“Chén thánh” đằng sau kế hoạch tham vọng của Adidas nhằm chấm dứt rác thải nhựa trong vòng 10 năm tới

    K Nguyễn, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 

    Mỗi năm, Adidas sản xuất hơn 400 triệu đôi giày thể thao, chiếm gần 1/2 tổng số mặt hàng - gồm quần áo và thiết bị thể thao - mà tập đoàn 70 tuổi của Đức cho ra mắt trên khắp thế giới hằng năm. Là một tác nhân chính gây ô nhiễm nhựa toàn cầu, nhưng công ty này xứng đáng được ghi nhận vì đã thừa nhận trách nhiệm và đưa ra các chiến lược giúp chấm dứt rác thải nhựa.

    Sứ mệnh của Adidas là tạo ra các sản phẩm chất lượng cao nhất cho các vận động viên, do đó, phần lớn các vật liệu được sử dụng là nhựa polymer – có khả năng vượt trội để ‘biến hình’ thành mọi thứ từ nệm xốp trong giày thể thao đến vải thấm ẩm trong áo lót thể thao.

    Vấn đề của nhựa là chúng không phân hủy sinh học. Vì nhựa trong giày và quần áo không thể tái chế, nên chúng sẽ bị vứt bỏ tại các bãi rác hoặc tệ hơn là xả ra đại dương, vốn đã chứa tất cả số lượng nhựa đã được tạo ra.

    “Chén thánh” đằng sau kế hoạch tham vọng của Adidas nhằm chấm dứt rác thải nhựa trong vòng 10 năm tới - Ảnh 1.

    Adidas không phải là thủ phạm duy nhất. Theo Ellen MacArthur Foundation, 60% vật liệu được sử dụng bởi ngành công nghiệp thời trang làm từ nhựa, một chế phẩm của dầu mỏ - một nguồn tài nguyên không tái tạo.

    Nhận ra mình là một tác nhân chính gây ô nhiễm nhựa, hiện tại, Adidas đang lên một kế hoạch toàn diện nhằm chấm dứt vấn đề rác thải nhựa từ quá trình sản xuất của công ty trong thập kỷ tới.

    Adidas bắt đầu phát triển chiến lược bền vững hiện tại vào năm 2015, khi công ty này tiến hành kiểm toán vật liệu được sử dụng. Kể từ đó, Adidas đã thử nghiệm các giải pháp khác nhau. Tập đoàn của Đức đã hợp tác với tổ chức môi trường Parley for the Oceans để sản xuất quần áo và giày bằng nhựa thu gom từ đại dương vào năm 2015. Ban đầu, Adidas chỉ sản xuất 7.000 đôi giày thể thao, nhưng sau đó đã tăng lên tới 11 triệu đôi 1 năm sau đó.

    “Chén thánh” đằng sau kế hoạch tham vọng của Adidas nhằm chấm dứt rác thải nhựa trong vòng 10 năm tới - Ảnh 2.

    Năm ngoái, Adidas đã thử tạo ra một đôi giày thể thao có thể tái chế hoàn toàn, Futurecraft Loop. Đôi giày đặc biệt này được làm từ một vật liệu duy nhất và được tạo hình bằng nhiệt, không cần tới keo dán, do đó nó có thể được dễ dàng băm nhỏ và trở thành vật liệu cho một chiếc giày mới.

    Cho tới thời điểm hiện tại, các dự án này mới chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm. Thông qua phòng thí nghiệm thiết kế nội bộ, Speedfactory, Adidas có thể nhanh chóng biến ý tưởng thành nguyên mẫu, sau đó sản xuất chúng dưới dạng các sản phẩm giới hạn quy mô nhỏ.

    Kế hoạch tham vọng của Adidas có thể được chia làm 3 bước.

    Bước 1: Sử dụng nhựa tái chế đến năm 2024

    “Chén thánh” đằng sau kế hoạch tham vọng của Adidas nhằm chấm dứt rác thải nhựa trong vòng 10 năm tới - Ảnh 3.

    Bước đầu tiên, Adidas sẽ chuyển đổi sang nhựa tái chế. Tới cuối năm nay, 1/2 tổng lượng nhựa polyester sẽ được lấy từ các nguồn tái chế. Đến năm 2024, toàn bộ nhựa polyester mà công ty sử dụng sẽ được tái chế. Adidas lên kế hoạch giới thiệu các nhãn giải thích chính xác nguồn gốc nhựa trong sản phẩm của công ty.

    PrimeGreen sử dụng nhựa polyester có nguồn gốc từ chai nước tái chế, trong khi PrimeBlue là nhựa polyester từ đại dương do Parley cung cấp. Do Adidas cần nhiều nhựa hơn số lượng Parley có thể thu gom, hai đối tác sẽ lấy nhựa từ các bãi biển trên khắp thế giới.

    Polyester chỉ là một trong những loại nhựa mà Adidas sử dụng trong quá trình sản xuất. James Carnes, phó chủ tịch chiến lược thương hiệu tại Adidas, cho biết công ty cũng đang nỗ lực tìm kiếm các loại polymer tái chế cho các sản phẩm khác, như nệm xốp trong giày.

    Bước 2: Làm cho tái chế trở nên dễ dàng vào năm 2030

    “Chén thánh” đằng sau kế hoạch tham vọng của Adidas nhằm chấm dứt rác thải nhựa trong vòng 10 năm tới - Ảnh 4.

    Nhựa tái chế chỉ là một phần trong kế hoạch của Adidas. Bước tiếp theo là tạo ra các sản phẩm có thể dễ dàng tái chế. Ví dụ giày Futurecraft Loop cho thấy các sản phẩm cần phải thiết kế lại từ đầu để chúng được làm từ một vật liệu duy nhất hoặc từ các vật liệu có thể dễ dàng tách rời và tái chế riêng.

    Bên cạnh sản xuất ra những đôi giày mà người tiêu dùng có thể tái chế, Adidas cũng phải tìm ra cách để đảm bảo rằng chúng sẽ được tái chế. Công ty này đang nghĩ tới giải pháp gửi nhãn trả hàng và giày tạm thời cho khách hàng cho đến khi họ gửi lại đôi giày cũ và một vài phương án khác. Nhưng dường như Adidas cần nhiều hơn thế để thuyết phục khách hàng chia tay với giày của họ, đặc biết là nếu họ cảm thấy gắn bó với chúng.

    Bước 3: Tạo ra các sản phẩm có thể phân hủy sinh học

    “Chén thánh” đằng sau kế hoạch tham vọng của Adidas nhằm chấm dứt rác thải nhựa trong vòng 10 năm tới - Ảnh 5.

    Bước cuối cùng trong kế hoạch của Adidas là tạo ra các sản phẩm phân hủy sinh học hoàn toàn. Carnes cho biết: “Đây chính là chiếc chén thánh. Chúng tôi muốn tạo ra một hệ thống tuần hoàn, nhưng điều này phụ thuộc vào việc tái chế của người tiêu dùng.”

    Thêm vào đó, đây là một dự án khó khăn hơn rất nhiều, phụ thuộc vào những công nghệ mới trong những năm tới, do đó, Adidas không đặt khung thời gian cho mục tiêu dài hạn này.

    Tuy Adidas tiếp tục là một nguyên nhân chính gây ô nhiễm nhựa toàn cầu, nhưng công ty này xứng đáng được ghi nhận vì đã thừa nhận trách nhiệm và đưa ra các chiến lược giúp chấm dứt rác thải nhựa. Bằng cách đầu tư và nhân rộng các công nghệ bền vững, Adidas sẽ mở đường cho các thương hiệu khác tiếp cận với các vật liệu bền vững hơn.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ