Cháy rừng ở Úc nóng đến nỗi tạo ra cả sấm và chớp giật đùng đùng

    Tấn Minh,  

    Hơn 130 đám cháy tiếp tục hoành hành ở bang New South Wales, và 31 đám cháy khác ở bang liền kề là Victoria.

    Cháy rừng đang hoành hành ở đông nam nước Úc, với những ngọn lửa nóng đến mức tự tạo ra giông bão và sấm chớp - giống như điều kiện thời tiết nảy sinh trong những vụ phun trào núi lửa hay nổ bom hạt nhân.

    Nhân viên cứu hỏa Michael Brearley là người dẫn đầu nhóm lính cứu hỏa bảo vệ Wingello, một thị trấn nhỏ nằm cách phía nam Sydney 100 dặm, phát hiện ra một đám mây khổng lồ bắt đầu hình thành ở phía xa vào hôm thứ 7 vừa qua. Đó chắc chắn là tin xấu, bởi khu vực này chưa hề có một giọt mưa nào từ nhiều tuần qua.

    Thay vào đó, lửa là thứ rơi xuống từ sự hình thành của những đám mây vũ tích - vốn được tạo ra bởi sức nóng cực độ khiến không khí bị đẩy lên cao, vào bên trong các đám khói của cháy rừng, tạo ra ẩm và dẫn đến các cơn giông. Các nhà khoa học nói rằng họ mới chỉ hiểu được một ít về hiện tượng thời tiết này, do đó rất khó để dự báo những gì xảy ra tiếp theo.

    "Khi gió nam đổi chiều, mây sụp xuống và bắn lửa vào những khu rừng phía nam thị trấn" - Brearley nói. "Chúng ta đòi thêm tài nguyên, thiên nhiên trả thù chúng ta".

    Khoảng 130 đám cháy tiếp tục hoành hành ở bang New South Wales hôm thứ hai, và 31 đám cháy khác ở bang lân cận là Victoria, sau khi tình hình trở nên hỗn loạn hôm thứ bảy với nhiệt độ tăng vượt 38 độ C và lửa bị thổi lan ra bởi những cơn gió mạnh, không thể dự đoán được. Đến nay, cháy đã thiêu rụi hơn 22.000 dặm vuông rừng tại Úc.

    Cháy rừng tạo nên hệ thống thời tiết của chính chúng ra sao?

    Cháy rừng ở Úc nóng đến nỗi tạo ra cả sấm và chớp giật đùng đùng - Ảnh 1.

    1 - Đám khói tạo thành từ không khí nóng xoay vần

    2 - Không khí mát hơn vị hút vào đám khói này, khiến nó to lên và giảm nhiệt khi bay lên cao hơn

    3 - Khi đám khói lên đủ cao, áp lực của khu vực khí quyển thấp sẽ khiến không khí bên trong mát hơn và tạo thành đám mây

    4 - Trong một bầu khí quyển bất ổn định, một cơn giông có thể phát triển, tạo ra mây vũ tích

    5 - Mưa trong đám mây bay hơi và hạ nhiệt độ khi gặp không khí khô, tạo ra một cơn bão

    6 - Sấm chớp có thể xuất hiện, có thể tạo ra những đám cháy mới.

    Số người chết từ các đám cháy rừng ở New South Wales đã tăng lên 9 so với tuần trước, sau khi một người phụ nữ 47 tuổi qua đời hôm thứ bảy vì cố giúp một người bạn dập lửa ở thị trấn trồng táo Batlow. Các quan chức ở Victoria cho biết 2 người khác đã chết và 4 người mất tích kể từ khi tình hình cháy rừng leo tháng trước đêm Giao thừa. Ở bang South Australia, 2 người đã chết vì các đám cháy vốn đã thiêu rụi 1/4 Đảo Kangaroo, một địa điểm du lịch nổi tiếng.

    Lửa đã gây thiệt hại cho các đường dây truyền tải điện, bao gồm tại các khu vực quanh vườn quốc gia Kosciuszko ở New South Wales, gây mất điện ảnh hưởng đến 35.000 người. Các hộ gia đình được khuyến cáo giảm tải cho mạng lưới điện bằng cách tắt bớt máy giặt, máy rửa bát đĩa và các loại máy bơm nước hồ bơi.

    Nhà chức trách tại Úc cho biết việc bảo vệ cơ sở hạ tầng lưới điện và các tháp viễn thông, cùng với các thị trấn và các nhà máy lớn như các cối xay gió, là ưu tiên hàng đầu trong mùa cháy rừng tồi tệ nhất tại Úc trong nhiều năm qua này.

    Thời tiết do cháy rừng tạo ra khiến công việc đó trở nên khó khăn hơn. Các đám mây vũ tích gây ra dòng vận động đi lên thẳng đứng của không khí, hút vào trong đó quá nhiều không khí đến mức hình thành nên những cơn gió mạnh, có thể khiến một đám cháy nóng hơn và lan rộng hơn - theo website của Cục khí tượng Úc. Các đám mây có thể  khiến các đám cháy gần đó chuyển hướng, và bắn ra những khối lửa cách đó nhiều dặm, làm bùng lên những đám cháy mới.

    Sấm chớp có thể hình thành trong các đám mây, làm tình hình nguy hiểm thêm. Trong đợt cháy rừng tồi tệ nhất của Úc tính theo số người chết - đợt cháy Black Saturday vào năm 2009 ở Victoria, giết chết 173 người - sấm chớp từ các đám mây vũ tích đã tạo ra một đám cháy mới cách đám cháy ban đầu 62 dặm.

    Glen Squire, đội trưởng đội lính cứu hỏa Adaminaby, một thị trấn nhỏ ở New South Wales, ra lệnh cho nhóm của anh trốn vào xe khi đám cháy lớn mà họ đang tìm cách dập ở sườn tây công viên quốc gia Kosciuszko tạo ra một cơn giông. Ông cho biết, trong suốt 4 giờ, cả khu vực đã phải đối mặt với mưa, gió xoáy, và sấm chớp.

    "Lúc đó là vào 3 giờ sáng, thậm chí còn tối hơn cả 2 giờ sáng nữa" - Squire nói.

    Các nhân viên cứu hộ khẩn cấp buộc phải rút lui khỏi các khu vực cháy khi thời tiết nguy hiểm do các đám mây khói tạo ra ngày càng phức tạp hơn.

    Cháy rừng ở Úc nóng đến nỗi tạo ra cả sấm và chớp giật đùng đùng - Ảnh 2.

    Vào đêm giao thừa, những cơn gió xoáy đã hình thành từ một đám cháy ở Jingellic, New South Wales, làm lật nghiêng một chiếc xe cứu hỏa nặng 10 tấn và nhiều phương tiện khác.

    Sam McPaul, một lính cứu hỏa tình nguyện, sắp trở thành cha của một em bé trong năm nay, đã hi sinh trong tai nạn này, cùng 3 đồng nghiệp khác bị thương, trong đó có một người bị thương nặng.

    "Đó là những nguy hiểm có thể xảy đến từ những cột mây vũ tích tạo ra bởi cháy rừng" - Shane Fitzsimmons, ủy viên Phòng cháy chữa cháy nông thôn ở New South Wales nói.

    Úc sẽ triển khai 3.000 lính trừ bị và mượn thêm nhiều máy bay thả bom nước - đây là lần đầu tiên nước này buộc phải gọi cứu viện để đối phó với thảm họa cháy rừng, theo lời Thủ tướng Scott Morrison. Tàu đổ bộ lớn nhất của hải quân Úc, HMAS Adelaide, đang được huy động để hỗ trợ di tản các khu vực bị ảnh hưởng bởi lửa dọc theo bờ đông nam nước này.

    Ông Morrison hồi tháng trước đã phải cắt ngắn kỳ nghỉ ở Hawaii sau khi bị chỉ trích đi du lịch giữa thảm họa cháy rừng. Tuần này, khi đang ghé thăm thị trấn Cobargo ở New South Wales, vốn đang bị lửa tấn công, gần nơi hai người đã chết hôm thứ hai, ông đã bị chất vấn bởi các cư dân ở đây - một số tức tối vì cho rằng sự hỗ trợ của chính phủ dành cho lực lượng chữa cháy địa phương là chưa đủ. Một số thậm chí còn từ chối bắt tay vị thủ tướng này.

    Ông Morrison cho biết đã tạm thời dời lại các chuyến thăm chính thức đến Ấn Độ và Nhật Bản để giám sát nỗ lực khôi phục nước Úc sau thảm họa. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đưa người Úc qua thời điểm kinh hoàng này".

    Cháy rừng ở Úc nóng đến nỗi tạo ra cả sấm và chớp giật đùng đùng - Ảnh 3.

    Các nỗ lực cứu nạn vẫn tiếp diễn, với hơn 1.150 người đã được di tản khỏi thị trấn Mallacoota bởi các tàu hải quân và được đưa đến Westernport ở bờ nam Victoria. Các căn cứ quân sự từ Brisbane đến Adelaide đang mở cửa để cư dân đến đây cư trú tạm thời.

    Tình hình các đám cháy trong khu vực được cho là sẽ dịu bớt trong vài ngày tới, khi nhiệt độ giảm và gió cũng nhẹ hơn, dù rằng nhiều đám cháy vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.

    Tham khảo: WallStreetJournal

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ