Nền tảng trí tuệ nhân tạo ChatGPT tuy chỉ mới 2 tháng tuổi nhưng đã làm cả thế giới kinh ngạc, đạt mốc 1 triệu người dùng chỉ sau 1 tuần, giải thành công hàng loạt câu hỏi hóc búa và tự động hóa hàng nghìn tác vụ chỉ trong chớp mắt.
- Hé lộ mức phí khổng lồ để ChatGPT trả lời trơn tru câu hỏi của người dùng
- Hút 10 triệu người dùng/ngày sau 40 ngày ra mắt, vậy chính xác ChatGPT là gì?
- Nhanh như một cơn gió: Trung Quốc tuyên bố sắp ra mắt 'ChatGPT made in China', tích hợp thẳng vào dịch vụ tìm kiếm có hàng trăm triệu người dùng/ngày
Gã khổng lồ ẩn mình
Theo dõi tin tức công nghệ trong vài tháng qua, 2 từ khóa nổi bật nhất chính là "OpenAI" và "ChatGPT". Nhiều cuộc thảo luận sôi nổi đã diễn ra, phân tích từ quá trình ra đời, tiểu sử nhà sáng lập cho đến tương lai của công nghệ và khả năng "sa thải con người" của nó.
Nhưng ít ai nhận ra rằng, phía sau OpenAI và ChatGPT là một "cựu vương" giới công nghệ, thương hiệu mà ai cũng biết tới nhưng gần như không có một sáng tạo nổi bật nào trong thời gian vừa qua: Microsoft.
Microsoft đã sớm phát hiện ra tiềm năng và đầu tư 1 tỷ USD vào OpenAI vào năm 2019 và 2 tỷ USD vào năm 2021, và vào đầu năm 2023, Microsoft một lần nữa đầu tư thêm 10 tỷ USD vào doanh nghiệp này, chỉ vài tuần sau khi sa thải hơn 10.000 nhân viên trên toàn cầu.
Nếu như thương vụ này thành công, một loạt đối tác cũng như đối thủ của Microsoft như Google và Apple sẽ đứng trước rủi ro lớn, dù Google mới là công ty đặt nền móng cho trí tuệ nhân tạo.
Chiến lược dài hơi của Satya Nadella
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2019, khi Satya Nadella đích thân phê duyệt khoản đầu tư 1 tỷ USD vào OpenAI, lúc bấy giờ chỉ là một phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, và vẫn chưa có kế hoạch tạo ra ChatGPT hay công cụ vẽ bằng AI.
Chỉ hơn 3 năm sau, sản phẩm của OpenAI đã khiến cả thế giới sửng sốt, hàng loạt trường Đại học hàng đầu phương Tây phải bắt tay vào nghiên cứu về AI và cách kiểm soát ứng dụng AI trong học thuật, đặc biệt là nạn "rửa bản quyền".
Theo nhiều chuyên gia, thị trường trí tuệ nhân tạo đang phát triển tương tự quỹ đạo của một "cây gậy khúc côn cầu", với quá trình tăng tốc có thể bắt đầu từ sự phổ biến của ChatGPT.
Nhưng khoảnh khắc thiên tài của Satya Nadella là khi 1 tỷ USD đầu tư vào năm 2019 không chỉ là tiền mặt, mà còn là gói dịch vụ điện toán đám mây.
Đây chính là chìa khóa của thương vụ này, khi khoản phí hoạt động lớn nhất của bất kỳ doanh nghiệp AI nào chính là kho dữ liệu đám mây và công suất xử lý thuật toán. Và Microsoft chính là một trong những nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới.
Chính vì thế, thương vụ đầu tiên đã biến Microsoft trở thành một đối tác chiến lược của OpenAI, và mối quan hệ đó ngày càng khắn khít khi ChatGPT ngày một phát triển và cần nhiều công suất xử lý hơn. Hiện tại Microsoft Azure là nhà cung cấp dịch vụ độc quyền cho mọi sản phẩm của OpenAI.
Và thương vụ "10 tỷ USD" vào tháng 1 có thể được gọi là "thương vụ thế kỷ", vì sau đó, Microsoft sẽ nắm 49% cổ phần của OpenAI, thêm vào đó, OpenAI sẽ phải chi 75% lợi nhuận để trả lại số tiền 10 tỷ USD.
Trong tương lai, Microsoft không chỉ nắm được cổ phần, mà còn có cơ hội "thu hồi" 10 tỷ USD và đồng thời là nhiều tỷ USD khi cung cấp dịch vụ dữ liệu đám mây cho OpenAI.
Hợp tác cùng có lợi
Tại sao OpenAI lại đồng ý với các điều khoản có phần bất lợi từ Microsoft?
Thứ nhất là khoản tiền kếch sù mà cả nhà sáng lập và những nhân viên OpenAI sẽ nhận được từ việc bán cổ phiếu cho Microsoft. Và thứ hai là ChatGPT đang đốt một khoản tiền khổng lồ, ước tính lên đến 100.000 USD mỗi ngày (và sẽ tăng đến 3 tỷ USD cho cả năm 2023) chỉ để giữ hệ thống hoạt động trơn tru, đó là chưa để đến số tiền lương khổng lồ nhằm giữ chân nhân tài, tránh đánh mất họ vào tay đối thủ.
Trích lời CEO Sam Altman của OpenAI: "Chúng tôi phải tìm cách kiếm tiền trên ChatGPT, chi phí vận hành nhìn vào là muốn rơi nước mắt."
Có thể nói, Microsoft và OpenAI đã đốt hàng tỷ USD để đặt nền móng cho AI, biến nó thành một nền tảng mà doanh nghiệp khác có thể xây dựng hệ thống AI cho riêng mình.
Kế hoạch "soán ngôi" Google
Với số lượng dữ liệu khổng lồ được đưa vào ChatGPT, giới chuyên gia dần nhận ra rằng đây chính là một "vũ khí" chống lại Google của Microsoft.
Google dù vẫn đang đứng đầu thị trường tìm kiếm, nhưng gã khổng lồ này cũng dậm chân tại chỗ một thời gian dài, và Microsoft đã nhanh chóng đưa kế hoạch soán ngôi vào giai đoạn tiếp theo: tích hợp trí thông minh nhân tạo vào công cụ tìm kiếm Bing.
Cho đến nay, Bing chỉ là một "bản sao" của Google, từ giao diện cho đến nguyên lý hoạt động và mô hình kiếm tiền… Bing thậm chí còn trở thành một trò đùa trên mạng, khi từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Bing lại chính là "Google", nhiều ngươi cho rằng Bing chỉ tồn tại (chiếm 9% thị phần toàn cầu) vì nó là trình duyệt mặc định của hệ điều hành Microsoft.
Nhưng trước hết, OpenAI và Microsoft cần giải quyết bài toán "chi phí trên mỗi lần tìm kiếm", vì mỗi câu hỏi được trả lời trên ChatGPT hiện đang tốn vài cent (1 USD = 100 cent) chi phí vận hành, đắt hơn Google hàng trăm lần.
Microsoft cũng cần nghĩ ra một mô hình kinh doanh mới, vì hiện Bing đang "sao chép" cách tính tiền trên mỗi lượt nhấp chuột từ Google, nhưng mỗi câu trả lời trên ChatGPT chỉ có một. Nhiều chuyên gia cho rằng phiên bản "cao cấp" và trả phí của ChatGPT sẽ xuất hiện.
Mọi chuyện dường như có lợi hơn cho Microsoft khi 58% doanh thu hiện tại của Google đến từ công cụ tìm kiếm, khiến gã khổng lồ này không thể chấp nhận rủi ro để thay đổi mô hình hiện tại. Trong khi đó, Bing chỉ mang về 5% doanh thu tìm kiếm, số tiền Microsoft sẵn sàng đánh đổi để tiến tới tương lai.
Nói tóm lại, Microsoft đang trong một cuộc chạy đua để biến OpenAI và ChatGPT thành nền tảng "mặc định" của mọi hệ thống AI trong tương lai, nhưng trước mắt cần phải giải quyết nhiều bài toán hóc búa về Chi phí hoạt động, Xóa bỏ nội dung mang tính phân biệt, và Hoạt động một cách "nhân văn", không lập lại sai lầm của mô hình AI Tay, bị người dùng Twitter "tha hóa" chỉ trong vòng 24 giờ và nhanh chóng bị xóa sổ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android