ChatGPT khiến lừa đảo trên mạng nhiều hơn

    Bằng Hưng, Người Lao Động 

    (NLĐO) – Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT góp phần khiến tình trạng lừa đảo trên mạng internet tăng đột biến thời gian qua.

    Business Insider dẫn lời các chuyên gia khẳng định sự trỗi dậy của AI đã và đang tạo ra loạt thách thức về bảo mật cũng như quyền riêng tư người dùng trên không gian mạng.

    Nghiên cứu được thực hiện bởi giáo sư John Licato thuộc Khoa khoa học máy tính tại ĐH Nam Florida (Mỹ) cho thấy các vụ lừa đảo trực tuyến từ khi ChatGPT ra đời khó bị phát hiện hơn. Chỉ với vài câu lệnh, một người không chuyên về kỹ thuật cũng có thể tạo được công cụ, kịch bản lừa đảo hoàn hảo rồi "đẩy" nạn nhân vào bẫy.

    ChatGPT của OpenAI gây sốt trên toàn cầu từ cuối tháng 11 năm ngoái với hơn một triệu người sử dụng chỉ sau một tuần và vượt mốc 100 triệu sau hai tháng. Thống kê cũng cho thấy siêu AI này thu hút 1,5 tỉ lượt truy cập mỗi tháng, mở ra cuộc đua AI tạo sinh trên toàn cầu.

    ChatGPT khiến lừa đảo trên mạng nhiều hơn - Ảnh 1.

    Thư rác, tin giả, lừa đảo do AI tạo ra đang tràn ngập internet. Ảnh minh hoạ: Business Insider

    Công ty an ninh mạng Darktrace có trụ sở chính tại Cambridge - Anh cho biết kể từ đầu năm 2023, các chiến dịch lừa đảo trên internet đã tăng 135% so với cùng kỳ năm trước.

    Tội phạm mạng ngày càng dùng nhiều AI để viết e-mail dài hơn nhưng không bị lỗi, cũng ít bị các bộ lọc thư rác phát hiện và từ đó dẫn dụ nạn nhân. Tin tặc lợi dụng AI để đánh cắp thông tin, dữ liệu của người dùng. Thậm chí, mới đây, các chuyên gia bảo mật thuộc ĐH Cornell (Anh) còn khẳng định tin tặc có thể đánh cắp mật khẩu người dùng chỉ thông qua phân tích âm thanh gõ bàn phím trên máy tính và điện thoại thông minh.

    Giáo sư về trí tuệ nhân tạo Toby Walsh tại ĐH New South Wales (Úc) nhận định khi AI lấn át công việc của con người, các hãng nghệ như Microsoft hay Google sẽ có ít dữ liệu gốc để cải thiện mô hình. AI sẽ dùng chính dữ liệu của AI để huấn luyện nó. Từ đó, không gian mạng internet sẽ trở thành cơn ác mộng với người dùng.

    "Trí tuệ nhân tạo hiện tại được đào tạo dựa trên sự khéo léo và chăm chỉ của con người nhưng thế hệ tiếp theo sẽ được đào tạo bởi dữ liệu do AI tạo ra và khi đó chất lượng dữ liệu sẽ xuống cấp nghiêm trọng" – giáo sư Toby Walsh nói.

    Nghiên cứu được ĐH Oxford (Anh) công bố hồi đầu tháng 5 cũng đã chỉ ra rằng việc đào tạo AI trên dữ liệu của các hệ thống AI khác sẽ khiến nó xuống cấp và cuối cùng là sụp đổ, tương tự chất lượng thông tin trực tuyến.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ