Chỉ 8 tháng sau khi được VNG rót tiền, trang thương mại điện tử Tiki đã lỗ gần 160 tỷ

    PV,  

    Tương ứng với quá trình mở rộng, mức lỗ của Tiki càng ngày càng lớn.

    Một trong những thương vụ đình đám nhất giữa các công ty công nghệ Việt Nam trong năm 2016 là việc CTCP VNG (Vinagame) đã rót vốn và trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của trang thương mại điện tử Tiki.vn. Tiki được thành lập từ năm 2010, chuyên cung cấp các sẩn phẩm sách, điện thoại…

    Theo đó, trong tháng 1/2016, Hội đồng quản trị VNG đã quyết định mua 3.716.187 cổ phiếu, tương đương 38% cổ phần của Tiki. Thương vụ này hoàn tất vào ngày 2/2/2016 và Tiki bắt đầu được ghi nhận là một công ty liên kết của VNG.

    Báo cáo tài chính của VNG cho thấy, tổng số tiền mà VNG chi ra cho thương vụ này là 384,4 tỷ đồng – tương ứng giá mua lên đến 104.300 đồng/cp – trong đó có 337,2 tỷ đồng trả cho Tiki để mua cổ phiếu phát hành mới, còn lại là mua lại từ những cổ đông hiện hữu.

    Mức giá mà VNG đã mua tương ứng với việc định giá Tiki lên đến hơn 1.000 tỷ đồng (45 triệu USD) – đưa doanh nghiệp này trở thành một trong những startup đắt giá nhất hiện nay.

    Giống như hầu hết các công ty thương mại điện tử khác, Tiki đang lỗ. Cùng với việc mở rộng quy mô và được VNG rót một khoản tiền lớn thì “tốc độ lỗ” của Tiki dường như càng ngày càng lớn.

    Dựa trên các số liệu từ báo cáo của VNG có thể thấy, trong tháng 2 và tháng 3/2016, Tiki lỗ 20,9 tỷ đồng. Mức lỗ này tăng lên thành 58 tỷ trong quý 2 và 78,2 tỷ trong quý 3.

    Tổng cộng trong vòng 8 tháng sau khi được VNG rót vốn, Tiki đã lỗ hơn 157 tỷ đồng, tức “tiêu” hết gần ½ số tiền mà VNG đầu tư.

    Đầu tháng 8/2016, một trang thương mại điện tử Lingo.vn bất ngờ tuyên bố đóng cửa và giải thể công ty sau khi sớm tiêu hết 150 tỷ đồng vốn góp của nhà đầu tư VMG Media và MAJ Invest mà kết quả không mấy khả quan.

    Với việc sở hữu 38% thì VNG cũng đã ghi nhận khoản lỗ xấp xỉ 60 tỷ đồng trên báo cáo tài chính hợp nhất. Trong 9 tháng đầu năm 2016, VNG đạt 1.900 tỷ đồng doanh thu hợp nhất; Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 372 tỷ và 295 tỷ đồng.

    Sau khi chi gần 400 tỷ đầu tư vào Tiki, lượng tiền mặt của VNG vẫn khá dồi dào với hơn 1.200 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn.

    Theo Trí thức trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ