài lòng và lắng đọng. Mình hài lòng vì cảm thấy điều kiện vật chất của Việt Nam hiện tại còn thiếu thốn, mà còn gồng mình lên chống dịch vậy nên hài lòng với mọi thứ. Vì mình nghĩ, hài lòng là con đường để hạnh phúc. Còn lắng đọng vì khi cách ly thì ai cũng tránh tiếp xúc, nên mình suy nghĩ nhiều hơn. Chắc có lẽ tại tính mình là hướng nội nên mình luôn hỏi: có thể làm gì cho nước mình, có thể làm gì để truyền đạt thông tin đến xã hội và truyền tải một nghiên cứu. Mình là người nghiên cứu nên tận dụng sở trường và sự lắng đọng trong khu cách ly để nghiên cứu thôi.
Làm việc và nghiên cứu trong khu cách ly, “môi trường làm việc" mới này có gì thú vị và trở ngại không?
Thực ra thì trong khu cách ly, môi trường làm việc cực kì tuyệt vời. Mình tập trung tối đa sự suy nghĩ, Internet thì phà phà, đến giờ thì ăn cơm, xong còn có những không gian cực kì mở để hít thở để có thể chuyên tâm nghiên cứu hơn. Bên cạnh đó, mình có suy nghĩ thấu đáo hơn, không gian yên tĩnh hơn, ít bị cám dỗ (xem phim, cafe cà pháo bạn bè…) nên mình nghĩ “môi trường” này mình rất thích, chắc hợp với người nghiên cứu như mình.
Một điều về công việc, cuộc sống… mà chỉ khi ở trong khu cách ly anh mới nhận ra?
Thực ra, mình nhận ra sự HY SINH là quan trọng nhất. Mình chấp nhận hy sinh thời gian cá nhân, hy sinh những thói quen sinh hoạt hằng ngày, hy sinh đi sự thoải mái và tự do để đổi lấy sự an toàn của gia đình, xã hội. Mọi thứ trong cuộc sống không bao giờ là bằng phẳng và như nhau, mình nghĩ, chỉ có sự hy sinh ở một trong hai phía sẽ làm cho cuộc sống dễ chịu hơn.
Mình chỉ mong các bạn hy sinh chút thoải mái cafe, hy sinh chút thời gian xem phim, hy sinh chút thuận tiện thường nhật ở nhà để cùng cả nước chống dịch và như vậy tất cả thặng dư của xã hội về chống dịch sẽ thành công! Mình tin vậy!
Con người có lòng tin mình miễn nhiễm với virus corona cao đến mức nào mà có nhiều trường hợp chủ quan như vậy, theo anh?
Thực ra thì trong thực tế, mình nghiên cứu về “risk perception” (nhận thức rủi ro), tại sao mình nghiên cứu về nhận thức rủi ro, vì con người nhận thức rủi ro ở mức nào họ sẽ hành động ở mức đó. Nếu theo lý thuyết về hành vi, con người chủ quan khi họ nhận thức rủi ro của virus corona thấp hơn thì họ sẽ hành xử ít cẩn trọng. Lý do là vì “hạn chế thông tin”, “quá tự tin” hoặc “sai lệch trong ước lượng”. Do đó, mình vẫn nghĩ vai trò của nhận thức rủi ro trong hành động với virus Corona khá là quan trọng.
Người ta có thể nhận thấy rủi ro, nhưng người ta vẫn không hành động đúng, vậy là… công cốc ư? Vậy theo anh bước tiếp theo sẽ là gì?
Cảm ơn câu hỏi rất hay của bạn. Mình sẽ vận dụng những lý thuyết về kinh tế học hành vi để đề xuất với các chính sách.
Ví dụ như: Mình sẽ vận dụng lý thuyết về hạn chế thông tin (limited attention) để khuyến khích truyền tải thông tin virus, ví dụ như để mọi người khai báo thông tin y tế, mình sẽ vận dụng lý thuyết Social Comparison Framing (Kích thích về so sánh xã hội), ví dụ như con người (ở đâu cũng vậy nha) cũng thích so sánh vai trò xã hội, nếu như mình có thể làm được một phong trào như ai khai báo y tế có được dấu tick xác nhận ở zalo hay mạng xã hội, những người khác cũng sẽ làm theo… Hoặc ví dụ như “status quo biased” (sai lệch so với trạng thái ban đầu), thay vì hù dọa xử phạt người không cách ly thì mình có thể nói cho họ biết (lợi) hay họ được gì khi cách ly: an toàn cho bản thân, an toàn cho xã hội và họ sẽ tổn thất thế nào khi mang mầm bệnh.
Cách đây hai ngày mình có nghe một câu nói của một giáo sư y học ở Anh, ông bảo:“Tôi sợ cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm cho rất nhiều người bị nhiễm, chỉ vì sự ra đường của tôi”... Đó là những nghiên cứu dựa theo lý thuyết về hành vi con người mà mình đang ấp ủ tiếp tục nghiên cứu thật nhanh để đưa hàm ý chính sách đến với cơ quan thẩm quyền.
Fake news tồn tại theo trạng thái cảm xúc con người: Sợ hãi và phấn khích
Theo anh, vì sao lại tồn tại fake news?
Fake news tồn tại theo trạng thái cảm xúc con người: Sợ hãi và phấn khích. Sợ chết chóc hay có tin tức tốt đẹp về vaccine. Mình nghĩ fake news là thứ luôn tồn tại, nhất là khi có đại dịch, thế nên mình vẫn nghĩ rằng vai trò của chính sách và các thông tin chính thống đặc biệt quan trọng trong việc thay đổi nhận thức rủi ro của con người.
Vì sao người ta lại phải nói dối giữa tình hình nghiêm trọng như thế này? Chả lẽ con người bản chất là không thành thật 100% ư?
Theo kinh tế học, nếu bạn nói thật (thông tin không hấp dẫn), mức độ hữu dụng thỏa mãn của bạn giả sử là 1 nhưng nếu bạn nói dối (fake news) để người ta tin bạn có thông tin nhiều hơn) thì bạn cảm thấy thỏa mãn và hữu dụng là 10. Thế nhưng nếu bạn nói thật thì bạn chỉ có hữu dụng 1 và người còn lại là 1. Nhưng khi bạn nói dối, bạn hữu dụng được 10 nhưng người bạn đối diện nếu hành xử bị sai hoặc bị tổn thất vì nói dối họ sẽ thiệt hại -10. Do đó, mình vẫn nghĩ, thà hy sinh sự hữu dụng bản thân nhưng đừng làm người khác thiệt hại thì vẫn hơn. Đó là sự hy sinh mình đã nói lúc nãy!
Làm sao để 1 người dân bình thường, ở vùng dịch, phân biệt được đâu là fake news, đâu là tin chính xác?
Mình có 3 cách suy nghĩ: Tin đó của ai? Đơn vị nào uy tín không? Thông tin đó có tử tế không? Mục đích của họ đưa tin đó là gì? Mình nghĩ tư duy phản biện và xem nguồn thông tin là cách sàng lọc thông tin hữu ích.
Thu nhập, điều kiện sống, điều kiện kinh tế… tác động như thế nào đến việc nhận biết fake news và cách ứng xử với fake news, theo anh?
Fake news tồn tại là điều hiển nhiên, ở Đức, Mỹ, hay các nước phương Tây, fake news cũng ầm ầm. Do đó, ứng xử với fake news cũng tùy thuộc đặc thù thôi.
Nếu nhìn thấy 1 fake news trên mạng xã hội, anh sẽ làm gì?
Phản biện và báo cáo. Nếu cần thiết sẽ cảnh báo thông tin.
Nếu mẹ anh (hoặc người thân) lan truyền fake news, anh sẽ làm gì?
Câu hỏi rất rất hay! Mình sẽ giải thích cho họ hiểu và sau đó mình sẽ thuyết phục họ đừng chia sẻ thông tin này nữa.
Nếu bạn tử tế thông tin, chính bạn cũng sẽ thụ hưởng thông tin sạch
Sẽ xuất hiện sự mệt mỏi vì lượng thông tin xoay quanh Covid-19 phải tiếp nhận là quá nhiều, dẫn đến việc người dân dễ bỏ qua và nảy sinh cảm giác chủ quan hoặc tiêu cực, có cách nào không?
Đó là vấn đề, thông tin quá ít hay quá nhiều cũng là vấn đề ảnh hưởng đến cách tiếp cận thông tin. Tuy nhiên gần đây mình ủng hộ Bộ Y Tế khi đưa thông tin một cách chừng mực, tin nhắn và thông tin được tiếp cận người dân khá phù hợp. Còn vấn đề bao nhiêu tin nên công bố mình nghĩ mình phải nghiên cứu thêm.
Theo anh, có nên liên tục share tin về dịch bệnh, ca nhiễm mới trên facebook cá nhân hay không?
Nếu thông tin đó hội tụ đủ 3 điều: Nguồn uy tín, mục đích tử tế và giúp được nhiều người, mình sẽ chia sẻ. Mình chia sẻ thông tin một giáo sư ở Anh nói rằng: “Tôi rất sợ phải chịu trách nhiệm khi rất nhiều người bị nhiễm vì tôi” - Đó là một sự nhắc nhở tự vấn bản thân.
Ranh giới nào giữa tuyên truyền thông tin về dịch và đổ lỗi cho nhau khi rắc rối xảy ra, có ai đó vô ý thức trong cộng đồng?
Dĩ nhiên, ai cũng có thể đổ lỗi cho nhau. Nhưng mình nghĩ, thay vì phàn nàn, thì hãy làm đi! Một cánh bướm ở bờ Tây có thể tạo nên cơn bão ở bờ Đông mà! Nếu bạn tử tế thông tin, chính bạn cũng sẽ thụ hưởng thông tin sạch. Mình tin vậy!
Cấu trúc của Corona nhìn từ khoa học y hệt như sự chồng chéo các mối quan hệ đời sống của mỗi người, anh cho rằng có thông điệp nào cao hơn đằng sau dịch bệnh này?
Cấu trúc đó là xã hội và sự quan hệ xã hội. Con người ngày nay kết nối rất nhiều, từ mạng, từ thực tế, từ cái bắt tay, từ cái ôm hôn… nhưng khoan đã… trước khi làm chuyện đó, hãy thử quan hệ với chính bản thân mình. Liệu rằng, sự kết nối của mình có thể tổn thương ai không? Có một câu nói khá hay gần đây: “If you cannot go outside, go inside!”. Hãy tạo sự kết nối với chính bản thân mình sẽ là cách để mình chống lại dịch bệnh.
Theo quan điểm từ cá nhân anh thì dịch bao giờ sẽ được khống chế? Cuộc sống sau đó sẽ diễn ra như thế nào?
Nếu mỗi người là một cánh bướm, chúng ta sẽ có cơn bão lớn nhất hành tinh thổi bay covid-19. Cá nhân mình nghĩ sớm hay muộn sẽ nằm ở sự chung tay mọi người. Hãy chấp hành! Hãy tuân thủ! Hãy hy sinh! Hãy suy nghĩ trách nhiệm!
Chúng ta sẽ cùng vực nhau dậy và sẽ ổn chứ, anh có nghĩ vậy không?
Tất nhiên rồi! Không phải loài người là loài động vật bậc cao nhất nhưng lại là loại yếu đuối nhất. Chỉ khi nào đoàn kết lại, người tinh khôn vẫn sẽ chiến thắng các thảm họa. Mình tin thế!
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming