Chỉ dùng mỗi Galaxy S8 và Samsung DeX có đủ để thay thế chiếc laptop thân thuộc của bạn?
Samsung tuyên bố phụ kiện mới DeX Station của hãng sẽ khiến bạn "quên đi sự tồn tại của những chiếc máy tính".
*Bài viết của Edgar Cervantes trên trang AndroidAuthority
Có lẽ tôi là một “gã khùng” với niềm đam mê cháy bỏng nhưng lại đầy mâu thuẫn về công nghệ. Tuy nhiên bằng một cách nào đó, tôi luôn bị cuốn vào những thử nghiệm kỳ quái mà chắc chắn bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng ra nổi.
Tôi đã cố gắng thử tìm sự thay thế hoàn hảo cho chiếc PC của mình bằng nhiều thiết bị khác nhau, từ Chromebook, một chiếc Android tablet hay thậm chí là cả iPad. Vậy nên khi Samsung tuyên bố Galaxy Note 8 và S8 có thể kết hợp với phụ kiện có tên gọi DeX sẽ khiến bạn “quên đi sự tồn tại của những chiếc máy tính”, tôi lập tức vào cuộc để kiểm chứng điều này.
Liệu DeX Station có thực sự tuyệt vời như những gì Samsung hứa hẹn?
Và cứ thế, tôi dẹp chiếc laptop gaming của mình đi và dùng Samsung DeX thay thế nó trong vòng 1 tuần để thử nghiệm đủ thứ trên đời, từ gửi email cho đến chỉnh sửa ảnh. Giờ là lúc tôi nói cho các bạn biết những cảm nghĩ, đánh giá của mình, và quan trọng nhất là phán quyết cuối cùng: tôi có nên/cần quay lại với chiếc laptop yêu dấu của mình hay không!
Samsung DeX là gì?
Hãy bắt đầu bằng việc làm quen với món đồ chơi mới của Samsung nhé. DeX Station là một phụ kiện không bắt buộc có giá 149,99 USD (khoảng 4,4 triệu VND) với khả năng khai tối ưu hóa sức mạnh của Samsung Galaxy S8 và Note 8 để tạo ra một phiên bản máy tính Android. Ngoài ra, nó còn sở hữu một số cổng USB, một cổng LAN và đi kèm với USB Type-C để sạc pin và cáp HDMI. Chỉ cần trượt mở nắp ở phía trên là bạn sẽ có thể dễ dàng kết nối DeX với smartphone của mình.
DeX sẽ giúp phát huy tối đa tiềm năng cho chiếc smartphone của bạn.
Một khi đã kết nối với màn hình, bàn phím và chuột thì xin chúc mừng, bạn đã có trong tay một chiếc Android PC độc đáo. Bên cạnh đó, giao diện người dùng cũng hỗ trợ tính năng đa nhiệm, tối ưu hóa shortcut cũng như khả năng truy cập vào mọi ứng dụng/file/chức năng bên trong thiết bị của bạn. Nghe cũng thú vị đấy chứ nhưng thực hư thì thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
DeX sẽ biến Galaxy Note 8/S8 thành những cỗ PC hoàn chỉnh?
Thiết kế và tính năng
Về mặt thiết kế, DeX Station khá đơn giản và gọn gàng. Nó có hình tròn với đường kính nhỏ cùng nắp trượt phía trên có thể kéo về đằng sau - vị trí của các cổng kết nối ngoại vi, giúp chiếc smartphone của bạn nổi bật hẳn lên mỗi khi sử dụng. Chỉ tồn thời gian cài đặt một chút và nó sẽ lập tức thích nghi với bất kỳ thiết bị nào nào. Điều này thật tuyệt vời vì bạn không cần phải liên tục để ý điện thoại khi cắm vào DeX Station nữa bởi màn hình của nó sẽ tắt và ngưng hoạt động.
Kết nối điện thoại với DeX khá dễ dàng.
Thế còn nhược điểm thì sao? Tuy nhỏ gọn nhưng khi sử dụng thì DeX Station lại là một thiết bị cố định. Đúng là nó biến smartphone của bạn thành một chiếc máy tính để bàn thật đấy, nhưng bạn cũng chẳng mang nó đi đâu được cả. Trừ khi bạn cho rằng vác theo một chiếc PC từ nơi này qua nơi khác là một chuyện hết sức bình thường thì tôi cũng không có ý kiến gì thêm.
Có lẽ những người sử dụng laptop hàng ngày sẽ không thích điều này cho lắm, bởi họ bỗng nhiên mất đi khả năng di động linh hoạt của mình. DeX Station cần được kết nối với ổ điện và hàng loạt thiết bị khác như màn hình, bàn phím hay chuột để có thể hoạt động. Liệu bạn có thể tìm thấy toàn bộ những thứ đó ngoài quán cà phê hay các tụ điểm công cộng hay không?
Có thể nói, bản chất của DeX Station là một miếng ghép rất nhỏ trong một bức tranh hệ thống rất lớn và trở nên vô dụng nếu hoạt động một mình. Khi ấy, lợi thế duy nhất là kích thước khiêm tốn dễ dàng bỏ túi cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Thế nhưng nếu nó chỉ có thể sử dụng ở một địa điểm cố định cùng đầy đủ các thiết bị ngoại vi khác, sao chúng ta không dùng luôn những chiếc PC bình thường cho xong?
Không liên quan nhưng mà khi thiết lập DeX, hãy nhớ là phải cài đặt bàn phím và chuột trước nhé, đặc biệt là nếu bạn muốn sử dụng Bluetooth để kết nối các thiết bị ngoại vi khác. Lý do rất đơn giản: Một khi đã cắm chiếc S8 hay Note 8 và DeX rồi, màn hình của chúng sẽ bị vô hiệu hóa khiến việc kết nối qua Bluetooth trở nên cực kỳ khó khăn.
DeX cần được kết nối với ổ điện và các thiết bị ngoại vi khác để hoạt động.
Hiện tại, DeX Station chỉ có chức năng làm chân đế, thế nên nó cứ… đứng im một chỗ như vậy thôi. Ngoài cái danh “cơn gió lạ” của làng smartphone ra thì nó chẳng có gì đặc biệt cả. Tôi chỉ có thể thấy tác dụng duy nhất của nó là khi bạn lâm vào tình cảnh không có bất cứ thiết bị điện tử nào khác ngoài chiếc điện thoại yêu quý nhưng vẫn muốn tận hưởng các tính năng trên một chiếc PC thực thụ.
Tuy nhiên trong thực tế, có rất ít người cần đến toàn bộ sức mạnh của chiếc PC mà họ đang sở hữu. Và nếu đã không đòi hỏi quá nhiều ở PC như vậy thì chẳng có lý do gì để họ biến một chiếc smartphone thành máy tính cả. Vậy câu hỏi đặt ra là: Mục đích thực sự của DeX là gì và nó đang nhắm vào thành phần khách hàng nào vậy?
Phần mềm
Nói đi cũng phải nói lại, khi đã kết nối đầy đủ rồi thì DeX cũng không tệ như chúng ta nghĩ đâu. Nhờ kết hợp với những siêu phẩm như Galaxy Note 8 hay S8, các công đoạn xử lý file và ứng dụng đều diễn ra hết sức dễ dàng.
Có thể nói hai chiếc smartphone này chính là bộ não và trái tim của hệ thống máy tính độc đáo này, đồng nghĩa với việc bạn sẽ sử dụng hệ điều hành Android 7.0 Nougat và trong tương lai có thể là cả Android Oreo nữa. Tuy nhiên, không giống như việc sử dụng một chiếc tablet cỡ lớn, Samsung đã tối ưu hóa giao diện người dùng để nó hoạt động giống PC hơn.
Tổng quan giao diện người dùng
Giao diện không có nhiều điểm khác biệt so với các desktop thông thường.
Màn hình chính có thiết kế khá giống với Windows khiến tôi không cảm thấy bỡ ngỡ khi mới sử dụng. Phía dưới bên trái có 3 nút chính: Tất cả ứng dụng (All Apps), Các ứng dụng gần đây (Recent Apps) và Home. Bên cạnh đó là một loạt ứng dụng được ghim tùy chỉnh. Phía góc dưới bên phải màn hình thì là khu vực cài đặt cũng như hiển thị thông báo. Ngoài ra, bạn cũng có thể ghim thêm nhiều ứng dụng khác ngoài những ứng dụng mặc định lên màn hình chính của mình.
Người dùng Windows sẽ không bị bỡ ngỡ khi chuyển sang giao diện mới này.
Lựa chọn và tối ưu hóa ứng dụng
Nếu bạn định thay thế hoàn toàn hệ điều hành trên PC bằng một hệ điều hành trên điện thoại, tôi khẳng định Android là lựa chọn tốt nhất ở thời điểm hiện tại với khả năng tùy chỉnh theo ý của riêng bạn. Nhưng điều quan trọng nhất chính là kho 3 triệu ứng dụng khổng lồ trên Google Play Store sẽ đáp ứng bất cứ nhu cầu nào của bạn.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để toàn bộ những ứng dụng ấy có thể hoạt động ổn định khi mà bạn phải sử dụng bàn phím và chuột chứ không còn là màn hình cảm ứng nữa? Câu trả lời là còn tùy thuộc vào nhiều thứ. Samsung đã hợp tác với rất nhiều lập trình viên để tối ưu hóa một số ứng dụng cho DeX nhưng số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Tin tốt duy nhất là các ứng dụng phổ biến mà bạn có thể muốn sử dụng đều đã được tối ưu hóa rồi.
Ứng dụng Microsoft Word quen thuộc đã được tối ưu hóa cho DeX.
Những ứng dụng này cụ thể là gì? Đó chính là Microsoft Word, Excel và PowerPoint! Chắc chắn bộ ba “thần thánh” này đều nằm trong danh sách những ứng dụng phổ biến nhất thế giới, và cả ba đều tương thích với DeX. Tuy nhiên, hãy nhớ là bạn phải đăng ký tài khoản Office 365 để sử dụng chúng đấy nhé.
Ngoài ra, bản thân tôi còn là một fan của Skype, và rất may mắn là ứng dụng này cũng đã hoạt động ổn định trên DeX với giao diện tương đối giống với phiên bản máy tính. Bên cạnh đó, thật tuyệt vời khi được sử dụng Photo Editor MG, nhưng tôi vẫn nghiêng về Adobe Photoshop Lightroom trên Google Play Store hơn. Hiện tại, ứng dụng này đang hoạt động rất tốt trên các dòng tablet.
Sự khác biệt và không nhất quán
Chính vì đa số các ứng dụng hiện nay được tối ưu hóa cho điện thoại cùng những chức năng cảm ứng nên khi chúng xuất hiện trên DeX, mọi thứ trở nên thật kỳ quặc.
Kéo ứng dụng hay dùng các cử chỉ tay đã quá quen thuộc với Android, nhưng khi chuyển sang màn hình lớn hơn rất nhiều cùng một con chuột máy tính, mọi thứ bỗng chốc trở nên xa lạ. Samsung cũng thường xuyên đưa ra cảnh báo “một số chức năng trong ứng dụng này sẽ không được Samsung DeX hỗ trợ”. Ví dụ như bạn sẽ không bao giờ có thể khởi động được ứng dụng Amazon Shopping đâu.
Vì mỗi ứng dụng lại được sở hữu thiết kế riêng nên có rất nhiều điều không nhất quán. Tôi rất ghét khi trong một số ứng dụng nhắn tin, bạn có thể nhấn Enter để gửi tin nhắn, nhưng trong một số ứng dụng khác thì lại không thể (Facebook Messenger là một ví dụ điển hình). Mỗi lần muốn gửi tin là phải dùng chuột khiến tôi phát điên lên được. Có thể bạn sẽ cho rằng đây chỉ là một vấn đề nhỏ không đáng kể, nhưng vấn đề này lại rất dễ gây khó chịu trong hệ thống máy tính Android mới này.
Các ứng dụng có chức năng giống nhau chưa chắc đã hoạt động giống nhau khi sử dụng DeX.
Ngoài ra, còn cả yếu tố về kích thước nữa. Một số ứng dụng có thể chuyển sang chế độ nằm ngang (landscape) trong khi một số khác vẫn bị mắc kẹt ở chế độ nằm dọc mặc định (portrait). Chưa hết, bạn không thể phóng to hoặc thay đổi kích cỡ của chúng. Sau một thời gian sử dụng, tôi phát hiện ra rằng sử dụng Chrome (giống như trên PC) cho những tính năng kiểu này sẽ tiện hơn rất nhiều.
Dù sao thì các cửa sổ trình duyệt cũng như các tab trang hoạt động rất tốt. Tôi có thể mở nhiều cửa sổ cùng lúc và sắp xếp chúng xung quanh màn hình của mình trong một môi trường đa tác vụ (multi-tasking) thực sự. Nhưng dù đây là một tính năng tuyệt vời nhưng tôi cũng không dám tự tin khẳng định về sự mượt mà mà nó mang lại.
Ứng dụng Android Chrome tự động chọn các trang web trên điện thoại di động và không có cách nào cài đặt những thiết lập mặc định cho phiên bản máy tính cả. Về cơ bản thì mỗi khi bạn mở 1 tab mới, bạn sẽ phải vào phần cài đặt và chọn “Request desktop site”. Sau đó, các trang web sẽ hiện ra đầy đủ trên tab của bạn. Nhưng cứ mỗi lần muốn mở thêm tab mới, bạn phải lặp lại bước trên và đây quả là một điều bất tiện mà có lẽ phải còn rất lâu nữa mới có thể giải quyết ổn thỏa.
Còn rất nhiều thiếu sót để DeX có thể hoàn toàn thay thế các cỗ máy PC hiện nay.
Trong quá trình trải nghiệm của mình tôi cũng đã gặp một vài lỗi nhỏ (glitch). Chẳng hạn như khi dùng WordPress, toàn bộ trang sẽ thay đổi kích thước mỗi khi tôi di chuột qua các link nhất định. Đôi khi tôi còn gặp cả vấn đề không thể kéo xuống bằng cách lăn chuột giữa trên một số trang web (đặc biệt là Facebook).
Vẫn còn đó những lỗi vặt dù không nghiêm trọng nhưng vẫn có thể mang lại cảm giác khó chịu khi sử dụng. Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh, đối với những người không thường xuyên sử dụng PC thì DeX là chấp nhận được. Nhưng nếu bạn đã sở hữu một chiếc máy tính (dù là PC hay laptop rồi) thì tôi khuyên bạn là nên sử dụng nó thì hơn.
Gaming và giải trí đa phương tiện
Sau khi Note 8 chính thức ra mắt, Samsung đã giới thiệu một số tính năng mới dành riêng cho DeX. Rất nhiều trò chơi hiện tại cùng hàng loạt ứng dụng khác đã có thể hiển thị ở chế độ toàn màn hình. Để kích hoạt tính năng này, bạn sẽ phải sử dụng phần mềm Game Launcher của Samsung, nhưng sau đó, bạn sẽ thấy các trò chơi như Vainglory đều đã được tối ưu hóa và tương thích với bàn phím cũng như chuột truyền thống.
Các tác vụ đa phương tiện khác cũng được nâng cấp đáng kể. Về mặt ứng dụng, phần mềm chỉnh sửa ảnh Lightroom đã có thêm tính năng hiển thị toàn màn hình. Hay các ứng dụng Zoom, Meeting, BlueJeans với tính năng gọi video nhằm phục vụ hội nghị, hội thảo từ xa đều hiển thị với kích thước lớn hơn và có thể chỉnh sửa theo thời gian thực.
DeX mang lại những trải nghiệm ổn định về mặt giải trí.
Các chức năng điện thoại thông thường
Nói đi cũng phải nói lại, chiếc smartphone của bạn sẽ thực sự trở thành một cỗ máy tính nhờ DeX. Điều này khiến nhiều người, trong đó có cả tôi, thắc mắc rằng các chức năng thông thường của điện thoại sẽ “lạc trôi” về đâu? Và câu trả lời là: Bạn có quyền truy cập vào tất cả các ứng dụng và dịch vụ trên điện thoại của mình, đồng nghĩa với việc bạn vẫn nhận được thông báo và tương tác với chúng như khi bạn sử dụng smartphone.
Điểm khó chịu duy nhất chính là khi trả lời cuộc gọi. Như đã nói ở trên, khi cắm điện thoại vào DeX thì màn hình của nó sẽ ngừng hoạt động. Điều này khiến bạn luôn phải chuyển đổi qua lại giữa smartphone và thiết lập của desktop để quyết định xem bạn sẽ trả lời cuộc gọi theo phương thức nào. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng loa ngoài để gọi hoặc nghe và sau đó rút điện thoại ra khỏi DeX. Cuộc trò chuyện của bạn sẽ được thực hiện ngay lập tức mà không cần đợi chiếc S8 chuyển đổi từ chứ độ DeX sang chế độ bình thường. Và đừng quên, bạn còn có một giải pháp tiện lợi khác mang tên tai nghe nữa nhé.
Vậy liệu bạn có thể dùng Samsung DeX để thay thế cho một chiếc máy tính thực sự?
Sau tất cả, liệu DeX có đủ khả năng "hất cẳng" PC?
Câu trả lời là có và không. Samsung Dex sẽ không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng chắc chắn sẽ có một bộ phận người dùng có thể thích nghi được với nó. Và tôi cũng xin khẳng định: Trước đây, tôi đã thử thay thế chiếc PC của mình với rất nhiều thiết bị di động và cho đến nay, Samsung Dex vẫn là lựa chọn tối ưu nhất.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc trải nghiệm trong một tuần vừa qua của tôi là trọn vẹn. Dù sao thì “chiếc máy tính” này bản chất cũng chỉ là một chiếc điện thoại sử dụng phần mềm chuyên dụng cho những loại màn hình cảm ứng bé hơn rất nhiều so với màn hình PC. Cho dù Samsung có cố tạo ra trải nghiệm hoàn hảo thế nào đi nữa thì sẽ vẫn luôn có những thiếu sót nhất định. Có thể trong tương lai, mọi thứ sẽ được cải thiện hơn với phiên bản Android Oreo, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định điều đó.
Tôi cũng cho rằng việc sử dụng các ứng dụng Android với DeX luôn mang lại sự không nhất quán trong hầu hết thời gian trải nghiệm, nhưng tôi tin Samsung đã làm hết sức mình trong lĩnh vực này. Chỉ có điều để giữ cho các ứng dụng hoạt động trơn tru vẫn còn là một thách thức quá lớn bởi mỗi lập trình viên dù có những mục đích khác nhau khi viết ra những ứng dụng đó nhưng tựu chung lại thì vẫn chỉ nhằm phục vụ cho smartphone cũng như tablet mà thôi. Dù sao thì những ứng dụng đã được tối ưu hóa cho DeX vẫn hoạt động rất tốt, và đó là một điểm cộng cho thiết bị này.
DeX có thể thay thế PC hay không còn tùy vào nhu cầu sử dụng của người dùng.
Tuy nhiên, điểm đáng thất vọng nhất về DeX đối với tôi chính là thiếu đi tính linh hoạt. Bạn không thể mang nó theo bên mình như laptop mà cần phải kết nối nó với ổ điện và các thiết bị ngoại vi khác, chẳng khác gì một chiếc PC cả.
Và như thế thì làm sao DeX có khả năng khiến bạn “quên đi sự tồn tại của những chiếc máy tính” như Samsung tuyên bố cơ chứ! Chính thiết kế bất tiện của DeX mới điều đáng để quên đi, trừ khi bạn định dùng nó để hoàn toàn thay thế cỗ máy tính để bàn của mình. Nhưng tôi nghĩ chẳng ai “điên rồ” đến mức đấy đâu (ngoại trừ Starbucks).
Dù nhỏ gọn nhưng DeX chỉ có thể sử dụng cố định mà thôi.
Nếu tôi có thể sử dụng điện thoại của mình trong tất cả mọi việc thì tôi sẵn sàng từ bỏ PC ngay lập tức. Tất nhiên là trong thực tế có không ít người chỉ cần một chiếc smartphone cao cấp là đã đủ phục vụ cho mục đích học tập và làm việc, nhưng đa số mọi người không thể tồn tại nếu thiếu sức mạnh to lớn đến từ những cỗ máy tính của họ.
Và với những người chuyên sử dụng điện thoại thì việc đưa trình duyệt web hay Word hiển thị lên màn hình lớn hơn cũng là một điều hấp dẫn đấy chứ. Ý tưởng về việc toàn bộ ứng dụng, dịch vụ và các file của bạn đều được gói gọi trong một chiếc điện thoại nhỏ bé, tiện lợi thay vì các thùng case máy tính cồng kềnh là cực kỳ tuyệt vời. Tuy nhiên, hãy nhớ là DeX chỉ có thể thay thế một phần rất nhỏ chức năng của PC mà thôi.
Nói tóm lại, Samsung DeX chưa đủ tầm để thay thế PC hoàn toàn mà có lẽ chỉ là một bước cải tiến của smartphone. Thế nên hãy đừng vội vàng bỏ rơi chiếc laptop của mình nhé, vì trong nhiều trường hợp, DeX cùng Galaxy Note 8/S8 không thể cứu được bạn đâu.
Theo AndroidAuthority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời