Chi hàng chục tỷ USD, Mỹ thở phào khi ngành công nghiệp then chốt nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm

    Yến Nguyễn,  

    Ngành công nghiệp chip toàn cầu đang chạm đáy lại là báo hiệu cho sự phục hồi của một số lĩnh vực công nghệ và giúp chính phủ Mỹ thở phào khi nước này đang chi hàng chục tỷ USD nhằm thúc đẩy sản xuất chip.

    Chi hàng chục tỷ USD, Mỹ thở phào khi ngành công nghiệp then chốt nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm - Ảnh 1.

    Trong vài tuần gần đây, lãnh đạo của các ông lớn sản xuất chip như Intel (Mỹ), TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) và Samsung (Hàn Quốc) tỏ ra vô cùng lạc quan khi cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất đối với ngành công nghệ cao này đã qua sau thời gian dài tụt dốc.

    Samsung – hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới công bố lợi nhuận ròng quý 3 giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Dẫu vậy, gã khổng lồ công nghệ này cho biết khách hàng đã dần mua hàng trở lại và việc cắt giảm sản xuất đã giúp giảm bớt tình trạng dư thừa nguồn cung. Bên cạnh đó, nhu cầu chip cho mảng trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính cá nhân (PC), và điện thoại thông minh tích hợp nhiều bộ nhớ hơn cũng đang gia tăng.

    Giám đốc phụ trách mảng chip nhớ của Samsung Kim Jae-june cho rằng ngành công nghiệp chip sẽ tiếp tục phục hồi vào năm tới.

    Chi hàng chục tỷ USD, Mỹ thở phào khi ngành công nghiệp then chốt nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm - Ảnh 2.

    Quy mô thị trường bán dẫn

    Việc thị trường bán dẫn chớm khỏe lại cho thấy nền kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi nhất định bất chấp những thách thức như lạm phát, xung đột ở Ukraine, và cuộc đối đầu giữa Israel và Hamas. Tín hiệu này cũng trấn an chính phủ Mỹ khi nước này đang chi khoảng 53 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn, trong khi các đồng minh của Mỹ bao gồm các quốc gia châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đang hỗ trợ phát triển ngành chip của mình bằng tiền hoặc cơ chế pháp lý.

    International Business Strategies (IBS), một công ty tư vấn trong ngành chip, dự báo doanh thu bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ giảm khoảng 12% trong năm nay nhưng sẽ phục hồi hơn 11% vào năm tới và đạt khoảng 550 tỷ USD. Sự phục hồi này sẽ là cú xoay chuyển mới nhất cho ngành công nghiệp vốn được coi là nhanh thịnh nhưng cũng nhanh suy này.

    Bằng chứng là vào năm đầu dịch COVID-19 bùng nổ, nhu cầu về máy tính, điện thoại thông minh, máy chơi game, và các máy chủ cung cấp video phát trực tuyến tăng vọt, dẫn đến thiếu hụt chip. Bước sang năm 2022, các công ty bán dẫn buộc phải cắt giảm sản xuất, trì hoãn đầu tư, tạm dừng tuyển dụng và sa thải nhân viên trong bối cảnh lạm phát tăng, xung đột ở Ukraine và các yếu tố khác. Đầu năm nay, lợi nhuận hoạt động của Samsung chạm mức thấp nhất kể từ năm 2008.

    Tuần trước, Intel báo cáo kết quả hoạt động từ mảng sản xuất chip máy tính cá nhân tốt hơn mong đợi, đẩy giá cổ phiếu của ông lớn công nghệ Mỹ tăng gần 10% vào hôm sau.

    Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cho biết công ty vẫn đang đi đúng hướng với mục tiêu đạt doanh số 270 triệu máy tính cá nhân vào năm nay và rất kỳ vọng vào quý cuối cùng của năm.

    Theo công ty chuyên nghiên cứu thị trường công nghệ International Data Corp., nhu cầu về máy tính cá nhân trong quý 3 giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tốc độ giảm hàng năm đã chậm lại – một dấu hiệu cho thấy thị trường đã qua những ngày tồi tệ nhất.

    Chip nhớ, vốn được thương mại hóa nhiều hơn các loại chip khác, chứng kiến sụt giảm về giá mạnh nhất. SK Hynix, công ty đứng thứ 2 về sản xuất chip nhớ sau Samsung, cho biết nhu cầu đang phục hồi khi mảng kinh doanh chip DRAM – loại chip cho phép các thiết bị thực hiện đa nhiệm, đã ghi nhận lợi nhuận trong quý 3.

    Tuy nhiên, không nhiều lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng một sự phục hồi ngay lập tức về mức bùng nổ của năm 2020. Nhu cầu điện thoại thông minh vẫn còn yếu và căng thẳng địa chính trị vẫn tồn tại trên toàn cầu. Sự bất ổn kinh tế ở Trung Quốc có thể kìm hãm nhu cầu đối với nhiều sản phẩm, bao gồm cả điện thoại thông minh.

    Doanh số bán xe điện cũng không tăng nhanh như một số nhà sản xuất chip đã dự đoán. ON Semiconductor – công ty sản xuất chip cho ô tô, cơ sở hạ tầng năng lượng và cho các mục đích công nghiệp khác đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm gần 22% vào thứ Hai sau khi chỉ ra rằng nhu cầu xe điện giảm là do lãi suất cao và kinh tế bất ổn.

    Chi hàng chục tỷ USD, Mỹ thở phào khi ngành công nghiệp then chốt nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm - Ảnh 3.

    Advanced Micro Devices, đối thủ của Intel trong mảng chip, hôm thứ Ba dự báo triển vọng công ty ảm đạm trong quý 4. Dẫu vậy, nhờ thị trường máy tính cá nhân đang được cải thiện, công ty dự báo doanh thu đạt hơn 2 tỷ USD từ mảng sản xuất chip AI tiên tiến vào năm tới, giúp đẩy giá cổ phiếu của nó tăng 6% vào đầu thứ Tư.

    Handel Jones, giám đốc điều hành của International Business Strategies (IBS) cho biết: “Chúng tôi hiện đang ở mức đáy, mặc dù chưa ở giai đoạn tăng trưởng tích cực.” Hiện tại, nhu cầu về chip được sử dụng trong các máy chủ doanh nghiệp và điện toán trí tuệ nhân tạo có vẻ như đang tăng lên, IBS dự báo.

    Ông lớn công nghệ Microsoft công bố mức tăng trưởng cao hơn mong đợi trong quý 3 từ lĩnh vực kinh doanh điện toán đám mây. Đồng thời, AI dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về chip xử lý đồ họa do Nvidia và AMD sản xuất và các chip nhớ cao cấp khác.

    Một điểm sáng có thể giúp giảm sự bất ổn của thị trường chip là vào tháng 10, Mỹ cho phép TSMC, Samsung và SK Hynix tiếp tục nhập khẩu thiết bị của nước này cho các nhà máy sản xuất chip của họ ở Trung Quốc để duy trì sản xuất.

    Theo IBS, doanh thu ngành công nghiệp chip toàn cầu dự kiến sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, nhờ sự tăng trưởng của các công nghệ thế hệ tiếp theo, như AI và lái xe tự động.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ