Chi tiết bài phỏng vấn Jeff Bezos kể về việc biết chắc Amazon sẽ thành công chỉ sau 30 ngày khởi nghiệp
Jeff Bezos nói rằng "tôi biết Amazon sẽ thành công trong 30 ngày đầu tiên. Tôi đã rất sốc về số lượng sách được bán ra".
Trong bài phỏng vấn mới đây với tờ BI, phóng viên Mathias Dopfner đã trò chuyện cùng Jeff Bezos - người đàn ông giàu có nhất thế giới về những ngày đầu ông tạo ra Amazon và câu chuyện thú vị xung quanh đó.
Dưới đây là bản lược dịch bài phỏng vấn này:
PV: Jeff, chào mừng ông tới Berlin. Khi ngồi hàng ghế đầu vài phút trước để chờ đợi trao giải thưởng, ông đã nhìn vào tôi và nói: "Mathias, anh lo lắng phải không?" Tôi trả lời: "Vâng, tôi luôn lo lắng trong những dịp như thế này". Và rồi ông nói: "Tôi cũng vậy". Ông biết không, lúc ấy tôi đã hết sức ngạc nhiên và tự hỏi người đàn ông giàu nhất thế giới cũng lo lắng sao…
Jeff, ông từng làm việc tại New York ở vị trí nhân viên ngân hàng đầu tư phải không. Nhìn sơ qua thì một nhân viên ngân hàng đầu tư có vẻ hoàn toàn đối lập với một doanh nhân. Bản thân họ không tự dám chấp nhận rủi ro mà chỉ là lợi dụng rủi ro mà người khác chấp nhận thôi. Vậy lúc mở công ty, tại sao ông nghĩ mình sẽ trở thành một doanh nhân?
Bezos: Tôi chỉ nghĩ là mình luôn muốn làm điều đó, ngay từ khi còn nhỏ cơ. Hơn nữa tôi lại có khá nhiều ý tưởng. Tôi là kiểu người bất kỳ khi nào nhìn thấy một thứ gì đó cũng nghĩ rằng chúng có thể được cải tiến tốt hơn – tôi luôn nghĩ có điều gì đó vẫn còn chưa ổn với chúng. Và rồi tôi đi đến việc nghĩ ra cách giải quyết chúng, giống như kiểu: Làm sao để nhà hàng này trở nên tốt hơn? Vì vậy lúc nào tôi cũng đầy ắp những ý tưởng khởi nghiệp.
Bản thân tôi luôn nghĩ bản tính tốt nhất của con người nhìn chung chính là việc chúng ta luôn muốn cải thiện mọi thứ. Và vì vậy nếu doanh nhân và các nhà sáng kiến theo đuổi sự tò mò và đam mê của họ, họ sẽ tìm ra vài điều gì đó không đúng và họ biết cách sửa chúng. Đó chính là điểm cần khai thác.
Tuy nhiên, theo tôi, bạn cần phải khai thác nguồn năng lượng đó chủ yếu từ khách hàng chứ không phải đối thủ cạnh tranh. Đôi khi tôi chứng kiến một vài công ty – kể cả các startup hay doanh nhân non trẻ khi mới khởi nghiệp họ chỉ quan tâm tới đối thủ cạnh tranh thay vì việc làm sao để khiến khách hàng hài lòng.
PV: Vậy tham vọng của ông xuất phát từ đâu và điều gì đã thúc đẩy ông thành lập công ty riêng?
Bezos: Tôi cũng chẳng biết nữa. Tôi có đam mê mãi mãi với một vài thứ nhất định và tôi vốn yêu thích máy tính ngay từ khi học lớp 4. Thật may là ở trường cấp 1 của tôi có một chiếc máy đánh chữ kết nối với máy tính lớn do một vài doanh nghiệp trong thị trấn Houston quyên góp cho trường. Bạn có thể làm rất nhiều thứ với chiếc máy này nhưng không một giáo viên nào biết dùng cả vì vậy tôi và 2 người bạn khác thường ở lại sau giờ học để tìm hiểu cách hoạt động của nó, giống như chúng tôi tự học lập trình từ sách vở vậy. Cho đến giờ, tôi vẫn xem đây là điều may mắn nhất xuất hiện trong tuổi thơ của tôi.
PV: Vợ của ông đóng vai trò thế nào trong quá trình thành lập nên Amazon?
Bezos: McKenzie, anh biết đấy, cô ấy đã cưới một gã làm ở văn phòng phố Wall nhưng 1 năm sau khi cưới, tôi ngồi với cô ấy và nói rằng tôi muốn bỏ việc, đi khắp nơi trên cả nước và khởi nghiệp một cửa hàng sách internet. Rồi McKenzie, dĩ nhiên, giống như hầu hết những người mà tôi đặt vấn đề, câu hỏi đầu tiên của cô ấy là: Internet là gì? Không ai biết cả, thời điểm đó là năm 1994.
Nhưng ngay cả trước khi cô ấy nói "Internet là gì" thì cô ấy đã nói với tôi rằng: "Tuyệt, anh cứ làm đi". Cô ấy muốn ủng hộ việc này, cô ấy biết rằng tôi luôn có đam mê sáng tạo và lập công ty riêng. Ngoài Mckenzie, bố mẹ tôi cũng rất ủng hộ việc này. Và khi bạn có được tình yêu, sự ủng hộ của những người thân trong cuộc sống, bạn có thể chấp nhận mọi rủi ro.
Tôi cho rằng tình yêu vô điều kiện của người thân có thể giúp bạn chấp nhận mọi rủi ro trong cuộc sống chứ không chỉ riêng việc mở doanh nghiệp. Cuộc sống đầy rẫy những rủi ro khác nhau. Và tôi nghĩ rằng tầm 80 tuổi, khi nghĩ về những điều tiếc nuối, chúng ta luôn tiếc những thứ mình không làm chứ rất ít người tiếc những thứ mình đã làm mà thất bại.
Đối với riêng tôi, thật may mắn là có quá nhiều người cho tôi những tình yêu vô điều kiện và MacKenzie là một trong số đó. Vì vậy, chúng tôi bắt tay vào khởi nghiệp ngay lập tức. Khi ấy McKenzie - người vốn chẳng có kỹ năng gì trong lĩnh vực này đã phải làm kế toán cho công ty của chúng tôi trong suốt 1 năm đầu tiên.
PV: Có phải vì vợ ông là một tiểu thuyết gia nên ông muốn tập trung vào mảng sách không?
Bezos: Không. Chính tôi chọn sách. Cả tôi và cô ấy đều thích đọc sách. Nhưng đó không phải lý do tôi chọn sách để khởi nghiệp. Tôi chọn sách bởi có vô kể các loại khác nhau trong mảng sách so với những mảng khác. Và vì vậy tôi có thể xây dựng một kho lựa chọn vô kể cho khách hàng.
Thời điểm năm 1994, tôi nhẩm tính có 3 triệu cuốn sách khác nhau. Thế mà cửa hàng sách vật lý lớn nhất cũng chỉ có tầm 150.000 đầu sách. Vì vậy tôi có thể thấy được viễn cảnh cửa hàng sách trực tuyến của mình chứa đựng vô vàn lựa chọn khác nhau. Kể cả sách đã xuất bản hoặc không, chúng tôi đều sẽ có bản gốc. Đó là lý do tôi chọn sách.
PV: Chính xác thì khi nào ông biết Amazon sẽ thành công?
Bezos: Tôi biết công ty sách của mình sẽ thành công trong 30 ngày đầu tiên. Tôi đã rất sốc về số lượng sách được bán ra. Chúng tôi chuẩn bị không kịp nữa. Cả công ty khi ấy chỉ có 10 người và hầu hết họ đều là kỹ sư. Vì thế tất cả mọi người, kể cả tôi và các kỹ sư đều phải tự mình đóng gói hàng. Chúng tôi thậm chí không có bàn đóng gói. Chúng tôi phải quỳ xuống sàn bê tông để làm. Thế rồi sau đó tôi đã mua một chiếc bàn để chuyên đóng gói đồ. Và nó giúp tăng gấp đôi năng suất làm việc.
Hiện tại Amazon có 566.000 lao động trên toàn thế giới và Jeff Bezos được xem là người kiến tạo ra nhiều việc làm nhất tính tới thời điểm này. Ông đang nắm trong tay khối tài sản trị giá 134 tỷ USD - là người giàu nhất hành tinh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI