Chỉ quan tâm đến cấu hình - tâm lý điển hình dành cho Android sẽ ngăn cản thành công của BPhone 2017?

    Liam,  

    Với gần như toàn bộ người dùng Android thì giá trị của một chiếc điện thoại nằm ở cấu hình. Vì lý do này, mức giá cùng những giá trị BPhone 2 mang lại chắc chắn sẽ gây tranh cãi.

    Theo quan sát của chúng tôi, phản hồi từ người dùng Android nói chung với một chiếc điện thoại thường đều gói gọn trong cấu hình. Chip gì, RAM bao nhiêu, độ phân giải ra sao là những thứ đầu tiên một tín đồ của Google để ý tới khi đánh giá về điện thoại.

    Tâm lý này nổi trội cả ở Việt Nam. Rất nhiều độc giả trên các trang tin hi-tech của Việt Nam đã bày tỏ quan điểm rằng ở mức giá gần 10 triệu đồng, việc BKAV chỉ sử dụng một con chip Snapdragon 625 là khó chấp nhận. Đây là con chip đã ra mắt từ năm ngoái trước khi bị thay thế bởi Snapdragon 660, Snapdragon 635 và Snapdragon 630.

    Trong buổi lễ giới thiệu, CEO Nguyễn Tử Quảng cũng khẳng định với các nhu cầu "bình thường" thì sự khác biệt giữa Snapdragon 625 và Snapdragon 835 (trên BPhone 2017 Gold) là không nhiều. BKAV cũng đã có một màn demo game Galaxy On Fire 2 rất mượt mà.

    Nhưng điều đó vẫn khó có thể giúp BPhone 2 chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Việt. Chúng ta đã quá quen với cách đánh giá điện thoại bằng cấu hình. Sự trỗi dậy của các hãng Trung Quốc như Xiaomi, OnePlus hay những phản hồi thiếu tích cực dành cho LG, HTC (những hãng đã bỏ lỡ khá nhiều cuộc đua cấu hình trong 2 năm gần đây) là minh chứng điển hình cho tâm lý đó.

    Có công bằng?

    Dĩ nhiên, suy nghĩ cá nhân là một chuyện, công bằng hay không lại là chuyện khác. Tâm lý cấu hình là một di sản không mong muốn từ thời đại ban đầu của Android, khi 1, hệ điều hành này quá chậm giật và 2, các nhà sản xuất muốn đơn giản hóa lợi thế cạnh tranh của mình vào những con số mà người dùng (tự cho là) có thể hiểu rõ.

    Đến nay, khi Android đã mềm mượt và phần đông ứng dụng đều đi theo hướng hỗ trợ tốt mọi cấu hình thì tâm lý cấu hình vẫn còn tồn tại. Gần như không một ai có thể dự đoán được chính xác nhu cầu của mình, và trên mỗi mức giá, chúng ta vẫn cứ đòi hỏi cấu hình cao cấp nhất mà mình có thể nghĩ đến, nhất là sau trào lưu "phá giá cấu hình" của các nhà sản xuất Trung Quốc.

    Theo cá nhân người viết, đó là một cái nhìn không công bằng và không hợp lý. Trong quá nhiều năm, chúng ta đã để những con số quyết định đánh giá của mình mà không để ý tới các yếu tố thực sự giá trị như sự trau chuốt về chất lượng sản phẩm hay quan trọng hơn là sự sáng tạo về tính năng.

    Vậy nên câu hỏi quan trọng hơn với những người thực sự yêu công nghệ sẽ là, liệu BPhone có thực sự sở hữu được những thế mạnh đó để gạt đi trở ngại về cấu hình?

    Câu trả lời sẽ có khi chúng ta thực sự cầm sản phẩm này lên tay và đánh giá với những yêu cầu thực tế nhất của mình. Đến khi đó, những tuyên bố "camera AI phone", "âm thanh cao cấp" hay những lo ngại về cấu hình của BPhone 2 đều sẽ nhường chỗ cho những cảm xúc thật, trải nghiệm thật của chính chúng ta.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày