Khu vực nông thôn, gần với cơ sở chăn nuôi gia súc và có ruồi là một môi trường tiềm năng cho loài ký sinh trùng này lây nhiễm sang người.
Lần thứ hai trong lịch sử y khoa, một người phụ nữ được xác định nhiễm bệnh Thelazia gulosa hiếm gặp - một loại ký sinh trùng biến mắt bạn trở thành nhà của chúng. Mặc dù mới chỉ là trường hợp thứ hai, nhưng các nhà khoa học Mỹ đang xem xét đưa Thelazia gulosa vào danh sách các mầm bệnh mới nổi, bởi cả hai ca nhiễm chỉ diễn ra trong vòng 2 năm đổ lại đây.
Báo cáo của các nhà khoa học tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) cho biết một người phụ nữ 68 tuổi là nạn nhân thứ hai của ký sinh trùng này. Và bà ấy nhiễm bệnh theo một cách hết sức hi hữu.
Người phụ nữ sống ở một vùng nông thôn ở Nebraska có mùa đông ấm nên rất thích chạy bộ. Trong một ngày đầu năm 2018, như thường lệ, bà đang chạy thể dục thì đâm phải một đàn ruồi nhỏ đang bay.
"Bà ấy nhớ rằng mặt mình đã đập vào đàn ruồi và thậm chí phải nhổ chúng ra khỏi miệng", các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo. Và đó là lúc mà mọi chuyện bắt đầu.
Chạy bộ đâm vào một đàn ruồi, về nhà người phụ nữ bị ký sinh trùng làm tổ trong mắt
Một tháng sau cái ngày định mệnh ấy, người phụ nữ liên tục thấy khó chịu ở mắt phải. Trong một lần rửa mắt bằng nước, bà ấy thấy một con giun tròn trong suốt rơi ra. Nó dài khoảng 1,25 cm. Giật mình, bà ấy soi gương và kiểm tra lại thì thấy trong mắt vẫn còn một con giun nữa, không tài nào lấy ra được.
Ngay hôm sau, người phụ nữ đi khám nhãn khoa. Ở phòng khám, bác sĩ đã gắp ra khỏi mắt bà ấy tổng cộng ba con ký sinh trùng nữa, rồi kê cho bà một loại thuốc mỡ kháng sinh bôi mắt đề phòng bất kỳ nhiễm trùng nào có thể xảy ra.
Người phụ nữ trở về nhà nhưng vẫn cảm thấy khó chịu ở cả hai mắt suốt mấy tuần. Một cuộc kiểm tra nhãn khoa khác chẩn đoán bà bị viêm kết mạc nhẹ, nhưng không thể phát hiện thêm bất kỳ con ký sinh trùng nào.
Tuy nhiên, người phụ nữ đã tiếp tục tìm thấy và tự bắt được một con giun thứ tư ra khỏi mắt mình ngay sau đó. May mắn thay, chứng viêm kết mạc của bà từ đó cũng đã thuyên giảm và khỏi hẳn.
Con giun thứ tư có vẻ như là vị khách không mời cuối cùng làm tổ trong mắt bà. Trước đó, các bác sĩ nhãn khoa cũng đã từng báo cáo trường hợp một bệnh nhân 26 tuổi nhiễm Thelazia gulosa. Người này có tới 14 con giun ẩn nấp trong mắt mình.
Phân tích mẫu bệnh phẩm thu được từ bệnh nhân mới cho thấy, người phụ nữ ở Nebraska cũng đã nhiễm Thelazia gulosa (hay còn gọi là giun mắt gia súc). "Con giun được xác định là một con T. Gulosa cái trưởng thành", các tác giả báo cáo viết.
"Điều quan trọng, trứng có chứa ấu trùng phát triển đã được quan sát trong tử cung của chúng, cho thấy rằng con người là vật chủ thích hợp cho sự sinh sản của T. gulosa".
Thelazia gulosa hay còn gọi là giun mắt gia súc
Các loài ký sinh trùng thuộc họ Thelazia khác cũng đã từng được ghi nhận ở Hoa Kỳ, khi nó gây ra Thelaziasis, một căn bệnh hiếm gặp. Nếu thấy những con giun này đang lúc nhúc trong mắt mình, bạn chắc chắn sẽ không muốn trì hoãn việc bắt chúng ra khỏi đó, các nhà nghiên cứu cảnh báo.
"Với các bệnh nhiễm trùng không được điều trị, kích thích mãn tính gây ra bởi sự di chuyển của giun trưởng thành trên giác mạc có thể dẫn đến viêm giác mạc, mất thị lực hoặc thậm chí mù lòa", họ viết.
"Trong các trường hợp được báo cáo, khi ký sinh trùng được loại bỏ khỏi mắt trong vòng một đến hai tháng kể từ lần đầu nó được phát hiện, tình trạng viêm kết mạc đã được giải quyết và không có ảnh hưởng lâm sàng lâu dài".
Với những căn bệnh hi hữu như thế này, việc xác định nguyên nhân lây nhiễm là vô cùng quan trọng. Nó cho phép các bác sĩ cảnh báo người dân và giúp họ có biện pháp phòng tránh và tự bảo vệ mình.
Đối với giun mắt Thelazia, chúng thường lây nhiễm từ động vật sang động vật thông qua một trung gian truyền bệnh là loài ruồi. Loài ký sinh trùng này thường có trên gia súc. Bệnh nhân đầu tiên đã bị nhiễm nó trong khi đến thăm một trang trại và tập cưỡi ngựa. Bệnh nhân thứ hai đã chạy đập mặt vào một đàn ruồi ở vùng nông thôn.
Bởi vậy, khu vực nông thôn, gần với cơ sở chăn nuôi gia súc và có ruồi là một môi trường tiềm năng cho loài ký sinh trùng này lây nhiễm sang người. Cũng phải nói rằng tỷ lệ mắc Thelaziasis ở người tính cho tới nay là cực kỳ hiếm.
Ở gia súc, nhiễm trùng T. gulosa đã được xác định ở một số tiểu bang của Hoa Kỳ, cũng như Canada, Châu Âu, Châu Á và Úc, nhưng xét nghiệm tìm ký sinh trùng ở những khu vực này có thể không được ưu tiên.
Những con T. gulosa thường làm tổ trong mắt gia súc, bây giờ đã được ghi nhận trên người.
"Lý do nào khiến loài ký sinh trùng này cho tới tận bây giờ mới lây nhiễm sang người vẫn còn rất mơ hồ", các tác giả giải thích.
Từ trước đến nay, chúng ta không thường theo dõi bệnh Thelaziasis ở gia súc, bởi vậy, không thể biết liệu tỷ lệ nhiễm T. gulosa ở gia súc tăng lên có phải là nguyên nhân dẫn đến việc ký sinh trùng này bắt đầu tìm kiếm một vật chủ khác như con người hay không.
Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu các loài động vật nhai lại sống trong hoang dã sẽ cho chúng ta câu trả lời cặn kẽ hơn.
Trước lúc các nguyên nhân được làm sáng tỏ, nếu một ngày nào đó bạn thấy mắt mình bị cộm ngứa và có một con giun nào đó ngọ nguậy trong đó, hãy đến ngay phòng khám nhãn khoa để các bác sĩ xử lý tình trạng cho bạn. Và một kinh nghiệm khi chạy bộ, đừng bao giờ đâm vào một đàn ruồi nào.
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI